Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phẫu thuật hạ gò má có đau không?

Ngày 28/08/2022
Kích thước chữ

Ở Việt Nam, những người có gò má cao được coi là không đẹp, mất vẻ đẹp nữ tính và không hợp phong thủy. Điều này khiến một số chị em phụ nữ cảm thấy tự ti và tìm đến các phương pháp phẫu thuật hạ gò má.

Để có khuôn mặt nữ tính và hài hòa hơn, các bạn có thể tìm hiểu về phẫu thuật hạ gò má qua bài viết dưới đây của Nhà Thuốc Long Châu nhé.

Phẫu thuật hạ gò má là gì?

Hạ gò má là phẫu thuật tác động trực tiếp đến xương, giúp hạ thấp gò má xuống từ 0,5 – 2cm. Phương pháp này làm gương mặt trở nên nữ tính, cân đối và hài hoà hơn. Để thực hiện, bác sĩ sẽ rạch một đường mổ trong khoang miệng kết hợp với đường rạch khoảng 1cm bên ngoài tại vùng tóc mai, trước tai nhằm giấu sẹo. Tiếp đến, bác sĩ bóc tách phần mềm, tạo ra khoảng trống để hạ thấp cả gò má trong và gò má ngoài.

Những trường hợp được khuyên nên phẫu thuật là:

  • Xương gò má quá phát triển làm lệch mặt.
  • Xương gò má bị biến dạng.
  • Can sai xương gò má.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được phẫu thuật hạ xương gò má. Những trường hợp tình trạng toàn thân và tại chỗ không thể phẫu thuật hoặc người bệnh đang trong độ tuổi phát triển thì không nên can thiệp.

Phẫu thuật hạ gò má có đau không? 1 Phẫu thuật hạ gò má giúp gương mặt hài hòa và nữ tính hơn

Quá trình phẫu thuật hạ gò má diễn ra như thế nào?

Trước khi phẫu thuật

  • Trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám để đánh giá tình trạng khuôn mặt bệnh nhân và tình trạng sức khỏe. Tiếp đến, bệnh nhân sẽ chụp phim khuôn mặt dưới các góc chụp khác nhau. Đó có thể là chụp phim X - quang xương sọ - hàm mặt hoặc CT hàm mặt.
  • Sau đó, dựa vào kết quả phim CT và X - quang xương hàm mặt kết hợp với thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về tình trạng khuôn mặt, tư vấn cách thức phẫu thuật để đạt được kết quả tốt nhất.
  • Ngoài ra, để chuẩn bị cho phẫu thuật, bệnh nhân còn phải thực hiện các xét nghiệm nhằm đảm bảo sự an toàn cho ca mổ.
Phẫu thuật hạ gò má có đau không? 2 Trước khi phẫu thuật người bệnh sẽ được thăm khám và làm các xét nghiệm

Giai đoạn phẫu thuật

Hiện nay có rất nhiều kĩ thuật hạ gò má khác nhau, tuy nhiên việc kết hợp đường mổ trong miệng và đường rạch chân tóc mai thường được sử dụng vì hạn chế để lại sẹo mổ và mang lại kết quả tốt nhất.

  • Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được sát trùng tại vị trí mổ. Tiếp đến bác sĩ sẽ  một rạch đường trong miệng đồng thời bộc lộ một cách cẩn thận một phần xương gò má và phần trước cung tiếp. Khi thực hiện cần tránh không làm tổn thương dây thần kinh dưới ổ mắt.
  • Theo kết quả đo đạc từ trước phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng máy cắt xương chuyên dụng để lấy ra một mảnh xương gò má nhỏ. Sau đó, xương gò má - cung tiếp sẽ được đưa về vị trí mới.
  • Các đoạn xương mới sẽ được cố định bằng nẹp vít hàm mặt.
  • Sau khi nẹp xong, vết mổ được đóng lại bằng chỉ khâu.
  • Cuối cùng, các bác sĩ băng ép định hình khuôn mặt bệnh nhân.

Phẫu thuật hạ gò má có đau không?

Phẫu thuật hạ gò má dựa trên cơ chế bóc tách da, gọt xương và điều chỉnh lại các cơ vùng gò má. Do can thiệp dao kéo nên sau khi thực hiện, khách hàng thường bị sưng đau và bầm tím mặt.

Trung bình, thời gian sưng tím kéo dài từ 7 – 10 ngày. Bạn sẽ cảm thấy đau nhất trong 2 ngày đầu và giảm dần trong các ngày tiếp theo. Khuôn mặt của bạn sẽ định hình sau 1 tháng và hồi phục hoàn toàn sau 2 tháng.

  • Hai ngày đầu: Hai má có hiện tượng phù nề, mặt biến dạng, hai mắt híp lại và da tái nhợt. Khách hàng phải đeo nẹp để cố định hàm mặt.
  • Sau 1 – 2 tuần: Vết mổ bắt đầu khô, tuy nhiên mặt vẫn còn sưng nhưng đã giảm bớt. Người bệnh có các cơn đau âm ỉ kéo dài từ má đến quai hàm và lên vùng đầu. Bạn có thể cảm thấy ù tai, sốt nhẹ và hoa mắt khi vận động.
  • Từ 3 – 7 tuần: Vết thương liền hoàn toàn và bong vảy. Vùng má lúc này hết sưng nhưng sờ vẫn cảm thấy hơi đau. Khoảng cách giữa mắt – má – cằm cân đối và thon gọn hơn.
  • Sau 2 tháng phẫu thuật: Gương mặt đã bình phục, da và cơ mặt không còn căng cứng, phần xương hõm đã nhô lên. Tuy nhiên bạn vẫn nên bảo vệ mặt bằng cách đeo khẩu trang và tránh các va đập.

Nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật

Phẫu thuật hạ gò má là kĩ thuật ngoại khoa an toàn. Tuy nhiên, nó cũng có tỷ lệ nhỏ xảy ra các biến chứng. Do vậy, việc lựa chọn bác sĩ phẫu thuật, cơ sở y tế uy tín rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh.

  • Tê bì vùng má: Điều này thường do tổn thương thần kinh dưới ổ mắt. Tuy nhiên nó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bệnh nhân sẽ hồi phục sau đó vài tuần hoặc vài tháng.
  • Chảy xệ phần mềm: Nguyên nhân thường là do mô vùng xương gò má bị bóc tách, nhất là phần bám dính của cơ cắn và các cơ vùng mặt. Vì vậy việc đeo băng ép mặt trong 1 tháng liên tục rất quan trọng, nhằm hạn chế vấn đề này. Đồng thời, các bệnh nhân trên 40 tuổi đã bị chảy xệ mặt hoặc các mô mềm có thể kết hợp với các phẫu thuật căng da mặt, cấy chỉ.
  • Cứng hàm: Cơ thái dương bị chèn ép khi di chuyển cung gò má vào sâu bên trong có thể gây cứng hàm. Tình trạng này sẽ nhanh khỏi nếu bạn thường xuyên tập các tập há miệng.
  • Hai má không cân đối: Tình trạng hai má không cân đối thường xuất hiện từ trước phẫu thuật và không thể khắc phục hoàn toàn.
  • Gò má vẫn cao: Một số trường hợp sau khi thu gọn gò má vẫn cao. Điều này gây ra bởi kỹ thuật giảm thân xương chưa đủ sâu hoặc dịch chuyển vị trí nhô cao nhất gò má chưa thích hợp.
  • Xương không liền: Nguyên nhân làm xương không liền có thể do quá trình phẫu thuật cắt đi quá nhiều xương, cố định không chắc chắn, lực kéo của cơ hoặc chấn thương trong giai đoạn đầu hậu phẫu.
Phẫu thuật hạ gò má có đau không? 3 Sau phẫu thuật hạ gò má có thể xảy ra hiện tượng cứng hàm

Chăm sóc sức khỏe hậu phẫu thuật hạ gò má

Thường bệnh nhân chỉ cần ở lại bệnh viện trong ngày đầu tiên để các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe sau mổ. Khi xuất viện, bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc và hướng dẫn chi tiết cách tự theo dõi, chăm sóc tại nhà. Sau khoảng 1 tuần, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Mọi người tuyệt đối không tự ý dùng thuốc giảm đau, phải tuân thủ nghiêm ngặt theo liều của bác sĩ. Khi có dấu hiệu buồn nôn, đau mặt dữ dội hoặc tụt huyết áp, nên đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Do phẫu thuật liên quan trực tiếp đến bộ nhai nên việc ăn uống cần cẩn thận. Nếu ăn uống sai cách, vận động cơ hàm quá mức dễ khiến gò má xô lệch, phù nề, thậm chí biến dạng. Trong 2 ngày đầu cần được truyền dịch dinh dưỡng vì má và miệng đeo băng gạc cố định. Một tuần tiếp theo chỉ nên ăn cháo loãng, súp và sữa tươi. Khi miệng đã bớt đau, bạn có thể ăn các thực phẩm mềm khác như cơm, bánh mì…Tuyệt đối không uống rượu bia và hút thuốc lá. Bên cạnh đó làm việc và nghỉ ngơi điều độ để cơ thể được hồi phục tốt nhất.

Phẫu thuật hạ gò má có đau không? 4 Nên ăn cháo và thực phẩm mềm trong giai đoạn đầu hậu phẫu

Phẫu thuật hạ gò má là phương pháp khó, đòi hỏi tính chuyên môn cao, do vậy mọi người nên tìm đến các cơ sở an toàn và uy tín. Hy vọng các bạn luôn vui vẻ, xinh đẹp và đừng quên đừng quên theo dõi các bài viết khác của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhập thêm kiến thức nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin