Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Phối hợp thuốc huyết áp: Nguyên tắc, cách phối hợp và một số lưu ý

Ngày 05/07/2024
Kích thước chữ

Tăng huyết áp là một căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe khôn lường nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc những thông tin cơ bản xoay quanh việc phối hợp thuốc huyết áp.

Để nâng cao hiệu quả điều trị tăng huyết áp, nhiều bác sĩ lựa chọn chỉ định phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau một cách phù hợp. Vậy nguyên tắc phối hợp thuốc huyết áp là gì? Cách phối hợp thuốc huyết áp ra sao? Cần lưu ý những gì khi phối hợp thuốc huyết áp? Theo dõi ngay bài viết dưới đây để giải đáp các thắc mắc nêu trên bạn nhé.

Tầm quan trọng của việc phối hợp thuốc trong điều trị tăng huyết áp

Như các bạn đã biết, tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng sức khoẻ nguy hiểm. Nếu đã thay đổi lối sống và chế độ ăn uống mà vẫn không mang lại hiệu quả cải thiện bệnh thì việc điều trị với thuốc là điều vô cùng cần thiết.

Các chuyên gia cho biết, khi dùng đơn lẻ một thuốc huyết áp, nhiều trường hợp thường khó duy trì được mức huyết áp mục tiêu. Do vậy, áp dụng chiến lược phối hợp thuốc huyết áp trong điều trị tăng huyết áp ngày càng trở nên thông dụng. Việc làm này không chỉ giúp trị số huyết áp duy trì ở mức mong muốn mà còn giúp bảo vệ mạch máu não, tim và thận.

Một số lý do khiến người bệnh cần phải phối hợp thuốc huyết áp có thể kể đến như:

  • Đơn trị liệu là điều trị tiêu chuẩn ban đầu được lựa chọn nhằm kiểm soát huyết áp ở đa số các trường hợp tăng huyết áp. Tuy nhiên, việc dùng đơn trị liệu lại không mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp trong 40 - 60% trên tổng các ca bệnh và có hơn 60% trường hợp cần phải sử dụng từ 2 thuốc huyết áp trở lên thì mới kiểm soát được huyết áp. Chính vì thế, nếu sau khoảng 3 - 4 tuần điều trị, huyết áp không về được mức mong muốn, bác sĩ có thể cân nhắc tăng liều dùng hoặc phối hợp thuốc trong điều trị.
  • Đối với những trường hợp tăng huyết áp độ I có tổn thương cơ quan đích, tăng huyết áp độ II và độ III, bác sĩ sẽ chỉ định phối hợp thuốc điều trị tăng huyết áp từ đầu.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, so với việc tăng liều dùng của thuốc thì việc phối hợp thuốc huyết áp giúp mang lại hiệu quả cao hơn đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Theo thống kê, việc phối hợp thuốc huyết áp giúp giảm huyết áp nhiều hơn xấp xỉ 5 lần so với việc tăng liều dùng của 1 thuốc lên gấp đôi.

Ngoài ra, lợi ích của việc phối hợp thuốc huyết áp là giúp tăng hiệu quả hạ áp, giảm các tác dụng phụ của thuốc, có thể cải thiện độ dung nạp của bệnh nhân đồng thời giảm biến cố tim mạch hay tử vong do biến cố đó.

Phối hợp thuốc huyết áp: Nguyên tắc, cách phối hợp và một số lưu ý 1
Phối hợp thuốc huyết áp là giải pháp hữu hiệu trong điều trị tăng huyết áp

Nguyên tắc phối hợp thuốc huyết áp

Hiện nay, có không ít các nhóm thuốc khác nhau được các bác sĩ lựa chọn để điều trị bệnh tăng huyết áp. Nhìn chung, các loại thuốc này đều an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, việc phối hợp thuốc huyết áp cần tuân theo các nguyên tắc nhất định để nâng cao hiệu quả điều trị cũng như đảm bảo an toàn cho người bệnh khi sử dụng thuốc.

Theo các chuyên gia, việc phối hợp thuốc huyết áp chỉ mang lại hiệu quả cao khi được đảm bảo theo nguyên tắc sau đây:

  • Trước khi điều trị, bác sĩ cần đánh giá những nguy cơ tổng quát của người bệnh nhằm xác định người bệnh thuộc nhóm nguy cơ nào (thấp, vừa, cao, rất cao…) từ đó lựa chọn và đưa ra hướng phối hợp thuốc phù hợp.
  • Đảm bảo việc sử dụng các loại thuốc không gây ra tình trạng huyết áp hạ quá nhanh.
  • Điều trị thuốc hạ huyết áp là cả một quá trình lâu dài và khi đã đạt được mục đích điều trị thì cần sử dụng liều duy trì thích hợp.
  • Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị đồng thời kết hợp với các biện pháp không dùng thuốc.
  • Sự phối hợp thuốc huyết áp cần dựa trên cơ chế tác dụng sinh lý bệnh. Các thuốc huyết áp thường tác dụng thông qua 3 cơ chế đó là giảm thể tích tuần hoàn máu, giảm nhịp tim, giảm kháng lực của mạch, giãn cơ trơn và giãn mạch trực tiếp. Việc phối hợp cần được thực hiện giữa các loại thuốc có cơ chế khác nhau để có tác dụng cộng hưởng hoặc ít nhất không ảnh hưởng đến tác dụng của nhau.
  • Việc phối hợp thuốc phải không gây ảnh hưởng xấu đến cơ quan đích cũng như các yếu tố nguy cơ khác mà nó có tác dụng hạ áp.
  • Phối hợp thuốc cần tăng dần từng loại thuốc, không phối hợp cả 3 thuốc cùng lúc.
Phối hợp thuốc huyết áp: Nguyên tắc, cách phối hợp và một số lưu ý 2
Phối hợp thuốc huyết áp cần tuân theo những nguyên tắc nào?

Cách phối hợp thuốc huyết áp

Các loại thuốc huyết áp khi được phối hợp với nhau đều đã được nghiên cứu, đánh giá cũng như theo dõi các nguy cơ bệnh trên thực tế.

Phối hợp 2 thuốc

Đối với những trường hợp cần phải sử dụng phối hợp 2 thuốc ngay từ đầu thì thuốc đầu tiên được lựa chọn đó là thuốc ức chế men chuyển (ACEI)/ thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin(ARB) kết hợp với thuốc chẹn kênh calcium.

Đối với những trường hợp bệnh nhân đã dùng phối hợp ACEI/ARB với thuốc lợi tiểu không mang lại hiệu quả, người bệnh nên dừng sử dụng thuốc lợi tiểu và thay vào đó là sử dụng thuốc chẹn kênh calcium.

Phối hợp 3 thuốc

Những trường hợp có thể được chỉ định dùng phối hợp 3 thuốc trở lên bao gồm tăng huyết áp có kèm theo bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn hoặc tăng huyết áp lâu năm.

Khi người bệnh sử dụng phối hợp 2 thuốc huyết áp mà không mang lại hiệu quả thì bác sĩ có thể cân nhắc đến các cách giải quyết như tăng dần liều dùng của 1 trong 2 loại thuốc đang sử dụng, thay thế 1 trong 2 loại thuốc đang sử dụng bằng thuốc khác, sử dụng phối hợp thêm 1 thuốc thứ 3.

Phối hợp 3 thuốc chủ yếu là các thuốc trong 5 nhóm sau: Ức chế men chuyển, ức chế thụ thể Angiotensin, chẹn kênh calcium, chẹn beta giao cảm và lợi tiểu thiazid.

Phối hợp 4 thuốc

Nếu 3 thuốc huyết áp đã điều chỉnh liều tăng dần các thuốc và thay thế thuốc nhưng không hiệu quả, người bệnh đã tầm soát kỹ các nguyên nhân có thể dẫn đến tăng huyết áp thì thuốc thứ 4 có thể là:

  • Thuốc lợi tiểu kháng aldosterone.
  • Thuốc chẹn kênh calcium nếu đang dùng thuốc lợi tiểu, thuốc ACEIs/ARB và thuốc chẹn kênh beta. Thuốc chẹn kênh beta nếu đang dùng thuốc lợi tiểu, thuốc ACEIs/ARB và thuốc chẹn kênh calcium.
  • Trong trường hợp không thể kết hợp được các thuốc nêu trên thì có thể cân nhắc sử dụng một số loại thuốc khác như thuốc chẹn alpha, thuốc giãn mạch trực tiếp…
Phối hợp thuốc huyết áp: Nguyên tắc, cách phối hợp và một số lưu ý 3
Cách phối hợp thuốc huyết áp như thế nào?

Lưu ý khi phối hợp thuốc huyết áp

Dưới đây là một số lưu ý khi phối hợp thuốc huyết áp, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định từ phía bác sĩ. Tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều dùng và thời gian sử dụng. Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh thuốc cũng như liều dùng thuốc.
  • Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tiến hành thăm khám và đánh giá định kỳ để phát hiện sớm các bất thường trên cơ thể do thuốc gây ra nếu có. Khi huyết áp đã về mức mục tiêu, bác sĩ sẽ cân nhắc giảm dần thuốc sao cho lượng thuốc người bệnh sử dụng thấp nhất mà vẫn duy trì được độ ổn định của huyết áp.
  • Việc kết hợp sử dụng nhiều thuốc khác nhau có thể làm tăng nguy cơ hạ áp tư thế. Lúc này, bạn cần chú ý thay đổi tư thế một cách chậm và tập thói quen này. Đặc biệt, người bệnh cần chú ý đến điều chỉnh lối sống cũng như chế độ ăn uống, duy trì cân nặng ở mức hợp lý để có thể kiểm soát huyết áp tốt hơn.
Phối hợp thuốc huyết áp: Nguyên tắc, cách phối hợp và một số lưu ý 4
Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc dùng phối hợp thuốc huyết áp

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề phối hợp thuốc huyết áp mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để gửi đến quý độc giả. Mong rằng với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ có cái nhìn rõ hơn về việc phối hợp thuốc huyết áp. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bản tin sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin