Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thuốc hạ huyết áp là gì? Có những nhóm thuốc hạ huyết áp phổ biến nào?

Ngày 11/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Với người bị cao huyết áp, việc dùng các loại thuốc hạ huyết áp là phương pháp điều trị bắt buộc và cần duy trì trong thời gian dài. Tuy nhiên, nếu không nắm rõ thông tin và công dụng của các loại thuốc này, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ gây nguy hiểm và cản trở mục tiêu trị bệnh hiệu quả.

Sau khi được thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc huyết áp phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe, tuổi tác và các bệnh lý kèm theo của người bệnh.

Thuốc hạ huyết áp là gì?

Thuốc hạ huyết áp là tên gọi chung của các nhóm thuốc được sử dụng để điều trị bệnh huyết áp cao. Cơ chế hoạt động của các loại thuốc này là làm hạ huyết áp đang tăng cao xuống mức cho phép an toàn. Đồng thời tìm cách ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra do bệnh huyết áp cao như: Đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

Thuốc hạ huyết áp và những thông tin cần biết
Thuốc hạ huyết áp giúp đưa chỉ số huyết áp về mức an toàn

Bệnh nhân có thể áp dụng một trong hai cấp độ trong việc sử dụng thuốc hạ huyết áp để kiểm soát bệnh:

  • Cấp độ 1 - Sử dụng một loại thuốc duy nhất trong các nhóm sau đây: Thuốc lợi tiểu thiazid ở liều thấp, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn kênh canxi tác động kéo dài, hoặc thuốc chẹn beta giao cảm (nếu không có chống chỉ định).
  • Cấp độ từ 2 trở lên - Kết hợp hai loại thuốc điều trị tăng huyết áp: Bác sĩ sẽ kết hợp hai loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác nhau để điều trị bệnh nhân. Các loại thuốc này có thể bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II, hoặc thuốc chẹn beta giao cảm, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân và chỉ định của bác sĩ.

Các nhóm thuốc hạ huyết áp phổ biến hiện nay

Thuốc lợi tiểu

Nhóm này gồm có: Hydroclorothiazid, indapamid, spironolacton, furosemid, amilorid, triamteren… với các loại thuốc thường được chỉ định như: Thuốc Spiromide 20mg/50mg Searle, Thuốc Domever 25mg Domesco, Thuốc Thiazifar 25mg Pharmedic, Thuốc Verospiron 50mg Gedeon… Cơ chế của thuốc là làm giảm sự ứ nước trong cơ thể để giảm sức cản của mạch ngoại vi đưa đến làm hạ huyết áp. Thuốc dùng đơn độc cho người cao huyết áp nhẹ hoặc phối hợp với thuốc khác nếu tình trạng cao huyết áp nặng thêm.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc lợi tiểu gồm: Mất nước, tụt huyết áp tư thế, mệt mỏi, tăng nồng độ acid uric.

Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACE)

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) là thuốc hạ huyết áp hoạt động theo cách ức chế hoạt động của ACE - loại men quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Nhóm thuốc này gồm: Captopril, benazepril, enalapril, lisinopril… và thường được chọn khi người bệnh bị kèm hen suyễn, đái tháo đường.

Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng các thuốc này gồm: Ho khan, mệt mỏi, nhức đầu, nồng độ kali huyết tăng.

Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II

Thuốc thường được dùng đầu tiên là losartan, sau đó là irbesartan, candesartan, valsartan. Nhóm thuốc này có tác dụng đưa huyết áp về trị số bình thường tương đương với các thuốc nhóm đối kháng calci, ức chế men chuyển, chẹn beta. Tác dụng phụ người dùng có thể gặp gồm: Chóng mặt hoặc tiêu chảy. Thuốc Cancetil là sản phẩm thuộc nhóm thuốc này hỗ trợ điều trị tăng huyết áp. Có thể sử dụng đơn trị hoặc dùng kết hợp với các thuốc hạ huyết áp khác.

Thuốc hạ huyết áp và những thông tin cần biết 1
Cơ chế của thuốc chẹn beta là ức chế thụ thể beta-giao cảm ở tim và mạch ngoại vi

Thuốc chẹn beta

Nằm trong top loại thuốc hạ huyết áp tốt nhất hiện nay, thuốc chẹn beta gồm có: Propranolol, pindolol, timolol, metoprolol, nadolol, atenolol… Cơ chế của thuốc là ức chế thụ thể beta-giao cảm ở tim và mạch ngoại vi, từ đó làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp. Thuốc chống chỉ định đối với người có kèm hen suyễn, nhịp tim chậm, suy tim.

Nhóm thuốc chẹn beta có thể gây một số tác dụng phụ như: Mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, rối loạn cương dương.

Thuốc chẹn kênh canxi

Gồm có nifedipin, nicardipin, amlodipin, felodipin, isradipine, verapamil, diltiazem… Cơ chế của thuốc là chặn không cho dòng ion canxi đi vào tế bào cơ trơn của các mạch máu gây giãn mạch và làm hạ huyết áp. Dùng tốt cho người bệnh có kèm đau thắt ngực, bệnh nhân cao tuổi, không gây ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: Gây phù ngoại biên, táo bón, khó thở, nổi mẩn, nhức đầu.

Trong đó, thuốc Cardilopin 5mg Egis Pharma với thành phần chính amlodipine là một trong những loại thuốc chẹn kênh canxi phổ biến thường được các bác sĩ chỉ định. Ở người bệnh tăng huyết áp, việc dùng thuốc mỗi ngày một lần giúp giảm đáng kể huyết áp cả ở tư thế nằm hay đứng trong khoảng 24 giờ.

Một số loại thuốc hạ huyết áp khác

  • Thuốc ức chế renin trực tiếp (Aliskiren) là loại thuốc được sử dụng để kiểm soát tăng huyết áp bằng cách ức chế renin một cách trực tiếp. Do đó, thuốc Aliskiren không nên kết hợp với các loại thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II trong điều trị tăng huyết áp.
  • Các loại thuốc cường adrenergic, như thuốc chủ vận alpha-2, có khả năng ức chế thụ thể alpha-1 sau synap. Mặc dù có tác dụng làm giảm áp lực máu và hạ huyết áp, nhưng chúng có thể gây buồn ngủ và gây ra trạng thái trầm cảm. Do đó, chúng ít được sử dụng rộng rãi trong điều trị tăng huyết áp.
  • Các loại thuốc chẹn thụ thể alpha-1 sau synap, ví dụ như prazosin, terazosin, và doxazosin, cũng có tác dụng làm giảm áp lực máu nhưng không còn được sử dụng phổ biến để trị cao huyết áp.
  • Thuốc giãn mạch trực tiếp như minoxidil và hydralazine tác động trực tiếp lên các mạch máu và thường được sử dụng cho các trường hợp tăng huyết áp nặng và khó kiểm soát. Hydralazine cũng có thể được sử dụng cho phụ nữ mang thai trong một số trường hợp.
Thuốc hạ huyết áp và những thông tin cần biết 2
Tác dụng của thuốc hạ huyết áp phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Thắc mắc thường gặp về thuốc hạ huyết áp

Uống thuốc hạ huyết áp bao lâu mới có tác dụng?

Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Công dụng, hàm lượng, tính chất của thuốc cũng như khả năng đáp ứng thuốc. Nếu dùng thuốc hạ huyết áp khẩn cấp qua đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch thì huyết áp sẽ hạ về mức an toàn sau vài phút hoặc một giờ. Còn với các loại thuốc uống thì thường sau vài giờ thuốc mới phát huy tác dụng. Đặc biệt, nếu khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh kém thì cần thời gian lâu hơn.

Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc hạ huyết áp?

Khi sử dụng thuốc hạ huyết áp cần lưu ý:

  • Chỉ uống thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng hoặc tăng giảm liều dùng.
  • Không đột ngột ngừng dùng thuốc dù huyết áp đã ở mức bình thường.
  • Uống thuốc đúng giờ, đúng liều.
  • Không sử dụng rượu bia, chất kích thích trong thời gian sử dụng thuốc hạ huyết áp.
  • Bảo quản thuốc đúng theo hướng dẫn.
  • Thông báo ngay với bác sĩ nếu gặp các triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc hạ huyết áp để được xử trí kịp thời.
Thuốc hạ huyết áp và những thông tin cần biết 3
Chú ý uống thuốc hạ huyết áp theo chỉ dẫn của bác sĩ

Xử trí thế nào khi uống thuốc hạ huyết áp quá liều?

Người uống thuốc hạ huyết áp quá liều nếu được phát hiện sớm chỉ cần theo dõi huyết áp và uống thật nhiều nước để đào thải thuốc ra ngoài. Tuy nhiên, nếu uống phải thuốc huyết áp liều cao dẫn đến tụt huyết áp thì người bệnh phải được can thiệp y tế bằng cách dùng chất đối kháng, truyền dịch tích cực qua đường tĩnh mạch hoặc lọc máu đào thải lượng thuốc dư.

Bất kỳ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ và thuốc hạ huyết áp cũng vậy. Do đó, người bệnh cần nắm rõ những thông tin quan trọng về các loại thuốc này trước khi dùng để nâng cao hiệu quả điều trị. Đồng thời, chú ý tự theo dõi huyết áp tại nhà, kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường tập luyện thể thao để duy trì huyết áp ổn định lâu dài.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm