Mùa mưa lũ là thời điểm các loại virus như Rotavirus dễ dàng lây lan, gây ra các bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Mưa, lũ lụt có thể khiến các loại vi sinh vật từ đất, rác, chất thải,... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ truyền nhiễm nhiều loại virus, trong đó có Rotavirus. Để hiểu hơn về cách phòng chống virus như Rotavirus trong mùa mưa lũ, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của chúng tôi.
Những trận lũ không chỉ cuốn trôi nhà cửa, tài sản mà còn có nguy cơ để lại hệ lụy lâu dài về sức khỏe cộng đồng. Nước lũ rút đi, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải, xác động vật và vô số vi sinh vật gây bệnh. Đây là điều kiện lý tưởng cho các mầm bệnh sôi phát triển mạnh mẽ. Hệ quả là những dịch bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, thậm chí các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tả, lỵ, viêm gan có nguy cơ bùng phát. Tiêu chảy do Rotavirus là một trong những bệnh thường gặp trong và sau mùa mưa lũ.
Triệu chứng nhận biết bệnh tiêu chảy do Rotavirus
Triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi trẻ mắc tiêu chảy do Rotavirus chính là nôn mửa, thường xuất hiện trong khoảng 6 đến 24 giờ trước khi xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Tình trạng nôn mửa sẽ giảm dần khi tiêu chảy đã xuất hiện. Phân của trẻ sẽ có đặc điểm lỏng, nhiều nước, có màu xanh và chứa nhầy nhớt. Trẻ sơ sinh thường đi ngoài phân lỏng khoảng 20 lần 1 ngày và trẻ từ 1 đến 5 tuổi thường đi trên 10 lần 1 ngày.
Khi bị tiêu chảy, cơ thể trẻ bị mất nước nên sẽ xuất hiện một số dấu hiệu như khát nước, môi, lưỡi và da khô. Mất nước là tình trạng khá nguy hiểm và thậm chí là có thể gây tử vong nếu trẻ không được bù lượng nước đã mất do đi ngoài kịp thời. Bố mẹ cần thực hiện bù nước cho trẻ bằng cách bổ sung nước khoáng hoặc nước có thành phần muối dành cho trẻ bị tiêu chảy như Oresol. Ngoài các triệu chứng kể trên, trẻ mắc tiêu chảy Rota còn có một số biểu hiện như quấy khóc, ăn uống kém, khó chịu, mệt mỏi, lã người,... có thể kèm theo dấu hiệu xuất hiện sau tiêu chảy như ho, sổ mũi, sốt cao,...
Một số bệnh dễ mắc trong mùa mưa lũ
Có rất nhiều dịch bệnh khác có thể phát triển trong mùa mưa lũ, một số bệnh có thể kể đến như:
Bệnh đường tiêu hóa
Không chỉ tiêu chảy do Rotavirus, một số tác nhân khác cũng có thể gây tiêu chảy và các bệnh ở đường tiêu hóa như tả, lỵ, nhiễm khuẩn, ngộ độc thức ăn do các loại vi khuẩn như Campylobacter, E.coli,... Các bệnh này sẽ có các triệu chứng cơ bản như đau bụng, tiêu chảy cấp, mót rặn.
Vi khuẩn tả Vibrio cholera là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp, điển hình hay gặp sau mùa mưa, lũ và có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả Vibrio cholera thì tác nhân gây tiêu chảy do vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn E.coli, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác cũng có thể gây bệnh tiêu chảy ở vùng bị bão, lũ lụt liên quan đến vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và nước dùng trong sinh hoạt, ăn, uống,... Ngoài ra, tình trạng nhiễm giun sán cũng có cơ hội lây truyền nhanh hơn trong thời gian này.
Sốt xuất huyết
Mưa lũ khiến môi trường ẩm thấp, nước đọng, ô nhiễm,... đây đều là các điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển và lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh cũng phát triển mạnh sau mưa lũ, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm như sốt do virus thường, sốt rét, viêm não Nhật Bản,... Những căn bệnh này có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa bằng cách diệt muỗi, bọ gậy, giữ gìn vệ sinh môi trường sống là vô cùng cần thiết để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Bệnh viêm gan A và E
Virus viêm gan A và E có thể lây lan khi ăn phải các thực phẩm bị nhiễm độc. Tình trạng này rất dễ xảy ra trong mùa mưa lũ, khi mà nước lũ, rác, nước thải tràn về có chứa các vi sinh vật gây bệnh, nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt. Virus bám vào thực phẩm, nước uống và gây bệnh ở người. Một điều khá may mắn là 2 loại virus viêm gan này có khả năng tồn tại ngoài môi trường khá kém, chỉ cần đun sôi khoảng 2 đến 4 phút là tiêu diệt được chúng. Chính vì thế nên việc ăn chín, uống sôi là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh.
Bệnh cảm cúm và hô hấp
Các bệnh về đường hô hấp như cúm, cảm lạnh rất dễ mắc phải trong thời tiết ẩm thấp và mưa nhiều. Trong một số trường hợp, cúm và cảm lạnh có thể dẫn đến viêm họng, viêm tai, viêm xoang, viêm phổi,... Các bệnh về đường hô hấp thường dễ lây nhiễm, đặc biệt gây khó khăn trong việc điều trị trong điều kiện mưa, bão, lũ lụt.
Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ dễ mắc và bùng phát dịch ở những nơi điều kiện nước sạch, vệ sinh không đảm bảo. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm, virus dễ phát triển, khiến cho số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao trong thời gian này.
Bệnh về da
Điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm, chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, không thể không kể đến các vi khuẩn gây bệnh về da. Một số bệnh ngoài da có thể gặp trong mùa mưa lũ như mẩn ngứa, nấm móng, nấm kẽ chân, viêm nang lông, viêm da, ghẻ, nước ăn chân do nấm kí sinh gây ra,...
Cách dự phòng Rotavirus và các bệnh khác trong mùa mưa lũ
Để dự phòng Rotavirus nói riêng và các bệnh khác trong mùa mưa lũ nói chung, bạn cần đảm bảo thực hiện một số biện pháp sau:
Thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Vệ sinh mũi, mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
Đảm bảo ăn chín uống sôi, hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm kém vệ sinh.
Trong môi trường ngập lụt, nên đi ủng để ngăn ngừa nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh.
Thực hiện thay, rửa bể chứa nước, giếng nước, các dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như viên Aquatabs, Cloramin B, hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
Thực hiện nguyên tắc: Nước rút đến đâu, làm vệ sinh môi trường đến đó. Tổ chức xử lý, thu gom, chôn xác động vật.
Thực hiện phun hóa chất diệt các loại côn trùng gây bệnh ở các vùng có nguy cơ.
Tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài tay, xịt chống muỗi để dự phòng nguy cơ sốt xuất huyết, sốt rét.
Ngoài ra, một biện pháp dự phòng bệnh hiệu quả hiện nay đó là tiêm vắc xin phòng các bệnh về đường ruột như (vắc xin phòng tả, thương hàn, Rota virus,... Theo thống kê thì vắc xin phòng Rotavirus đã giảm hơn 84% số trẻ mắc bệnh chuyển biến nặng và giảm đến 85% tỉ lệ tử vong.
Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẽ đến bạn về phòng chống virus như Rotavirus trong mùa mưa lũ. Trong điều kiện mưa lũ rất dễ để các loại virus, vi khuẩn lây lan các bệnh nguy hiểm, việc chủ động phòng ngừa là rất quan trọng để tránh những biến chứng nghiêm trọng và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.