Dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không? Biện pháp phòng ngừa dịch
Ngày 28/12/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh dịch có khả năng lây lan nhanh. Căn bệnh này không chỉ là mối lo ngại cho người chăn nuôi mà còn là mối đe dọa với người tiêu dùng. Vậy dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không?
Dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không vẫn luôn là nỗi băn khoăn của không ít độc giả. Hiểu được tâm lý đó, ở bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về dịch bệnh này. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến bệnh dịch tả lợn châu Phi thì đừng bỏ qua bài viết này bạn nhé.
Dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không?
Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất nguy hiểm đối với lợn, được gây ra bởi virus tả lợn châu Phi. Bệnh này có khả năng lây lan nhanh chóng và gây chết hàng loạt ở lợn với các triệu chứng như sốt cao, xuất huyết, phù nề và tử vong nhanh chóng. Vậy dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không?
Qua thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia nhận định, dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, virus này có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và lây lan giữa các con lợn qua các con đường như hô hấp và tiêu hóa. Con người có thể trở thành tác nhân phát tán virus gây dịch tả châu Phi nếu tiếp xúc với các nguồn nhiễm bệnh như chuồng trại, phương tiện vận chuyển hay thực phẩm chế biến từ lợn nhiễm bệnh.
Các thể của bệnh dịch tả lợn châu Phi
Thời gian ủ bệnh của dịch tả lợn châu Phi dao động từ 3 đến 15 ngày, riêng đối với thể cấp tính của dịch tả lợn châu Phi thường ngắn hơn khoảng từ 3 - 4 ngày. Tùy vào từng thể bệnh mà triệu chứng của bệnh cũng có sự khác biệt. Cụ thể:
Thể quá cấp tính: Lợn mắc thể này thường chết nhanh chóng mà không có dấu hiệu rõ ràng. Nếu có biểu hiện, lợn có thể sốt cao và nằm ủ rũ trước khi chết. Đây là thể bệnh diễn biến rất nhanh và có tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Thể cấp tính: Lợn thường sốt cao (nhiệt độ cơ thể lợn dao động từ 40,5 - 42°C). Trong 2 - 3 ngày đầu, lợn không ăn, lười vận động, nằm chồng đống và thích chỗ gần nước. Các vùng da trắng (tai, đuôi, cẳng chân, ngực, bụng) có thể chuyển sang màu đỏ hoặc xanh tím. Sau khoảng 1 - 2 ngày tiếp theo, lợn có các triệu chứng thần kinh như đi không vững, thở gấp, khó thở, có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón. Lợn có thể sẽ chết trong vòng 6 - 13 ngày hay thậm chí kéo dài đến 20 ngày. Lợn mang thai sẽ dẫn đến sảy thai và tỷ lệ chết gần như 100%. Nếu lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm virus không triệu chứng, virus sẽ tồn tại suốt đời và là nguồn lây nhiễm cho các con lợn khác.
Thể á cấp: Lợn có thể sốt nhẹ hoặc không sốt. Lợn ăn kém, sụt cân, ho, khó thở, viêm khớp và đi lại khó khăn. Lợn mang thai có thể sẩy thai. Lợn sẽ chết sau khoảng 15 - 45 ngày nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong trong thể này khoảng 30 - 70%.
Thể mạn tính: Dịch tả lợn châu Phi thể mạn tính thường gặp ở những con lợn có độ tuổi nhỏ, khoảng 2 đến 3 tháng. Các triệu chứng của bệnh có thể sẽ kéo dài trong khoảng từ 1 - 2 tháng. Khi mắc bệnh, lợn có thể gặp các rối loạn tiêu hóa, bao gồm lúc tiêu chảy, lúc táo bón, kèm theo khó thở và ho. Các nốt xuất huyết trên da chuyển từ màu đỏ sang tím và có thể tróc từng mảng da ở những vùng da mỏng. Tỷ lệ chết ở thể mạn tính này thường thấp hơn so với các thể cấp tính nhưng một vấn đề quan trọng là sau khi khỏi bệnh, virus vẫn tồn tại trong cơ thể của lợn, làm cho chúng trở thành nguồn lây nhiễm cho các lợn khác trong đàn.
Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người?
Dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không? Câu trả lời là không bạn nhé. Như đã trình bày phía trên, dịch tả lợn châu Phi không lây trực tiếp sang người nhưng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cụ thể:
Lợn bị nhiễm dịch tả có thể dễ dàng mắc các bệnh khác như bệnh tai xanh, cúm lợn, thương hàn và đặc biệt là nhiễm liên cầu khuẩn. Những bệnh này có thể lây sang người khi có sự tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh, đặc biệt khi không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khi xử lý lợn nhiễm bệnh.
Việc tiêu thụ thịt lợn bệnh, đặc biệt là các món như tiết canh hoặc thịt chưa được nấu chín kỹ, có thể khiến con người dễ dàng mắc các bệnh lây từ động vật sang người. Những bệnh này có thể gây rối loạn hệ tiêu hóa, nhiễm độc, thậm chí viêm màng não trong các trường hợp nghiêm trọng.
Khi chăm sóc lợn bị nhiễm bệnh, nếu người chăm sóc có vết thương hở trên da, vi khuẩn từ lợn có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết trầy xước. Điều này có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết và viêm màng não.
Có thể thấy rằng, mặc dù dịch tả lợn châu Phi không trực tiếp đe dọa sức khỏe con người nhưng việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, như bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh, tiêu thụ thực phẩm đã được chế biến đúng cách và tuân thủ quy trình xử lý lợn bị bệnh, là rất quan trọng để tránh các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn từ các bệnh đồng nhiễm khác.
Phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi
Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho dịch tả lợn châu Phi, vì vậy các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát là rất quan trọng để hạn chế sự lây lan của bệnh. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, bạn đọc có thể tham khảo:
Vệ sinh và sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi và điểm bán buôn: Thường xuyên vệ sinh các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và các khu vực giết mổ lợn bằng các chất khử trùng như vôi hoặc các hóa chất chuyên dụng giúp tiêu diệt mầm bệnh và ngăn ngừa sự lây lan.
Vệ sinh cá nhân: Người tham gia chăn nuôi cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi tiếp xúc với lợn, đặc biệt là rửa tay và thay quần áo bảo hộ. Điều này giúp giảm nguy cơ lây lan virus từ chuồng trại ra môi trường ngoài.
Cách ly lợn nghi mắc bệnh: Khi phát hiện lợn có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần lập tức cách ly để ngăn ngừa sự lây lan cho các con lợn khác. Việc này giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong đàn.
Diệt sinh vật trung gian: Diệt muỗi, ruồi và các sinh vật trung gian khác có thể mang virus, giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh từ một con lợn nhiễm bệnh sang những con lợn khác hoặc sang các động vật khác.
Kiểm soát nguồn gốc lợn: Không mua bán lợn chưa xác định được nguồn gốc xuất xứ, tránh việc nhập lợn từ vùng có dịch hoặc các cơ sở chăn nuôi không rõ ràng, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Thức ăn chăn nuôi phải hợp vệ sinh và khi tiêu thụ thịt lợn, cần đảm bảo ăn chín uống sôi, đặc biệt là các món như tiết canh, thịt sống hoặc chưa nấu chín kỹ, để tránh các nguy cơ nhiễm bệnh từ thịt lợn bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
Các biện pháp này không chỉ giúp kiểm soát dịch tả lợn châu Phi mà còn bảo vệ sức khỏe con người và đảm bảo an toàn thực phẩm. Chúng cần được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ tại tất cả các cơ sở chăn nuôi và trong cộng đồng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về dịch tả lợn châu Phi mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, qua những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về loại bệnh dịch này đồng thời giải đáp được thắc mắc dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về chủ đề Nhà thuốc Long Châu chia sẻ trên đây, hãy để lại bình luận phía dưới bài viết để được hỗ trợ giải đáp sớm nhất bạn nhé.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm