Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Phụ nữ mang thai bị cảm có tiêm uốn ván được không?

Ngày 09/09/2023
Kích thước chữ

Tiêm phòng uốn ván là việc vô cùng quan trọng với phụ nữ mang thai để bảo vệ sức khỏe cả mẹ và con. Tuy nhiên, bà bầu bị cảm có tiêm uốn ván được không? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Bà bầu nếu bị nhiễm vi khuẩn uốn ván không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ mà còn là một mối nguy lớn với sức khỏe thai nhi. Cả bà bầu và trẻ sơ sinh đều là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc uốn ván cao. Vì vậy, việc tiêm phòng uốn ván với họ là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nhiều bà bầu chưa biết bị cảm có tiêm uốn ván được không?

Phụ nữ mang thai và mối nguy hiểm khi bị cảm

Trong giai đoạn mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi cả bên trong lẫn bên ngoài. Thời điểm này, cơ thể người mẹ khá nhạy cảm do sự thay đổi của nội tiết tố bên trong. Hệ miễn dịch của mẹ bầu cũng suy giảm nên khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh kém hơn. Mẹ bầu vì thế dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh. Cảm là bệnh lý khá thường gặp ở các mẹ bầu.

Cảm có nhiều dạng khác nhau, trong đó 2 dạng thường gặp nhất ở bà bầu là cảm lạnh và cảm cúm. Cảm lạnh là bệnh cảm có triệu chứng nhẹ hơn, ít nguy hiểm hơn với cả mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, cảm cúm thì ngược lại. Cảm cúm mang đến những triệu chứng khó chịu như: Sốt, ho, sổ mũi, đau nhức toàn thân, mệt mỏi,... Cúm có thể gây biến chứng viêm phổi và các bệnh về đường hô hấp khác.

Mẹ bầu có thể trạng yếu, bệnh cúm có khả năng diễn tiến nặng. Lúc này, không chỉ sức khỏe của mẹ bị giảm sút mà còn ảnh hưởng đến cả sự phát triển của thai nhi. Cảm cúm làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi nếu thời điểm mẹ mắc cảm cúm nặng vào 13 tuần đầu tiên của thai kỳ. Nếu mẹ bị sốt cao khi cúm, tử cung dễ bị kích thích co thắt nặng dẫn đến thai chết lưu, sảy thai hoặc sinh non.

bi-cam-co-tiem-uon-van-duoc-khong-1.jpg
Trong các dạng cảm, cảm cúm luôn là mối lo lắng hàng đầu của các mẹ bầu

Phụ nữ mang thai và mối nguy hiểm khi bị uốn ván

Lý do khiến nhiều thai phụ muốn biết bị cảm có tiêm uốn ván được không là bởi uốn ván cũng là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm với cả mẹ bầu, thai nhi và trẻ sơ sinh.

Bệnh uốn ván còn được biết đến với tên gọi dân gian là phong đòn gánh - một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính với triệu chứng nặng và diễn tiến nhanh. Người bị uốn ván ban đầu sẽ bị co cứng cơ hàm, lưỡi, sau đó lan xuống cơ vai, cơ hoành, cơ tứ chi và co cứng toàn thân. Khi cơ hô hấp bị co cứng, bệnh nhân không thở được, trụy tim mạch. Vi khuẩn uốn ván cũng có thể làm rối loạn hệ thần kinh thực vật và dẫn đến tử vong.

Bệnh uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao (từ 25 - 95%). Trong đó, trẻ sơ sinh là đối tượng bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nhất - có thể lên đến 95%. Phụ nữ mang thai dễ mắc uốn ván trong quá trình sinh nở nếu vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường sinh dục. Nha bào uốn ván cùng có thể tồn tại trên các dụng cụ hỗ trợ sinh chưa được tiệt trùng. Uốn ván ở phụ nữ mang thai khi sinh chủ yếu là ván tử cung. Trẻ sơ sinh dễ bị mắc uốn ván qua dụng cụ cắt dây rốn nhiễm vi khuẩn uốn ván và gây nên uốn ván rốn hay uốn ván sơ sinh.

Việc tiêm phòng uốn ván là vô cùng cần thiết, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cho mẹ bầu, thai nhi trong quá trình mang thai. Kháng thể từ mẹ truyền sang thai nhi giúp phòng ngừa bệnh uốn ván sơ sinh đồng thời bảo vệ trẻ sơ sinh cho đến khi đủ tuổi tiêm phòng.

bi-cam-co-tiem-uon-van-duoc-khong-2.jpg
Phụ nữ mang thai lo lắng về nguy cơ uốn ván

Phụ nữ mang thai bị cảm có tiêm uốn ván được không?

Như vậy, cả cảm cúm và uốn ván đều là những bệnh nguy hiểm với bà bầu và thai nhi. Mẹ bầu thường được tư vấn tiêm phòng cả hai bệnh này. Tuy nhiên, cần chọn thời điểm tiêm thích hợp để vắc xin đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất. Nếu đến lịch tiêm phòng uốn ván mà mẹ bầu bị cảm cúm thì sao? Liệu bị cảm có tiêm uốn ván được không?

Khi bà bầu bị cảm cúm, triệu chứng thường gặp là ngạt mũi, chảy mũi, viêm họng, sốt, đau nhức cơ thể và mệt mỏi. Khi bị sốt, các bác sĩ sẽ từ chối tiêm phòng trong mọi trường hợp và điều này được áp dụng với mọi loại vắc xin. Nếu tiêm phòng khi bị sốt có thể không đảm bảo an toàn cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Ngoài ra, sau khi tiêm uốn ván mẹ bầu có thể gặp tác dụng phụ. Tác dụng phụ có thể sẽ nghiêm trọng hơn bình thường khi mẹ bầu gặp vấn đề về sức khỏe. Mẹ bầu bị cảm cúm vốn đang mệt mỏi sẽ càng mệt mỏi hơn. Vì vậy, khi có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, kể cả bị cảm, mẹ bầu nên tạm hoãn tiêm uốn ván. Nếu chăm sóc sức khỏe tốt, cảm cúm sẽ khỏi hoàn toàn trong một tuần. Khi đó, mẹ bầu tiêm vắc xin phòng uốn ván cũng chưa muộn. Để biết chính xác bà bầu bị cảm có tiêm uốn ván được không, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

bi-cam-co-tiem-uon-van-duoc-khong-3.jpg
Trước khi tiêm phòng bất cứ vắc xin nào bà bầu cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ

Bà bầu bị cảm cần lưu ý gì khi tiêm phòng uốn ván?

Ngoài thông tin bầu bị cảm có chích ngừa uốn ván được không, bà bầu cũng cần lưu ý những điều dưới đây khi tiêm phòng:

  • Nếu đến lịch tiêm phòng uốn ván, mẹ bầu bỗng nhiên bị cảm cúm, hãy xin ý kiến bác sĩ đề dùng loại thuốc phù hợp. Với những người bình thường, sẽ có rất nhiều loại thuốc cảm cúm để họ lựa chọn. Nhưng với bà bầu, một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Thai phụ cần dùng những loại thuốc cảm cúm cho bà bầu an toàn.
  • Nếu tiêm uốn ván sau khi bị cảm mới khỏi, mẹ bầu cũng cần thông tin đầy đủ về tính trạng và loại thuốc với bác sĩ. Điều này giúp loại bỏ trường hợp các thành phần của thuốc có thể tương tác với vắc xin uốn ván.
  • Bà bầu tuyệt đối không được tự ý mua vắc xin rồi tự tiêm phòng tại nhà. Việc tiêm phòng uốn ván cần được thực hiện ở trung tâm tiêm chủng uy tín.

Qua bài viết này, hy vọng bạn đã biết bà bầu bị cảm có tiêm uốn ván được không. Cả cảm cúm và uốn ván đều là những căn bệnh nguy hiểm với mẹ bầu và thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu nên tham khảo tư vấn bác sĩ để được tiêm đủ số mũi, tiêm phòng đúng lịch. Điều quan trọng, mẹ bầu cần tiêm phòng trong điều kiện sức khỏe tốt nhất để đảm bảo an toàn bạn nhé!

Tham khảo ngay: Có nên tiêm phòng bạch hầu ho gà uốn ván không?

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin