Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Rạn da mông khi mang thai phải làm sao để hết?

Ngày 03/07/2022
Kích thước chữ

Bên cạnh rạn da bụng, da đùi thì rạn da mông khi mang thai cũng rất phổ biến. Để tránh lan rộng tình trạng rạn da ở mông khi mang thai, mẹ bầu cần sớm áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Rạn da mông khi mang thai có thể gây ngứa rát và để lại những vết sẹo lõm. Đây là hiện tượng hết sức bình thường xảy ra trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu lo ngại rạn da khiến vòng 3 kém sắc và thiếu tự tin nếu diện bikini tắm biển. Làm sao để hết các vết rạn da ở mông khi mang thai? Cùng xem bí kíp giúp mẹ bầu xóa tan nỗi lo rạn da mông nhé!

Rạn da mông khi mang thai xuất hiện ở tháng thứ mấy?

Thời điểm xuất hiện rạn da mông tùy thuộc vào cơ địa của mẹ bầu. Đó có thể là tháng thứ 3 của thai kỳ, cũng có khi đến gần ngày dự kiến sinh mới bị rạn. Tuy nhiên, theo thống kê thì 90% các mẹ bầu sẽ bị rạn da mông ở tháng thứ 6 trở đi. Lúc này, kích thước của thai nhi đã lớn, trọng lượng cơ thể người mẹ cũng tăng nhanh chóng. Mô da căng và hình thành những vết rạn ngày càng lớn.

Rạn mông thường gặp ở các mẹ bầu mang song thai, đa thai, tăng cân quá nhanh hoặc cơ địa da khô, mỏng, kém đàn hồi. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng khiến rạn da mông khi mang thai dễ xảy ra hơn. Các vết rạn dài khoảng 5 - 10cm, màu hồng nhạt hoặc trắng sáng tùy vào sắc tố da của mẹ bầu. Mặc dù không dễ bị lộ như rạn bụng, rạn đùi nhưng cũng khiến mẹ bầu e ngại.

rạn da mông khi mang thai 1 Đa phần rạn da mông bắt đầu xuất hiện ở tháng thứ 6 của thai kỳ

Cách trị rạn da ở mông khi mang thai

Để hạn chế hoặc điều trị rạn da ở mông, mẹ bầu cần chăm sóc cơ thể cả ở bên ngoài và bên trong. Phương pháp trị rạn bên ngoài là dùng dược mỹ phẩm hoặc nguyên liệu tự nhiên thoa lên da. Trị rạn bên trong là bổ sung dưỡng chất cho da và kiểm soát cân nặng. Mẹ bầu xem chi tiết cách trị rạn mông dưới đây nhé!

Các cách trị vết rạn da ở mông từ bên ngoài

Thị trường có nhiều loại gel, kem dưỡng và tinh dầu trị rạn da. Nếu có làn da nhạy cảm, mẹ bầu nên sử dụng sản phẩm chiết xuất thiên nhiên. Hiện nay, dầu dừa luôn được xem là “vị cứu tinh” cho chị em bị rạn da mông lúc mang thai.

  • Dầu dừa chứa axit lauric có vai trò thúc đẩy sản sinh collagen giúp hồi sinh và làm lành tế bào da.
  • Hàm lượng vitamin K và sắt trong dầu dừa giúp đào thải tế bào chết, kích thích tái tạo và sản sinh tế bào mới.
  • Dầu dừa còn chứa các chất chống viêm để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, rút ngắn thời gian làm lành vết rạn.
  • Đặc tính giữ ẩm của dầu dừa rất cao, giúp tăng khả năng đàn hồi cho da. Ngoài ra, dầu dừa còn chống nhăn, mờ vết rạn.

Dầu dừa khá lành tính nhưng “chống chỉ định” với mẹ bầu nào bị dị ứng dừa. Mẹ bầu có thể tham khảo các cách trị rạn khác với khoai tây, nha đam, chanh tươi, dầu oliu… Việc dùng thêm các sản phẩm tẩy da chết, sữa chống rạn, dưỡng thể cũng có ý nghĩa quan trọng. Chúng giúp cung cấp độ ẩm cho da từ bên ngoài, tăng tính đàn hồi để chống rạn nứt và phục hồi tế bào.

rạn da mông khi mang thai 2 Sử dụng các sản phẩm bôi ngoài da để trị rạn mông khi mang thai

Bí quyết trị vết rạn da ở mông từ bên trong

Sai lầm khi trị rạn mông lúc mang thai là chỉ bôi ngoài da mà bỏ qua yếu tố bên trong cơ thể. Nguyên nhân hàng đầu gây rạn da mông là mẹ bầu tăng cân quá nhanh. Biết kiểm soát cân nặng sẽ hạn chế được sự lan rộng của vết rạn. Bồi bổ khi mang thai là cần thiết nhưng tránh ăn uống quá mức gây thừa cân. Nhưng cũng không nên vì lo rạn da mà mẹ bầu ăn ít hơn bình thường nhé!

Uống từ 2 - 2.5 lít nước mỗi ngày là cách hỗ trợ điều trị rạn da hiệu quả. Nước cung cấp thêm độ ẩm cho cơ thể, tạo điều kiện để collagen sản sinh và tăng cường đàn hồi cho da. Thiếu nước khiến da bị khô, các vết rạn càng dễ nứt to hơn. Mẹ bầu có thể uống nước lọc hoặc nước trái cây, vừa tốt cho da vừa tốt cho sự phát triển của bé. Ngủ sớm và đủ giấc cũng hạn chế tình trạng khô nứt da.

Bên cạnh những phương pháp kể trên, rạn da mông còn được điều trị bằng các công nghệ: lăn kim, sóng siêu âm, thay da sinh học, laser xung màu... Tuy nhiên, công nghệ trị rạn da không thể áp dụng trong giai đoạn mang thai.

Rạn nứt da mông khi mang thai có hết được không? Thực tế thì các vết rạn này không thể hết hoàn toàn. Những phương pháp điều trị kể trên chỉ giúp làm mờ tối đa vết rạn. Mẹ bầu vẫn nên chủ động phòng ngừa rạn da ngay từ đầu.

rạn da mông khi mang thai 3 Uống nhiều nước, ăn uống khoa học để hỗ trợ trị rạn da mông

Ngăn ngừa rạn da mông khi mang thai

Hiện tượng rạn da có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ. Kể cả khi hơn 8 tháng đầu chưa có dấu hiệu rạn thì đến tháng cuối cũng có thể bị rạn da. Để ngăn ngừa rạn da mông cũng như các vị trí khác, mẹ bầu lưu ý như sau:

  • Chăm sóc và dưỡng ẩm cho da từ những tháng đầu của thai kỳ. Việc làm này giúp tăng cường sức khỏe và độ đàn hồi của da, phòng tránh rạn da khi cơ thể tăng cân.
  • Thoa kem chống rạn da ngay khi bắt đầu bước sang tháng thứ 3 cho đến hết thai kỳ. Chớ để đến những tháng cuối hoặc thấy có vết rạn mới bắt đầu thoa kem. Khi da đã rạn sẽ khó ngăn ngừa hơn.
  • Tìm hiểu và xây dựng chế độ ăn uống khoa học khi mang thai. Tăng cường dinh dưỡng cho mẹ bầu không phải là ăn thật nhiều. Cân nặng tăng quá nhiều vừa gây rạn da vừa nguy cơ tiểu đường, tiền sản giật.
  • Kết hợp massage nhẹ nhàng và tập yoga, thể dục đơn giản giúp máu lưu thông, tăng cường trao đổi chất và sự dẻo dai của cơ thể. Điều này cũng giúp các tế bào da hoạt động mạnh mẽ hơn, hạn chế bị rạn nứt.

Vấn đề rạn da mông khi mang thai khiến rất nhiều chị em lo ngại. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp các mẹ bầu biết cách phòng ngừa, điều trị rạn da mông hiệu quả. Mẹ bầu cũng có thể áp dụng để trị rạn ở các vùng da khác.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin