Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Răng hàm là gì? Vị trí và tầm quan trọng của răng hàm như thế nào?

Ngày 28/10/2022
Kích thước chữ

Ngày nay sức khỏe răng miệng nói chung và răng hàm nói riêng đang ngày càng nhận được sự quan tâm hơn. Vậy bạn đã hiểu rõ răng hàm là gì cũng như tầm quan trọng của nhóm răng này hay chưa?

Xu hướng mắc các bệnh về răng miệng ngày càng tăng do đó sức khỏe răng miệng đang là một trong những đề tài được cộng đồng quan tâm hiện nay. Đặc biệt là nhóm răng hàm bởi đây là đối tượng dễ mắc các vấn đề nhất, ví dụ như: Mòn men răng, sâu răng

Vậy bạn đã thực sự hiểu răng hàm là gì? Có quan trọng hay không? Và cách chăm sóc răng để tránh mắc phải các vấn đề không mong muốn? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé.

Răng hàm là gì?

Răng hàm (hay thường gọi là răng cối) là nhóm răng có số lượng nhiều nhất trên cung hàm và mọc ở vị trí trong cùng của hàm. Đối với một người trưởng thành, thông thường sẽ có 16 - 20 chiếc răng hàm nằm lần lượt từ răng số 4 tới số 8 của cả hàm trên và hàm dưới. Tuy nhiên đối với trẻ em (14 - 18 tháng tuổi) chỉ có 8 chiếc răng hàm phân bố đều cả hai hàm.

Răng hàm là gì? Vị trí và tầm quan trọng của răng hàm như thế nào? 1 Nhóm răng hàm ở người trưởng thành

Phân loại răng hàm

Tùy vào những đặc điểm về hình thái, vị trí và chức năng riêng của từng răng, thông thường răng hàm được chia thành hai nhóm: Răng hàm nhỏ và răng hàm lớn.

Răng hàm là gì? Vị trí và tầm quan trọng của răng hàm như thế nào? 2 Răng hàm nhỏ (răng tiền hàm) và răng hàm lớn trên cung răng

Răng hàm nhỏ 

Răng hàm nhỏ (hay còn gọi răng tiền hàm) là răng mọc ở vị trí số 4 và số 5 mỗi góc hàm, nằm giữa răng nanh và răng hàm lớn. Như vậy ở người trưởng thành sẽ có tổng 8 chiếc răng hàm nhỏ chia đều hàm trên và dưới.

Quan sát kĩ sẽ thấy răng hàm nhỏ có mặt ngoài khá giống răng nanh nhưng kích thước thân răng to hơn và có mặt nhai kích thước vừa phải hỗ trợ nghiền thức ăn. Thông thường răng tiền hàm sẽ có 1 - 2 chân tùy vào yếu tố di truyền, với những răng hàm nhỏ có 2 chân (thường là răng hàm nhỏ thứ nhất hàm trên) thì là một chân ngoài và một chân trong.

Răng hàm lớn

Răng hàm lớn là các răng mọc ở vị trí số 6, số 7 và số 8 mỗi góc hàm. Ở người trưởng thành thông thường sẽ có tổng 12 chiếc, tuy nhiên vẫn có những trường hợp không đủ răng hàm (ít hơn 12 cái) do không mọc răng số 8 (hay còn gọi là răng khôn) hoặc có mọc nhưng không đủ 4 chiếc. Về cơ bản các răng hàm lớn có hình dạng thân răng tương tự nhau ở các mặt.

Răng hàm lớn giữ vai trò quan trọng trong việc nhai và nghiền nát thức ăn. Vị trí của răng và kích thước lớn là những đặc điểm giúp cho các răng hàm này khỏe nhất trên cung hàm.

Nắm rõ về hai nhóm răng hàm sẽ phần nào giúp chúng ta ý thức được nhiệm vụ và tầm quan trọng của từng loại. Trên thực tế, răng hàm lớn mang nhiệm vụ chính trong việc nghiền thức ăn, răng hàm nhỏ chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ và không quá quan trọng.

Cấu tạo của răng hàm như thế nào?

Cả hai nhóm răng hàm nhỏ và răng hàm lớn về cơ bản đều có các bộ phận cấu tạo tương tự những chiếc răng khác trên cung hàm như: Tủy răng, men răng, ngà răng. Cụ thể:

Tủy răng

Tủy răng được biết tới là phần mô có chứa tế bào bạch huyết, dây thần kinh và mạch máu. Tủy răng có nhiệm vụ quan trọng trong cung cấp dinh dưỡng để nuôi ngà răng, men răng ngăn ngừa viêm răng và bảo vệ răng khỏi các tác nhân bên ngoài. Đa phần răng hàm nhỏ có 2 ống tủy còn răng hàm lớn sẽ có từ 3 - 4 ống tủy.

Men răng

Là lớp vỏ bao bên ngoài răng, được cấu tạo phần lớn từ khoáng chất nên có đặc điểm rất cứng và chắc. Đây cũng chính là đặc điểm giúp men răng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cấu trúc răng bên trong khỏi tình trạng xâm nhập của vi khuẩn cũng như tránh cảm giác ê buốt khi tiếp xúc với đồ ăn nước uống quá lạnh hay quá nóng.

Ngà răng

Là một trong ba bộ phận cấu tạo nên răng hàm, nằm sau lớp men răng và bao bọc lớp tủy răng bên trong. Ngà răng được cấu tạo từ khoáng chất hydroxyapatine (70%), chất hữu cơ (20%) và nước (10%) do đó ngà răng xốp, có tính thấm và có độ đàn hồi tương đối tốt.

Ngà răng có nhiệm vụ quan trọng bảo vệ tủy răng, mạch máu và dây thần kinh bên trong, chính vì vậy một khi ngà răng bị tổn thương hay vỡ sẽ dẫn tới viêm tủy răng rất nguy hiểm.

Răng hàm là gì? Vị trí và tầm quan trọng của răng hàm như thế nào? 3 Cấu tạo của răng hàm tương tự như các răng khác

Răng hàm có chức năng gì?

Như đã tìm hiểu ở trên, răng hàm là nhóm răng to khỏe nhất cũng như chiếm số lượng lớn nhất trên cung hàm. Những đặc điểm sinh lý này giúp cho răng hàm thực hiện tốt chức năng quan trọng của nó, cụ thể như:

Chức năng nhai, nghiền thức ăn

Chức năng đầu tiên phải kể tới đó là nghiền nát thức ăn. Răng hàm được coi là một trong những bộ phận đầu tiên tham gia vào hệ thống tiêu hóa thức ăn.

Với các mặt nhai lớn và nhiều kẽ rãnh, răng hàm kết hợp cùng răng cửa và lưỡi cắt nhỏ, nghiền nhuyễn, trộn đều thức ăn cùng các enzym có trong nước bọt trước khi đưa vào các bộ phận sau trong hệ thống tiêu hóa thức ăn như dạ dày, ruột non… Điều này cũng làm giảm bớt gánh nặng cho dạ dày không cần phải co bóp quá nhiều, thức ăn dễ dàng tiêu hóa hơn và rất tốt cho sức khỏe.

Đa phần nhiệm vụ này sẽ do răng hàm số 6 và số 7 đảm nhiệm chính, còn đối với răng hàm số 8 (răng khôn) ít có khả năng nhai hơn. Trong trường hợp răng khôn mọc lệch bác sĩ chỉ định loại bỏ chiếc răng này hoặc mọc thiếu răng khôn số 8 thì khả năng nghiền thức ăn của răng hàm hoàn toàn không bị ảnh hưởng.

Chức năng phát âm

Bên cạnh việc tham gia vào hệ thống tiêu hóa thức ăn, răng hàm còn hỗ trợ chúng ta phát âm. Quá trình phát âm của một người là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lưỡi, vòm họng và răng.

Răng cửa sẽ tham gia nhiều hơn trong chức năng này, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được vai trò của răng hàm giúp phát âm rõ ràng và chuẩn xác hơn. Khi mất đi răng hàm sẽ gây ra những khoảng trống, kẽ hở trong khoang miệng gây phát âm khó nghe và thiếu chính xác.

Trong trường hợp răng hàm mọc lệch cũng vô tình làm cho luồng hơi từ trong khoang miệng đẩy ra không đều tạo những phát âm lơ lớ hoặc ngọng khó nghe.

Chức năng thẩm mỹ

Nhiều người cho rằng răng hàm nằm sâu bên trong cung hàm không dễ để quan sát thấy như răng nanh hay răng cửa nên không góp phần tăng tính thẩm mỹ. Điều này hoàn toàn không chính xác bởi răng hàm giúp cho hai bên má trở nên đầy đặn hơn, góp phần tạo sự cân đối hài hòa cho gương mặt và giúp tăng tính thẩm mỹ.

Những lưu ý trong chăm sóc răng hàm

So với những loại răng khác như răng nanh hay răng cửa thì răng hàm là nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh về răng miệng. Các bệnh phổ biến phải kể đến như: Mòn men răng, sâu răng, răng mọc lệch… Nguyên nhân dẫn đến điều này có thể là do răng hàm nằm ở vị trí sâu trong cung hàm nên khó để vệ sinh sạch sẽ, bên cạnh đó mặt nhai lớn và nhiều rãnh kẽ khiến thức ăn dễ mắc vào khó làm sạch cũng là nguyên nhân dẫn đến các bệnh răng miệng.

Việc mắc các bệnh về răng miệng sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến ăn uống, học tập và công việc, làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vì vậy để đảm bảo cho bộ răng luôn được sạch sẽ và khỏe mạnh, chúng ta cần lưu ý một vài vấn đề:

  • Chải răng từ 2 - 3 lần trong ngày bằng thuốc đánh răng theo như khuyến cáo của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
  • Sử dụng thêm chỉ nha khoa, nước súc miệng để mang lại hiệu quả làm sạch tối ưu nhất. Ngoài ra đối với những bạn đang niềng răng cũng có thể tham khảo thêm sản phẩm làm sạch răng bằng tăm nước để loại bỏ hoàn toàn thức ăn thừa và các mảng bám.
  • Nên chú ý tới kỹ thuật chải răng đúng cách mà các chuyên gia khuyến cáo, đảm bảo bàn chải chếch một góc 45 độ so với hàm, chải vòng tròn theo chiều dọc của răng và đặc biệt chú ý chải kỹ đối với nhóm răng hàm.
  •  Xây dựng chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho hợp lý, đầy đủ chất và đặc biệt chú ý bổ sung nhiều canxi cho răng chắc khỏe. Hạn chế ăn những đồ ăn quá cứng; chứa nhiều đường, axit vì có thể làm hỏng men răng và nướu.
  • Loại bỏ những thói quen không tốt cho răng miệng như nghiến răng, hút thuốc, dùng răng cắn đồ vật có độ cứng cao…
  • Đặc biệt chú ý tới vấn đề thăm khám răng miệng định kỳ, thường xuyên theo dõi phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng để có định hướng giải quyết kịp thời.

Trên đây bài viết đã cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về răng hàm là gì, vị trí cũng như tầm quan trọng đối với sức khỏe con người. Hy vọng sau khi đọc bài viết các bạn sẽ trang bị thêm cho mình những thông tin hữu ích để giữ cho bộ răng luôn trắng sáng và khỏe mạnh. Đừng quên theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật kiến thức y khoa thường xuyên nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin