Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sán lá gan ký sinh ở đâu trong cơ thể người?

Ngày 27/09/2022
Kích thước chữ

Hiện nay, bệnh sán lá gan phổ biến ở khắp các nước trên thế giới và Châu Á là khu vực chiếm tỷ lệ mắc bệnh sán lá gan cao nhất. Ở nước ta, sán lá gan là bệnh khá phổ biến do thói quen ăn sống các thực vật thủy sinh và uống nước lã. Vậy sán lá gan ký sinh ở đâu trong cơ thể người và cách phòng ngừa bệnh như thế nào?

Sán lá gan khi vào trong cơ thể người, chúng sẽ ký sinh và gây bệnh. Theo thời gian, chúng sẽ phá hủy nhiều cơ quan tổ chức và gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề sán lá gan ký sinh ở đâu trong cơ thể người, trước hết hãy cùng tìm hiểu sán lá gan là gì?

Sán lá gan là gì?

Sán lá gan là một loại ký sinh trùng, xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hoá và ký sinh trong một số cơ quan trọng cơ thể người. Khi đó, chúng sẽ gây bệnh tại cơ quan đó và có thể lây lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Đây cũng được coi là một loại bệnh lý mãn tính và thậm chí kéo dài cả chục năm.

Sán lá gan được phân loại thành sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Trong khi sán lá gan nhỏ gồm có 3 loại là Clonorchis, Opisthorchis viverrini và Opisthorchis felineus, sán lá gan lớn chia thành 2 loại là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Và người Việt Nam thường mắc loại sán lá gan Opisthorchis viverrini. Vậy sán lá gan ký sinh ở đâu?

Sán lá gan là gì? Sán lá gan ký sinh ở đâu trong cơ thể người? 2 Sán lá gan ký sinh ở đâu? Sán lá gan ký sinh trong nhiều cơ quan của cơ thể

Sán lá gan ký sinh ở đâu trong cơ thể người?

Hình dạng của sán lá gan như hình chiếc lá và sán lớn có kích thước lớn gấp nhiều lần loại sán nhỏ.

Trứng sán từ đường mật theo ống tiêu hoá và được đào thải qua phân ra môi trường bên ngoài. Khi gặp nước, trứng sán sẽ phát triển thành ấu trùng có lông và ký sinh trong ốc. Trong ốc, ấu trùng lông sẽ phát triển thành ấu trùng đuôi và khi phát triển thành ấu trùng đuôi, nó sẽ tách ra khỏi ốc và đi ra môi trường bên ngoài, bám vào các thực vật sống dưới nước như rau cần, rau muống, xà lách, ngó sen…

Do đó, nếu người hoặc động vật ăn cỏ ăn phải các loại rau này hoặc uống nước lã có ấu trùng sán lá gan sẽ bị nhiễm bệnh. Quá trình ký sinh và gây bệnh của sán lá gan được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn ký sinh và gây bệnh tại gan

Khi người bệnh ăn phải rau hoặc uống nước lã có chứa loại ký sinh trùng này, chúng sẽ theo đường tiêu hoá xâm nhập vào cơ thể. Khi di chuyển đến tá tràng, chúng sẽ tiến sâu vào khoang phúc mạc bụng và xâm nhập vào gan. Sau đó, chúng có thể đi qua bao gan tiến tới các nhu mô gan và gây bệnh tại đây. Đồng thời chúng có thể di chuyển đến các cơ quan khác và gây ra tình trạng sán lạc chỗ ở niêm mạc bụng, thành dạ dày hoặc thành ruột.

Từ khi sán lá gan xâm nhập vào cơ thể đến khoảng 2 tuần sau, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ sản xuất ra những kháng thể chống lại chúng. Để xét nghiệm huyết thanh và chẩn đoán có dương tính với sán lá gan không, điều kiện là khi xét nghiệm phân, trứng sán chưa có trong phân của người bệnh.

Giai đoạn xâm nhập và ký sinh tại đường mật 

Sau khi ký sinh tại nhu mô gan, sán lá gan có thể xâm nhập vào đường mật và ký sinh tại đó trong một khoảng thời gian dài. Sau đó, chúng theo xuống ruột, đi ra ngoài theo phân và tiếp tục lây cho những người khác. Đây là loại ký sinh trùng sống khá lâu trong cơ thể đến hàng chục năm.

Sán lá gan là gì? Sán lá gan ký sinh ở đâu trong cơ thể người? 3 Sán lá gan ký sinh tại các nhu mô gan

Triệu chứng của bệnh sán lá gan

Đối với sán lá gan nhỏ

Khi mắc sán lá gan nhỏ với số lượng thấp thì người bệnh sẽ không xuất hiện triệu chứng rõ rệt và thường tình cờ phát hiện ra bệnh khi xét nghiệm phân. Khi số lượng sán lá gan tăng lên nhiều lần (từ khoảng 100 có trở lên) thì các triệu chứng được rõ rệt hơn: 

  • Giai đoạn khởi phát: Người có các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, chán ăn, nôn ói, tiêu chảy xen kẽ với táo bón. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện nổi mẩn trên da kèm theo số lượng bạch cầu ái toan tăng cao.
  • Giai đoạn toàn phát: Lúc này, bệnh đã khá nặng với triệu chứng sụt cân nhanh, đau bụng. Bệnh nghiêm trọng hơn có thể gây ra tình trạng gan to, cứng và đau, ống dẫn mật bị viêm sưng khiến cho thành ống dày lên gây ra hiện tượng tắc ứ mật và vàng dạ. Lúc này, nếu không được chữa trị kịp thời người bệnh sẽ gặp các biến chứng như thiếu máu, gây xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa và người bệnh suy kiệt dần rồi chết. Mặt khác, đối với trường hợp sán lạc chỗ tại ống tụy sẽ gây viêm ống tụy…

Đối với sán lá gan lớn

Sán lá gan nhỏ thường khó phát hiện khi mới xâm nhập vào cơ thể. Ngược lại, sán lớn với kích thước gấp nhiều lần sán nhỏ nên khả năng gây bệnh nhanh hơn và thời gian phát bệnh sẽ sớm hơn.

  • Giai đoạn khởi phát: Giai đoạn này kéo dài khoảng 2 - 3 tháng, lúc này sán non bắt đầu đi chuyển từ nhu mô gan đến ống mật. Khi đó, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như đau nhức đầu, sốt nhẹ, tiêu chảy, đau hạ sườn phải và mệt mỏi. Khám lâm sàng, bác sĩ sẽ thấy gan to, sờ đau và xét nghiệm thấy tỷ lệ bạch cầu ái toan tăng từ 70 - 80%.
  • Giai đoạn toàn phát: Khi sán ký sinh và trưởng thành trong ống mật sẽ gây ra tình trạng viêm ống mật mãn tính kèm theo gan đau to, sốt cao, rối loạn chức năng sản xuất dịch mật, tiêu chảy, vàng da khiến cơ thể suy sụp. Bệnh kéo dài thành bệnh mãn tính, tuy nhiên tỷ lệ tiến triển thành xơ gan rất khó.

Hiện nay, phương pháp điều trị chính cho bệnh sán lá gan ở người là sử dụng thuốc tiêu diệt ký sinh trùng. Trong trường hợp bệnh nhân phát hiện bệnh muộn và đã có biến chứng, có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ phần nhu gan bị tổn thương.

Sán lá gan là gì? Sán lá gan ký sinh ở đâu trong cơ thể người? 5 Ăn các loại động thực vật sống dưới nước có nguy cơ cao mắc bệnh sán lá gan

Cách phòng tránh bệnh sán lá gan

Một số cách giúp bạn phòng ngừa bệnh sán lá gan như:

  • Đảm bảo luôn ăn chín uống sôi, hạn chế ăn đồ tươi sống.
  • Sử dụng nước sạch.
  • Không ăn thực vật tươi sống trong nước gần khu vực chăn nuôi.
  • Rau quả nên ngâm với nước pha thêm muối và rửa sạch trước khi ăn.
  • Tìm hiểu thêm về cách lây nhiễm bệnh và giữ gìn vệ sinh môi trường.
  • Khi có dịch bệnh sán lá gan, nên khoanh cùng và dập dịch.
  • Khi gặp một số triệu chứng như trên và nghi ngờ nhiễm bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Bệnh sán lá gan không gây nguy hiểm ngay đến tính mạng, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc sán lá gan ký sinh ở đâu trong cơ thể người và có thêm kiến thức để phòng tránh loại ký sinh trùng này.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin