Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sốc phản vệ độ 2 có nguy hiểm không? Cách xử lý sốc phản vệ độ 2

Ngày 29/09/2022
Kích thước chữ

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng trong một thời gian ngắn sau khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân như thuốc, thức ăn hay côn trùng đốt… Trong đó sốc phản vệ độ 2 là mức độ sốc phản vệ có thể nhanh chóng tiến triển sang mức độ cao hơn, dẫn đến những hậu quả đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Vậy sốc phản vệ độ 2 là gì?

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh, khiến hệ thống miễn dịch giải phóng một lượng lớn các chất trung gian hóa học có thể gây giảm huyết áp đột ngột và bít hẹp đường thở. Một trong những mức độ sốc phản vệ đáng chú ý là sốc phản vệ độ 2, là mức độ sốc phản vệ nặng đi với các tổn thương đa cơ quan. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về sốc phản vệ độ 2 và đưa ra một số phương pháp giảm thiểu tình trạng này.

Sốc phản vệ là gì?

Phản vệ là phản ứng dị ứng ở người, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây đến vài phút sau khi cơ thể đã tiếp xúc với các dị nguyên như thức ăn, thuốc, côn trùng đốt… gây ra những biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Các bệnh cảnh lâm sàng của sốc phản vệ rất đa dạng, cần xử lý chính xác và nhanh chóng theo phác đồ cấp cứu. Chẩn đoán sốc phản vệ cần có ít nhất 1 trong 3 tiêu chuẩn sau đây:

  • Tiêu chuẩn 1: Khởi phát cấp tính trong vài phút tới vài giờ với các biểu hiện mẩn ngứa ở da và niêm mạc và có các dấu hiệu của khó thở (thở rít, thở khò khè) và trụy mạch (hạ huyết áp và thiếu máu các cơ quan).
  • Tiêu chuẩn 2: Xuất hiện phù nề ở lưỡi và môi kết hợp co thắt phế quản, đồng thời huyết áp bắt đầu hạ và có thể có các triệu chứng ở đường tiêu hóa như đau bụng và nôn mửa.
  • Tiêu chuẩn 3: Huyết áp hạ nhanh trong vài phút tới vài giờ. Ở trẻ em, huyết áp tâm thu giảm 30% so với huyết áp bình thường.

Thực tế, các triệu chứng của sốc phản vệ khá giống các tình trạng sốc khác như: Sốc tim, sốc nhiễm khuẩn. Mức độ của phản ứng phản vệ diễn ra từ những biểu hiện nhẹ như phát ban da đến nặng là ngừng tuần hoàn, tuy nhiên, các biểu hiện trên da và niêm mạc có thể không xảy ra hoặc xảy ra muộn.

Sốc phản vệ độ 2 có nguy hiểm không? Cách xử lý sốc phản vệ độ 2 1 Sốc phản vệ là tình trạng nguy hiểm

Đặc điểm của sốc phản vệ độ 2

Theo Bộ Y tế, phản vệ được chia thành 4 mức độ từ nhẹ đến nặng như sau:

  • Sốc phản vệ độ 1: Các biểu hiện ở da và niêm mạc.
  • Sốc phản vệ độ 2: Triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau.
  • Sốc phản vệ độ 3: Triệu chứng đe dọa tính mạng.
  • Sốc phản vệ độ 4: Ngừng tim và ngừng hô hấp.

Như đã nói, sốc phản vệ độ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau, cụ thể như sau:

  • Nổi mày đay, ban đỏ, cảm giác ngứa, xuất hiện phù.
  • Khó thở, khàn tiếng, tức ngực, chảy nước mũi.
  • Tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn.
  • Huyết áp có thể giảm hoặc tăng, rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim nhanh.

Khác với những biểu hiện như ở phản vệ độ 1, sốc phản vệ độ 2 còn xuất hiện các biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau ở mức độ nhẹ. Việc này sẽ giúp có thêm các bằng chứng trong việc chẩn đoán tình trạng bệnh, tuy nhiên cũng là dấu hiệu cho sự xấu đi của tiên lượng bệnh.

Sốc phản vệ độ 2 có nguy hiểm không? Cách xử lý sốc phản vệ độ 2 2 Đau tức ngực, khó thở là đặc điểm của sốc phản vệ độ 2

Điều trị sốc phản vệ độ 2

Hiện nay, đối với điều trị sốc phản vệ độ 2, ban đầu cần để bệnh nhân ngừng tiếp xúc với dị nguyên ngay lập tức, sau đó các bác sĩ sẽ chỉ định tiêm adrenalin 1mg 1/2 ống tiếp bắp kết hợp thở oxy mask 6 lít/phút để giảm thiểu các triệu chứng. Sử dụng adrenalin trong điều trị sốc phản vệ càng sớm thì hiệu quả cứu sống bệnh nhân càng cao.

Sau khi được tiêm và thở oxy, y tá và người nhà bệnh nhân cần theo dõi liên tục ý thức, mạch đập và nhịp thở của bệnh nhân để có phản ứng kịp thời nhất. Tuy nhiên nếu chưa kịp đưa bệnh nhân vào bệnh viện, người nhà bệnh nhân cần thực hiện các thao tác sau:

  • Đặt bệnh nhân nằm ở tư thế chân cao hơn đầu.
  • Nới lỏng toàn bộ quần áo và đắp chăn cho người bệnh.
  • Nếu bệnh nhân bị chảy máu từ miệng hoặc nôn mửa, cần lật người bệnh nằm nghiêng đề phòng sặc.
  • Nói chuyện với bệnh nhân liên tục để giữ nhịp thở cho bệnh nhân, tránh rơi vào tình trạng hôn mê.
  • Nếu bệnh nhân có dấu hiệu ngừng thở, cần bắt đầu hồi sức tim phổi bằng ép lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân.
Sốc phản vệ độ 2 có nguy hiểm không? Cách xử lý sốc phản vệ độ 2 3 Sử dụng adrenalin trong điều trị sốc phản vệ độ 2 càng sớm thì hiệu quả càng cao

Phòng ngừa sốc phản vệ độ 2

Sốc phản vệ độ 2 có thể xảy ra rất sớm, chỉ vài phút hay đôi khi muộn hơn sau một vài giờ, nhưng khi đã xảy ra, diễn tiến bệnh sẽ trở nên nhanh chóng, trong vòng 1 - 2 phút có thể chuyển sang trạng thái nguy kịch, lúc này rất khó có thể để đảo ngược tình huống. Vì vậy, bạn và người thân hãy lưu ý những điều sau để phòng tránh sốc phản vệ độ 2:

  • Nếu bạn có tiền sử dị ứng, cần trao đổi thật kỹ với bác sĩ khi kê đơn thuốc vì bạn sẽ dễ bị dị ứng khi sử dụng thuốc. Đồng thời, hãy luôn mang theo bên mình các loại thuốc giải dị ứng.
  • Cần thông báo cho tất nhân viên y tế về tất cả các dị ứng phản vệ mà bạn đã từng gặp phải. Theo hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hiện nay của Bộ Y tế, người có tiền sử phản vệ độ 2 trở lên trong lần tiêm chủng trước đó sẽ không được tiêm vắc xin cùng loại.
  • Khi đang tiêm thuốc, nếu bạn thấy có những cảm giác bất thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi… hãy lên tiếng ngay với bác sĩ để ngừng tiêm để kịp thời xử lý sốc phản vệ. Sau khi tiêm thuốc xong bạn nên ở lại phòng tiêm khoảng 15 - 30 phút, không nên ra về ngay đề phòng sốc phản vệ có thể xảy ra. 
  • Khi ăn đồ ăn lạ, cần thử một lượng nhỏ trước để xem xét phản ứng của cơ thể, sau đó chờ khoảng 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường. Với những người có cơ địa dị ứng, họ sẽ rất dễ bị sốc phản vệ do ăn phải những đồ có chất lạ.
  • Nếu bạn đã từng dị ứng với các loại động vật, bạn nên cẩn thận với những nơi có nhiều côn trùng, khi đó bạn cần mặc áo dài tay và quần dài, không đi chân trần trên các bãi cỏ và tránh xa những bụi rậm, đồng thời không nên mặc những trang phục sáng màu, không sử dụng nước hoa, kem dưỡng da có mùi thơm vì chúng gây thu hút các loại côn trùng.

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu các đặc điểm về sốc phản vệ độ 2. Cấp cứu bệnh nhân sốc phản vệ độ 2 cần phải được thực hiện ở nơi có đầy đủ dụng cụ cùng đội ngũ các bác sĩ có chuyên môn. Vì vậy, hãy ngay lập tức đưa những người có biểu hiện sốc phản vệ đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Ánh Vũ

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin