Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Sự phát triển của thai nhi từ giai đoạn phôi nang

Ngày 28/07/2024
Kích thước chữ

Giai đoạn phôi nang là bước khởi đầu quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi. Phôi nang bao gồm tế bào mầm phôi và tế bào ngoại vi có vai trò hình thành thai nhi và nhau thai. Quá trình phát triển của trứng sau khi thụ tinh diễn ra qua ba giai đoạn chính: Phôi nang, phôi và thai nhi. Để thai nhi phát triển tốt nhất, cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, tâm trạng của mẹ và hoạt động thể chất.

Sự phát triển của thai nhi là một chuỗi những sự kết hợp và phân tách kỳ diệu, bắt đầu từ giai đoạn phôi nang. Đây là thời kỳ mà những tế bào nhỏ bé đầu tiên của phôi thai bắt đầu phân chia và phát triển, tạo nền tảng cho toàn bộ quá trình hình thành và lớn dần của thai nhi sau này. Việc hiểu rõ về giai đoạn này giúp các phụ huynh có những kiến thức quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sự phát triển của con yêu. Cùng theo dõi bài viết sau để biết thêm nhiều điều bổ ích nhé.

Phôi nang là gì?

Phôi nang hoặc blastocyst là giai đoạn đầu của một phôi thai. Chúng có dạng hình cầu và là một cụm khoảng 200 - 300 tế bào đang phân chia được tạo ra từ một trứng đã thụ tinh. Khoảng 5 - 6 ngày sau khi tinh trùng thụ tinh với trứng, các lớp tế bào trong trứng phân chia và tách ra thành một cấu trúc phức tạp gọi là phôi nang. Các tế bào này được chia thành 2 loại chính: Tế bào mầm phôi (embryoblast) và tế bào ngoại vi (trophoblast). Tế bào mầm phôi sẽ phát triển thành thai nhi, trong khi tế bào ngoại vi sẽ hình thành các cấu trúc hỗ trợ như nhau thai.

Giai đoạn phôi nang đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Khi phôi nang đã phát triển tốt trong môi trường ống nghiệm sẽ giúp tăng cơ hội thành công khi cấy phôi vào tử cung. Lúc này phôi nang dễ bám vào tử cung hơn và tăng tỷ lệ mang thai. Ngoài ra, việc sử dụng phôi nang cũng giúp các bác sĩ đánh giá chất lượng và sức khỏe phôi một cách chính xác, từ đó chọn được những phôi khỏe mạnh nhất, giảm nguy cơ mang đa thai.

Sự phát triển của thai nhi từ giai đoạn phôi nang 1
Phôi nang hoặc blastocyst là giai đoạn đầu của một phôi thai

Sự phát triển của thai nhi từ giai đoạn phôi nang

Giai đoạn phôi nang là một phần cực kỳ quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của thai nhi. Nếu phôi nang không bám vào nội mạc tử cung của người mẹ, thai kỳ sẽ không thể xảy ra. Sự phát triển của thai nhi trải qua 3 giai đoạn từ lúc lúc trứng được thụ tinh như sau:

  • Giai đoạn phôi nang (Tuần 1 - 2): Trứng sau khi được thụ tinh sẽ phát triển thành hợp tử, đây là một tế bào đơn lẻ có gen từ cả bố và mẹ. Khoảng ba đến năm ngày sau khi thụ tinh, hợp tử di chuyển qua ống dẫn trứng đến tử cung và bắt đầu liên tục phân chia, cuối cùng tạo thành một khối tế bào rỗng gọi là phôi nang. Phôi nang nằm trong tử cung của mẹ trong vài ngày trước khi bám vào nội mạc tử cung và tiếp tục tạo ra các tế bào mới.
  • Giai đoạn phôi (Tuần 3 - 8): Sau khi làm tổ thành công, phôi tiếp tục phân chia và phát triển nhanh chóng. Các cơ quan chính bắt đầu hình thành trong giai đoạn này. Tim bắt đầu đập và các cấu trúc như não, tủy sống và đường tiêu hóa bắt đầu xuất hiện.
  • Giai đoạn thai nhi (Tuần 9 - 40): Từ tuần thứ 9 trở đi, phôi chính thức được gọi là thai nhi. Thai nhi tiếp tục phát triển và hoàn thiện các cơ quan. Các ngón tay, ngón chân, mắt, tai và các đặc điểm khuôn mặt bắt đầu hình thành rõ ràng. Đến tuần thứ 20, mẹ có thể cảm nhận được sự chuyển động của thai nhi. Trong giai đoạn này, thai nhi sẽ phát triển nhanh cả về kích thước và cân nặng.
Sự phát triển của thai nhi từ giai đoạn phôi nang 3
Sự phát triển của thai nhi trải qua 3 giai đoạn từ lúc lúc trứng được thụ tinh

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi

Để thai nhi phát triển một cách an toàn và tốt nhất, các mẹ bầu và gia đình cũng nên quan tâm đến nhiều khía cạnh khác như chế độ dinh dưỡng, tâm trạng, các hoạt động thể chất nhẹ nhàng hoặc các vấn đề về di truyền,... Hãy tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng, các bác sĩ sản khoa để hiểu rõ hơn về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé, đồng thời đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển hệ thần kinh của trẻ. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng của 3 tháng giữa thai kỳ sẽ mang lại ảnh hưởng đáng kể cho sự phát triển não bộ. Các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, selen, iot hoặc vitamin và các dưỡng chất khác sẽ hỗ trợ cho sự phát triển các chức năng cơ bản của thai nhi. Việc thiếu hụt dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai có thể gây ra những thay đổi đáng tiếc trong chức năng và hành vi của não.

Sự phát triển của thai nhi từ giai đoạn phôi nang 4
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của thai nhi

Tâm lý của mẹ ảnh hưởng đáng kể đến thai nhi

Các nghiên cứu thực tế đã cho thấy tâm lý và chế độ ăn uống có liên quan mật thiết với nhau, đặc biệt là ở mẹ bầu. Trong giai đoạn mang thai, khi tâm lý các mẹ không ổn định sẽ dễ dẫn đến rối loạn ăn uống, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tình trạng stress khi mang thai có thể làm thay đổi cảm giác đói, no, số lượng và loại thực phẩm mà các mẹ tiêu thụ. Điều này dẫn đến việc các mẹ thường xuyên ăn uống theo cảm xúc làm rối loạn chức năng trao đổi chất của cơ thể và gây ra ảnh hưởng đến lượng dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi. Chính vì vậy, các mẹ bầu cần giữ tâm trạng thoải mái và có chế độ ăn uống phù hợp để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

Hoạt động thể chất của mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi

Nhiều nghiên cứu và trường hợp thực tế đã chỉ ra rằng tập thể dục có lợi cho sức khỏe của mẹ bầu, giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm các triệu chứng liên quan đến thai kỳ. Tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải từ sớm trong thai kỳ giúp tăng cường khả năng vận chuyển máu và chức năng của nhau thai, ngăn ngừa các bất thường của nhau thai và giảm nguy cơ tiền sản giật. Đồng thời hỗ trợ cho quá trình sinh nở của mẹ bầu dễ dàng và ít nguy hiểm hơn.

Sự phát triển của thai nhi từ giai đoạn phôi nang 6
Hoạt động thể chất của mẹ ảnh hướng đến sự phát triển của thai nhi

Hy vọng qua bài viết trên các gia đình đã hiểu hơn về quá trình hình thành phôi nang và phát triển của thai nhi. Đồng thời biết được các yếu tố sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Hãy đến gặp các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin