Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tại sao chúng ta nổi mề đay dị ứng thuốc?

Ngày 24/05/2022
Kích thước chữ

Các dấu hiệu dị ứng thuốc hiện nay có rất nhiều nhưng phổ biến nhất vẫn là nổi mề đay. Vậy tại sao lại nổi mề đay dị ứng thuốc, nó có ảnh hưởng đến quá trình điều trị hay không? Hãy cùng đi tìm câu trả lời nhé!

Nguyên nhân khiến chúng ta nổi mề đay có rất nhiều. Nhưng khi bị nổi mề đay do dị ứng thuốc có thể chính là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng của hiện tượng sốc phản vệ. Vì vậy khi gặp vấn đề này, cần phải tiến hành điều trị y tế nhanh chóng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.

Nổi mề đay dị ứng thuốc là gì?

Dị ứng thuốc làm nổi mề đay là phản ứng của cơ thể đang dị ứng hoặc mẫn cảm với một số loại thuốc. Thường thấy với các thành phần như: Aspirin, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau kháng viêm,… Hoặc là phản ứng sau tiêm chủng một loại vắc xin nào đó. Hiện nay, bất cứ loại thuốc nào cũng có thể làm nổi mề đay. Có thể nói nổi mề đay là biểu hiện lâm sàng nhẹ và thường là khởi đầu của phần lớn những trường hợp bị dị ứng thuốc.

Tại sao chúng ta nổi mề đay dị ứng thuốc?

Nổi mề đay khi dị ứng thuốc là phản ứng của cơ thể khi mẫn cảm với các thành phần trong đó

Tình trạng này rất đặc trưng khi xuất hiện các tổn thương nhỏ trên da, gây ngứa ngáy, có thể nổi cộm lên hoặc bằng phẳng. Một số bệnh nhân cũng có thể xuất hiện mụn nước hay các tổn thương da có chứa mủ.

Các trường hợp dị ứng thuốc làm nổi mề đay thường là đối xứng. Khi gặp vấn đề này bệnh nhân sẽ xuất hiện các vết mề đay trên cả hai phần của cơ thể. Với các trường hợp ít nghiêm trọng, mề đay có thể được cải thiện khi bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu nặng hơn sốc phản vệ có thể sẽ xảy ra, gây khó thở và ảnh hưởng đến tính mạng.

Vì sao cơ thể bị dị ứng thuốc?

Histamin là một chất có sẵn trong cơ thể tồn tại dưới dạng liên kết tĩnh điện histamin-heparin không có hoạt tính. Khi có chất lạ đi vào cơ thể thì các nối tĩnh điện này sẽ bị cắt đứt. Quá trình dị ứng bắt đầu khi histamin phóng thích tạo nên các tác dụng dược lực ảnh hưởng lên hệ tuần hoàn của cơ thể. Từ đó làm giãn mạch khiến bệnh nhân bị tụt huyết áp, làm tim đập nhanh, gây nhức đầu do bị tăng áp lực nội sọ,…

Tại sao chúng ta nổi mề đay dị ứng thuốc?

Nổi mề đay là biểu hiện của dị ứng thuốc nhẹ

Hiện tượng dị ứng thuốc xảy ra khi Histamin được phóng thích tự do trong cơ thể và được biểu hiện dưới các hình thức:

  • Dị ứng thuốc nhẹ: Xuất hiện sớm ngay sau một khoảng thời gian ngắn tính từ khi dùng thuốc. Biểu hiện của tình trạng dị ứng này đó là: Nổi mề đay tại chỗ hay toàn thân, mẩn ngứa, phát ban, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở, mắt ngứa, đỏ. Bệnh nhân còn có cảm giác hen suyễn do khí phế quản bị co thắt, khó thở. Ngoài ra còn xuất hiện đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
  • Dị ứng thuốc trầm trọng: Tình trạng này đa số xảy ra sau vài giờ hay vài ngày tính từ lúc dùng thuốc. Làm cho bệnh nhân xuất hiện các hội chứng Lyell, hội chứng Stevens- Johnson.
  • Dị ứng thuốc nặng: Đây là hiện tượng “sốc” thuốc còn được gọi gọi là sốc phản vệ. Dị ứng thuốc nặng thường xảy ra rất nhanh ngay sau khi tiêm hoặc uống thuốc. Bệnh nhân sẽ trong tình trạng trụy tim mạch, khó thở, tím tái, nếu không được cấp cứu kịp thời thì rất dễ dẫn đến tử vong.

Nổi mề đay dị ứng thuốc có nguy hiểm không?

Như đã nói ở trên khi bị nổi mề đay dị ứng thuốc cần phải tiến hành ngưng sử dụng loại thuốc đó ngay và tiến hành thăm khám để kiểm tra điều trị y tế. Bệnh nhân tuyệt đối không được chủ quan trong việc điều trị chỉ nghĩ rằng đây là biểu hiện nhẹ không đáng lo ngại. Các biến chứng có thể xảy ra và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi nổi mề đay dị ứng thuốc gồm có:

  • Phù mạch: Thống kê từ nhiều bệnh nhân cho thấy, có khoảng 50% trường hợp nổi mề đay gặp phải biến chứng phù mạch. Lúc này xuất hiện tại vùng môi, miệng, lưỡi mí mắt, của bệnh nhân sẽ có hiện tượng sưng phù lớn ảnh hưởng đến hô hấp.
  • Nhiễm trùng da: Nổi mề đay khiến nhiều bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy, rất khó chịu. Nhiều người dùng tay cào gãi sẽ gây trầy xước và tổn thương đến lớp biểu bì da. Vi khuẩn gây hại lúc này sẽ dễ dàng xâm nhập vào bên trong vùng da tổn thương gây viêm nhiễm và dẫn đến nhiễm trùng.
  • Sốc phản vệ: Nổi mề đay do dị ứng uống với trường hợp nặng đều có thể khiến bệnh nhân bị sốc phản vệ. Nếu không được sơ cứu kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng.

Tại sao chúng ta nổi mề đay dị ứng thuốc?

Nổi mề đay khi dị ứng thuốc có thể kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm

Ngay khi phát hiện bản thân bị nổi mề đay do dị ứng thuốc, bệnh nhân cần dừng ngay việc sử dụng loại thuốc đó. Sau đó thực hiện các biện pháp chăm sóc đúng cách nhằm đẩy lùi các triệu chứng khó chịu ban đầu. Nhanh chóng đến bệnh viện tiến hành thăm khám để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Tùy theo từng trường hợp, bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho sử dụng các loại thuốc kháng histamin thông thường. Nếu nặng hơn có thể dùng thêm các loại thuốc corticoid. Nếu bị nổi mề đay mãn tính, nên sử dụng kết hợp các loại thuốc kháng histamin với nhau. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm vitamin C liều cao, methionine.

Làm sao phòng ngừa dị ứng thuốc?

Theo nghiên cứu tình trạng dị ứng thuốc nếu xảy ra ở những lần sau sẽ trầm trọng hơn lần trước. Việc dùng thuốc kháng histamin, chống dị ứng chỉ có ý nghĩa tạm thời chứ không thể giải quyết được căn nguyên của vấn đề dị ứng thuốc. Bệnh nhân cần tuân theo những quy tắc sau để có thể phòng ngừa vấn đề này:

  • Chỉ dùng thuốc theo đúng toa chỉ định của bác sĩ để điều trị bệnh. Không được tự ý uống thuốc theo ý mình.
  • Không tự ý mua thuốc để tự điều trị bệnh cho bản thân hoặc người khác.
  • Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không dùng lại loại thuốc đó nữa.
  • Khi đi khám bệnh cần cho các bác sĩ biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây. Và những loại thuốc hiện đang sử dụng để được kê toa thuốc hợp lý, an toàn.

Tại sao chúng ta nổi mề đay dị ứng thuốc?

Không nên mua và uống thuốc ngoài chỉ định của bác sĩ để tránh dị ứng

Theo thống kê, có khoảng 75% các tai biến khi sử dụng thuốc là do nguyên nhân dị ứng. Do đó khi phát hiện nổi mề đay dị ứng thuốc bạn không được chủ quan mà phải dừng sử dụng thuốc ngay. Tiến hành thăm khám để chẩn đoán và điều trị ngay để tránh ảnh hưởng đến tính mạng.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin