Tại sao trẻ biếng ăn và trẻ giãn ruột có biếng ăn không?
Ngày 26/05/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng sinh lý hết sức bình thường. Trong thời kỳ này, bố mẹ sẽ rất lo lắng rằng trẻ giãn ruột có biếng ăn không? Và tại sao trẻ lại biếng ăn? Những lo lắng sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Trẻ sơ sinh thường phát triển rất nhanh trong vài tháng đầu tiên, để trao đổi chất đủ với nhu cầu của trẻ, ruột cũng phải giãn ra nhanh hơn để đáp ứng. Đây là hiện tượng vô cùng bình thường ở trẻ. Khi trẻ giãn ruột có biếng ăn không được và tại sao trẻ biếng ăn là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.
Trẻ biếng ăn tại sao?
Hiểu rõ nguyên nhân tại sao trẻ biếng ăn thì các bậc phụ huynh mới có thể giải quyết được tình trạng này cho trẻ. Trẻ biếng ăn là tình trạng trẻ chán ghét việc ăn uống, trẻ ngậm thức ăn trong miệng hay nặng hơn là tình trạng trẻ khóc thét mỗi khi tới giờ ăn mặc dù rất đói. Biếng ăn ở trẻ được chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính: Sinh lý, tâm lý và bệnh lý.
Biếng ăn do sinh lý
Trong giai đoạn trẻ có thay đổi nhiều trong việc phát triển thể chất như trẻ bắt đầu biết lật, biết ngồi, biết bò, giai đoạn trẻ mọc răng rồi biết đi. Trong những giai đoạn này, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ có rất nhiều chuyển biến. Thể chất cơ thể thay đổi làm trẻ bị ảnh hưởng và xuất hiện chứng biếng ăn.
Điển hình như khi trẻ mọc răng, chân răng kích thích làm ngứa nướu, khi ăn sẽ càng khó chịu hơn nên trẻ biếng ăn. Đây là tình trạng thường xảy ra và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu trẻ biếng ăn kéo dài thì có thể sẽ dẫn đến những tác hại khôn lường. Chính vì thế, lúc này mẹ bé rất cần tìm kiếm những phương pháp để chữa biếng ăn cho trẻ.
Biếng ăn do tâm lý
Trẻ là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng bởi thay đổi của môi trường xung quanh. Khi thay đổi chỗ ngủ, chỗ sinh sống, trẻ bắt đầu đi học,... trẻ không cảm thấy thân quen với môi trường này, trẻ luôn trong tình trạng đề phòng, nghi ngờ nên sinh ra tình trạng biếng ăn.
Ngoài ra, một số bậc phụ huynh khi cho bé ăn thường có xu hướng dọa nạt, uy hiếp, la mắng và các biện pháp trừng phạt. Đây được xem là các phương pháp không những không giúp trẻ hết biếng ăn mà còn làm nặng hơn tình trạng này ở trẻ. Điều này có thể gây nên ám ảnh tâm lý cho trẻ mỗi khi đến giờ ăn, mỗi khi đến giờ ăn bé sẽ khóc thét hay chạy trốn.
Biếng ăn do bệnh lý
Bất kỳ do vấn đề nào do bệnh lý gây ra đều dẫn tới tình trạng trẻ biếng ăn, ví dụ như:
Về đường tiêu hóa: Hệ vi khuẩn đường ruột không ở trạng thái cân bằng, viêm dạ dày tá tràng,... đều khiến việc ăn uống của trẻ trở nên khó khăn. Trẻ dễ rơi vào tình trạng đầy hơi, khó tiêu, trẻ không thoải mái mỗi khi ăn. Khi trẻ không được nạp đủ chất dinh dưỡng thì cơ thể trở nên mệt mỏi, lờ đờ, càng làm nặng thêm chứng biếng ăn.
Về răng miệng: Tình trạng trẻ mọc răng hay sâu răng, nhức răng sẽ gây ám ảnh cho trẻ mỗi khi đến bữa ăn. Trẻ không muốn ăn vì càng ăn càng đau, việc nhai nuốt trở nên khó khăn hơn.
Tình trạng giãn ruột ở trẻ
Trẻ trong khoảng từ 2 - 3 tháng tuổi sẽ có hiện tượng kích thước, thể tích ruột phát triển nhanh hơn mức bình thường. Những tháng đầu tiên, trẻ “lớn nhanh thư thổi” nên ruột cần hấp thu nhiều dưỡng chất để đi nuôi toàn bộ cơ thể để trẻ phát triển nhanh nhất. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường và xuất hiện ở hầu hết tất cả các trẻ.
Hiện tượng này cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ nên khi thấy tần suất đi đại tiện của trẻ kéo dài hơn bình thường thì bậc phụ huynh cũng không cần lo lắng. Vì khi thể tích, kích thước ruột lớn hơn đồng thời cũng kéo dài thời gian đi đại tiện của trẻ. Vậy thì khi trẻ giãn ruột có biếng ăn không?
Giải đáp: Trẻ giãn ruột có biếng ăn không?
Giãn ruột ở trẻ là hiện tượng sinh lý bình thường và không gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ. Trong thời gian này, hoạt động sinh lý của trẻ vẫn rất bình thường. Trẻ ăn tốt, ngủ tốt, vui chơi sinh hoạt như thời gian trước đó. Thậm chí, trong khoảng thời gian này, lượng thức ăn trẻ hấp thu sẽ nhiều hơn trước đó. Chỉ có tần suất đi đại tiện của trẻ sẽ kéo dài hơn so với bình thường có khi từ 3 - 10 ngày trẻ mới đi đại tiện một lần.
Lúc này việc các bậc phụ huynh cần làm là bổ sung lợi khuẩn, massage bụng cho trẻ và tập thể dục nhẹ nhàng để hạn chế tình trạng khó tiêu ở trẻ. Ngoài ra, vì lúc này trẻ cần lượng lớn chất dinh dưỡng nên có thể tăng cữ bú cho trẻ để trẻ có đủ chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện. Đồng thời, tắm nước ấm cho trẻ để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, giảm tình trạng đầy hơi, khó tiêu hóa ở trẻ. Không nên quá lo lắng và vội vàng dùng các phương pháp hỗ trợ cho bé đi đại tiện.
Vậy chúng ta đã hiểu tại sao trẻ biếng ăn và trẻ giãn ruột có biếng ăn không. Các mẹ bé hãy yên tâm, nếu trẻ giãn ruột sẽ không biếng ăn mà còn ăn nhiều hơn nữa. Hãy chuẩn bị kỹ càng để giúp trẻ nhà bạn phát triển thật tốt nhé.
Kim Huệ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.