Ung thư vú là mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe của phụ nữ. Tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Các xét nghiệm sàng lọc có thể giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm khi cơ hội sống sót là cao nhất.
Mặc dù việc sàng lọc ung thư vú đóng vai trò rất quan trọng, nhưng có ít hơn 40% phụ nữ trong độ tuổi từ 50 đến 69 tại Singapore được thực hiện chụp nhũ ảnh.
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất trên phụ nữ tại Singapore. Thực tế, trong 50 năm qua, tỷ lệ mắc ung thư vú đã tăng gấp ba lần. Tỷ lệ mắc ung thư vú đặc trưng theo độ tuổi từ báo cáo dữ liệu ung thư năm 2015: 43,2/100.000 dân số mắc ung thư vú ở nhóm tuổi từ 30 đến 39, 139,1/100.000 dân số ở nhóm tuổi từ 40 đến 49 và 195,7/100.000 dân số ở nhóm tuổi từ 50 đến 59. Với tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở nhóm bệnh nhân trên 40 tuổi, từ đó cho thấy việc thực hiện tầm soát ung thư vú thường quy ở nhóm phụ nữ này là rất quan trọng.
Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là sự phát triển của các tế bào ung thư bất thường bắt nguồn từ vú. Những tế bào ác tính này tăng sản nhanh chóng và giống như các loại ung thư khác, nó có thể di căn đến các khu vực khác trên cơ thể. Nếu không thực hiện sàng lọc, ung thư vú thường chỉ có thể được phát hiện khi khối u đã phát triển lớn, có thể nhìn thấy hoặc sờ được, hoặc nếu nó đã di căn đến các hạch bạch huyết ở các vùng lân cận như nách hoặc cổ, khi đó có thể gây hạn chế vận động tại nách hoặc cổ, trường hợp nếu ung thư lan rộng đến xương cột sống, sẽ có thể gây đau lưng.
Triệu chứng của ung thư vú
Các triệu chứng phổ biến của ung thư vú bao gồm:
Khối u ở vú hoặc vùng nách, lúc đầu có thể kích thước rất nhỏ.
Chụp nhũ ảnh là một trong những cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán phổ biến nhất được sử dụng để sàng lọc ung thư vú, phương pháp này đơn giản là một dạng chụp X-quang đặc biệt giúp phát hiện những thay đổi và bất thường trong mô vú.
Chụp nhũ ảnh được thực hiện như thế nào?
Trong quá trình chụp nhũ ảnh, kỹ thuật viên chụp X-quang sẽ nén, ép nhẹ mô vú vào giữa 2 tấm phim phẳng và chụp ảnh từ nhiều góc độ khác nhau để dựng lên hình ảnh hoàn chỉnh về vú, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh.
Chụp X- quang tuyến vú có thể là kỹ thuật số hoặc chụp phim thường. Chụp nhũ ảnh kỹ thuật số thường được ưu tiên hơn vì giảm thiểu được độ nhiễu, cho hình ảnh nét, rõ ràng hơn.
Tại sao cần thực hiện chụp nhũ ảnh?
Chụp nhũ ảnh được khuyến cáo để phát hiện những thay đổi trong mô vú, là phương pháp phổ biến nhất được sử dụng trong quá trình sàng lọc ung thư vú. Nó cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán xác định.
Chụp nhũ ảnh sàng lọc
Chụp nhũ ảnh giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, trước khi các triệu chứng K vú xuất hiện. Nó có thể phát hiện những bất thường, chẳng hạn như vôi hóa vú, trước khi người bệnh có thể cảm nhận được chúng.
Chụp nhũ ảnh chẩn đoán
Chụp nhũ ảnh chẩn đoán giúp xác nhận xem những thay đổi ở vú hoặc các triệu chứng khác có thực sự là do ung thư vú gây ra hay không. Có thể đánh giá thêm bất kỳ dấu hiệu bất thường nào được tìm thấy trong chụp nhũ ảnh hoặc phát hiện xem có ung thư tái phát ở những phụ nữ trước đây đã được điều trị ung thư vú hay không. Nó thường liên quan đến việc chụp nhiều hình ảnh X-quang vú bao gồm cả chế độ xem nén hoặc phóng to so với chụp nhũ ảnh sàng lọc.
Khi nào nên chụp nhũ ảnh?
Không có độ tuổi lý tưởng và các khuyến nghị nào nhất định. Sự khuyến cáo chung là những phụ nữ có nguy cơ trung bình nên chụp nhũ ảnh từ 40 tuổi trong khi những phụ nữ được coi là có nguy cơ cao có thể cân nhắc bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn để phát hiện ung thư vú càng sớm càng tốt.
Phụ nữ có nguy cơ trung bình
Phụ nữ ở độ tuổi 40 - 49 nên đi chụp nhũ ảnh hàng năm, sau đó 2 năm một lần. Lưu ý rằng điều này chỉ áp dụng cho những người không có tổn thương cần theo dõi. Đối với những người có bất thường, khoảng thời gian tầm soát có thể thay đổi ngắn hơn.
Phụ nữ có nguy cơ cao
Những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn thì việc chụp nhũ ảnh sàng lọc K vú trước 40 tuổi mang đến nhiều lợi ích đáng kể. Tốt nhất là bạn nên tham vấn với bác sĩ để được tư vấn dựa trên tiền sử bản thân và tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú.
Chụp nhũ ảnh có hiệu quả không?
Đã có một số tranh cãi xung quanh việc sử dụng chụp nhũ ảnh sàng lọc ung thư vú do các trường hợp dương tính giả đã dẫn đến việc xét nghiệm thêm không cần thiết và tăng khả năng thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và Tổ chức Ung thư Vú Singapore vẫn khuyến nghị chụp nhũ ảnh là một phần thiết yếu để phát hiện sớm ung thư vú. Hiệu quả của chụp nhũ ảnh và kết quả dương tính giả phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm mật độ mô vú của bệnh nhân, năng lực của kỹ thuật viên chụp X- quang, chất lượng phim X- quang và cuối cùng là năng lực đọc phim của bác sỹ chẩn đoán hình ảnh.
Một số xét nghiệm sàng lọc ung thư vú khác cần thực hiện
Bất kỳ xét nghiệm cận lâm sàng nào khác để sàng lọc ung thư vú sẽ được chỉ định tùy thuộc vào bác sĩ chuyên khoa, cũng như dựa vào kết quả chụp nhũ ảnh. Các cận lâm sàng khác bao gồm:
Siêu âm
Siêu âm đôi khi được sử dụng kết hợp với chụp nhũ ảnh để tăng tỷ lệ phát hiện ung thư và các tổn thương nghi ngờ khác. Do dân số châu Á có xu hướng có mô vú khá dày đặc và không phải tất cả các bệnh ung thư đều có thể được phát hiện chỉ bằng chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm.
Sinh thiết vú
Nếu bác sĩ nghi ngờ khả năng xuất hiện các tế bào bất thường cao sẽ chỉ định sinh thiết vú, trong đó một số mô vú sẽ được thu thập và đem đi sinh thiết. Đây là một phương pháp xâm lấn nhiều hơn so với chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm, mặc dù việc lấy mẫu các tổn thương vú đáng ngờ bằng kỹ thuật sinh thiết dưới áp lực âm là xâm lấn tối thiểu. Việc chỉ định sinh thiết hay không phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng, tiền sử bản thân, tiền sử gia đình, kết quả hình ảnh ban đầu và bác sĩ điều trị.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được khuyến cáo từ 25 - 30 tuổi và thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao chẳng hạn như người mang gen BRCA 1 hoặc 2 (gen gây dễ mắc một số bệnh ung thư nhất định) hoặc người có một tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú. Hoặc trường hợp đã bơm silicon hoặc các hóa chất khác để nâng ngực thì chụp nhũ ảnh và siêu âm có thể không phát hiện được tổn thương và cần phải chụp MRI. Tuy nhiên, MRI không được khuyến khích để sàng lọc vú định kỳ cho những phụ nữ có nguy cơ trung bình.
Chụp nhũ ảnh 3D
Trường hợp vú lớn, mô vú dày, bác sĩ cho thể chỉ định thêm chụp nhũ ảnh 3D. Đây là phương pháp giúp thu được nhiều tia X liều thấp của vú ở các góc khác nhau và được tái tạo thành hình ảnh 3D. Công nghệ này giúp khắc phục vấn đề mô vú dày đặc chồng lên nhau bao phủ khối u bên dưới.
Có cần thực hiện tầm soát ung thư vú không?
Theo hướng dẫn quốc gia về sàng lọc K vú của Singapore, phụ nữ có nguy cơ trung bình từ 40 tuổi trở lên cần chụp nhũ ảnh hàng năm và những người từ 50 tuổi trở lên cần chụp nhũ ảnh 2 năm một lần. Bác sĩ trao đổi về những rủi ro và lợi ích của các chỉ định sàng lọc tùy theo từng độ tuổi nhất định. Hãy đặt lịch hẹn sàng lọc ung thư vú nếu bạn đã đủ 40 tuổi.
Ngoài ra, bất kỳ độ tuổi nào khi có dấu hiệu bất thường của vú hoặc nhận thấy bất kỳ thay đổi nào, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác nhất. Nên tự khám vú tại nhà hàng tháng, việc này giúp nhận biết sớm các bất thường ở vú. Việc phát hiện sớm giúp việc lựa chọn điều trị cũng như tỷ lệ phục hồi cao hơn.
Ngoài việc sàng lọc ung thư vú, phụ nữ cũng nên tìm hiểu thêm về sàng lọc thường xuyên các bệnh ung thư khác như ung thư cổ tử cung và các tình trạng khác theo từng độ tuổi, chẳng hạn như các bệnh chuyển hóa.
Tóm lại, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hãy tìm hiểu thêm về nhu cầu chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và lối sống đem lại cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.