Tham khảo phương pháp hỗ trợ chữa bệnh cao huyết áp không dùng thuốc
Ngày 25/03/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Cao huyết áp là một bệnh lý phổ biến, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, một số phương pháp tự nhiên giúp kiểm soát và giảm cao huyết áp một cách hiệu quả được nhiều người quan tâm. Kiểm soát huyết áp bằng những phương pháp này là một cách an toàn và đơn giản để hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn những phương pháp tự nhiên và hiệu quả giúp kiểm soát cao huyết áp. Bạn sẽ có thể nắm được những cách hỗ trợ chữa bệnh an toàn và đơn giản tại nhà, cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống của mình một cách tốt nhất. Hãy cùng khám phá những phương pháp này và áp dụng bạn nhé!
Bệnh cao huyết áp là gì và nguyên nhân do đâu?
Cao huyết áp là hiện tượng máu được đẩy đi với áp lực tăng cao hơn mực bình thường. Ở người bình thường, huyết áp khoảng 120/80 mmHg. Người có nguy cơ bị cao huyết áp cao thì chỉ số này từ 120 - 139/80 - 89 mmHg và cao huyết áp khi chỉ số này đo được là 140/90 mmHg trở lên.
Phần lớn trường hợp tăng huyết áp ở người trưởng thành không có nguyên nhân rõ ràng, khoảng 10% bệnh nhân do các nguyên nhân sau:
Tuổi tác tăng lên.
Tăng cân bất thường.
Tiêu thụ mặn trong thời gian dài, dẫn đến hấp thu nước vào máu.
Tiêu thụ chất béo quá nhiều, đặc biệt là chất béo bão hòa.
Có tiền sử gia đình với người mắc bệnh cao huyết áp.
Ít vận động thể chất.
Mắc các bệnh mãn tính.
Uống rượu bia thường xuyên.
Trải qua căng thẳng tâm lý trong thời gian dài.
Nhiễm độc thai khi mang thai.
Vì sao bệnh cao huyết áp nguy hiểm?
Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao tăng nhanh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bệnh nhân và toàn xã hội. Các biến chứng có thể bao gồm: Suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc mạch máu não, mù lòa, suy thận,...
Các triệu chứng của tăng huyết áp thường rất khó phát hiện khi bệnh chưa ở giai đoạn biến chứng. Do đó, bệnh nhân thường có thái độ chủ quan và ít tuân thủ nghiêm túc các chỉ định điều trị, dẫn đến tỷ lệ biến chứng cao.
Lối sống ảnh hưởng như thế nào đến bệnh cao huyết áp?
Cách sống và chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng đối với huyết áp và sức khỏe tổng thể. Thực hiện một lối sống lành mạnh có thể giúp:
Điều chỉnh hoặc ngăn ngừa tình trạng huyết áp cao từ đầu.
Giảm thiểu việc sử dụng thuốc hạ huyết áp.
Nếu cần sử dụng thuốc hạ huyết áp, chọn loại thuốc phù hợp và sử dụng chúng đúng cách.
Giảm nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hoặc các bệnh về thận.
Những nguyên nhân của tình trạng huyết áp cao không chỉ do lối sống không lành mạnh như lười vận động, hút thuốc, uống rượu, sử dụng thức ăn nhanh, thức ăn đường phố, thịt động vật nhiều, mà còn do căng thẳng trong cuộc sống và áp lực công việc.
Do đó, việc thay đổi lối sống cũng là một phần quan trọng của việc dự phòng và điều trị huyết áp cao. Điều này hoàn toàn an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng huyết áp cao ở những người chưa bị tăng huyết áp, giảm tốc độ bệnh tại người bị tăng huyết áp độ 1, giúp giảm liều và tác dụng phụ của thuốc hạ huyết áp ở những người đang điều trị.
Các cách hỗ trợ chữa cao huyết áp không dùng thuốc
Giảm cân
Giảm cân là cách để ổn định huyết áp hiệu quả ở người thừa cân, béo phì.
Thừa cân và béo phì có thể gây nguy cơ tăng huyết áp, chứng ngưng thở khi ngủ và các vấn đề sức khỏe khác. Nghiên cứu cho thấy với mỗi kilogram giảm cân, chỉ số huyết áp sẽ giảm khoảng 1 mmHg.
Tập thể dục thường xuyên
Việc tập thể dục thường xuyên có thể giúp phòng tránh bệnh lý tăng huyết áp. Nếu bạn đã bị tăng huyết áp, việc vận động thường xuyên sẽ giúp giảm chỉ số huyết áp xuống mức an toàn hơn. Vận động ít nhất 150 phút/tuần có thể giảm chỉ số huyết áp từ 5 - 8 mmHg ở những người bị tăng huyết áp. Bạn nên duy trì thói quen tập thể dục đều đặn để huyết áp không tăng trở lại.
Một số bài tập thích hợp cho những người bị tăng huyết áp bao gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ và luyện tập cường độ cao ngắt quãng.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh cũng là một yếu tố quan trọng trong việc ổn định huyết áp. Theo khuyến cáo của DASH, bạn nên tuân thủ thực đơn gồm nhiều ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein tốt, thực phẩm giàu canxi, kali, magie, trái cây và rau củ, hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol.
Bạn cũng cần cắt giảm lượng đường tinh luyện trong khẩu phần ăn của bạn. Chế độ ăn ít đường tinh luyện có thể giúp ổn định huyết áp.
Hạn chế rượu bia
Hạn chế lượng rượu uống hằng ngày trong mức độ an toàn (1 ly/ngày đối với phụ nữ hoặc 2 ly/ngày đối với nam giới) có thể giảm chỉ số huyết áp khoảng 4 mmHg. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng chỉ số huyết áp và làm giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị huyết áp.
Bỏ hút thuốc lá
Việc hút thuốc lá gây tăng chỉ số huyết áp ngay cả sau khi hút xong. Ngừng hút thuốc sẽ giúp giảm chỉ số huyết áp trở lại bình thường, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và cải thiện sức khỏe tổng thể. Nghiên cứu cho thấy những người không hút thuốc có thể sống thọ hơn những người hút thuốc lá lâu năm.
Hạn chế lượng muối ăn
Nghiên cứu cho thấy sự tương quan giữa lượng muối và huyết áp đã được xác định rõ ràng. Khi lượng muối được tăng hoặc giảm, huyết áp sẽ tăng hoặc giảm theo đó tương ứng. Việc giảm lượng muối sẽ có tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt là đối với bệnh nhân tăng huyết áp hoặc tiền tăng huyết áp. Theo đó, khuyến cáo hạn chế natri hàng ngày dưới mức 2,4 g.
Giảm căng thẳng và đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Căng thẳng mãn tính có thể làm tăng huyết áp. Hãy dành ít thời gian để suy nghĩ về nguyên nhân gây stress ví dụ như công việc, gia đình, tài chính hoặc sức khỏe, cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề đó để giảm thiểu căng thẳng và giảm nguy cơ tăng huyết áp.
Thường thì huyết áp sẽ giảm xuống trong khi ngủ. Nếu giấc ngủ không đủ hoặc không sâu, điều này có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Những người thường xuyên thiếu ngủ hoặc mất ngủ đặc biệt là những người lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp sẽ tăng lên.
Lưu ý khi chữa cao huyết áp không dùng thuốc
Khi được chẩn đoán mắc tăng huyết áp, phương pháp can thiệp đầu tiên đối với bệnh nhân là thay đổi lối sống (bất kể ở giai đoạn nào của tăng huyết áp), kèm theo sử dụng thuốc nếu cần thiết tùy vào giai đoạn tăng huyết áp.
Việc điều trị tăng huyết áp không sử dụng thuốc được khuyến khích cho những bệnh nhân bị tăng huyết áp bình thường cao (ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ rất cao bệnh tim mạch) và/hoặc bị tăng huyết áp độ 1, không có biến chứng về tim mạch và tổn thương cơ quan đích.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc phụ thuộc rất nhiều vào việc bệnh nhân tuân thủ điều trị đầy đủ và đúng cách, bệnh nhân cần được theo dõi và quản lý bệnh lâu dài theo hướng dẫn của thầy thuốc để giảm bớt các nguy cơ xảy ra biến chứng và duy trì mức huyết áp hợp lý.
Thông qua những thông tin trên, mong rằng bạn đã có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh cao huyết áp cũng như cách hỗ trợ chữa bệnh cao huyết áp không dùng thuốc. Hy vọng bạn đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình điều trị và chăm sóc sức khỏe.
Ánh Tuyết
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.