Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thông tin A - Z về tầm soát ung thư

Ngày 03/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo thống kê, Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư đứng thứ 90/185 quốc gia. Tỷ lệ mắc mới có xu hướng ngày càng gia tăng. Việc tầm soát ung thư sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và chữa trị hiệu quả hơn.

Nếu được hỏi kể tên một căn bệnh đáng sợ nhất, có lẽ không ít người sẽ nghĩ ngay đến bệnh ung thư. Tuy là một trong những căn bệnh nguy hiểm hàng đầu với tỷ lệ tử vong cao, nhưng bệnh ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện từ giai đoạn sớm. Và để có thể phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tầm soát ung thư là việc làm cần thiết. 

Tầm soát ung thư là gì? Tại sao nên tầm soát ung thư?

Tầm soát ung thư là gì? Đây biện pháp dò tìm, phát hiện mầm mống bệnh ung thư trước khi xuất hiện triệu chứng. Bằng các loại xét nghiệm và kỹ thuật kiểm tra sức khỏe hiện đại, các bác sĩ có thể phát hiện sớm các tế bào ác tính và tế bào bất thường trong cơ thể. 

Theo thống kê của GLOBOCAN (Tổ chức Ung thư toàn cầu), tại nước ta có khoảng 126.000 ca bệnh ung thư mới và số người bị căn bệnh này cướp đi tính mạng lên đến 94.000 người/năm. Ung thư được xếp vào nhóm 10 bệnh gây tử vong hàng đầu hiện nay. Nếu bệnh được phát hiện sớm và kịp thời, người bệnh sẽ nhận được những lợi ích như: 

  • Tăng khả năng chữa khỏi khi phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm.
  • Chi phí điều trị đỡ tốn kém hơn.
  • Tăng khả năng sống của bệnh nhân sau điều trị.
  • Nếu sau mỗi lần tầm soát và cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, bạn có thể yên tâm vui sống, nâng cao chất lượng cuộc sống.
tầm soát ung thư 1
Lý tưởng nhất là có thể tầm soát ung thư mỗi lần 1 năm

Quy trình tầm soát ung thư

Các phương pháp khám để tầm soát bệnh ung thư được thực hiện trên những người hoàn toàn bình thường, chưa xuất hiện triệu chứng bệnh và hạn chế tối đa việc xâm lấn. Mỗi loại bệnh ung thư có những phương pháp tầm soát phù hợp. Tuy nhiên, quy trình tầm soát chung thường gồm các bước:

  • Bước 1 - Khám lâm sàng: Bác sĩ hỏi về yếu tố nguy cơ như tiền sử bệnh của người khám và người thân, tình trạng sức khỏe chung, các triệu chứng bất thường nếu có...
  • Bước 2 - Kiểm tra cận lâm sàng: Các kiểm tra cận lâm sàng cơ bản có thể là xét nghiệm máu, xét nghiệm tế bào, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân...
  • Bước 3 - Chẩn đoán bằng hình ảnh: Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phương thức chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ, nội soi...

Phương pháp tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp

Chi tiết các phương pháp được áp dụng với một số bệnh ung thư thường gặp hiện nay cụ thể là:

Ung thư dạ dày

Tầm soát căn bệnh này bác sĩ thường chỉ định các kiểm tra cận lâm sàng như: 

  • Nội soi dạ dày để quan sát bên trong dạ dày.
  • Sinh thiết trong quá trình nội soi dạ dày để lấy mẫu mô từ vùng nghi ngờ bất thường trong dạ dày. 
  • Chụp cắt lớp dạ dày để có hình ảnh chụp cắt lớp vi tính CT và PET-CT giúp phát hiện di căn của ung thư dạ dày
  • Kiểm tra hơi thở, xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác để kiểm tra nhiễm khuẩn HP.
tầm soát ung thư 2
Bác sĩ tiến hàng tầm soát bệnh ung thư dạ dày

Ung thư đại tràng

Tầm soát ung thư đại tràng có thể được thực hiện với các kỹ thuật gồm:

  • Xét nghiệm máu trong phân khi có polyp, ung thư hay các bệnh khác về đại tràng.
  • Nội soi đại tràng để bác sĩ quan sát bên trong lòng đại tràng tìm polyp, mô bất thường hoặc ung thư. 
  • Sinh thiết lấy mẫu mô bất thường (nếu có) trong quá trình nội soi để tìm tế bào ác tính.
  • Siêu âm ổ bụng giúp phát hiện dấu hiệu tắc ruột, dày thành đại tràng...
  • Chụp cắt lớp CT hoặc cộng hưởng từ MRI để phát hiện hình dạng, kích thước, độ xâm lấn và di căn của ung thư. 

Ung thư phổi

CT scan ngực (có hoặc không có thuốc cản quang) tùy trường hợp có phát hiện các nốt bất thường 7 - 10mm ở phổi hay không. CT Scan giúp khắc phục nhược điểm của X-quang ngực thẳng. 

Sinh thiết nốt bất thường tiến hành khi phim CT scan có thuốc cản quang và/hoặc PET/CT phát hiện hình ảnh nghi ngờ cao. 

Ung thư gan

Phương pháp tầm soát bệnh ung thư gan gồm: 

  • Xét nghiệm chỉ số AFP: Bệnh nhân ung thư gan có thể có chỉ số này trong máu tăng cao. Nhưng điều này không xảy ra ở tất cả bệnh nhân.
  • Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh qua siêu âm bụng, chụp CT và MRI gan - bụng để xác nhận và đánh giá khối u cùng mức độ xâm lấn. 
  • Nếu nghi ngờ ung thư gan bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết khối u.
tầm soát ung thư 3
Chụp cắt lớp để tầm soát bệnh ung thư gan

Ung thư cổ tử cung

Tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện bằng các phương pháp:

  • Phết tế bào cổ tử cung để phân tích tế bào dưới kính hiển vi nhằm xác định lành tính/tiền ung thư hay ung thư. Phương pháp này thường chỉ thực hiện với người đã quan hệ tình dục.
  • Xét nghiệm virus HPV thuộc nhóm có nguy cơ cao gây tiền ung thư và ung thư.
  • Soi cổ tử cung để kiểm tra khu vực bất thường trong cổ tử cung và tiến hành sinh thiết.
  • Nạo nội mạc cổ tử cung để lấy mô phục vụ mục đích kiểm tra dưới kính hiển vi. 
  • Khoét chóp cổ tử cung để kiểm tra một phần hình nón ở cổ tử cung dưới kính hiển vi. 

Ung thư vú

Tầm soát bệnh ung thư vú bằng siêu âm, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc sinh thiết để xác định tế bào trong khối u là lành tính hay ác tính. 

Ung thư tiền liệt tuyến

Phương phám tầm soát ung thư tuyến tiền liệt như sau:

  • Khám trực tràng bằng tay để xác định vùng cứng, sần sùi hoặc các bất thường khác.
  • Xét nghiệm kháng nguyên PSA trong máu. Nếu có sự gia tăng PSA có thể nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt
  • Chụp cộng hưởng từ MRI vùng chậu để xác định sự lan rộng hoặc xâm lấn các hạch bạch huyết hay di căn xương vùng chậu. 
  • Chụp xạ hình xương giúp phát hiện bệnh ung thư đã di căn vào xương hay chưa.
  • Sinh thiết lấy mẫu mô hoặc dịch của tuyến tiền liệt để phân tích dưới kính hiển vi, xác định tế bào ác tính. 

Ai nên tầm soát ung thư càng sớm càng tốt?

Bệnh ung thư hiện nay có xu hướng trẻ hóa. Bất cứ ai trong chúng ta cũng nên đến cơ sở y tế làm tầm soát ung thư nếu có điều kiện. Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây nên làm sớm và thường xuyên hơn:

  • Người có chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học như thức khuya, hút thuốc, thường xuyên căng thẳng, nghiện rượu bia…
  • Người mắc các bệnh mãn tính về gan, phổi, dạ dày…
  • Trong gia đình, nhất là bố, mẹ, anh chị em có người mắc bệnh ung thư.
  • Người sinh sống và làm việc trong môi trường độc hại.

Việc sàng lọc ung thư theo độ tuổi rất quan trọng và cấp thiết do độ tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh cao và biến chứng sức khỏe nặng nề hơn nếu không may mắc bệnh. So với người trẻ, ung thư ở người độ tuổi trên 50 thường phát triển nhanh, phá hủy nhiều cơ quan khiến bệnh nhân suy kiệt nhanh chóng, khó phục hồi và điều trị.

tầm soát ung thư 4 Độ tuổi từ 50 trở lên nguy cơ mắc ung thư và tiên lượng bệnh nặng hơn

Ngoài những gợi ý trên, tùy yếu tố nguy cơ trong từng trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định hoặc gợi ý các phương pháp tầm soát ung thư khác.

Khi bệnh ung thư có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, việc tầm soát bệnh càng trở nên quan trọng. Hy vọng rằng sau những thông tin mà Long Châu cung cấp, bạn có thể hiểu rõ hơn về biện pháp chăm sóc sức khỏe chủ động này và thực hiện tầm soát càng sớm càng tốt nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Medlatec

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm