Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng cần xây dựng dựa trên nguyên tắc nào?

Ngày 04/12/2024
Kích thước chữ

Giai đoạn 6-7 tháng tuổi là mốc quan trọng khi bé bắt đầu ăn dặm và khám phá các hương vị mới. Đây là cơ hội để ba mẹ xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho bé. Việc tạo một thực đơn cân đối, giàu dinh dưỡng và phù hợp với độ tuổi là rất quan trọng để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của bé. Bài viết này sẽ chia sẻ các nguyên tắc và gợi ý xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng vừa đơn giản, ngon miệng, vừa đảm bảo đủ dưỡng chất cho bé.

Giai đoạn 6-7 tháng tuổi đánh dấu thời điểm bé bắt đầu hành trình ăn dặm. Đây không chỉ là bước chuyển từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sang thức ăn thô, mà còn là mốc quan trọng để bé phát triển hệ tiêu hóa, làm quen với nhiều loại thực phẩm mới và hình thành thói quen ăn uống. Để bé luôn khỏe mạnh và háo hức với các bữa ăn, việc xây dựng một ăn dặm cho bé 6-7 tháng hợp lý và đa dạng là vô cùng cần thiết.

Nguyên tắc xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng

Ăn dặm là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi đứa trẻ. Để bé làm quen và thích nghi tốt từ những bước khởi đầu, ba mẹ cần chú ý một số nguyên tắc cơ bản khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng sau:

  • Khởi đầu từ từ: Bắt đầu với lượng thức ăn nhỏ và tăng dần theo khả năng của trẻ.
  • Số lượng bữa ăn: Bắt đầu với 1 bữa mỗi ngày kết hợp với bú mẹ, sau đó tăng dần tùy theo nhu cầu của con.
  • Độ thô của thức ăn: Bắt đầu với thức ăn loãng, nghiền nhuyễn, rồi tăng dần độ thô khi bé dần quen với việc nhai.
  • Nguyên liệu sạch, an toàn: Chọn thực phẩm tươi, sạch, không chứa hóa chất và chế biến đảm bảo vệ sinh.
  • Không thêm gia vị: Tránh sử dụng muối, mắm và các gia vị khác trong năm đầu đời.
  • Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng: Cung cấp đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: Tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
  • Không ép bé ăn: Tôn trọng sự tự do ăn uống của con, không ép buộc khi bé không muốn ăn.
  • Đa dạng thực đơn: Thường xuyên thay đổi món ăn để bé không cảm thấy nhàm chán và có cơ hội khám phá nhiều hương vị mới.
  • Theo dõi phản ứng của bé: Quan sát phản ứng của bé để phát hiện những dấu hiệu dị ứng hoặc không thích một loại thực phẩm nào và điều chỉnh thực đơn phù hợp.
Thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng cần xây dựng dựa trên nguyên tắc nào? - 1
Cần chú ý nguyên tắc xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng

Lưu ý: Với trẻ dưới 1 tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính, ăn dặm chỉ là bước bổ sung để bé làm quen với thức ăn đặc và kích thích, đa dạng hóa khẩu vị.

Những dưỡng chất cần có trong thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng

Khi bé bắt đầu ăn dặm, việc cung cấp đủ dưỡng chất là rất quan trọng để hỗ trợ sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng cần đảm bảo bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng quan trọng, thiết yếu sau:

  • Chất đạm: Được tìm thấy trong cá, trứng, thịt bò và các loại đậu, giúp bé phát triển cơ bắp và kích thích tăng trưởng.
  • Tinh bột: Có trong khoai lang, ngũ cốc, mì ống, bánh mì và khoai tây, cung cấp năng lượng cho bé.
  • Chất béo: Nguồn chất béo có trong các loại hạt, dầu thực vật, bơ và mỡ động vật, hỗ trợ phát triển trí não và cung cấp năng lượng.

Ngoài ba nhóm dưỡng chất chính này, bố mẹ cũng nên chú ý bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất quan trọng như:

  • Sắt: Có nhiều trong các loại đậu tây, đậu đen và rau xanh đậm, giúp phát triển tế bào máu và não bộ.
  • Kẽm: Giúp tăng cường hệ miễn dịch, chữa lành vết thương và thúc đẩy sự phát triển tế bào, có nhiều trong thịt bò, tôm, hạt vừng, bí ngô.
  • Canxi: Bổ sung từ trứng, rau xanh, đậu và sữa bởi giai đoạn này, bé đang mọc răng và hệ xương phát triển nhanh chóng.
  • Vitamin D: Từ cá hồi và các thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D, đồng thời tắm nắng để giúp bé hấp thu canxi hiệu quả.
  • Vitamin C: Giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa vi khuẩn, vi rút gây bệnh, có nhiều trong cam, quýt, bưởi, dâu tây, đu đủ, kiwi, xoài.
  • Vitamin A: Cung cấp từ các sản phẩm từ sữa, cà rốt, khoai lang, rau xanh đậm như: Rau bina, bắp cải và bông cải xanh, giúp tăng cường miễn dịch và bảo vệ thị giác và làn da của bé.
Thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng cần xây dựng dựa trên nguyên tắc nào? - 2
Thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng cần bổ sung các nhóm dưỡng chất cần thiết

Gợi ý một số món ăn dặm thơm ngon, bổ dưỡng cho bé 6-7 tháng

Dưới đây là một số món ăn thơm ngon, bổ dưỡng và dễ chế biến mẹ có thể đưa vào thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng tuổi, giúp con làm quen với đa dạng hương vị và kết cấu thực phẩm:

Bột khoai tây

Khoai tây là nguồn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, giúp cân bằng hệ tiêu hóa và giảm nồng độ axit trong cơ thể. Đồng thời, khoai tây còn cung cấp vitamin và khoáng chất thiết yếu hỗ trợ sự phát triển toàn diện của bé.

Nguyên liệu: 50g khoai tây, sữa công thức hoặc sữa mẹ.

Cách làm: Rửa sạch khoai tây, nạo vỏ rồi hấp hoặc luộc chín, sau đó nghiền nhuyễn. Bạn cũng có thể nướng khoai để tạo hương vị khác biệt. Cho khoai đã nghiền vào nồi nấu nhỏ lửa cùng với sữa. Khi hỗn hợp chín và hơi đặc lại, tắt bếp, rây mịn và để nguội trước khi cho bé ăn.

Bơ nghiền

Bơ là loại trái cây giàu vitamin C, A cùng các khoáng chất thiết yếu như: Magie, canxi và kali, rất tốt cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với kết cấu mềm mịn, bơ là lựa chọn lý tưởng để chế biến các món ăn dặm cho bé từ 6 tháng tuổi.

Thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng cần xây dựng dựa trên nguyên tắc nào? - 3
Bơ nghiền là món ăn thích hợp cho trẻ ăn dặm 6-7 tháng

Nguyên liệu: 1 quả bơ (đã bỏ hạt và lấy phần thịt), sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Cách làm: Dùng thìa nạo phần thịt bơ ra khỏi vỏ sau đó ghiền nhuyễn bơ bằng thìa hoặc máy xay tay. Thêm một lượng nhỏ sữa mẹ hoặc sữa công thức vào phần bơ đã nghiền, trộn đều đến khi hỗn hợp đạt độ sệt phù hợp với bé.

Cháo cải ngọt và đậu phụ non

Rau cải ngọt giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ hệ tiêu hóa non yếu của bé. Kết hợp với đậu phụ non, món cháo này giàu protein, omega-3 và axit amin rất tốt cho sự phát triển của bé.

Nguyên liệu: Rau cải ngọt, 50g đậu phụ non, dầu ăn dành cho bé.

Cách làm: Rau cải ngọt rửa sạch, đem luộc cho chín mềm, sau đó băm nhuyễn. Nghiền đậu phụ non cho mịn. Nấu chín cháo trắng sau đó cho rau cải và đậu phụ vào, trộn đều. Thêm dầu ăn và khuấy đều rồi cho bé ăn.

Cháo ăn dặm thịt gà khoai lang

Thịt gà là nguồn protein dồi dào cùng các vitamin A, C, B12 giúp bé phát triển trí não và thể chất. Cháo gà cho bé ăn dặm kết hợp với khoai lang là món ăn bổ dưỡng và phù hợp cho trẻ 6-7 tháng tuổi.

Nguyên liệu: 150g thịt nạc ức gà, khoai lang đã nạo vỏ.

Cách làm: Luộc thịt gà, băm nhỏ hoặc xay mịn. Hấp hoặc luộc khoai lang cho mềm rồi nghiền nhuyễn. Nấu cháo trắng sau đó cho thịt gà và khoai lang đã nghiền vào, khuấy đều. Có thể thêm nước luộc gà để tăng hương vị.

Thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng cần xây dựng dựa trên nguyên tắc nào? - 4
Cháo ăn dặm thịt gà khoai lang là món ăn bổ dưỡng cho bé

Lời khuyên khi cho trẻ 6-7 tháng bắt đầu ăn dặm

Khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng, để bé hợp tác vui vẻ và có trải nghiệm ăn dặm thoải mái, mẹ nên lưu ý:

  • Nếu bé ăn dặm ít, mẹ có thể bổ sung thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé.
  • Quan sát phản ứng của bé trong khoảng 3 ngày sau khi thử món ăn mới để kịp thời phát hiện các dấu hiệu dị ứng. Nếu bé bị dị ứng, hãy ghi lại và ngừng cho bé ăn món đó vài tháng trước khi thử lại.
  • Cho bé ăn ở một nơi cố định để hình thành thói quen ăn uống. Khi bé quen với một không gian nhất định, việc ăn uống sẽ trở nên dễ dàng hơn.
  • Cho bé thử các món ăn có thể bốc bằng tay để bé tự khám phá hương vị và kết cấu thức ăn. Ở độ tuổi này, bé rất thích cắn thức ăn, vì vậy các món ăn dạng thanh là lựa chọn phù hợp.
  • Tránh làm bé mất tập trung trong lúc ăn để bé có thể thưởng thức bữa ăn một cách vui vẻ.
  • Luôn giám sát bé trong suốt bữa ăn để xử lý kịp thời nếu bé bị nghẹn khi thử món mới.
  • Trái cây và rau cần được rửa sạch trước khi cho bé ăn.
  • Tiệt trùng và làm sạch các dụng cụ chế biến thức ăn cho bé để đảm bảo vệ sinh an toàn.
Thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng cần xây dựng dựa trên nguyên tắc nào? - 5
Theo sát bé trong bữa ăn dặm để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh

Hành trình ăn dặm là bước quan trọng để xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh và cung cấp dinh dưỡng cho bé. Một thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng khoa học, đa dạng sẽ giúp kích thích vị giác và tăng cường sức khỏe. Do đó, ba mẹ nên tìm hiểu kỹ cách xây dựng thực đơn đồng thời kiên nhẫn, lắng nghe nhu cầu của bé và điều chỉnh linh hoạt để mang đến những bữa ăn vui vẻ, tạo nền tảng cho tương lai khỏe mạnh của con.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin