Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Thực hư về tác hại của nong hàm trong chỉnh nha

Ngày 17/01/2024
Kích thước chữ

Nong hàm là biện pháp tiền chỉnh nha, giúp mở rộng khung xương hàm để răng có đủ không gian dịch chuyển về vị trí như mong muốn. Một số người lo lắng về cảm giác đau đớn và tác hại của nong hàm. Vậy sự thực nong hàm có tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nhiều người vẫn nghĩ không?

Khi nhu cầu chỉnh nha ngày càng cao thì những thuật ngữ như niềng răng, nong hàm không còn xa lạ với hầu hết mọi người. Nong hàm thường được coi là bước tiền chỉnh nha, được bác sĩ chỉ định trước khi niềng răng. Nong hàm được áp dụng trong trường hợp cung hàm hẹp, răng không đủ chỗ nên mọc chen chúc xô lệch. Việc nong hàm sẽ giúp các răng có đủ vị trí để được điều chỉnh theo ý muốn khi niềng răng mà không cần nhổ bỏ bớt răng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người lo lắng về các tác hại của nong hàm. Vậy thực hư việc này thế nào?

Nong hàm trong chỉnh nha là kỹ thuật gì?

Nong hàm là kỹ thuật dùng các khí cụ chuyên biệt tác động vào vòm hàm để nới rộng vòm hàm, từ đó nới rộng khoảng cách giữa các răng. Nhờ thế, xương hàm sẽ có đủ chỗ để các răng dịch chuyển về vị trí theo mong muốn. Nong hàm được thực hiện trước khi niềng răng để tránh việc xương hàm không đủ chỗ sắp xếp lại các răng dẫn đến phải nhổ bỏ bớt răng. Ở những trẻ em mới bắt đầu thay răng, nếu được nong hàm sớm có thể hạn chế được việc phải niềng răng.

Nong hàm thường được chỉ định khi diện tích hàm hẹp, răng mọc chen chúc, hàm bị méo lệch. Trong quá trình đeo khí cụ nong hàm, hai xương khẩu cái sẽ được tách dần ra giúp kéo giãn khoảng cách giữa các răng. Cùng với đó, các mô sụn cũng sẽ lấp đầy khoảng cách giữa 2 xương khẩu cái và phục hồi xương hàm một cách chắc chắn và tự nhiên theo thời gian.

Nong hàm có thể được chỉ định với hàm trên hoặc hàm dưới, tùy thuộc tình trạng thực tế của hàm răng. Có nhiều loại khí cụ khác nhau được các nha sĩ dùng trong kỹ thuật nong hàm. Chúng có thể được cố định trong miệng cho đến khi quá trình nong hàm hoàn tất hoặc chúng có thể tháo rời bất cứ lúc nào bạn muốn.

Thực hư về tác hại của nong hàm trong chỉnh nha 1
Hình ảnh so sánh trước và sau khi nong hàm

Ưu điểm của phương pháp nong hàm trong chỉnh nha

Trước khi giải đáp thắc mắc về những tác hại của nong hàm, chúng ta sẽ cùng điểm qua những lợi ích mà kỹ thuật này mang lại cho người có nhu cầu chỉnh nha nhé!

  • Nong hàm có thể thực hiện ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên phương pháp này sẽ mang đến hiệu quả cao nhất khi thực hiện ở trẻ em 6 - 7 tuổi. Nguyên nhân là thời điểm này xương hàm chưa phát triển hoàn thiện và còn khá mềm nên dễ tác động. Như vậy, nong hàm có thể giúp cải thiện tính thẩm mỹ của hàm răng của hầu hết mọi người.
  • Nong hàm tuy là kỹ thuật đơn giản, không phẫu thuật, không xâm lấn nhưng lại có thể giúp khắc phục nhiều vấn đề về nha khoa như: Răng mọc chen chúc, cung hàm hẹp, lệch khớp cắn, răng mọc không đều
  • Nếu nong hàm được áp dụng sớm ở trẻ em có thể giảm nguy cơ phải phẫu thuật hàm, nhổ bớt răng sau này.
  • Một số trẻ em được nong hàm sớm từ khi mới bắt đầu thay răng có thể không cần niềng răng sau này.

Tác dụng phụ tiềm ẩn của nong hàm trong chỉnh nha

Nhiều người hoài nghi về các tác hại của nong hàm như gây đau đớn, nhiễm trùng, gây lệch khớp cắn, lệch hàm hay thay đổi khuôn mặt. Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng quá mức về điều đó. Có thể nói dùng từ “tác hại” là hơi quá. Nói một cách chính xác hơn, chúng ta nên dùng từ tác dụng phụ tiềm ẩn khi nong hàm. Vậy nong hàm có những tác dụng phụ nào?

Thực hư về tác hại của nong hàm trong chỉnh nha 2
Bạn không cần quá lo lắng về tác hại của nong hàm
  • Nong hàm ở người lớn sẽ kém hiệu quả hơn và mất nhiều thời gian hơn trẻ em. Lý do là vì xương hàm của người lớn đã phát triển hoàn thiện nên việc di chuyển vị trí của chúng sẽ khó khăn hơn.
  • Khi mới bắt đầu đeo khí cụ nong hàm, bạn có thể gặp cảm giác đau nhức nhẹ. Chỉ sau vài ngày bạn sẽ quen dần với cảm giác này. Tuy nhiên, cảm giác đau sẽ xuất hiện trở lại vào mỗi lần nha sĩ điều chỉnh ốc vít của khí cụ để nong hàm. Với hầu hết mọi người, cảm giác đau không đáng kể. Nhưng ở một số ít trường hợp, cảm giác đau có thể nặng hơn và lan lên mắt và đầu. Nếu cảm giác đau quá khả năng chịu đựng và không giảm vào những ngày sau, bạn nên trao đổi với nha sĩ của mình để dùng thuốc giảm đau hoặc điều chỉnh lại khí cụ.
  • Khi lắp khí cụ nong hàm trong miệng, mọi người đều sẽ cảm thấy vướng víu, tiết nhiều nước bọt, phát âm không chuẩn. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tuần sử dụng bạn sẽ quen dần với sự tồn tại của khí cụ trong miệng.
  • Những mảnh vụn thức ăn có thể bám vào và tích tụ trên khí cụ hay ở những kẽ ốc vít gây mùi khó chịu hay hôi miệng. Bạn nên dùng bàn chải lông mịn để vệ sinh khí cụ nong hàm của mình trước và sau khi đeo nó mỗi ngày.

Làm thế nào để giảm tác dụng phụ khi nong hàm

Như vậy, tác hại của nong hàm không quá nghiêm trọng như nhiều người vẫn lo lắng. Để giảm tác dụng phụ có thể gặp phải khi nong hàm, bạn có thể áp dụng những cách sau:

  • Nong hàm nên thực hiện càng sớm càng hiệu quả. Độ tuổi lý tưởng nhất để nong hàm là từ 6 - 7 tuổi, khi trẻ bắt đầu thay những chiếc răng đầu tiên.
  • Nếu cảm thấy đau trong những ngày đầu nong hàm hoặc vào những lần nha sĩ điều chỉnh ốc vít, bạn có thể giảm đau bằng cách uống và ngậm ngụm nước mát trong miệng. Chườm mát bên xương hàm cũng có thể có tác dụng. Nếu đau nặng, bạn có thể tham khảo ý kiến nha sĩ để dùng thuốc giảm đau.
  • Bạn nên vệ sinh răng miệng đúng cách hàng ngày để tránh tình trạng các mảnh vụn thức ăn tích tụ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây hôi miệng.
Thực hư về tác hại của nong hàm trong chỉnh nha 3
Chọn cơ sở nha khoa uy tín để hạn chế tối đa tác dụng phụ

Thay vì lo lắng về tác hại của nong hàm, bạn nên tìm đến một cơ sở nha khoa uy tín để có được sự tư vấn của những nha sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Khí cụ nong hàm sẽ được thiết kế chuẩn xác, phù hợp với khuôn hàm và tình trạng răng của từng người nên sẽ hạn chế tối đa tác dụng phụ ngoài mong muốn đồng thời đẩy nhanh quá trình nong hàm. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Sức khỏe răng