Các bác sĩ chuyên khoa thường khuyên bạn vệ sinh vùng kín hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp. Thành phần chủ yếu của chúng thường bao gồm baking soda, giấm, i-ốt, nước hoa hoặc các chất tạo hương thơm. Có nhiều người sử dụng dung dịch để vệ sinh ngoài vùng kín nhưng cũng có không ít chị em thụt rửa âm đạo trong lúc vệ sinh vì nghĩ rằng làm như vậy sẽ giúp vùng kín sạch hơn. Bài viết sau đi sâu tìm hiểu kỹ hơn về cách vệ sinh âm đạo đúng đắn.
Tại sao phụ nữ chọn thụt rửa âm đạo?
Có nhiều quan niệm sai lầm về vấn đề vệ sinh vùng kín mà nhiều chị em đang mắc phải. Trong đó, các chuyên gia cho rằng phụ nữ lựa chọn phương pháp thụt rửa âm đạo bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Nghĩ rằng thụt rửa âm đạo sẽ giúp đảm bảo vệ sinh cơ thể. Tuy nhiên, không chỉ không thể rửa sạch hoàn toàn máu kinh hay dịch âm đạo mà thụt rửa âm đạo còn làm thay đổi nồng độ pH hoặc các axit trong âm đạo, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Thụt rửa âm đạo bằng dung dịch vệ sinh giúp loại bỏ mùi hôi ở vùng kín. Thực tế, chúng chỉ có tác dụng lấn át đi mùi hôi chứ không hề làm nó mất hẳn. Đôi khi, mùi hôi bất thường của âm đạo có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm, nhiễm trùng bàng quang hoặc những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu thấy bất thường, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời.
- Nhiều chị em cho rằng thụt rửa âm đạo giúp ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhưng hiển nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.
- Chị em có quan niệm sai lầm rằng dung dịch thụt rửa âm đạo giúp chữa trị tình trạng viêm âm đạo. Trên thực tế, thụt rửa âm đạo có thể làm lây lan vi khuẩn sang vùng chậu, phá vỡ môi trường âm đạo tự nhiên.
Có nhiều quan niệm sai lầm về vấn đề thụt rửa âm đạo.
Thụt rửa âm đạo có nên hay không?
Các bác sĩ khuyên bạn không nên thụt rửa âm đạo. Âm đạo có mùi khó chịu có thể là biểu hiện của bệnh viêm nhiễm âm đạo. Lúc này, ghé thăm bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định chữa trị là việc làm đúng đắn nhất. Nồng độ axit trong môi trường âm đạo có thể kiểm soát vi khuẩn một cách tự nhiên, tức là âm đạo có khả năng tự làm sạch. Bởi vậy, bạn chỉ cần vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng với nước ấm và xà phòng dịu nhẹ, không mùi là được.
Các bác sĩ khuyên bạn không nên thụt rửa âm đạo
Tác hại của việc thụt rửa âm đạo
Thụt rửa âm đạo có thể gây ra các vấn đề phụ khoa mà có thể bạn không ngờ đến, đó là:
- Viêm âm đạo: khi thụt rửa âm đạo, các thành phần trong dung dịch vệ sinh có thể làm mất cân bằng tự nhiên của các vi khuẩn bên trong âm đạo. Chúng tạo môi trường cho vi khuẩn có hại phát triền và gây viêm nhiễm. Tình trạng viêm nhiễm bên trong âm đạo trầm trọng có thể gây ra những hệ quả như nguy cơ sinh non và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Ung thư cổ tử cung: Thụt rửa âm đạo ít nhất một lần một tuần cũng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
- Bệnh viêm vùng chậu: Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng 73% trong số những phụ nữ thụt rửa âm đạo thường xuyên có nguy cơ mắc căn bệnh viêm vùng chậu cao hơn. Viêm vùng chậu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng.
- Ảnh hưởng đến khả năng mang thai: Thực hiện thụt rửa âm đạo nhiều hơn một lần mỗi tuần gây khó khăn trong việc thụ thai. Ngoài ra, các loại dung dịch thụt rửa còn làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung lên đến 76%;
Thụt rửa âm đạo nhiều có thể gây ung thư cổ tử cung.
Như vậy, bạn cần biết rằng âm đạo có khả năng tự làm sạch. Do đó, bạn không nên thụt rửa âm đạo khi vệ sinh vùng kín. Thay vào đó, bạn chỉ nên vệ sinh bên ngoài vùng kín để đảm bảo sức khỏe sinh sản.
Hường