Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Sức khỏe sinh sản/
  4. Viêm âm đạo

Viêm âm đạo: Những đối tượng nào dễ bị mắc viêm âm đạo?

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Viêm nhiễm vùng âm đạo có thể gây khó chịu, bất tiện cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị đúng cách có thể giúp bệnh nhân thuyên giảm bệnh nhanh chóng. Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thoáng mát và có các biện pháp quan hệ tình dục an toàn là những yếu tố quan trọng để phòng ngừa viêm âm đạo.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung viêm âm đạo

Viêm âm đạo là bệnh gì?

Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm, nhiễm trùng, có thể gây tiết dịch bất thường, ngứa hoặc đau vùng bộ phận sinh dục nữ. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến viêm âm đạo, trong đó thường gặp nhất là do sự mất cân bằng của nấm men và vi khuẩn trong âm đạo, âm hộ.

Triệu chứng viêm âm đạo

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm âm đạo

Nhiễm nấm men:

  • Dịch tiết âm đạo đặc, màu trắng, hơi sệt.

  • Dịch tiết ra hơi giống nước và thường không có mùi.

  • Âm đạo hoặc âm hộ bị ngứa, đỏ, đôi khi sưng lên.

  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu, khó tiểu.

Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể không gây ra triệu chứng gì hoặc có một số bất thường như:

  • Dịch âm đạo có mùi tanh bất thường, mùi này nặng hơn sau khi quan hệ tình dục hoặc hành kinh.

  • Dịch âm đạo loãng, trắng đục.

Nhiễm Trichomonas:

  • Tiết dịch sủi bọt, màu vàng xanh, thường có mùi hôi.

  • Ngứa và đau âm đạo, âm hộ

  • Bỏng rát khi đi tiểu.

  • Khó chịu ở bụng dưới và đau âm đạo khi giao hợp. Những triệu chứng trên có thể trở nên tồi tệ hơn sau kỳ kinh nguyệt.

Nhiễm Chlamydia thường không gây triệu chứng rõ ràng. Trong một số trường hợp bệnh nhân có thể thấy các dấu hiệu:

  • Chảy máu nhẹ, đặc biệt là sau khi giao hợp.

  • Đau bụng dưới và xương chậu.

Triệu chứng chính của viêm âm đạo do herpes (HSV) là đau kèm theo các tổn thương và vết loét.

Nhiễm HPV có thể gây các mụn cóc màu trắng xám hoặc màu hồng, tím trên bộ phận sinh dục.

Viêm âm đạo không do nhiễm trùng:

  • Ngứa, rát, khó chịu ở âm hộ và âm đạo.

  • Tiết dịch âm đạo đặc, giống như chất nhầy, màu vàng hoặc xanh lá.

Viêm teo âm đạo:

  • Đau, đặc biệt là khi quan hệ tình dục.

  • Âm đạo ngứa và rát.

  • Tiểu gấp và thường xuyên.

Tác động của viêm âm đạo đối với sức khỏe

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau. Nhìn chung, viêm âm đạo thường gây ngứa, đau, khó chịu ở bộ phận sinh dục và bất thường trong tiết dịch âm đạo. Ở một số trường hợp, bệnh còn gây khó khăn, đau buốt khi tiểu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm âm đạo

Phụ nữ bị nhiễm trùng roi Trichomonas hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân viêm âm đạo

Nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo

Nguyên nhân phổ biến nhất là do sự thay đổi số lượng vi khuẩn (Gardnerella vaginalis…) trong âm đạo. Nguyên nhân của sự mất cân bằng này chưa rõ.

Sự phát triển quá mức của nấm men (thường là Candida albicans) trong âm đạo.

Nhiễm trùng roi Trichomonas vaginalis do lây truyền qua đường tình dục khi quan hệ với người bị nhiễm trùng. Sinh vật này thường lây qua đường tiết niệu ở nam giới và không gây triệu chứng. Ở phụ nữ, nó xuất hiện ở âm đạo, gây ra một số triệu chứng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tình dục.

Quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn đến viêm âm đạo do nhiễm Chlamydia, nhiễm virus (HSV, HPV), bệnh lậu…

Viêm âm đạo không do nhiễm trùng: Mô âm đạo, âm hộ có thể bị kích ứng do thuốc xịt, thụt rửa âm đạo, xà phòng thơm, chất tẩy rửa có mùi thơm, các sản phẩm diệt tinh trùng, các vật lạ (giấy vệ sinh, băng vệ sinh…).

Nồng độ estrogen giảm sau khi mãn kinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng có thể khiến niêm mạc âm đạo mỏng đi, gây kích ứng, nóng rát và khô âm đạo, dẫn đến viêm teo âm đạo.

Nguy cơ viêm âm đạo

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm âm đạo?

Đối tượng có nguy cơ mắc viêm âm đạo:

  • Người có đời sống tình dục bừa bãi, quan hệ không an toàn.
  • Người sử dụng các loại thuốc kháng sinh, corticoid…
  • Phụ nữ mãn kinh, phụ nữ có thai, người phẫu thuật buồng trứng.
  • Người suy giảm hệ miễn dịch.
  • Người bị rối loạn hệ nội tiết.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm âm đạo

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm âm đạo, bao gồm:

  • Gần đây có điều trị một bệnh khác bằng kháng sinh.

  • Đái tháo đường không kiểm soát.

  • Đang trong thai kỳ.

  • Dùng thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen cao.

  • Rối loạn hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch (HIV, cấy ghép nội tạng…)

  • Rối loạn tuyến giáp hoặc hệ nội tiết.

  • Dùng corticoid.

  • Thụt rửa âm đạo.

  • Có nhiều bạn tình.

  • Mặc quần áo ẩm ướt hoặc bó sát.

  • Hút thuốc lá.

Phương pháp chẩn đoán & điều trị viêm âm đạo

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm âm đạo

Bác sĩ sẽ kiểm tra bên trong âm đạo để xem có sưng viêm hay tiết dịch bất thường không.

Kiểm tra dịch âm đạo (nồng độ pH, màu sắc, độ nhớt…).

Xét nghiệm dịch âm đạo để tìm vi khuẩn, virus, nấm…

Phết tế bào cổ tử cung nếu cần (PAP).

Phương pháp điều trị viêm âm đạo hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Viêm âm đạo do vi khuẩn:

  • Metronidazole dùng đường uống hoặc gel bôi.

  • Clindamycin dùng đường uống, kem bôi hoặc viên đặt âm đạo.

  • Tinidazole hoặc secnidazole dùng đường uống.

Viêm âm đạo do nhiễm nấm men:

  • Thuốc kháng nấm fluconazole đường uống.

  • Kem bôi chống nấm (miconazole, clotrimazole, butoconazole…).

Nhiễm Trichomonas: Metronidazole hoặc tinidazole đường uống.

Viêm teo âm đạo: Dùng estrogen dạng kem bôi, viên đặt hoặc vòng đặt âm đạo.

Viêm âm đạo không do nhiễm trùng: Cần xác định nguồn gốc gây kích ứng và tránh sử dụng nó.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa viêm âm đạo

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm âm đạo

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Không thụt rửa sâu trong âm đạo.

  • Hạn chế quan hệ tình dục trong quá trình chữa viêm âm đạo, đặc biệt là nếu đang mắc các bệnh về tình dục có thể lây cho bạn tình.

  • Tránh sử dụng xà phòng thơm hay các chất có thể gây kích ứng âm đạo.

  • Tránh tắm bồn nước nóng khi đang chữa viêm âm đạo.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế ăn quá ngọt, nhiều đường.

  • Hạn chế ăn thực phẩm cay nóng để không kích hoạt phản ứng viêm.

  • Bổ sung thêm sữa chua và men vi sinh.

Phương pháp phòng ngừa Viêm âm đạo hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh mặc quần áo hầm, ẩm ướt. Nên chọn quần áo từ các loại vải rộng rãi, thoáng mát.

  • Dùng sữa chua, men vi sinh chứa Lactobacillus.

  • Hạn chế bớt lượng đường trong khẩu phần ăn.

  • Không thụt rửa sâu khi vệ sinh bộ phận sinh dục.

  • Quan hệ tình dục an toàn (dùng bao cao su, không có nhiều bạn tình…)

  • Sàng lọc phụ khoa thường xuyên, tầm soát ung thư cổ tử cung.

  • Với phụ nữ mãn kinh hoặc sau khi cắt buồng trứng, tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng kem hormone âm đạo.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.webmd.com/women/guide/sexual-health-vaginal-infections
  2. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/vaginitis
  3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9131-vaginitis
  4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vaginitis/symptoms-causes/syc-20354707

Các bệnh liên quan

  1. U cơ trơn tử cung

  2. Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

  3. Vô sinh nguyên phát

  4. Nhiễm trùng ối

  5. Phì đại tuyến tiền liệt

  6. Chửa trứng

  7. Ốm nghén

  8. Dây rốn bám màng

  9. Nhau bám thấp

  10. Lạc nội mạc tử cung

Hỏi đáp (0 bình luận)