Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?

Ngày 07/07/2022
Kích thước chữ

Một trong số những vấn đề khiến mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ lo lắng là có thể sinh thường được không. Câu trả lời từ chuyên gia dưới đây sẽ giúp mẹ yên tâm hơn để chờ ngày vượt cạn.

Tiểu đường thai kỳ là nỗi ám ảnh với nhiều thai phụ bởi nó mang đến nhiều mối nguy hiểm thường trực cho cả mẹ bầu và thai nhi. Ngoài chế độ ăn uống, luyện tập, mẹ bầu bị tiểu đường còn lo lắng về việc nên sinh thường hay sinh mổ. Và thông tin mà hầu hết họ đều muốn biết chính là tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không.

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Hiểu một cách đơn giản nhất, tiểu đường thai kỳ (đái tháo đường thai kỳ) là bệnh lý về rối loạn dung nạp đường trong máu. Bệnh lý này phát triển trong quá trình người phụ nữ mang thai. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ bà bầu nào, ngay cả với những người không tăng cân nhiều, không bị ốm nghén, không béo phì, không lớn tuổi…

Biểu hiện tiểu đường thai kỳ thường khá “mờ nhạt” và dễ gây nhầm lẫn với biểu hiện mệt mỏi thường gặp ở mẹ bầu. Bệnh lý này chỉ được phát hiện bằng nghiệm pháp dung nạp glucose do bác sĩ chỉ định vào thời điểm thích hợp. Thông thường, đó là từ tuần thai thứ 24 đến giữa tuần thai 28. Mẹ bầu có nguy cơ cao hơn sẽ được chỉ định làm xét nghiệm sớm hơn. 

Mẹ bầu cần nhịn đói qua đêm đến ngày hôm sau. Bác sĩ sẽ yêu cầu thử 1 mẫu đường huyết đói và 1 mẫu đường huyết 2 giờ sau khi uống 75g glucose. Kết quả khẳng định mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ khi: 

  • Đường huyết đói 92 - 125mg/dL.
  • Đường huyết sau khi uống 75g glucose 1 giờ ≥ 180mg/dL.
  • Đường huyết sau khi uống 75g glucose 2 giờ ≥ 153mg/dL.
tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không 1 Tiểu đường thai kỳ được phát hiện thông qua nghiệm pháp dung nạp glucose

Vậy nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ là gì? 

Các chất bột đường sau khi nạp vào cơ thể được phân hủy thành đường glucose. Đường này đi vào máu và được hormone insulin (do tuyến tụy sản xuất) đưa đến các tế bào. Nhờ đó tế bào có năng lượng để duy trì hoạt động sống và lượng đường trong máu sẽ giảm đi.

Nhau thai tiết ra các hormone để nuôi dưỡng thai nhi nhưng một vài trong số đó lại vô tình cản trở quá trình sản xuất insulin hoặc khó sử dụng insulin hơn (kháng insulin). Vì thế, lượng đường trong máu tăng lên và gây ra tiểu đường thai kỳ.

Nguy cơ khi mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

Hầu hết mẹ bầu đều băn khoăn tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không bởi bệnh lý này mang theo những biến chứng thực sự nguy hiểm. 

Mẹ bầu có thể phải đối mặt với các nguy cơ như:

  • Tăng cân nhanh chóng, dễ bị béo phì do lượng đường trong máu không được chuyển hóa thành năng lượng một cách hiệu quả.
  • Tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ trong những lần mang thai sau.
  • Tăng nguy cơ tiền sản giật, sản giật, đẻ khó, sang chấn khi đẻ, băng huyết sau sinh.
  • Tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 sau khi sinh. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, 50% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ diễn tiến thành tiểu đường tuýp 2 sau 5 - 10 năm và phải dùng thuốc hạ đường huyết suốt đời. 
  • Tăng nguy cơ sinh mổ do thai có thể hơn 4kg. Lượng đường trong máu mẹ sẽ theo nhau thai truyền vào cho thai nhi khiến thai nhi bị thừa cân béo phì. Việc sinh thường lúc này sẽ vô cùng khó khăn và nguy hiểm. 
tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không 2 Mẹ bầu quan tâm tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?

Thai nhi cũng có thể phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, những biến chứng đó có thể biểu hiện khi bé trưởng thành. Có thể kể đến những nguy cơ đối với thai nhi như:

  • Thai quá to gây khó đẻ hoặc thai kém phát triển. 
  • Tăng nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh.
  • Có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 khi bé 19 - 27 tuổi.
  • Tăng nguy cơ tử vong chu sinh.
  • Nguy cơ thai đa ối, sảy thai hoặc lưu thai.

Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?

Hầu hết thai phụ đều mong muốn có thể sinh thường, bởi phương pháp này tốt cho cả mẹ và trẻ sơ sinh. Nhưng trong nhiều trường hợp, bác sĩ buộc phải chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Tiểu đường thai kỳ là một trong những trường hợp như vậy. Tuy nhiên, không phải tất cả mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ đều buộc phải sinh mổ. 

Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không? Câu trả lời là có khi bác sĩ đánh giá được sự an toàn cho cả mẹ và con. Việc sản phụ bị tiểu đường thai kỳ có thể sinh thường an toàn không phụ thuộc vào các yếu tố như: 

  • Lượng đường huyết của mẹ bầu trước sinh có ổn định hay không? Nếu đường huyết ở mức cho phép, mẹ bầu có thể sinh thường. Nếu đường huyết quá cao, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ.
  • Phổi của thai nhi đã trưởng thành hay chưa? Nếu phổi thai nhi đã trưởng thành, thai phụ có thể chọn phương pháp sinh thường.
  • Trọng lượng của thai nhi dưới 4kg mẹ có thể sinh thường. Nếu thai nhi quá to, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để tránh nguy cơ: thai nhi bị ngạt, thai nhi suy tim do thời gian sinh kéo dài, thai nhi bị chấn thương hoặc trật khớp vai…
tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không 3 Việc sinh thường hay sinh mổ cần tuân theo chỉ định của bác sĩ

Cần làm gì để tăng khả năng sinh thường?

Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không? Câu trả lời của các chuyên gia là có nếu sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi cho phép. Vì vậy, ngay khi phát hiện mình bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu cần áp dụng đúng các cách điều trị tiểu đường thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Những việc làm sau đây sẽ giúp mẹ bầu kiểm soát đường huyết, duy trì cân nặng của mẹ bầu và thai nhi ở mức hợp lý và giúp thai nhi phát triển toàn diện nhất trước sinh: 

  • Mẹ bầu cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc cho phù hợp.
  • Tìm hiểu chế độ ăn uống khoa học dành cho bệnh nhân tiểu đường với những thực phẩm nên ăn và thực phẩm nên kiêng.
  • Không tự ý dùng thuốc và thực phẩm chức năng chữa tiểu đường nếu không có kê toa của bác sĩ. 
  • Tiêu thụ lượng chất bột đường vừa đủ. Tỷ lệ chất bột đường chỉ nên chiếm dưới 50% tổng năng lượng mẹ nạp vào cơ thể. Từ tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu chỉ nên tiêu thụ 250g chất bột đường/ngày. Các chất bột đường nguyên cám luôn tốt hơn chất bột đường tinh chế. 
  • Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ nên uống nước lọc thay vì các loại nước ép trái cây hay nước ngọt đóng lon.
  • Những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng có thể giúp ổn định đường huyết và giảm tình trạng kháng insulin.

Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không? Đến đây chắc mẹ bầu đã rõ. Việc của bạn lúc này là xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để kiểm soát đường huyết tốt nhất. Tin rằng với sự nỗ lực và tình yêu của mẹ, em bé sẽ được chào đời theo cách tốt nhất!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin