Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Cách điều trị tiểu đường thai kỳ để mẹ và bé không gặp biến chứng

Ngày 21/09/2021
Kích thước chữ

Tiểu đường thai kỳ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về cách điều trị tiểu đường thai kỳ để mẹ và bé không gặp biến chứng.

Tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện ở nửa sau của thai kỳ (sớm nhất là tuần thứ 20) với các triệu chứng như mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều, viêm nhiễm âm đạo, buồn nôn, khó lành vết thương, sụt kí… Tiểu đường thai kỳ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và bé. Nguy hiểm nhất có thể làm tăng nguy cơ thai lưu và sinh non. Vậy làm thế nào khi bị tiểu đường thai kỳ? Cùng tìm hiểu về cách điều trị tiểu đường thai kỳ để mẹ và bé không gặp biến chứng trong bài viết dưới đây nhé!

Cách điều trị tiểu đường thai kỳ để mẹ và bé không gặp biến chứng

1. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, các mẹ bầu cần phải sử dụng thuốc và thay đổi chế độ ăn kết hợp với kế hoạch tập luyện hợp lý theo hướng dẫn của các bác sĩ. Việc thay đổi chế độ ăn uống sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, cụ thể: 

  • Nên ăn uống đầy đủ và chia thành nhiều bữa nhỏ (3 bữa chính và 3 bữa phụ mỗi ngày). Hạn chế bỏ bữa để tránh bị hạ đường huyết, khiến mẹ bầu rơi vào tình trạng run rẩy, nhức đầu và có hại cho thai nhi.
  • Ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp để giúp giải phóng đường từ từ. Chẳng hạn như mì ống làm từ bột mì nguyên cám, gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám, bánh mì làm từ ngũ cốc, đậu… 
  • Tránh ăn những thực phẩm có chứa nhiều đường như bánh ngọt, bánh quy… thay vào đó hãy ăn các món ăn tốt cho sức khỏe như trái cây, rau xanh hoặc các loại hạt dinh dưỡng.
  • Tránh sử dụng các loại đồ uống có đường, nước ngọt có ga. Đọc kỹ các thành phần trên bao bì trước khi sử dụng…. 

cach-dieu-tri-tieu-duong-thai-ky-de-me-va-be-khong-gap-bien-chung-1

Cách điều trị tiểu đường thai kỳ để mẹ và bé không gặp biến chứng

Hoạt động vận động thể chất có thể làm giảm đường huyết, các mẹ bầu nên dành ít nhất 150 phút (2 giờ 30 phút) vận động mỗi tuần với các bài tập phù hợp như yoga cho bà bầu, đi bộ… Ngoài ra, cần phải thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu bằng cách sử dụng bộ dụng cụ đo đường huyết tại nhà. Bạn nên kiểm tra trước bữa ăn sáng và 2 tiếng sau khi ăn.

2. Cách điều trị tiểu đường thai kỳ bằng thuốc

Nếu lượng đường trong máu của mẹ bầu vẫn chưa được kiểm soát từ 1 đến 2 tuần sau khi thay đổi chế độ ăn và tập thể dục hoặc nếu lượng đường trong máu quá cao, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc dạng viên như metformin hoặc thuốc tiêm insulin.

Metformin được dùng tối đa 3 lần/ngày, thường được sử dụng cùng lúc hoặc sau bữa ăn. Mặc dù được xem là an toàn với bà bầu nhưng loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, ăn không ngon miệng…. Ngoài metformin, các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng glibenclamide. Tuy nhiên, loại thuốc này chưa được Bộ y tế chính thức cho phép sử dụng ở Việt Nam, phổ biến vẫn là tiêm insulin. Tiêm insulin thường sẽ được chỉ định nếu: 

  • Các mẹ bầu không thể sử dụng metformin hoặc loại thuốc này gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng;
  • Lượng đường trong máu không được kiểm soát bằng metformin;
  • Lượng đường trong máu rất cao;
  • Thai nhi đã rất lớn hoặc bạn mắc phải tình trạng đa ối;
  • Các mẹ bầu sẽ được hướng dẫn cách tự tiêm insulin. Tùy thuộc vào loại insulin được kê đơn mà sẽ cân nhắc tiêm trước bữa ăn, trước khi đi ngủ hay khi thức dậy.

cach-dieu-tri-tieu-duong-thai-ky-de-me-va-be-khong-gap-bien-chung-2

Cách điều trị tiểu đường thai kỳ bằng thuốc

Các bác sĩ thường sẽ ghi rõ liều lượng insulin cần dùng. Lượng đường trong máu thường sẽ tăng lên khi thai kỳ tiến triển, vì vậy liều dùng insulin thường sẽ tăng theo thời gian. Và mẹ bầu khi điều trị bằng phương pháp này cần phải theo dõi cẩn thận. Nên làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ đường trong máu ít nhất 4 lần/ngày và ghi chú lại kết quả. Nếu việc điều trị mang lại hiệu quả thì nồng độ đường trong máu sẽ nằm trong giới hạn bình thường.

Một số vấn đề cần lưu ý khi mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

1. Khám thai định kỳ đầy đủ

Tiểu đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ khiến thai nhi gặp phải các vấn đề về sức khỏe như thai nhi to hơn bình thường, đa ối. Vì vậy, ngoài việc thực hiện các phương pháp điều trị tiểu đường thai kỳ theo chỉ định của các bác sĩ, mẹ bầu cần phải đi khám thai định kỳ để có thể theo dõi và phát hiện sớm những bất thường. 

Siêu âm vào khoảng tuần 18 đến 20 của thai kỳ để kiểm tra những bất thường của thai nhi. Siêu âm ở tuần 28, 32 và 36 để theo dõi sự phát triển của thai nhi và lượng nước ối. Từ tuần 37 trở đi, mẹ sẽ cần đi khám mỗi tuần 1 lần hoặc đi ngay khi có dấu hiệu bất thường.

2. Những điều cần lưu ý khi sinh nở

Đối với những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, thời điểm lý tưởng nhất để sinh con là vào khoảng tuần 38-40. Nếu lượng đường trong máu bình thường và không có gì đáng ngại về sức khỏe của cả mẹ và bé, mẹ bầu hoàn toàn có thể sinh thường.

Tuy nhiên, các mẹ bầu thường sẽ được đề nghị giuc  giục sinh hoặc sinh mổ nếu chưa có dấu hiệu chuyển dạ khi thai đã được 40 tuần. Các bác sĩ cũng có thể đề nghị sinh sớm nếu sức khỏe của mẹ và bé gặp vấn đề. Hoặc nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát. 

Các mẹ bầu nên tiếp tục kiểm tra lượng đường trong máu và uống thuốc cho đến khi có dấu hiệu chuyển dạ hoặc được yêu cầu ngừng ăn trước khi sinh mổ. Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, các bác sĩ sẽ theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu. Một số trường hợp, mẹ bầu cần phải được tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.

cach-dieu-tri-tieu-duong-thai-ky-de-me-va-be-khong-gap-bien-chung-3

Một số vấn đề cần lưu ý khi mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

3. Những điều cần lưu ý sau khi sinh

Cho bé bú càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 30 phút) và sau đó, cách nhau khoảng 2 - 3 giờ/lần cho đến khi lượng đường trong máu của bé ổn định. Mức đường huyết của bé sẽ được kiểm tra sau khoảng 2 - 4 giờ sau sinh. Nếu mức đường huyết thấp, bé có thể cần điều trị bằng cách truyền tĩnh mạch dịch glucose hoặc cho ăn sớm.

Thường các bác sĩ sẽ chỉ định ngưng dùng thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cần tiếp tục kiểm tra lượng đường trong máu hàng ngày trong vài ngày đầu sau sinh, nếu ổn bạn sẽ được kiểm tra hàng tuần cho đến sau 6 tuần hậu sản.

Trên đây là một số chia sẻ về cách điều trị tiểu đường thai kỳ để mẹ và bé không gặp biến chứng. Hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích nhé!

Thủy Phan

(Nguồn: Tổng Hợp)

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin