Bệnh vảy nến ở nách: Biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị
Ngày 25/09/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Vảy nến ở nách là một thể khác của vảy nến, gọi là vảy nến đảo ngược. Vảy nến đảo ngược xuất hiện ở những vùng có nếp gấp như bẹn, nách,... Vậy tình trạng này có nguy hiểm không? Có cách điều trị hay không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông qua nội dung sau đây nhé!
Điều trị vảy nến ở nách rất khó khăn và dễ bùng phát trở lại. Bởi vì vùng da dưới cánh tay luôn ẩm ướt do mồ hôi và cọ xát thường xuyên. Do đó, vảy nến ở nách gây nhiều bất lợi trong sinh hoạt hàng ngày. Cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh này nhé!
Vảy nến ở nách là gì?
Vảy nến xảy ra do sự hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch cơ thể. Từ đó gây ra tình trạng tăng sinh quá mức của tế bào sừng. Vảy nến biểu hiện bằng các hồng ban có vảy màu trắng trên da, thường gặp ở vùng da đầu, khuỷu tay, đầu gối hoặc lưng.
Vảy nến bao gồm nhiều thể khác nhau, trong đó có vảy nến đảo ngược. Vảy nến đảo ngược xuất hiện ở vùng có nhiều nếp gấp như bẹn, háng, nếp gấp dưới ngực, nếp gấp sau tai, nách,... Hồng ban có thể có vảy hoặc không có vảy. Do vảy nến ở nách là vùng luôn ẩm ướt nên người bệnh luôn cảm thấy khó chịu và việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn.
Biểu hiện vảy nến ở nách
Vảy nến ở vùng nách có thể xảy ra đơn độc hoặc cùng lúc với các thể vảy nến khác trên cơ thể. Vảy nến ở nách sẽ xuất hiện các hồng ban lớn, có ranh giới rõ ràng. Do vùng da dưới cánh tay luôn ẩm ướt nên da sẽ không khô và bong vảy như vùng khác trên cơ thể. Các tổn thương ở nách có thể xuất hiện các vết nứt ở giữa hoặc cạnh tổn thương. Chính các vết nứt này làm người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, đau đớn.
Do vùng da này nhiều nếp gấp, hay cọ xát nên sẽ đau đớn hơn bình thường. Đặc biệt, nếu không vệ sinh sạch sẽ còn có nguy cơ bị nhiễm nấm, nhiễm trùng da,...
Nguyên nhân gây ra vảy nến ở nách
Nguyên nhân gây ra vảy nến ở nách cũng là nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến có liên quan đến sự hoạt động quá mức của hệ miễn dịch. Nguyên nhân gây ra sự bất thường ở hệ miễn dịch là do di truyền. Các nghiên cứu cho thấy gen mang bệnh vảy nến có trên nhiễm sắc thể số 06. Một số kháng thể HLA có liên quan đến bệnh vảy nến là Cw6, Bw57, B13,... Nguy cơ mắc bệnh của trẻ có bố hoặc mẹ bị vảy nến là khoảng 10%. Trẻ có cả bố và mẹ mắc bệnh vảy nến thì tỷ lệ mắc bệnh khoảng 50%.
Ngoài ra, khi có tác nhân kích thích từ môi trường cũng làm tế bào sừng tăng sinh mạnh mẽ. Các tác nhân có thể kể đến như: Căng thẳng, nhiễm trùng, hút thuốc lá, béo phì, dị ứng thức ăn, một số thuốc đang điều trị bệnh nhiễm trùng,...
Điều trị vảy nến ở nách
Điều trị vảy nến ở nách cũng khó khăn hơn là do vùng da nách khá ẩm ướt, có nhiều nếp gấp và luôn cọ xát với nhau, điều đó dễ dẫn đến những tổn thương nhỏ khiến vi khuẩn, vi nấm có cơ hội tấn công. Từ đó tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, làm cho việc điều trị lại càng phức tạp hơn.
Bệnh có thể thoái triển và biến mất hoàn toàn sau khi được điều trị, nhưng có khả năng quay trở lại. Vảy nến cũng như vảy nến ở nách không thể điều trị được dứt điểm hoàn toàn. Mục tiêu điều trị hiện tại là ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, kiểm soát các triệu chứng và ngăn chặn tái phát hoặc kéo dài thời gian tái phát.
Để đạt được mục tiêu điều trị, người bệnh cần được thăm khám để được bác sĩ kê đơn. Bởi vì việc tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị vảy nến ở nách sẽ làm bệnh càng nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, các tác dụng phụ của thuốc không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Việc chọn thuốc cần được bác sĩ chỉ định, bởi bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng bệnh mà chọn loại thuốc, liều dùng, đường dùng phù hợp cho mỗi người bệnh. Các biện pháp điều trị hiện tại bao gồm:
Điều trị bằng thuốc dùng ngoài
Các loại thuốc dùng ngoài được sử dụng khi vảy nến ở nách có mức độ nhẹ đến trung bình. Các thành phần có trong các loại thuốc dùng ngoài như: Corticoid, dẫn xuất vitamin D3, Anthralin, Acid salicylic, Retinoid, nhựa than đá,.... Trong đó Corticoid có tác dụng mạnh mẽ nhất cũng như có tác dụng phụ nhiều nhất. Các tác dụng phụ của Corticoid khi sử dụng bôi da có thể kể đến như: Giãn mạch, teo da, nhiễm trùng da, nhiễm nấm,... Ngoài ra các thành phần khác có thể gây kích ứng da, tăng nhạy cảm với ánh sáng,...
Thuốc dùng ngoài có tác dụng nhanh ngăn bệnh vảy nến tiến triển nhanh, có hiệu quả rõ rệt. Bác sĩ sẽ tùy chọn đơn trị liệu hay kết hợp với thuốc khác theo tình trạng bệnh của mỗi người.
Điều trị bằng thuốc đường uống hoặc đường tiêm
Các thuốc bằng đường uống phải kê đơn như: Cyclosporin, Methotrexate, Retinoid,... Các thuốc này có tác dụng ức chế miễn dịch. Tức là các thuốc này sẽ ngăn chặn quá trình tăng sinh của tế bào sừng. Do đó, giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh và ngăn chặn tiến triển của bệnh.
Tuy nhiên các tác dụng phụ thường gặp của thuốc có thể kể đến như:
Cyclosporin: Tăng huyết áp, phì đại lợi, độc thận, rậm lông,...
Methotrexate: Ban đỏ da, tăng hoặc giảm sắc tố, suy tủy, suy thận, hoại tử Myelin,...
Các thuốc được chỉ định với tình trạng vảy nến nặng có tác dụng phụ nghiêm trọng toàn thân nên cần phải được kiểm soát tuyệt đối, không tự ý sử dụng. Chỉ dùng thuốc khi có bác sĩ kê đơn nhé!
Điều trị bằng quang trị liệu
Phương pháp này dùng ánh sáng UVA, UVB, laser,... để tác động lên vùng da bị vảy nến. Năng lượng cao từ các tia sáng sẽ tác động lên quá trình tăng sinh tế bào. Từ đó, ngăn vảy nến ở nách lan rộng. Bác sĩ sẽ chọn bước sóng, số lần chiếu tùy thuộc tình trạng mỗi người.
Điều trị bằng thuốc sinh học
Các thuốc sinh học sẽ tác động lên các thành phần của hệ miễn dịch. Đây là phương pháp để điều trị vảy nến ở nách mức độ nặng. Nhược điểm của phương pháp này là giá thành đắt đỏ.
Một số lưu ý khi điều trị vảy nến ở nách
Bởi vì nách là nơi ẩm ướt nên có nhiều hạn chế khi bôi thuốc. Tuy nhiên, bạn có thể lưu ý khi điều trị vảy nến ở vùng nách như sau:
Cần giữ vệ sinh cơ thể cũng như vùng nách luôn sạch sẽ. Bởi vì sự ẩm ướt cùng với những tổn thương đang có là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.
Nên chọn quần áo thoáng mát để tránh đổ mồ hôi vùng nách.
Như vậy, qua bài viết trên thì bạn đã biết được các vấn đề khi bị vảy nến ở nách. Điều quan trọng cần lưu ý là thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức khi gặp phải tình trạng này. Bởi vì bệnh vảy nến ở nách là một bệnh mãn tính, diễn biến lâu dài và tái phát liên tục. Thế nên, để điều trị hiệu quả thì người bệnh cần phối hợp chặt chẽ và tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ. Nhà thuốc Long Châu chúc các bạn luôn mạnh khỏe!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.