Long Châu

Tìm hiểu về bệnh mắt hột: Nguyên nhân và cách thức điều trị

Ngày 28/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh mắt hột sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với hoạt động của mắt. Vậy nguyên nhân và dấu hiệu của căn bệnh này là gì? Sau đây mời các bạn theo dõi bài viết của chúng tôi để có thêm những thông tin chi tiết về bệnh mắt hột.

Bệnh mắt hột là căn bệnh thường xảy ra ở mắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực và có tốc độ lây lan khá nhanh. Đau mắt hột là bệnh có nguy cơ lây lan cao có ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến mù lòa. Do đó, nắm bắt được nguy cơ mắc bệnh và triệu chứng sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc phòng và điều trị kịp thời.

Bệnh mắt hột là gì?

Bệnh mắt hột là bệnh viêm kết mạc và giác mạc gây ra bởi vi khuẩn, bệnh lây lan khá nhanh và tiến triển mãn tính trên người. Tùy vào tình trạng bệnh mà mức độ tổn thương sẽ có sự khác nhau, chẳng hạn như: Xuất hiện hột mắt hột, màng máu, tăng sản nhú gai, sẹo hóa kết giác mạc, lông siêu và nguy hiểm hơn sẽ dẫn đến mù lòa.

Tìm hiểu về bệnh mắt hột, nguyên nhân và cách thức điều trị 1 Bệnh mắt hột nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng

Nguyên nhân gây bệnh mắt hột

Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Chlamydia trachomatis lây từ dịch mắt hoặc mũi của người bị nhiễm bệnh hay từ các loại côn trùng (ruồi, nhặng) mang bệnh sang cho người.

Ngoài ra, bệnh mắt hột còn xuất hiện do các nguyên nhân sau:

  • Bệnh mắt hột ở trẻ em do các bé không được vệ sinh mắt đúng cách.
  • Không gian sống đông đúc, chật hẹp, thường xuyên tiếp xúc và sử dụng chung các dụng cụ với người nhiễm bệnh.
  • Vệ sinh cá nhân chưa đảm bảo, thói quen sinh hoạt không hợp lý, ít vệ sinh kỷ ở bàn tay, mắt hoặc có thói quen dùng tay dụi mắt khi cảm thấy mắt khó chịu.
  • Điều kiện sống chưa đảm bảo, nhà vệ sinh hay không gian trong nhà chứa nhiều vi khuẩn, tác nhân gây bệnh.
  • Tiếp xúc gần và bị lây nhiễm từ những người đang bị đau mắt hột.

Triệu chứng và cách chẩn đoán bệnh mắt hột 

Triệu chứng bệnh

Khi bị bệnh mắt hột, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:

  • Ngứa quanh vùng mắt hoặc mí mắt, gây sưng mí và kích ứng.
  • Cảm giác mắt đau và nhạy cảm với ánh sáng đặc biệt là khi tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời.
  • Gỉ mắt chứa nhiều chất nhầy hoặc dịch mủ.
  • Khó khăn trong việc điều tiết mắt để quan sát.
  • Mắt xuất hiện nhú gai hình tam giác, màu hồng có một trục mạch ở giữa và tỏa ra xung quanh.
  • Có hột mắt với nhiều kích thước khác nhau ở kết mạc mi trên, mi dưới hay rìa giác mạc, kèm theo đó là các chấm hình tròn có màu xám trắng.
  • Khi bệnh trở nặng sẽ có sẹo ở mí mắt khiến cho lông mi mọc ngược, sờ vào có cảm giác đau, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến thị lực.
Tìm hiểu về bệnh mắt hột, nguyên nhân và cách thức điều trị 2 Người bị bệnh mắt hột sẽ thường xuyên cảm thấy khó chịu xung quanh mắt

Chẩn đoán bệnh

Hiện nay, có hai cách phổ biến để chẩn đoán bệnh đau mắt hột, cụ thể:

  • Chẩn đoán lâm sàng: Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ căn cứ vào các dấu hiệu của của mắt, khám sơ bộ khu vực quanh mắt, màng máu trên giác mạc, kết mạc sụn mi để đưa ra kết luận tạm thời.
  • Chẩn đoán cận lâm sàng: Sau khi chẩn đoán lâm sàng, các bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm tế bào học liên quan hoặc lấy từ hột hoặc kết mạc sụn mi trên. Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận bệnh chính xác và đề xuất phương pháp điều trị cho phù hợp.

Cách điều trị bệnh mắt hột hiệu quả

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các cách chữa trị khác nhau. Với những trường hợp bệnh nhẹ, mới xuất hiện bệnh có thể áp dụng các phương pháp sau:

  • Cải thiện không gian sống, dọn dẹp vệ sinh, hạn chế ruồi, nhặng tại khu vực sinh sống, khu nhà ở và khu ăn uống.
  • Thường xuyên vệ sinh mắt, dùng nước sạch để rửa mặt, không dùng tay dụi thẳng vào mắt, dùng khăn lau cá nhân và vệ sinh mắt thường xuyên.
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc uống kháng sinh hoặc bôi mỡ kháng sinh để sát khuẩn và loại bỏ vi khuẩn, hỗ trợ quá trình điều trị.
  • Chườm nóng để giảm đau và giảm sưng mắt khi bị bệnh mắt hột.
Tìm hiểu về bệnh mắt hột, nguyên nhân và cách thức điều trị 3 Chườm nóng là cách để giảm đau khi bị bệnh mắt hột
  • Cung cấp các thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho mắt như: Các loại hạt, dầu oliu, bơ, cá hồi, các loại rau xanh, cam, cà rốt,...
  • Thăm khám, kiểm tra mắt định kỳ để nắm được tình trạng mắt hiện tại, điều trị kịp thời và giữ cho đôi mắt luôn khỏe mạnh.

Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh không được cải thiện và có triệu chứng xấu hơn thì buộc người bệnh phải tiến hành phẫu thuật để điều trị và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh mắt hột.

Bệnh mắt hột không phải là căn bệnh về viêm nhiễm mắt thông thường, thời gian lành bệnh thường lâu và rất khó chữa. Hy vọng bài viết của chúng tôi sẽ giúp bạn có những thông tin hữu ích để dễ dàng nhận biết và điều trị đúng cách.

Lan Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm