Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về tác dụng của huyệt nhân nghênh trong điều trị bệnh

Ngày 21/10/2022
Kích thước chữ

Huyệt nhân nghênh là một trong 108 đại huyệt đạo của cơ thể, có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Cùng tìm hiểu rõ hơn về vị trí, tác dụng cũng như cách bấm huyệt vị này trong bài viết dưới đây nhé!

Bấm huyệt nhân nghênh là một trong những giải pháp trị liệu phổ biến trong giới y học cổ truyền, nhất là trong đông y. Đây là một huyệt đạo quan trọng ở phần đầu, có ảnh hưởng đến thần kinh và các cơn đau mỏi ở cổ, vai, gáy. Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu thêm về vai trò của huyệt nhân nghênh trong điều trị bệnh.

Huyệt nhân nghênh là gì?

Xuất xứ: Thiên “Bản Du” (Linh khu 2).

Tên gọi khác: Huyệt nhân nghênh còn có tên gọi khác là nhân nghinh, huyệt ngũ hội hay thiên ngũ hội. 

Đặc tính: Huyệt vị này là huyệt thứ 9 của kinh Vị, thuộc trong nhóm huyệt Thiên Dũ (Thiên Dũ Ngũ Bộ bao gồm: Nhân nghênh, phù đột, thiên dũ, thiên phủ, thiên trụ). Đây là điểm giao hội của túc dương minh và túc thiếu dương, dùng để theo dõi tình trạng dương khí.

Dịch từ nghĩa Hán Việt ra, “nhân” có nghĩa chỉ con người, sinh mạng; còn “nghênh” có nghĩa là nghênh tiếp, tiếp thu. Hợp nghĩa lại, ta hiểu huyệt nhân nghênh là nơi tiếp thu khí từ ngũ tạng trời đất để tạo năng lượng dồi dào nuôi dưỡng con người.

Ngoài ra, “nghênh” cũng có nghĩa là đập nhanh hay hồi hộp. Huyệt đạo này nằm ngang yết hầu trên động mạch cảnh chung. Từ đó có thể hiểu đây là huyệt đạo thường đập nhanh khi bạn có cảm giác hồi hộp và có thể cảm nhận bằng tay khi sờ vào.

Huyệt nhân nghênh là huyệt thứ 9 của kinh vị thuộc nhóm huyệt Thiên Dũ Huyệt nhân nghênh là huyệt thứ 9 của kinh Vị thuộc nhóm huyệt Thiên Dũ

Vị trí huyệt nhân nghênh

Huyệt nằm ở vị trí động mạch lớn bên cổ, sờ thấy mạch đập, cách phía ngoài yết hầu từ 1,5 tấc. Để xác định đúng vị trí huyệt bạn có thể thực hiện như sau: 

  • Tại phần cổ, sờ thấy vị trí lồi ra ngoài gọi là yết hầu.
  • Từ vị trí yết hầu đo ngang sang hai bên, cách 1,5 thốn sẽ thấy một mạch đập.
  • Mạch đập này chính là vị trí của nhân nghênh huyệt, đây cũng là điểm gặp nhau của bờ trước ức đòn chũm với đường ngang qua chỗ lồi nhất của yết hầu.

Tác dụng huyệt nhân nghênh

Huyệt có vị trí ở vùng cổ, gần yết hầu, cho nên có tác dụng chính là lợi yết hầu, điều khí huyết. Một số công dụng nổi bật của huyệt nhân nghênh trong trị liệu có thể kể đến như:

  • Điều trị đau sưng họng.
  • Chữa mất tiếng đột ngột.
  • Trị bệnh lao hạch.
  • Đặc trị chữa các bệnh lý như cao huyết áp, hen suyễn, tức ngực.
  • Theo dõi tình trạng khí dương.
Xoa dịu huyệt nhân nghênh có thể giúp điều trị chứng cao huyết áp Xoa dịu huyệt nhân nghênh có thể giúp điều trị chứng cao huyết áp

Để mở rộng các tác dụng của huyệt, có thể kết hợp huyệt nhân nghênh với các huyệt đạo khác như:

  • Hầu trung, thiên đột: Trị đau ngực, đầy chướng bụng.
  • Túc tam lý, nội quan, quan xung, tam âm giao: Trị hoắc loạn, đầu đau, ngực đau.
  • Thiên đột, hợp cốc, túc tam lý, nội quan, tam âm giao, thái khê, trạch tiền: Trị bướu cổ.
  • Khúc trì, túc tam lý: Trị huyết áp cao, hoa mắt.
  • Nhân trung, nội quan, thái xung, tố liêu: Trị huyết áp thấp.
Có thể mở rộng huyệt và kết hợp huyệt nhân nghênh để điều trị tình trạng đau ngực Có thể mở rộng huyệt và kết hợp huyệt nhân nghênh để điều trị tình trạng đau ngực

Cách châm cứu nhân nghênh huyệt

Theo một số tư liệu y học cổ như sách Đồng Nhân có nói thì cấm châm huyệt đạo này vì dễ xảy ra nguy cơ làm chết người do châm nhầm động mạch. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của y học thì ngày nay con người đã tìm ra phương pháp châm cứu huyệt nhân nghênh đó là dùng tay đẩy động mạch sang một bên, dùng kim nhỏ châm nông, không kích thích mạnh.

Cách châm cứu huyệt vị này như sau: Xác định chính xác vị trí huyệt, châm thẳng hoặc xiên từ 0,3 - 0,5 thốn. Khi châm cứu có thể xuất hiện cảm giác căng đau lan đến vùng tai, dễ bị say kim, chảy máu. Lưu ý tránh châm vào động mạch và giáp ất kinh vì sẽ gây nguy hiểm. 

Không khuyến khích châm cứu huyệt nhân nghênh nếu không phải trường hợp bất đắc dĩ  Không khuyến khích châm cứu huyệt nhân nghênh nếu không phải trường hợp bất đắc dĩ 

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về châm cứu ở huyệt vị này, có thể tìm thông tin trong một số tài liệu sau:

  • “Linh khu - Hàn nhiệt bệnh” ghi rằng: “Dương tà nghịch ở dương kinh làm cho đầu đau, ngực tức, khó thở, châm huyệt nhân nghênh”.
  • “Đại thành” (quyển 6) ghi rằng: “Nhân nghênh chủ về nôn vọt, hoắc loạn, đầy tức, suyễn khó thở, trong hầu họng sưng”.
  • “Giáp Ất” ghi rằng: “Huyệt này châm cứu, châm sâu vào 4 phân, sâu quá làm chết người”. Trên lâm sàng, không nên châm huyệt này sâu quá 0,8 thốn để tránh sự cố có thể xảy ra, thông thường không nên cứu.
  • “Linh khu - Tạp bệnh” ghi rằng: “Hàm đau, châm kinh túc dương minh ngay chỗ xương gãy quai hàm, nơi có động mạch bao quanh (huyệt giáp xa), châm xuất huyết xong là khỏi ngay. Nếu không khỏi, nên châm cạn huyệt nhân nghênh của bản kinh sẽ khỏi”.

Có thể nói, huyệt nhân nghênh là một trong những huyệt rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa đối với sức khỏe nếu biết tận dụng tốt. Hy vọng với những thông tin cung cấp trên đây sẽ giúp bạn có được phương pháp trị liệu hiệu quả, an toàn và đáp ứng được nhu cầu cải thiện sức khỏe của bản thân.

Cẩm Ly

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin