Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về trùng kiết lị và bệnh kiết lị nguy hiểm

Ngày 30/01/2023
Kích thước chữ

Trùng kiết lị là một trong những thủ phạm gây bệnh kiết lị. Trong bài viết này, Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về loại trùng này và căn bệnh kiết lị nguy hiểm.

Trùng kiết lị Entamoeba histolytica là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh kiết lị - một bệnh nhiễm trùng ở ruột già. Khi bị bệnh kiết lị, triệu chứng nhẹ là tiêu chảy kéo dài, đi ngoài ra máu. Khi bệnh diễn biến nặng có thể dẫn đến viêm gan. Việc tìm hiểu về loại trùng này và bệnh kiết lị nguy hiểm sẽ mang đến cho bạn những kiến thức cơ bản để phòng bệnh hiệu quả.

Trùng kiết lị là gì?

Trùng kiết lị (Entamoeba histolytica) giống trùng biến hình (không có một hình dạng nhất định mà có thể thay đổi thành nhiều hình dáng khác nhau). Tuy nhiên Entamoeba histolytica khác ở chỗ chúng có chân giả rất ngắn và sinh sản nhanh hơn nhiều. Loại trùng này ký sinh ở thành ruột con người. 

trùng kiết lị 1
Trùng kiết lị là thủ phạm gây bệnh kiết lị

Các nhà khoa học tìm ra 3 thể của loại trùng này gồm: 

  • Thể hoạt động ăn hồng cầu (entamoeba histolytica histolytica): Kích thước 20 - 40 micromet và chuyển động khá nhanh.
  • Thể hoạt động không ăn hồng cầu (entamoeba histolytica minuta): Kích thước 10 - 20 micromet và chuyển động chậm.
  • Thể bào nang (entamoeba histolytica cyst): Kích thước 10 - 17 micromet, có từ 1 - 4 nhân và cấu trúc nhân như thể hoạt động.

Trùng kiết lị có thể tồn tại và phát triển trong nước, rau sống, thức ăn ít nhất 7 - 10 ngày. Chúng có thể tồn tại từ 6 - 7 tuần trên quần áo và đồ dùng ăn uống của người bị nhiễm loại trùng này.

Con đường lây truyền trùng kiết lị

Khi một ai đó mắc bệnh kiết lị, họ có thể thải ra trung bình đến 300 triệu bào xác trùng Entamoeba histolytica mỗi ngày. Những bào xác này có thể tồn tại trong môi trường tự nhiên đến 9 tháng. Chúng bám vào cơ thể con ruồi, con nhặng đề lây truyền vào thức ăn và gây bệnh cho người ăn phải. 

Khi xâm nhập vào đường ruột của người, trùng sẽ chui ra khỏi bào xác, gây ra các vết loét ở niêm mạc ruột và nuốt hồng cầu ở đó. Chúng tiêu hóa hồng cầu để sinh trưởng và phát triển rồi sinh sản rất nhanh chóng. Bệnh kiết lị thường có nguyên nhân chủ yếu là vệ sinh kém. Người bệnh nếu không rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh thì bất cứ bề mặt nào họ chạm vào đều có thể tồn tại mầm bệnh. 

trùng kiết lị 2
Con đường lây nhiễm của trùng Entamoeba histolytica

Triệu chứng nhiễm trùng kiết lị 

Bệnh nhân bị nhiễm trùng Entamoeba histolytica thường gặp các triệu chứng điển hình như: 

  • Đau bụng âm ỉ.
  • Tiêu chảy, phân lỏng.
  • Đau quặn bụng, phân có chất nhầy và có lẫn máu.
  • Số lần đại tiện nhiều, khoảng 5 - 15 lần/ngày, cảm giác buồn đại tiện thường trực.
  • Bệnh nhân ít khi sốt hoặc nếu sốt chỉ sốt nhẹ.

Biến chứng khi nhiễm trùng kiết lị

Người bị nhiễm trùng kiết lị nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như: 

  • Viêm khớp: Biến chứng này gặp ở khoảng 2% bệnh nhân bị kiết lị. Viêm khớp do kiết lị có thể kéo dài hàng năm, gây nhiều đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt cho người bệnh.
  • Một số người gặp chứng tiểu buốt, kích ứng ở mắt khi bị biến chứng của bệnh kiết lị.
  • Nhiễm khuẩn máu khi bị bệnh kiết lị là trường hợp hiếm gặp nhưng vẫn xảy ra. Bệnh nhân đã từng bị ung thư, HIV hay hệ miễn dịch yếu sẽ có nguy cơ gặp biến chứng này cao hơn.
  • Trẻ em bị bệnh kiết lị dài ngày dễ gặp biến chứng co giật toàn thân. Biến chứng này có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
  • Một số ít trường hợp, bệnh nặng không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến áp xe gan hoặc trùng lây lan đến não và phổi, gây nguy hiểm cho tính mạng.
trùng kiết lị 3
Biến chứng áp xe gan khi bị bệnh kiết lị

Phòng ngừa lây nhiễm trùng kiết lị

Mỗi chúng ta có thể phòng ngừa lây nhiễm trùng kiết lị bằng việc giữ vệ sinh sạch sẽ. Cụ thể là: 

  • Nên rèn luyện thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là trước khi ăn uống, sau khi chạm tay vào các bề mặt ở nơi công cộng, sau khi đi vệ sinh. Người lớn sau khi vệ sinh cho bé bị kiết lị cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. 
  • Người đang bị bệnh không nên dùng tay cầm đồ ăn, đồ uống cho người khác. Quần áo của người bệnh, nhất là trẻ em, nên được giặt giũ riêng. Tã sau khi thay nên được bọc lại và cho vào thùng kín.
  • Khi đến bể bơi công cộng cố gắng không để nuốt phải nước bể bơi.
  • Nếu đến khu vực thường xuyên xảy ra ổ dịch, bạn nên tránh uống đồ uống với đá viên, ăn các món ăn đường phố.
  • Không nên uống các loại nước không rõ nguồn gốc, chưa qua lọc sạch hay đun sôi. 
  • Khi mua rau sống nên mua ở những cửa hàng thực phẩm sạch. 
trùng kiết lị 5
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ là cách phòng bệnh hiệu quả

Điều trị khi nhiễm trùng kiết lị

Khi nhiễm trùng kiết lị, 100% người bệnh sẽ bị tiêu chảy. Khi đó cơ thể dễ bị mất nước và thiếu hụt điện giải. Nên điều quan trọng là cần bổ sung nước và điện giải đã bị hao hụt. Người bệnh nhẹ có thể uống nước, oresol, nước dừa, cháo muối loãng... Những người bị bệnh nặng, cơ thể yếu ớt khó ăn uống có thể truyền nước hoặc truyền muối quá đường tĩnh mạch.

Việc quan trọng tiếp theo cần làm là điều trị nhiễm khuẩn. Vậy bị kiết lị uống thuốc gì? Nếu tình trạng bệnh kiết lị nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Khi dùng kháng sinh, bệnh nhân cần dùng đúng và dùng đủ liều để tránh kháng thuốc hoặc gặp tác dụng phụ không mong muốn. 

Trong trường hợp bệnh diễn tiến nặng và có những triệu chứng biến chứng, tùy tình trạng bệnh thực tế các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Vì vậy, dù trong bất cứ trường hợp nào, bệnh nhân cũng nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám thay vì tự ý điều trị.

Bệnh kiết lị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sức khỏe của bệnh nhân. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh dễ tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Bản thân mỗi chúng ta tốt nhất nên giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng ngừa lây nhiễm trùng kiết lị và mắc bệnh kiết lị.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Medlatec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin