Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tổng quan về việc điều trị bướu cổ lành tính và cách phòng ngừa

Ngày 08/10/2024
Kích thước chữ

Bướu cổ lành tính là tình trạng tuyến giáp phình to nhưng không phải do ung thư hay viêm nhiễm ác tính. Tình trạng này thường được coi là ít nguy hiểm hơn và có thể điều trị được. Vậy bướu cổ lành tính ảnh hưởng gì đến sức khỏe và nên được điều trị như thế nào?

Khi nhắc đến bướu cổ, nhiều người thường lo ngại về các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng thực tế, bướu cổ lành tính thường không gây hại và có thể điều trị dễ dàng. Việc hiểu rõ về bướu cổ lành tính không chỉ giúp chúng ta nhận diện sớm mà còn giảm bớt nỗi lo lắng không cần thiết. Hãy cùng khám phá những khía cạnh quan trọng của bướu cổ lành tính, từ yếu tố nguy cơ cho đến phương pháp điều trị hiệu quả.

Bướu cổ lành tính ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Bệnh bướu cổ khá phổ biến, ảnh hưởng đến một phần không nhỏ dân số trên thế giới trong đó tỷ lệ người mắc là nữ giới cao hơn so với nam giới. Bướu cổ lành tính thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu được chẩn đoán và theo dõi đúng cách.

Tuy nhiên, người bệnh thường lo ngại về khả năng biến chứng của bướu cổ lành tính, chẳng hạn như chuyển thành cường giáp, suy giáp, hoặc các nhân độc làm tăng sản xuất hormone tuyến giáp gây nguy hiểm hơn cho sức khỏe.

Tổng quan về việc điều trị bướu cổ lành tính và cách phòng ngừa 1
Bướu cổ có thể gây chèn ép và hưởng đến mỹ quan

Rối loạn chức năng tuyến giáp

Bướu cổ lành tính có thể gây rối loạn chức năng tuyến giáp, dẫn đến suy giáp hoặc cường giáp.

  • Suy giáp: Một số nhân lành tính làm giảm khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp, gây ra tình trạng suy giáp với các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, trầm cảm và rối loạn kinh nguyệt.
  • Cường giáp: Trong một số trường hợp, các nốt lành tính có thể tự sản xuất hormone quá mức, gây ra cường giáp. Triệu chứng bao gồm nhịp tim nhanh, sụt cân không rõ nguyên nhân, run tay, lo lắng và mất ngủ.

Chèn ép và khó chịu

Nếu bướu phát triển lớn sẽ chèn ép vào các cấu trúc xung quanh vùng cổ dẫn đến:

  • Khó nuốt: Bướu cổ lớn có thể gây cảm giác vướng hoặc khó nuốt do chèn vào thực quản.
  • Tắc nghẽn đường thở: Bướu có thể chèn ép vào khí quản, gây khó thở, đặc biệt khi nằm ngửa.
  • Khàn giọng: Bướu cổ lớn có thể ảnh hưởng đến dây thanh âm, gây ra tình trạng khàn tiếng​

Biến dạng thẩm mỹ và ảnh hưởng đến tâm lý

Một số bướu cổ lớn dường như đạt được kích thước ổn định, trong khi nhiều bướu cổ đa nhân tăng dần kích thước theo thời gian cùng với sự phát triển của các nốt sần bổ sung, các triệu chứng chèn ép và các vấn đề về thẩm mỹ. Bướu cổ có thể gây ra sự biến dạng vùng cổ, làm mất thẩm mỹ và gây khó chịu cho bệnh nhân. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây ra tâm lý tự ti và lo lắng​.

Nguy cơ tiến triển thành ác tính

Mặc dù phần lớn các bướu cổ lành tính không quá nguy hiểm nhưng một số trường hợp vẫn có nguy cơ tiến triển thành bướu cổ ác tính. Vì vậy, việc theo dõi định kỳ và chẩn đoán sớm là rất quan trọng để phát hiện các thay đổi bất thường​.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị bệnh bướu cổ

Bất kỳ ai cũng có thể bị bướu cổ, bệnh này có thể xuất hiện ngay từ khi mới sinh hoặc xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, phổ biến nhất là ở những đối tượng là nữ giới. Một số yếu tố nguy cơ phổ biến gây bướu cổ bao gồm:

  • Thiếu i-ốt trong chế độ ăn uống: Những người không có đủ i-ốt trong chế độ ăn uống hoặc không bổ sung thực phẩm bổ sung i-ốt có nguy cơ bị bướu cổ cao hơn.
  • Thuộc giới nữ: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh bướu cổ hoặc các rối loạn tuyến giáp khác so với nam giới.
  • Mang thai và mãn kinh: Các vấn đề về tuyến giáp ở phụ nữ có nhiều khả năng xảy ra trong thời kỳ mang thai và mãn kinh.
  • Tuổi tác: Bướu cổ thường gặp ở độ tuổi sau 40.
  • Tiền sử bệnh lý gia đình: Tiền sử bệnh lý gia đình về bướu cổ hoặc các rối loạn tuyến giáp khác làm tăng nguy cơ mắc bướu cổ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã xác định được các yếu tố di truyền cũng là yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Thuốc: Một số phương pháp điều trị y tế, bao gồm thuốc tim amiodarone và thuốc tâm thần lithium cũng có thể làm tăng nguy cơ bị bướu cổ.
  • Phơi nhiễm bức xạ: Nguy cơ mắc bướu cổ sẽ tăng lên nếu bạn đã từng điều trị bằng bức xạ ở vùng cổ hoặc ngực.
Tổng quan về việc điều trị bướu cổ lành tính và cách phòng ngừa 2
Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh bướu cổ cao hơn so với nam giới

Điều trị và phòng ngừa bướu cổ lành tính

Điều trị bướu cổ lành tính

Phương pháp điều trị bướu cổ phụ thuộc vào mức độ phát triển của tuyến giáp, các triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh. Sau khi phát hiện bướu (qua thăm khám hoặc chẩn đoán hình ảnh), cần đánh giá chức năng tuyến giáp, tìm nguyên nhân và xác định liệu có triệu chứng tắc nghẽn hay không.

Đối với bệnh nhân bướu cổ lành tính, mục tiêu điều trị bao gồm:

  • Điều trị rối loạn chức năng tuyến giáp cho bệnh nhân cường giáp hoặc suy giáp biểu hiện rõ ràng.
  • Giảm kích thước bướu cổ cho bệnh nhân có triệu chứng hoặc lo ngại về thẩm mỹ.
  • Theo dõi bướu cổ không có triệu chứng để xác định xem nó có đang phát triển hay không.

Điều trị rối loạn chức năng tuyến giáp

Suy giáp: Điều trị bằng hormone thay thế (levothyroxine). Ở bệnh nhân bị viêm giáp Hashimoto, điều trị có thể giảm kích thước bướu, nhưng không phải lúc nào bướu cũng biến mất hoàn toàn.

Cường giáp: Xác định nguyên nhân cường giáp và điều trị phù hợp theo từng nguyên nhân.

Điều trị triệu chứng và lo ngại thẩm mỹ

Triệu chứng nhẹ hoặc lo ngại thẩm mỹ: Có thể theo dõi, phẫu thuật cắt bỏ, tiêu trừ bằng i-ốt phóng xạ, hoặc đốt bằng sóng cao tần.

Triệu chứng tắc nghẽn: Bệnh nhân bị hẹp khí quản, khó thở, khó nuốt sẽ được chỉ định điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật. Nếu bệnh nhân không phù hợp với phẫu thuật, có thể được xem xét dùng i-ốt phóng xạ hoặc đốt bằng sóng cao tần.

Tổng quan về việc điều trị bướu cổ lành tính và cách phòng ngừa 3
Bướu cổ lành tính được điều trị thành công bằng phẫu thuật

Các tình huống đặc biệt

Bướu giáp dưới xương ức không triệu chứng: Điều trị dựa vào mức độ xâm lấn. Nếu xâm lấn dưới tĩnh mạch tay đầu sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Bướu giáp cổ không triệu chứng: Đa số sẽ được theo dõi, nếu bướu quá lớn (>80mL) thì có thể xem xét phẫu thuật.

Bướu giáp phát triển: Nếu bướu tiếp tục phát triển nên điều trị tích cực (thường bằng phẫu thuật) trước khi có triệu chứng tắc nghẽn.

Các lựa chọn điều trị bướu cổ lành tính

Khi đối mặt với bướu cổ lành tính, có nhiều lựa chọn điều trị tùy thuộc vào kích thước, triệu chứng và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến:

  • Phẫu thuật: Được ưu tiên trong trường hợp bướu giáp lớn, tiếp tục phát triển, hoặc có nguy cơ tắc nghẽn.
  • I-ốt phóng xạ: Hiệu quả giảm thể tích tuyến giáp khoảng 50% sau 2 năm, nhưng cần theo dõi sau điều trị do nguy cơ xuất hiện đặc điểm nghi ngờ ung thư trên siêu âm hoặc FNA.
  • Đốt bằng sóng cao tần: Có thể giảm thể tích bướu từ 65 - 80% sau 6 - 12 tháng.
  • Điều trị bằng hormone tuyến giáp: Ít được sử dụng do hiệu quả không rõ ràng và nguy cơ gây ra suy giáp hoặc cường giáp do thuốc.

Phòng ngừa bướu cổ

Bướu cổ do thiếu i-ốt (bướu cổ đơn thuần) là trường hợp bướu cổ có thể phòng ngừa. Bằng cách bổ sung các thực phẩm như cá, sữa và một lượng muối ăn i-ốt lành mạnh sẽ góp phần ngăn ngừa loại bướu cổ này. Tuy nhiên cần lưu ý là các chất bổ sung i-ốt và các chất bổ sung khác thường không được khuyến khích và có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.

Tổng quan về việc điều trị bướu cổ lành tính và cách phòng ngừa 4
Bổ sung i-ốt trong chế độ ăn hằng ngày giúp phòng ngừa bướu cổ do thiếu i-ốt

Nói chung, mặc dù bướu cổ lành tính có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe nhưng không gây nguy hiểm nghiêm trọng như ung thư. Và các biện pháp điều trị bướu cổ hiện nay cũng đã mang lại hiệu quả cao, giúp kiểm soát bệnh, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Để biết thêm nhiều thông tin hữu ích khác về bệnh bướu cổ, hãy tham khảo thêm các bài viết khác của Nhà thuốc Long Châu chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng quý vị trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe mỗi ngày. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin