Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Việc cho trẻ ăn nhiều muối so với nhu cầu của cơ thể sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ. Trong khi dưa muối có chứa rất nhiều muối. Vậy trẻ em ăn dưa muối có tốt không? Tác dụng của dưa muối với cơ thể trẻ như thế nào?
Các bộ phận trong cơ thể của trẻ em còn non nớt và chưa được hoàn thiện. Do đó khi cho trẻ ăn uống cần thận trọng vì sẽ gây nguy hiểm cho trẻ, thậm chí để lại hậu quả về sau. Dưa muối được xem là tốt cho hệ tiêu hóa. Vậy trẻ em ăn dưa muối có tốt không? Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu vấn đề này nhé.
Dưa muối chua chứa nhiều muối (Natri) trong khi đó trẻ em lại có nhu cầu về muối thấp hơn người lớn. Vậy trẻ em ăn dưa muối có tốt không? Tốt nhất nên hạn chế cho trẻ ăn dưa muối chua, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn thực phẩm này.
Mỗi một độ tuổi, cơ thể sẽ cần một lượng muối nhất định. Tuổi càng nhỏ, nhu cầu về muối càng ít. Trẻ nhỏ ăn nhiều muối hơn so với nhu cầu của cơ thể sẽ không tốt cho sức khỏe. Phần lớn các loại gia vị đều có thành phần chính là muối (Natri). Với trẻ dưới một tuổi, nhu cầu về gia vị nói chung và muối nói riêng gần như bằng không.
Trẻ tập ăn mặn từ nhỏ không chỉ gây nên các vấn đề sức khỏe trước mắt, mà còn hình thành khẩu vị ăn mặn khi trẻ lớn. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến các nguy cơ về bệnh tim mạch và đột quỵ.
Để giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối mỗi ngày. Bộ Y tế năm 2015 thống kê rằng người Việt ăn trung bình 9,4 g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với mức cần thiết. Người Việt ăn mặn đang rất phổ biến do quen với khẩu vị mặn nên mọi người xem đây là chuyện bình thường. Phần lớn trẻ thường được ăn theo khẩu vị của người lớn và gia đình chưa hiểu rõ tác hại của ăn mặn khiến nhiều trẻ bị ăn mặn thụ động.
Theo nhu cầu khuyến nghị về Natri của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) phát hành năm 2016, mỗi độ tuổi quy định một lượng muối nhất định cần bổ sung, ví dụ như sau:
Thực tế, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ cần tiêu thụ một lượng muối rất nhỏ trong chế độ ăn uống. Trong thực phẩm như bột ăn dặm, sữa, sữa chua, phô mai, bánh mì, bánh quy... đã có một lượng muối nhất định nên khi trẻ ăn thêm dưa muối chua rất dễ vượt quá lượng muối cần thiết. Nếu phụ huynh không giảm mặn khi nấu ăn cho trẻ có thể khiến trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.
Trẻ em ăn dưa muối có tốt không? Ăn nhiều muối có thể ảnh hưởng đến thận của trẻ. Độ lọc của thận trẻ dưới 1 tuổi chỉ bằng 1/3 người lớn, nên không đáp ứng được lượng muối quá lớn, có thể dẫn tới tổn thương.
Ăn mặn khiến trẻ khát nước, uống nhiều nước hơn dẫn tới đi tiểu cũng nhiều hơn để đào thải lượng muối đó ra ngoài. Đáng tiếc là quá trình thải này cũng loại bỏ luôn cả các ion quan trọng khác, trong đó có canxi. Đây là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ mất canxi, làm suy yếu chất lượng xương, gây nên chứng còi xương, thấp còi khi trẻ trưởng thành.
Tập ăn mặn từ khi còn nhỏ vô tình tạo cho trẻ thói quen ăn mặn khi lớn hơn khiến trẻ dễ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, cao huyết áp...
Nhìn chung, trẻ nhỏ cần được áp dụng chế độ ăn giảm mặn lâu dài, liên tục suốt cuộc đời và có lộ trình giảm mặn phù hợp theo khẩu vị của mỗi gia đình.
Một nhược điểm lớn của dưa, cà muối là chứa quá nhiều muối (Natri). Chỉ cần một quả dưa chua lớn đã chứa tới hơn 2/3 lượng muối khuyến nghị mà một người trưởng thành trung bình nên tiêu thụ cho cả ngày.
Trong hầu hết các công thức muối dưa, cà luôn cần bỏ thêm muối và lượng muối chiếm khoảng 5% hàm lượng. Một bát nhỏ dưa chua chứa khoảng 600mg muối, nhiều hơn 1/4 mức giới hạn khuyến nghị hàng ngày.
Chế độ ăn uống quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, từ đó làm tăng nguy cơ tiểu đường, đau tim, đột quỵ và bệnh thận. Natri cũng có thể làm mất canxi từ xương, làm suy yếu xương và tăng nguy cơ gãy xương.
Không chỉ có tác hại với những người bị cao huyết áp vì quá mặn, dưa muối thường có vị chua nên cũng không hề tốt cho dạ dày. Bạn sẽ có nguy cơ bị viêm loét dạ dày khi ăn dưa muối quá nhiều hoặc ăn lúc đói. Tại Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản, người ta nhận thấy rằng khi thực phẩm ngâm muối đã là món ăn phổ biến hàng ngày thì tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn đáng kể. Một nghiên cứu được tiến hành năm 2015 đã chứng minh rằng thực phẩm nhiều muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Không thể phủ nhận lợi ích của dưa muối khi chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp quá trình tiêu hóa thực phẩm trong dạ dày và hoạt động của đường ruột diễn ra tốt hơn.
Nhưng lợi ích trên chỉ được phát huy khi bạn ăn dưa muối đúng cách và ăn một lượng vừa phải. Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, bạn không nên ăn quá nhiều dưa muối, nhất là dưa muối xổi, không nên ăn dưa, cà muối bị khú (dưa bị quá chua, thâm đen, đổi màu).
Ngoài ra, ăn dưa xổi hoặc dưa để lâu cũng dễ mắc bệnh ung thư. Trong khi muối dưa, nitrat trong rau xanh qua phản ứng oxy hóa chuyển thành nitrit. Khi ăn dưa, hàm lượng axit trong dạ dày sẽ tạo điều kiện để nitrit tác động đến axit amin trong món ăn như thịt, cá, tôm... tạo thành hợp chất nitrosamine gây ung thư.
Với những tác hại trên từ dưa muối, phụ huynh không nên tập cho trẻ nhỏ ăn dưa muối từ sớm hoặc ăn với lượng dưa quá nhiều.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.