Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Thanh Hương
Mặc định
Lớn hơn
Chuối tiêu không chỉ thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy vậy, với một số người, việc ăn chuối tiêu có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn. Bài viết sẽ giúp bạn biết rõ những ai không nên ăn chuối tiêu để bảo vệ sức khỏe.
Chuối tiêu là loại trái cây quen thuộc, dễ ăn và giàu dinh dưỡng, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để sử dụng loại quả này. Vậy những ai không nên ăn chuối tiêu? Hãy cùng Long Châu tìm hiểu ngay bây giờ để biết đây có phải loại trái cây nên có trong thực đơn của mình không bạn nhé!
Người mắc bệnh suy thận mạn tính hoặc suy thận giai đoạn nặng cần hạn chế thực phẩm giàu kali, trong đó có chuối tiêu. Một quả chuối trung bình (khoảng 118g) chứa khoảng 422 mg kali, mức khá cao so với nhu cầu hàng ngày.
Khi thận suy, khả năng đào thải kali giảm, dễ dẫn đến tăng kali máu, tình trạng có thể gây loạn nhịp tim, yếu cơ, thậm chí ngừng tim đột ngột. Vì vậy, người bệnh thận nên ăn chuối với liều lượng phù hợp, theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Đối với người mắc bệnh tiểu đường, nhất là tiểu đường type 2, việc ăn chuối tiêu chín kỹ cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Chuối chín kỹ chứa lượng đường tự nhiên (glucose, fructose và sucrose) cao, khiến chỉ số GI của chuối tăng lên đáng kể. Trong đó, chuối chín có GI khoảng 51 - 60, chuối xanh có GI thấp hơn, khoảng 30 - 40.
Việc ăn chuối chín kỹ mà không kiểm soát số lượng hoặc ăn vào thời điểm không phù hợp có thể dẫn đến tăng đường huyết nhanh. Điều này đặc biệt nguy hiểm với người có kháng insulin hoặc đang dùng thuốc/hỗ trợ tiêm insulin.
Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường không cần kiêng tuyệt đối chuối, mà nên ưu tiên chuối chưa chín hoàn toàn (chuối còn hơi xanh) vì chứa nhiều tinh bột kháng – loại tinh bột không làm tăng đường huyết nhanh. Họ cũng nên ăn với lượng nhỏ, chẳng hạn chỉ 1/2 quả chuối nhỏ mỗi lần.
Mặc dù chuối tiêu là loại trái cây tốt cho sức khỏe, nhưng đối với người bị viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản việc ăn chuối tiêu xanh hoặc ăn khi đói có thể gây khó tiêu hóa, co thắt dạ dày, đầy hơi, cồn cào. Chuối tiêu xanh chứa hàm lượng tinh bột kháng và tanin cao vốn không “thân thiện” với dạ dày đang bị tổn thương.
Những ai không nên ăn chuối tiêu? Đó chính là những người mắc bệnh đau nửa đầu mãn tính (migraine) hoặc có cơ địa nhạy cảm với tyramine. Với nhóm đối tượng này, việc ăn chuối tiêu chín kỹ có thể kích hoạt các cơn đau đầu. Nguyên nhân là do tyramine có trong chuối quá chín có khả năng gây giãn mạch máu não hoặc làm mất cân bằng dẫn truyền thần kinh, từ đó dẫn tới cơn đau nửa đầu dữ dội ở một số người. Người bị migraine nên hạn chế ăn chuối quá chín, đặc biệt không nên dùng quá 1/2 quả chuối lớn mỗi lần.
Mặc dù lượng tyramine trong chuối thường thấp, nhưng với người có ngưỡng chịu đựng thấp hoặc nhạy cảm thần kinh, chỉ cần một lượng nhỏ tyramine cũng đủ gây ra đợt đau đầu kèm buồn nôn, sợ ánh sáng hoặc tiếng động.
Mặc dù chuối là loại quả lành tính và phổ biến, nhưng một số người có cơ địa nhạy cảm có thể bị dị ứng với các loại chuối, trong đó có cả chuối tiêu. Dị ứng chuối tuy hiếm gặp, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra, làm xuất hiện các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như: Ngứa rát miệng, sưng môi, lưỡi, họng, nổi mề đay, hoặc nghiêm trọng hơn là khó thở, tụt huyết áp.
Những ai không nên ăn chuối tiêu? Một trong số những câu trả lời là người bị dị ứng mủ cao su (dị ứng latex). Nguy cơ dị ứng chéo giữa chuối và latex đã được y văn ghi nhận rõ ràng vì trong chuối có chứa một số protein có cấu trúc tương tự với các protein có trong mủ cao su tự nhiên. Cơ thể của người dị ứng latex nhận diện các protein này là tác nhân gây hại, từ đó kích hoạt phản ứng dị ứng.
Các thuốc lợi tiểu giữ kali và thuốc điều trị tim mạch như spironolactone, eplerenone, thuốc ức chế men chuyển (ACEi) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs) đều có tác dụng phụ phổ biến là làm tăng nồng độ kali trong máu. Trong khi đó, chuối tiêu chứa hàm lượng kali tự nhiên khá cao. Việc ăn nhiều chuối tiêu khi đang dùng các thuốc này dễ gây tăng kali máu quá mức, gây loạn nhịp tim, yếu cơ, thậm chí đột tử nếu không kiểm soát tốt.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, các enzym tiêu hóa, chức năng hấp thu và nhu động ruột còn yếu. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ nên bú sữa mẹ hoặc sử dụng sữa công thức. Việc cho trẻ ăn dặm sớm với chuối tiêu có thể gây rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, nôn trớ hoặc táo bón. Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng có nguy cơ bị dị ứng thực phẩm cao hơn, nên cần tuân thủ nguyên tắc ăn dặm đúng thời điểm.
Một số người bị dị ứng phấn hoa có thể gặp phản ứng nhẹ khi ăn chuối, thường là hội chứng dị ứng miệng (ngứa, rát vùng miệng, họng) do hiện tượng nhầm lẫn miễn dịch giữa protein phấn hoa và protein trong thực phẩm. Nếu bạn từng dị ứng với mủ bơ, kiwi, đu đủ, dứa, hoặc hạt dẻ, thì cũng nên thận trọng khi ăn chuối, đặc biệt là chuối tươi hoặc chưa qua chế biến nhiệt.
Người bị hội chứng ruột kích thích (IBS), đặc biệt là thể đầy hơi, chướng bụng, thường rất nhạy cảm với các loại carbohydrate dễ lên men. Chuối tiêu chín kỹ, chứa lượng đường và carbohydrate có thể bị lên men trong ruột, sinh khí như methane, CO₂ gây đầy bụng, chướng hơi, đau quặn bụng hoặc rối loạn tiêu hóa. Do đó, người mắc IBS thể đầy hơi, chướng bụng cần cân nhắc khi ăn chuối tiêu để tránh làm tăng triệu chứng khó chịu.
Chuối tiêu là loại trái cây giàu dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, với một số đối tượng như người dị ứng, người mắc bệnh thận, đang dùng thuốc giữ kali, trẻ nhỏ hoặc người có vấn đề tiêu hóa, việc ăn chuối tiêu cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Biết rõ những ai không nên ăn chuối tiêu sẽ giúp bạn lựa chọn thực phẩm an toàn, phù hợp và bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.