Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ là vì lý do gì và cách xử lý?

Ngày 11/10/2024
Kích thước chữ

Trẻ ở cạnh người khác thường ngoan ngoãn nhưng ở cạnh mẹ lại tỏ ra ương bướng, nhõng nhẽo. Không ít lần, các bà mẹ phải khó xử trước hành vi của con như la hét, khóc lóc, không nghe lời,… Vì sao lại có hiện tượng trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ? Cách khắc phục tính nhõng nhẽo này của trẻ như thế nào?

Mẹ bất lực khi chứng kiến con đang rất ngoan ngoãn khi ở bên người khác, nhưng chỉ cần ở bên mẹ là bắt đầu cư xử tệ và có các biểu hiện như ương bướng, khó bảo, mè nheo, nhõng nhẽo, luôn đòi theo mẹ hay thậm chí còn hung dữ với mẹ nữa. Trẻ trở nên như vậy là có lý do chứ không phải con là đứa trẻ cá biệt. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu về hiện tượng trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ và cách khắc phục nhé. 

Trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ là vì sao?

Sau đây là những lý do khiến trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ:

Ở bên mẹ, trẻ cảm thấy an toàn 

Với con, mẹ luôn là chỗ dựa an toàn trong cuộc đời. Vì thế trẻ thể hiện nhiều hơn trước mặt cha mẹ, nhất là với mẹ vì chúng cảm thấy an toàn hơn. Bạn thường chỉ dành cảm xúc thật cho những người bạn thương yêu. Trẻ em cũng vậy. Vì thế, nếu bạn thắc mắc lý do tại sao trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ và cư xử tốt với tất cả mọi người trừ bạn thì câu trả lời là vì bạn có đặc ân là mẹ của chúng.

Trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ là vì lý do gì và cách xử lý? 1
Trẻ thể hiện nhiều trước mặt mẹ vì chúng cảm thấy an toàn hơn khi ở bên mẹ

Trẻ cần mẹ để giải tỏa cảm xúc

Do bộ não của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện nên để kiểm soát các cơn kích động của mình, trẻ phải mất rất nhiều thời gian. Khi trẻ cảm thấy buồn bực, lo lắng, sợ hãi điều gì hay vừa trải qua một ngày tồi tệ ở trường và khi về nhà, những cảm xúc hay sự giận dữ mà trẻ dành cho mẹ chỉ là cách để giúp trẻ giải tỏa. Sau khi “xả” được sự khó chịu, bức xúc, trẻ lại cư xử dễ thương như bình thường.

Con đang muốn mẹ chú ý

Một lý do khác khiến trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ là do trẻ cảm thấy có đối tượng khác đang cạnh tranh với mình để giành được sự chú ý của mẹ. Những đối tượng đó có thể là anh, chị em, vật nuôi hoặc thậm chí là công việc của mẹ khiến trẻ cảm thấy mẹ không chú ý đến mình. Trẻ không thích điều này và tìm cách thể hiện cảm xúc này ra ngoài.

Trẻ biết được mẹ cưng chiều

Với những đứa trẻ vốn thân thiết với mẹ và được mẹ quan tâm, cưng chiều, trẻ biết rằng mối quan hệ của chúng với mẹ là an toàn. Vì thế, trẻ cảm thấy có thể bướng, ngỗ ngược, không vâng lời và thậm chí vượt quá giới hạn. Điều này là do mẹ có mối quan hệ tốt với trẻ.

Con muốn điều gì đó

Mỗi hành vi nhõng nhẽo, bướng bỉnh, ăn vạ của trẻ đều có một mục đích phía sau. Có thể trẻ muốn mẹ phải đáp ứng một yêu cầu nào đó. Cơn giận dữ của trẻ còn có nghĩa là con đang thể hiện sức mạnh trước mẹ và cố gắng thao túng. Bạn hãy tìm cách nói chuyện với trẻ để tìm hiểu mục đích của trẻ và có cách xử lý phù hợp thay vì căng thẳng, xung đột.

Trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ là vì lý do gì và cách xử lý? 2
Trẻ nhõng nhẽo có thể do trẻ muốn mẹ phải đáp ứng một yêu cầu nào đó

Trẻ phụ thuộc vào mẹ gây nhiều tác hại

Khi trẻ đeo mẹ quá mức sẽ mang lại một số điều tiêu cực sau: 

Việc trẻ phụ thuộc quá mức vào mẹ có thể ảnh hưởng không tốt đến khả năng độc lập của trẻ. Dẫn đến tình trạng trẻ không có khả năng suy nghĩ độc lập và không thể giải quyết những vấn đề khó khăn, từ đó không thể thích ứng với môi trường xã hội và cuộc sống sau này.

Hơn nữa, việc này có thể làm cho mẹ phiền muộn và gây áp lực lên mẹ. Người mẹ vừa phải đảm nhận trách nhiệm nuôi dạy con cái vừa phải đối mặt với áp lực trong công việc và cuộc sống. Nếu trẻ luôn đeo bám lấy mẹ, mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng xấu đến công việc và mối quan hệ với con. 

Làm thế nào để khắc phục việc trẻ thích bám mẹ?

Việc trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ là bình thường, đó là cách trẻ thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình. Để khắc phục điều này, các mẹ có thể áp dụng các cách sau:

Nuôi dưỡng tính tự lập cho trẻ

Để nuôi dưỡng tính tự lập cho trẻ trong cuộc sống hàng, hãy để con cố gắng tự hoàn thành một số công việc đơn giản như tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân,... Điều này có thể giúp trẻ dần dần không phụ thuộc vào mẹ và xây dựng sự tự tin và hài lòng với bản thân. Ngoài ra, trẻ cũng dễ thích nghi với môi trường mới. 

Quan tâm và yêu thương con hơn

Mẹ nên dành nhiều thời gian cho con hơn để đáp ứng nhu cầu tình cảm của con và cũng là một cách để xây dựng mối quan với con tốt đẹp hơn. Sự quan tâm là thường xuyên tương tác với trẻ như ôm, hôn, vuốt ve, nói chuyện,... Những cử chỉ âu yếm này không chỉ là cách thể hiện tình yêu thương của mẹ mà còn là cách mẹ an ủi, quan tâm và chăm sóc con.

Trẻ sẽ thấy dễ chịu hơn và trạng thái tâm lý của trẻ cũng ổn định hơn khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc từ mẹ. Từ đó, trẻ sẽ ít phụ thuộc vào mẹ và dần dần tự tin hơn khi ở một mình.

Trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ là vì lý do gì và cách xử lý? 3
Mẹ nên dành nhiều thời gian cho con hơn để đáp ứng nhu cầu tình cảm của con

Tạo môi trường xã hội đa dạng

Để trẻ giảm dần hành vi bám mẹ, hãy khuyến khích trẻ kết nối với các thành viên khác trong gia đình hoặc người thân, để trẻ có thể tiếp xúc với nhiều người và môi trường khác nhau.

Kiên nhẫn và thấu hiểu

Khi trẻ đeo dính mẹ, mẹ cần phải thông cảm và kiên nhẫn. Đừng cố gắng đẩy con qua một bên hoặc phớt lờ nhu cầu của con. Ngược lại, mẹ có thể nhẹ nhàng nói cho con hiểu mẹ luôn ở bên cạnh con, tạo sự an toàn và tin tưởng cho con.

Đồng thời, mẹ cũng phải hiểu rõ trạng thái tâm lý, nhu cầu về cảm xúc của trẻ để quan tâm, hỗ trợ đầy đủ cho con.

Tìm sự hỗ trợ

Nếu đã thử nhiều cách nhưng hành vi đeo bám của trẻ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống bình thường, mẹ có thể cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý để điều chỉnh tốt hơn hành vi đeo bám của con mình

Mặc dù trẻ nhỏ thường chỉ bám vào mẹ, ít bám vào ba, nhưng điều này không có nghĩa là người cha không quan trọng trong quá trình trưởng thành của con. Vì vậy, ba nên thiết lập mối liên hệ tình cảm thân thiết với con mình bằng cách tham gia tích cực vào việc chăm sóc và nuôi dạy con hàng ngày. Quan trọng hơn là ba mẹ nên hợp tác với nhau trong quá trình con trưởng thành.

Trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ là vì lý do gì và cách xử lý? 4
Ba mẹ nên hợp tác trong quá trình nuôi dạy, chăm sóc con

Nhìn chung, trẻ nhõng nhẽo khi có mẹ hay trẻ thích bám dính lấy mẹ là do trẻ phụ thuộc quá nhiều vào mẹ và muốn tìm kiếm cảm giác an toàn. Do đó, phụ huynh cần thấu hiểu và tôn trọng nhu cầu này của trẻ, đồng thời cũng cần hướng dẫn trẻ rèn luyện tính độc lập và sự tự tin. Từ đó, trẻ có thể phát triển khỏe mạnh và có thể tự mình đối mặt với các thách thức và khó khăn sau này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin