Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ sơ sinh đi ngoài như nào là bình thường?

Ngày 23/11/2022
Kích thước chữ

Thói quen đi ngoài của trẻ bao gồm số lần đi ngoài trong ngày, thời điểm đại tiện và tính chất phân trẻ sơ sinh là các đặc điểm phản ánh sức khỏe của trẻ. Để nắm được trẻ sơ sinh đi ngoài như nào là bình thường, mẹ hãy tìm hiểu những vấn đề dưới đây.

Việc đi ngoài của trẻ sơ sinh cũng nói lên rất nhiều về tình trạng sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Ba mẹ cần quan sát và ghi lại các đặc điểm về màu sắc, tính chất phân của con mỗi ngày để có thể phát hiện những bất thường kịp thời.

Trẻ sơ sinh đi ngoài như nào là bình thường?

Cha mẹ sẽ rất lo sợ khi con yêu có biểu hiện bất thường, nhất là với những vợ chồng trẻ mới có con lần đầu. Trẻ sơ sinh đi ngoài như nào là bình thường, như nào là bất thường, chỉ cần tham khảo những thông tin dưới đây là cha mẹ có thể cơ bản nắm được những điều cần lưu ý:

Tần suất đi ngoài của trẻ

Trẻ sơ sinh đi ngoài như nào là bình thường? 1 Thói quen đi ngoài của trẻ phản ánh sức khỏe của trẻ.

Số lần ngoài của trẻ sơ sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nên không được xác định cụ thể bằng một con số. Khi bú mẹ hoàn toàn, trẻ có thể đại tiện 3, 4 lần một ngày hoặc nhiều hơn. Nhưng cũng có trường hợp 2, 3 ngày trẻ mới đi ngoài một lần. Nhìn chung, số lần đi ngoài của trẻ sơ sinh có thể không giống nhau nhưng phân trẻ sơ sinh khỏe mạnh cần phải mềm, có màu vàng và trẻ tăng cân đều qua các tháng.

Cha mẹ chú ý, với những trẻ lớn hơn hoặc có bú sữa công thức, số lần đi ngoài sẽ nhiều hơn trẻ bú mẹ hoàn toàn. Dầu vậy, số lần đi ngoài mỗi ngày của trẻ cần phải giống nhau và đều đặn. Nếu phân trở nên cứng và trẻ khó chịu khi đi đại tiện, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám.

Màu sắc và mùi phân của trẻ

Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh sẽ thải ra phân su. Gọi là phân su nhưng thực chất đây là chất thải hình thành ngay từ trong bào thai. Nó là tổng hợp của các thành phần như dịch ối và chất nhầy. Về tính chất, phân su dai và dẻo, màu xanh lá cây hơi ngả đen. Bình thường, trẻ sơ sinh sẽ đi ngoài phân su trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, nhiều trẻ còn đi ngay khi vừa chào đời.

Sau vài ngày, màu sắc phân của trẻ sẽ dần thay đổi, chuyển sang màu vàng hoặc nâu vàng vào cuối tuần đầu tiên. Tuy nhiên, màu sắc phân của trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn và trẻ bú sữa công thức có sự khác biệt như sau: 

Trẻ sơ sinh đi ngoài như nào là bình thường? 2 Mẹ cần theo dõi sát những biểu hiện của con.

Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn 

Sữa mẹ rất tốt cho sức khỏe và đường ruột của trẻ. Sữa mẹ còn có khả năng nhuận tràng, giúp tăng thải lượng phân su. Sau khi thải hết phân su, phân của trẻ sơ sinh sẽ dần chuyển sang màu vàng, phân dạng lỏng hoặc sệt có thể kèm theo các hạt trắng cục. Phân của trẻ cũng sẽ dần nặng mùi hơn.

Trẻ bú sữa công thức

Những trẻ nuôi hoặc dùng thêm sữa công thức, phân sẽ có kết cấu đặc hơn. Phân của trẻ bú sữa công thức cũng không có màu vàng tươi như trẻ bú sữa mẹ mà thường có màu nhạt hơn hoặc ngả sang nâu. Trong sữa công thức có nhiều thành phần có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh táo bón vì đường ruột của trẻ không tiêu hóa được hết các thành phần có trong sữa. Vì vậy, việc đi ngoài của trẻ bú sữa công thức cũng sẽ ít hơn trẻ bú sữa mẹ, thường một lần mỗi ngày. 

Vì vậy, khi chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức, mẹ tập từ từ để hệ tiêu hóa của trẻ có thể thích nghi dần. Điều này cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng táo bón do sữa công thức gây ra.

Khi thay đổi chế độ ăn hay gặp các vấn đề về sức khỏe, phân của trẻ sơ sinh sẽ dần có nhiều thay đổi. Với dạng thức ăn đặc, phân của trẻ cũng trở nên đặc hơn và có hình dạng. Màu phân cũng bị ảnh hưởng trực tiếp từ các loại thức ăn mà trẻ ăn vào. Ví dụ phân sẽ có màu cam nếu trẻ ăn nhiều cà rốt, màu đỏ nếu ăn thanh long đỏ... Với những loại thực phẩm trẻ không được tiêu hóa hoàn toàn, nó sẽ thải ra nguyên vẹn theo phân. Các đặc điểm này sẽ biến mất khi hệ tiêu hóa dần hoàn thiện khi trẻ lớn lên. 

Phân trẻ sơ sinh nói lên tình trạng sức khỏe

Đến đây hẳn cha mẹ đã nắm được cơ bản trẻ sơ sinh đi ngoài như nào là bình thường rồi. Theo từng giai đoạn phát triển, trẻ sơ sinh sẽ đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển của giai đoạn đó. Phân của trẻ cũng vậy, nó sẽ thay đổi đa dạng và phản ánh tình trạng sức khỏe của trẻ. Dầu vậy, ba mẹ cần nắm thế nào là phân của trẻ bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời:

Trẻ sơ sinh đi ngoài như nào là bình thường? 3 Phân của trẻ theo từng giai đoạn sẽ thay đổi đa dạng.

Phân rất lỏng

Đây là một trong những dấu hiệu nhận dạng bệnh tiêu chảy. Tuy nhiên, trẻ chỉ bị tiêu chảy khi kèm theo số lần đi ngoài trong ngày tăng nhiều, trong phân có thể có máu và tổng trạng của trẻ thường suy kiệt, mệt mỏi. Trẻ bú sữa công thức sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn cao hơn những trẻ bú mẹ. Nguyên nhân là do sữa mẹ chứa nhiều kháng thể bảo vệ bé khỏi những vi sinh vật gây bệnh.

Khi cho trẻ bú sữa công thức, bạn cần vệ sinh cẩn thận bình sữa và các dụng cụ đi kèm để hạn chế lây nhiễm các mầm bệnh. 

Đặc biệt, nếu trẻ bị tiêu chảy cấp, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Phân khô, cứng, vón cục

Khi trẻ đi ngoài phân khô, cứng, vón cục, hãy nghĩ ngay đến táo bón. Khi mắc bệnh lý này, trẻ còn gặp khó khăn khi đi ngoài như phải rặn nhiều, thậm chí khóc thét do phân khô cứng gây tổn thương niêm mạc hậu môn. Đôi khi, còn có máu dính ngoài phân.

Trẻ sơ sinh bú hoàn toàn bằng sữa mẹ thường ít mắc bệnh táo bón hơn vì sữa mẹ có tính chất nhuận tràng, giúp phân mềm hơn. Ngược lại, nuôi con bằng sữa bột hay sữa công thức có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện táo bón. 

Trẻ sơ sinh đi ngoài như nào là bình thường? 4 Khi bị táo bón, trẻ gặp khó khăn, thậm chí khóc thét do phân khô cứng...

Để phòng ngừa táo bón ở trẻ sơ sinh, bạn nên pha sữa và cho uống đúng theo hướng dẫn, từ lượng sữa, lượng nước, độ ấm của nước và thời gian cho bú. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn cho trẻ, massage vùng bụng hoặc luyện tập tư thế đạp xe để hỗ trợ nhu động ruột, giúp tăng cường tiêu hóa, hạn chế táo bón.

Ngoài ra, tình trạng táo bón còn là hậu quả của nhiều bệnh lý khác. Khi đã thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt mà không cải thiện, mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ.

Phân nhạt màu

Khi thấy trẻ đi ngoài phân nhạt màu kèm theo biểu hiện vàng da, vàng mắt, rất có thể trẻ đang mắc phải tình trạng tắc mật. Nếu gặp tình trạng này, bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. Bệnh lý này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Phát hiện và chẩn đoán sớm khi bệnh chưa gây ra biến chứng khiến việc điều trị đạt được nhiều hiệu quả hơn.

Phân có máu

Trẻ sơ sinh bình thường thì khi đi ngoài phân phải mềm (có thể sệt), màu vàng nhạt hoặc đôi khi có màu vàng ngả nâu (chủ yếu ở trẻ bú sữa công thức). Còn khi thấy trong phân của trẻ sơ sinh có máu là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, phổ biến nhất là táo bón. Nguyên nhân là do phân khô cứng, gây nứt kẽ hậu môn, các mạch máu nhỏ xung quanh bị vỡ khiến máu tươi dính quanh phân. Bên cạnh có, trong phân có lẫn máu có thể là biểu hiện của các bệnh lý nhiễm trùng. Không có kết luận chính xác trẻ bị gì khi thấy trong phân có máu. Cha mẹ không được chủ quan mà cần đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế.

Trẻ sơ sinh đi ngoài như nào là bình thường? 5 Nếu trong phân của trẻ sơ sinh có máu, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám.

Để hạn chế trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc phải các bệnh lý đường tiêu hoá, bạn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Hãy chọn các loại thực phẩm có thể nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra, bạn cần bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng cho trẻ.

Uyên Hồ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin