Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Tình trạng rụng tóc máu ở trẻ sơ sinh rất hay gặp. Có rất nhiều kiểu rụng tóc khác nhau ở trẻ sơ sinh như rụng tóc đỉnh đầu, rụng từng mảng, rụng vành khăn… khiến không ít cha mẹ lo lắng. Câu hỏi được đặt ra là trẻ sơ sinh rụng tóc máu có sao không?
Có người cho rằng do sữa mẹ kém nên tóc bé rụng hoặc do thiếu chất… đó có phải là nguyên nhân hay không hay chỉ là quan niệm sai lầm. Tóc rụng có mọc lại hay không? Đây là tóc rụng sinh lý hay bệnh lý… Để hiểu rõ về nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ sơ sinh rụng tóc máu, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Trong khoảng 1 năm đầu đời kể từ khi sinh ra, trẻ sơ sinh sẽ có hiện tượng rụng tóc. Ở mỗi trẻ khác nhau hiện tượng rụng tóc cũng không giống nhau. Vì vậy nên nhiều bà mẹ trẻ thường thắc mắc trẻ sơ sinh rụng tóc máu có sao không?
Ở vào tuần thai thứ 24 thai nhi trong bụng mẹ đã hình thành những sợi tóc. Khi bé chào đời, hormone của mẹ không còn sẽ làm cho tóc ở phía trước trán bắt đầu rụng dần. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Hiện tượng rụng tóc máu sẽ chấm dứt hẳn khi trẻ trên 7 tháng tuổi. Tùy vào từng trẻ hoặc do cơ địa cũng như chế độ dinh dưỡng khác nhau nên thời gian rụng tóc sẽ diễn ra lâu hơn. Chỉ cần lưu ý trong trường hợp, nếu rụng tóc quá lâu từ 11 tháng trở lên đồng thời tóc mọc lại không nhiều, lúc này nên đưa bé kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, có một số trẻ sơ sinh bị rụng tóc ở trán do di truyền bệnh hói đầu trực tiếp từ bố mẹ hoặc người thân.
Khi cha mẹ thấy con bị rụng nhiều tóc ở đỉnh đầu trong thời gian này sẽ hoang mang lo lắng. Cha mẹ chưa hiểu hết về vấn đề rụng tóc máu nên thường hỏi người này người kia rằng trẻ sơ sinh rụng tóc máu có sao không. Câu hỏi này phụ huynh nên dùng để hỏi bác sĩ nếu như thời gian từ 3 - 6 tháng trẻ bị rụng tóc lộ rõ phần đỉnh đầu. Ở độ tuổi này, do lượng hormone kích thích mọc tóc còn hạn chế vì vậy xảy ra tình trạng mất cân bằng giữa tóc rụng và tóc mọc lại. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nên bổ sung nhiều nhóm dưỡng chất cho bé để tạo điều kiện tóc mọc nhanh hơn.
Trẻ sơ sinh có cấu tạo bình thường sẽ có hai phần thóp trước và thóp sau. Thông thường trẻ sơ sinh hay bị rụng tóc vùng này. Trẻ sơ sinh rụng tóc ở thóp là hoạt động sinh lý bình thường. Đây là hiện tượng sinh lý và có thể xảy ra cả đối với bé gái và bé trai. Tóc thóp bắt đầu mọc từ khi thai nhi được 24 tuần tuổi. Khi chào đời theo thời gian tóc thóp rụng dần và được thay thế bằng những sợi tóc chắc khỏe hơn.
Khi thấy trẻ sơ sinh rụng tóc từng mảng nhỏ trên đầu thì bạn cần lưu ý về mặt sức khỏe của trẻ. Khi trẻ rụng tóc từng mảng trong thời gian từ khi mới sinh ra đến 1 tuổi thì có thể là do thiếu hụt dinh dưỡng đặc biệt là canxi và vitamin D.
Rụng tóc vành khăn thường xảy ra ở trẻ sơ sinh đến dưới 12 tháng tuổi. Vì vậy các trẻ sơ sinh 9 - 10 tháng bị rụng tóc vành khăn thì không quá lo ngại. Rụng tóc vành khăn là tình trạng tóc khó mọc lại, mọc ít và tạo thành vùng thưa. Vì vậy nên lộ rõ da đầu theo vành khăn ở phía sau gáy gọi là rụng tóc vành khăn.
Có nhiều tác nhân gây ra rụng tóc ở trẻ sơ sinh. Trẻ nằm ở một tư thế nhất định quá lâu, nhiều ngày tạo ra sự tì đè tác động tới da đầu hoặc do nằm gối. Vì vậy ở những vị trí này tóc sẽ dễ bị gãy rụng và khó mọc lại hơn các vùng khác. Thường gặp nhất là rụng tóc vành khăn.
Việc dùng vitamin A quá liều cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Vì vậy khi uống vitamin A phải dựa vào độ tuổi, cân nặng sức khỏe của trẻ. Nếu bổ sung vitamin quá liều có thể dẫn tới rụng tóc. Vì vậy cha mẹ không nên tự ý bổ sung vitamin A cho trẻ.
Theo một số nghiên cứu trẻ sơ sinh có sức đề kháng yếu thường xuyên ốm cũng có nguy cơ rụng tóc nhiều hơn bình thường. Trong quá trình điều trị do sử dụng kháng sinh nhiều cũng là nguyên nhân rụng tóc.
Cha mẹ không cần quá lo lắng vì hiện tượng rụng tóc máu ở trẻ sơ sinh là hoàn toàn bình thường. Trong 6 tháng đầu đời trẻ sơ sinh thường bị rụng tóc máu. Đây được gọi là rụng tóc TE (telogen effuvium), nguyên nhân do tóc chuyển nhanh sang pha nghỉ ngơi (telogen). Tuy nhiên chỉ sau một thời gian tóc sẽ mọc lại.
Cha mẹ cần hiểu rõ hơn về chu kỳ phát triển của tóc sẽ nắm rõ hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh. Sự phát triển của tóc trên da đầu luôn có giai đoạn nghỉ ngơi chứ không phát triển liên tục. Giai đoạn phát triển gọi là anagen giai đoạn này sẽ khoảng 2 - 6 năm. Giai đoạn phát triển tóc sẽ mọc nhanh dài và mạnh mẽ. Giai đoạn catagen kéo dài trong 1 - 2 tuần gọi là giai đoạn trung gian. Ở giai đoạn này sự sinh trưởng của tóc sẽ ngừng lại. Tiếp theo là pha nghỉ gọi là telogen sẽ kéo dài từ 3 - 6 tháng.
Thông thường giai đoạn anagen sẽ chiếm khoảng 80 - 90%, tóc giai đoạn catagen 10 - 15% và tóc giai đoạn telogen chiếm 10 - 15%. Nếu cơ thể gặp căng thẳng, sốt cao, thay đổi nội tiết tố,... có thể khiến một số lượng lớn tóc ngừng phát triển, chuyển nhanh từ pha anagen sang catagen và telogen vì vậy có thể khiến trẻ bị rụng tóc khi sinh ra.
Hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh sẽ xảy ra trước giai đoạn tóc tăng trưởng tiếp theo khoảng 3 tháng. Rụng tóc máu ở mỗi trẻ cũng khác nhau ở một số trẻ tóc rụng và gây nên những mảng hói trên đầu. Có thể do trẻ luôn ngủ ở cùng một tư thế hoặc có xu hướng ngồi tựa đầu cùng một phía vào ghế trẻ em. Sự tiếp xúc liên tục gây nên sự ma sát, làm tóc rụng ở khu vực đó. Đến đây đã có câu trả lời cho câu hỏi "trẻ sơ sinh rụng tóc máu có sao không" rồi bạn nhé. Khi gặp vấn đề này cha mẹ cứ yên tâm vì đó chỉ là hiện tượng rụng tóc sinh lý.
Như vừa phân tích ở trên, nếu tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh do thay đổi hormone trong cơ thể thì hoàn toàn bình thường.
Nếu bạn để trẻ ngủ ở một tư thế lâu thì có thể thay đổi tư thế ngủ cho trẻ để cải thiện tình trạng rụng tóc. Có thể xoay trẻ ngủ qua bên trái và bên phải, khi trẻ thức có thể cho trẻ nằm sấp để giảm thời gian đầu tiếp xúc với gối. Nằm sấp cũng giúp cho trẻ phát triển cổ và điều chỉnh tư thế…
Chỉ khi nào thấy hiện tượng rụng tóc quá nhiều hoặc quá lâu thì nên đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân rụng tóc và có hướng điều trị.
Đồng thời cha mẹ cũng nên chăm sóc tóc cho trẻ một cách nhẹ nhàng, dùng dầu gội dịu nhẹ và làm khô tóc sau khi gội đầu…
Tuệ Nhi
Nguồn tham khảo: Tổng hợp