Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trẻ sốt có nên bật quạt hay không?

Ngày 19/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Một trong số những vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ băn khoăn khi chăm sóctrẻ sốt có nên bật quạt hay không? Việc bật quạt liệu có giúp thân nhiệt của bé hạ nhanh hay không? Câu trả lời chính xác sẽ được bật mí ngay sau đây!

Trẻ nhỏ rất dễ bị ốm vặt vì hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện. Một trong những triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ bị ốm là sốt. Chăm sóc trẻ bị sốt đúng cách sẽ giúp bé nhanh khỏi bệnh. Xung quanh việc hạ sốt cho trẻ cũng có vô vàn thắc mắc đến từ phía các bậc cha mẹ như: Trẻ bị sốt có được tắm không, trẻ bị sốt có được nằm điều hòa không, trẻ sốt có nên bật quạt không? Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời cho vấn đề trẻ bị sốt có nên bật quạt không nhé!

Hiện tượng sốt ở trẻ là gì?

Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt một cách bất thường. Khi sốt, nhiệt độ cơ thể sẽ ở mức cao hơn 38 độ C. Tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể này diễn ra do vùng điều nhiệt của não bộ đặt lại nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường nhằm đáp ứng với một nhiễm trùng nào đó.

Việc thiết lập lại nhiệt độ cơ thể ở vùng điều nhiệt thường do các phân tử pyrogens trong máu gây ra. Pyrogens gồm chất độc do các loại virus hay vi khuẩn bên ngoài cơ thể tạo ra. Nó cũng có thể được tạo ra bởi các hóa chất bất thường sản sinh trong cơ thể (hóa chất từ khối u hoặc protein được giải phóng từ hệ thống miễn dịch…).

Khi sốt, hệ miễn dịch tăng thực bào, tăng tổng hợp kháng thể nên hệ đề kháng của cơ thể tăng. Điều đó có nghĩa là sốt là tình trạng có lợi cho cơ thể. Vậy trẻ sốt có nên bật quạt không? 

tre-sot-co-nen-bat-quat-1.jpg
Sốt là tình trạng thường gặp ở trẻ em

Nguyên nhân gây sốt ở trẻ nhỏ

Có nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ em như:

  • Sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi: Các loại virus gây sốt có thể là virus gây bệnh sốt xuất huyết, virus sởi, virus cúm, virus thủy đậu, virus gây bệnh chân tay miệng,…
  • Sốt do nhiễm trùng: Một số dạng sốt ở trẻ em phổ biến nhất là do nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh lý về tai mũi họng,...
  • Sốt sau khi tiêm chủng: Đây là phản ứng bình thường của cơ thể trẻ và nó cho thấy vắc xin đang có tác dụng.
  • Sốt khi trẻ mọc răng: Thường xảy ra khi trẻ trong khoảng 6 tháng tuổi đến gần 3 tuổi. 
  • Do bệnh lý khác: Một số trường hợp trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu ban đầu của một bệnh lý nghiêm trọng nào đó. 

Trẻ bị sốt có nên bật quạt không?

Dù trẻ bị sốt do nguyên nhân nào thì cha mẹ cũng cần chú trọng việc chăm sóc trẻ. Trong đó, nột câu hỏi được nhiều bậc cha mẹ đưa ra là trẻ sốt có nên bật quạt không? Câu trả lời của các bác sĩ là hoàn toàn có thể nếu điều kiện thời tiết phù hợp.

Khi thời tiết nắng nóng, người khỏe mạnh bình thường không dùng quạt dường như cũng không thể chịu nổi nên các bé bị sốt sẽ thấy vô cùng khó chịu nếu không có quạt. Nhưng khi trời lạnh thì sao? Khi trẻ sốt ra mồ hôi có nên bật quạt lúc này không? Câu trả lời là không, bật quạt lúc này rất dễ khiến trẻ nhiễm lạnh.

Cha mẹ cũng nên hiểu rõ, gió ở quạt không giúp trẻ hạ sốt mà chỉ giúp bay mồ hôi nhanh hơn, lỗ chân lông thoáng hơn và tản nhiệt hiệu quả hơn. Quạt mát cũng giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. 

tre-sot-co-nen-bat-quat-2.jpg
Trẻ sốt có nên bật quạt không? Câu trả lời là có khi thời tiết nóng bức mẹ nhé!

Lưu ý khi dùng quạt cho trẻ bị sốt

Vậy bật quạt như thế nào cho đúng khi trẻ bị sốt?

  • Mẹ cần tránh bật quạt hắt thẳng luồng gió vào mặt trẻ. Luồng gió mạnh có thể tạt không khí, khiến bé khó thở hơn, nhất là với những bé sốt kèm triệu chứng nghẹt mũi và ho.
  • Không nên để quạt thổi trực tiếp vào đầu, lưng, ngực trẻ. Đây là những vị trí có tuyến mồ hôi hoạt động mạnh nhất. Khi trẻ sốt thường kèm triệu chứng vã mồ hôi. Nếu bật quạt chiếu thẳng vào những vị trí này, mồ hôi sẽ ngấm ngược lại dễ khiến bé bị nhiễm lạnh.
  • Mẹ nên bật quạt chế độ tản gió, mức gió vừa phải để làm mát không gian nơi trẻ nghỉ ngơi và vui chơi. 
  • Mẹ hãy đảm bảo quạt sử dụng cho bé được vệ sinh sạch sẽ, không bị bám nhiều bụi bẩn.

Khi chăm sóc trẻ bị sốt cần chú ý điều gì?

Ngoài sử dụng quạt cho trẻ đúng cách, mẹ cũng cần lưu ý một số biện pháp chăm sóc trẻ bị sốt như:

Mẹ nên chọn cho bé những bộ trang phục rộng rãi, thoáng mát bằng chất liệu thấm hút mồ hôi tốt như lanh, cotton. Khi trẻ ra nhiều mồ hôi, mẹ hãy lau khô người và thay quần áo cho bé thường xuyên để tránh cho bé việc bị cảm lạnh.

Khu vực nghỉ ngơi và vui chơi của bé nên được dọn dẹp sạch sẽ, không gian thoáng mát để bé luôn cảm thấy vui vẻ, dễ chịu.

Nếu bé chưa sốt quá 38,5 độ C, mẹ có thể hạ sốt nhanh an toàn cho bé bằng cách chườm ấm. Mẹ có thể dùng khăn, nhúng vào nước ấm có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt hiện tại của trẻ. Sau đó mẹ vắt ráo nước rồi đắp lên trán, nách và bẹn của trẻ. Mẹ không nên chườm lạnh vì sự chênh lệch nhiệt độ lớn có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt.

tre-sot-co-nen-bat-quat-3.jpg
Chăm sóc tốt giúp trẻ sớm hạ sốt để phục hồi sức khỏe

Khi trẻ bị sốt, trẻ sẽ bị mất nước và điện giải. Vì vậy việc bù nước và điện giải rất quan trọng. Với trẻ sơ sinh, mẹ nên cho trẻ tăng cường bú mẹ hoặc uống sữa. Với trẻ lớn, mẹ cho trẻ uống thêm nước trái cây, nước điện giải, sữa, nước lọc,...

Khi trẻ sốt trên 38,5 độ, bạn nên nhanh chóng đưa trẻ tới thăm khám bác sĩ hoặc tham vấn ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách cho trẻ. Một số trẻ có tiền sử co giật được bác sĩ khuyến cáo nên uống hạ sốt khi thân nhiệt ở mức 38 độ C. Tuy nhiên, khi chưa rõ nguyên nhân gây sốt mẹ không nên tự ý cho trẻ uống hạ sốt, vì rất có thể sẽ làm triệu chứng bệnh của trẻ nặng hơn.

Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Mẹ hãy cho trẻ ăn uống đủ chất. Nếu một bữa trẻ ăn được quá ít vì mệt mỏi, mẹ có thể tăng số lần cho bé ăn.

Vậy trẻ bị sốt có nên bật quạt hay không? Bạn thể bật quạt để giúp trẻ cảm thấy thoáng mát và dễ chịu, nhưng tuy theo nhiệt độ thời tiết và cần lưu ý một số nguyên tắc như trên để đảm bảo sức khoẻ của bé. Trường hợp trẻ sốt có kèm theo các dấu hiệu bất thường thì phải đưa bé đến bác sĩ để được khám và điều trị sớm.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm