Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nghẹt mũi là gì? Triệu chứng hô hấp thường gặp

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nghẹt mũi là vấn đề rất phổ biến, thường hay đi kèm với chảy nước mũi, hắt xì. Chúng gây khó chịu cho người bệnh, xuất phát từ nguyên nhân nhiễm virus, vi khuẩn hoặc dị ứng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nghẹt mũi là gì? 

Khi bạn bị cảm lạnh hoặc dị ứng, lớp niêm mạc trong đường mũi của bạn sẽ bị viêm và kích ứng. Chúng bắt đầu tạo ra nhiều chất nhờn hơn để đào thải bất cứ thứ gì gây ra kích ứng, chẳng hạn như chất gây dị ứng. Do đó, bạn gặp những triệu chứng như là nghẹt mũi, chảy nước mũi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nghẹt mũi

Nghẹt mũi là tình trạng tắc nghẽn 1 hoặc cả 2 bên mũi, làm người bệnh khó khăn khi thở bằng mũi. Tình trạng tắc nghẽn đó là do niêm mạc mũi bị viêm, phù nề đồng thời tăng tiết dịch. Nghẹt mũi thường là triệu chứng của các vấn đề bệnh lý trên đường hô hấp nên người bệnh thường không chỉ có triệu chứng nghẹt mũi mà còn có các triệu chứng khác như là: Chảy nước mũi, đau đầu, hắt xì hơi, sốt, đau họng,…

Ví dụ như người bệnh viêm xoang có thể gồm triệu chứng sốt và đau nhức vùng mặt, nguyên nhân dị ứng thì có thể kèm triệu chứng chảy nước mắt, ngứa mắt, người bệnh có thể bị nghẹt mũi kèm đau họng, khó chịu, mệt mỏi, sốt và ho khi nhiễm trùng hô hấp trên do virus.

Ở người bệnh gặp triệu chứng nghẹt mũi cũng cần chú ý đến bản chất của dịch tiết tức là màu sắc, tính chất lỏng sệt, tính nhầy, có mủ, có máu. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến nghẹt mũi mạn tính hay là cấp tính, liệu có tính chất tái phát theo thời gian, địa điểm hay phơi nhiễm chất dị ứng cụ thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần quan tâm đặc biệt đến những dấu hiệu sau đây:

  • Dịch tiết ở một bên mũi, đặc biệt là nếu có mủ hoặc có máu.

  • Đau mặt, nhạy cảm đau ở mặt, hoặc cả hai.

  • Bị nghẹt mũi và tăng áp lực trong xoang mũi hơn 7 ngày. Gọi điện sớm hơn nếu các triệu chứng nghiêm trọng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nghẹt mũi

Nghẹt mũi có thể do nhiều nguyên nhân sau đây:

  • Viêm xoang cấp;

  • Dị ứng;

  • Lạm dụng thuốc chống sung huyết;

  • Dị vật trong mũi;

  • Viêm mũi vận mạch;

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus.

Trong đó nguyên nhân nhiễm trùng do virus và dị ứng là phổ biến nhất. Ít phổ biến hơn là viêm xoang và dị vật trong mũi (chủ yếu xảy ra ở trẻ em).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ nghẹt mũi?

Theo như nguyên nhân đã liệt kê phía trên thì những đối tượng nhạy cảm, dễ bị nhiễm virus hoặc có tiền sử dị ứng, tiếp xúc với các dị nguyên có nguy cơ nghẹt mũi cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nghẹt mũi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nghẹt mũi, bao gồm:

  • Dị tật vách mũi;

  • Nhiễm virus, vi khuẩn;

  • Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, hút thuốc lá;

  • Tinh thần căng thẳng;

  • Thời tiết khô, lạnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nguyên nhân nghẹt mũi

Tùy theo nguyên nhân mà có các phương án chẩn đoán thay đổi thích hợp. Cách chẩn đoán nguyên nhân gây nghẹt mũi thường phụ thuộc vào các dấu hiệu trên lâm sàng hoặc có thể cân nhắc chụp CT trên bệnh nhân tiểu đường, suy giảm miễn dịch, hoặc có các dấu hiệu bệnh nghiêm trọng.

Các dấu hiệu lâm sàng có thể chẩn đoán được nguyên nhân gây nghẹt mũi được trình bày trong bảng dưới đây.

Nguyên nhân

Các dấu hiệu đánh giá trên lâm sàng

Viêm xoang cấp

Dịch tiết ở mũi nhầy mủ, thường ở một bên.

Niêm mạc đỏ.

Đôi khi có mùi hôi hoặc có vị kim loại, đau mặt hoặc đau đầu khu trú và ban đỏ hoặc nhạy cảm đau toàn bộ vùng xoang hàm trên hoặc xoang trán.

Dị ứng

Dịch tiết ở mũi toàn nước, hắt hơi, chảy nước mắt, ngứa mắt, niêm mạc nhợt nhạt, lầy nhầy.

Các triệu chứng thường theo mùa hoặc khi có phơi nhiễm với các tác nhân khởi phát có thể có.

Lạm dụng thuốc chống sung huyết

Ngạt mũi liên tục do tác dụng ngược khi thuốc chống sung huyết hết tác dụng.

Niêm mạc nhợt, sưng rõ.

Dị vật trong mũi

Dịch tiết ở mũi mùi hôi (đôi khi có vết máu), một bên, ở trẻ em.

Viêm mũi vận mạch

Dịch tiết ở mũi toàn nước tái phát, hắt hơi, niêm mạc sưng, đỏ.

Không xác định được tác nhân gây khởi phát.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên do vi rút

Dịch tiết ở mũi từ toàn nước đến nhầy, kèm theo đau họng, cảm giác khó chịu, niêm mạc mũi đỏ.

Xét nghiệm thường không được bác sĩ chỉ định khi triệu chứng nghẹt mũi cấp tính trừ khi có nghi ngờ viêm xoang xâm lấn trên bệnh nhân tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch; những bệnh nhân này thường cần phải chụp CT. Nếu nghi ngờ rò rỉ dịch não tủy thì cần phải xét nghiệm dịch tiết ở mũi để xem liệu có transferrin beta-2 không, một chất có tính đặc hiệu cao với dịch não tủy.

Phương pháp điều trị nghẹt mũi hiệu quả

Do nghẹt mũi là triệu chứng của các vấn đề bệnh lý cụ thể nên cần điều trị những bệnh lý này. Ngoài ra, thuốc làm giảm triệu chứng nghẹt mũi có thể dùng là thuốc chống sung huyết dạng xịt mũi tại chỗ hoặc dùng viên uống. Những loại thuốc này giúp giảm sưng trong đường mũi của bạn và giảm bớt tình trạng nghẹt mũi và áp lực xoang. Thuốc chống sung huyết dạng xịt có naphazoline, oxymetazoline. Bệnh nhân cũng có thể dùng viên uống pseudoephedrine. Làm theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Không sử dụng thuốc thông mũi bằng đường uống hơn một tuần mà không hỏi ý kiến ​​bác sĩ. Cần phải tránh sử dụng kéo dài, không nên sử dụng thuốc xịt thông mũi quá 3 ngày.

Bệnh nhân dùng thuốc chống sung huyết tại chỗ trên 3 - 5 ngày thường bị nghẹt mũi trầm trọng hơn, liên tục dai dẳng hơn do tác dụng đảo ngược khi thuốc hết tác dụng. Tình trạng này (viêm mũi do thuốc) có thể tồn tại trong một thời gian và có thể bị hiểu lầm là vấn đề ban đầu kéo dài dai dẳng chứ không phải là hậu quả của điều trị. 

Ngoài ra, thuốc chống sung huyết có thể làm tăng huyết áp, vì vậy hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào hoặc dùng các loại thuốc khác. Không bao giờ cho trẻ em dưới 4 tuổi dùng thuốc thông mũi hoặc bất kỳ loại thuốc cảm không kê đơn nào.

Nghẹt mũi do dị ứng có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamine; trong những trường hợp như vậy, nhóm thuốc kháng histamine không kháng cholinergic (ví dụ: Fexofenadine 60mg uống hai lần mỗi ngày khi cần), gây ra ít tác dụng bất lợi hơn (ít gây buồn ngủ, táo bón, bí tiểu). Không nên dùng các loại thuốc kháng histamin và thuốc chống sung huyết cho trẻ em < 6 tuổi.

Corticosteroid đường xịt mũi (ví dụ: Mometasone 2 lần xịt mỗi lỗ mũi mỗi ngày) cũng có tác dụng điều trị các tình trạng dị ứng. Có thể mất vài ngày để phát huy tác dụng, vì vậy hãy bắt đầu sử dụng thuốc trước khi có các triệu chứng và sử dụng trong suốt mùa dị ứng của bạn.

Cao chứa tinh dầu như camphor, menthol dạng lọ hoặc ống hít mũi có thể giúp bạn thở tốt hơn. Có thể thoa lên ngực hoặc môi trên hoặc cho vào nước ấm và hít thở hơi bay lên, giúp thông thoáng đường hô hấp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nghẹt mũi

Khi bạn bị nghẹt mũi, hãy tập trung vào việc giữ ẩm cho đường mũi và xoang. Mặc dù đôi khi mọi người nghĩ rằng không khí khô có thể giúp làm thông mũi nhưng thực tế nó lại có tác dụng ngược lại. Việc làm khô màng sẽ khiến chúng bị kích ứng thêm.

Để giữ ẩm cho đường mũi, bạn có thể:

  • Sử dụng máy làm ẩm hoặc máy hóa hơi.

  • Tắm lâu hoặc hít thở hơi nước từ chậu nước ấm (nhưng không quá nóng).

  • Uống nhiều nước. Điều này sẽ làm loãng chất nhầy của bạn, có thể giúp ngăn ngừa các xoang bị tắc nghẽn.

  • Dùng nước muối sinh lý xịt mũi. 

  • Đặt một chiếc khăn ấm và ướt lên mặt. Nó có thể làm giảm cảm giác khó chịu và thông mũi của bạn.

  • Để cao đầu khi ngủ. Vào ban đêm, hãy nằm trên một vài chiếc gối. Ngẩng cao đầu có thể giúp thở thoải mái hơn.

  • Tránh các hồ bơi được khử trùng bằng clo. Chúng có thể gây kích ứng đường mũi của bạn.

Xì mũi đúng cách: Nhẹ nhàng thở ra đẩy dịch tiết, để không đẩy vào tai hoặc các bộ phận khác của xoang, vào khăn giấy dùng một lần để không làm lây lan vi trùng. Rửa tay sau đó.

Phương pháp phòng ngừa nghẹt mũi

Phòng ngừa nghẹt mũi chính là cần phòng ngừa các nguyên nhân bệnh lý gây ra chúng. Tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp đủ nước cho cơ thể, tránh xa các tác nhân gây nhiễm bệnh (virus, vi khuẩn), giữ ấm đường thở, vệ sinh mũi sạch sẽ và thường xuyên là các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/vi/
  2. https://www.webmd.com/allergies/sinus-congestion, truy cập ngày 21/2/2022.

Các bệnh liên quan

  1. Viêm mũi vận mạch

  2. Viêm Lưỡi

  3. Sưng môi

  4. Viêm tuyến nước bọt

  5. Vẹo vách ngăn mũi

  6. Xốp xơ tai

  7. Viêm amidan xơ teo

  8. Ung thư vòm họng giai đoạn III

  9. Viêm tai giữa

  10. Hắt hơi