Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Trồng răng sứ cố định là gì? Đối tượng nào nên trồng răng sứ cố định?

Ngày 05/05/2024
Kích thước chữ

Trồng răng sứ cố định là một trong những phương pháp nha khoa phổ biến nhất hiện nay. Vậy những ai nên trồng răng sứ cố định? Tất cả những thông tin về chủ đề trồng răng sứ cố định sẽ được bật mí ngay sau đây qua bài viết của Nhà thuốc Long Châu!

Trồng răng giả cố định được nhiều người vô cùng yêu thích vì nó giúp phục hồi răng, hỗ trợ rất tốt cho việc ăn, nhai và giao tiếp của người bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết trồng răng sứ cố định là gì, cũng như những ưu, nhược điểm của phương pháp này. Nếu vẫn còn thắc mắc về kỹ thuật nha khoa này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Trồng răng sứ cố định là gì?

Trồng răng sứ cố định là một kỹ thuật chuyên khoa được sử dụng để phục hồi răng đã mất. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ gắn cố định răng giả lên trên cung hàm. Khác với hàm giả truyền thống, người bệnh không thể tháo ra lắp vào một cách linh hoạt.

Tuy nhiên, trồng răng sứ cố định lại mang đến rất nhiều lợi ích vượt trội. Nó khắc phục được những bất tiện trong quá trình sử dụng và vệ sinh. Người được trồng răng cũng có thể ăn nhai một cách thoải mái mà không sợ bị bung, tuột. Bên cạnh đó, khi da mặt bị lão hóa, răng sứ giả cố định có tác dụng hạn chế tình trạng các răng bên cạnh bị lung lay, xô lệch, gây mất răng.

Trồng răng sứ cố định là gì? Đối tượng nào nên trồng răng sứ cố định? 1
Trồng răng sứ cố định là kỹ thuật nha khoa hiện đại 

Đối tượng nào nên trồng răng sứ cố định?

Trồng răng cố định là kỹ thuật tiên tiến nhất nên được rất nhiều người bệnh vô cùng yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này. Theo đó, bạn sẽ được tư vấn làm răng sứ cố định nếu thuộc vào nhóm đối tượng sau:

  • Người bị mất răng ở khuôn hàm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ăn nhai của người bệnh.
  • Người có tình trạng răng miệng tốt, khung xương hàm khỏe mạnh và chắc chắn nhằm đảm bảo có thể cấy ghép trụ răng giả.

Ngược lại, một số đối tượng được khuyến cáo không nên trồng răng sứ cố định là:

  • Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai không phù hợp để cấy ghép trụ răng sứ vì nó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu, cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch, tiểu đường và ung thư.
  • Bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật.
Trồng răng sứ cố định là gì? Đối tượng nào nên trồng răng sứ cố định? 2
Không phải ai cũng có thể trồng răng sứ cố định 

Phương pháp trồng răng sứ cố định và bán cố định

Hiện nay, có hai phương pháp trồng răng sứ cố định và bán cố định. Mỗi phương pháp này đều có những ưu và nhược điểm khác nhau, bao gồm:

Cấy ghép Implant: Phương pháp trồng răng sứ cố định

Cấy ghép Implant hay còn có tên gọi khác là trồng răng Implant. Đây là kỹ thuật nha khoa hiện đại, có khả năng khôi phục toàn bộ thân răng và chân răng. Hơn nữa, Implant có thể thay đổi với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, đảm bảo phù hợp với tình trạng răng của từng người. Trong đó, trụ Implant được làm chủ yếu từ vật liệu Titanium nguyên chất nên rất an toàn và lành tính với sức khỏe của người bệnh.

Sau quá trình cấy ghép, trụ Implant sẽ từ từ tích hợp với xương hàm trong 3 - 6 tháng để tạo ra chân răng nhân tạo chắc chắn nhất. Sau khoảng thời gian này, bác sĩ sẽ tiếp tục gắn răng sứ lên trên thông qua khớp nối Abutment để phục hình phần thân răng.

Cấy ghép Implant rất phù hợp với người bị mất nhiều răng. Răng giả có độ bền và tương thích sinh học với răng thật cao, lại không cần mài răng thật. Do đó, người bệnh có thể đảm bảo sức khỏe cung hàm được tốt nhất. Ngoài ra, tuổi thọ của răng Implant rất cao, lên đến 20 năm, thậm chí là vĩnh viễn nếu được vệ sinh tốt. Tuy nhiên, công nghệ cấy ghép Implant lại rất phức tạp, đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao và giá thành thực hiện khá cao.

Trồng răng sứ cố định là gì? Đối tượng nào nên trồng răng sứ cố định? 3
Cấy ghép Implant được nhiều người vô cùng yêu thích 

Bắc cầu răng sứ: Phương pháp trồng răng sứ bán cố định

Với phương pháp bắc cầu răng sứ, bác sĩ sẽ mài một vài chiếc răng thật ở 2 bên vị trí răng bị mất. Từ đó, tạo thành trụ nâng đỡ cầu sứ chắc chắn. Sau đó, tiếp tục chế tác dãy cầu sứ có số lượng răng bằng tổng số răng đã mài và số răng bị mất để gắn lên hàm rồi phục hình thân răng.

Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là thời gian thực hiện rất nhanh chóng, chỉ mất từ 2 - 3 ngày. Quá trình vệ sinh răng miệng cũng vô cùng thuận tiện, không khác gì so với răng thật. Hơn nữa, trồng răng giả bán cố định bằng cách bắc cầu sứ sẽ phục hồi từ 60 - 70% sức nhai của răng thật.

Mặc dù vậy, tình trạng tiêu xương hàm vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, khiến cho vùng nướu bị teo, lõm xuống. Nó cũng chỉ phù hợp với các trường hợp bị mất ít răng. Bên cạnh đó, mài nhỏ răng sẽ khiến răng trụ yếu đi, dễ bị lộ nướu do tiêu xương hoặc răng trụ bị gãy sau một thời gian dài.

Trồng răng sứ cố định là gì? Đối tượng nào nên trồng răng sứ cố định? 4
Trồng răng sứ bán cố định không gây ra bất cứ đau đớn nào 

Trồng răng sứ cố định có đau không?

“Trồng răng sứ cố định có đau không?” là thắc mắc của không ít người. Theo các bác sĩ chuyên khoa, trồng răng sứ gây ra rất ít đau nhức cho người bệnh. Điều này là do bác sĩ sẽ sẽ gây tê cục bộ tại vị trí trồng răng sứ. Dưới tác dụng của thuốc tê, người bệnh sẽ không cảm thấy bất cứ khó chịu nào.

Tốt nhất, bạn nên tiến hành trồng răng sứ ở những địa chỉ nha khoa uy tín, có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại. Hơn nữa, cần được thực hiện ở bác sĩ có tay nghề cao, tuân thủ nghiêm túc quy định về an toàn để tránh bị nhiễm trùng, lây nhiễm chéo.

Cách vệ sinh và chăm sóc sau khi trồng răng sứ cố định

Răng sứ cố định có thời gian phục hồi khá nhanh. Song, bạn vẫn cần nắm được cách chăm sóc phù hợp để hạn chế những biến chứng nguy hiểm. Đó là:

  • Nên sử dụng kem đánh răng có ít chất mài mòn.
  • Đánh răng 2 lần/ngày vào sáng sớm sau khi thức dậy và vào buổi tối sau khi ăn cơm.
  • Nên sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa giữa các kẽ răng. Tuy nhiên, bạn cần tránh sử dụng chỉ nha khoa quanh vùng răng giả mới trồng.
  • Sử dụng thêm bàn chải kẽ, đầu cao su và tăm nước để vệ sinh khoang miệng.
  • Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn để đảm bảo vệ sinh tốt nhất.
  • Chỉ nên ăn các loại thực phẩm mềm như: Cháo, súp, bột,...
  • Chú ý nhai nhẹ nhàng để hạn chế áp lực lên vùng răng mới trồng.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin C, vitamin E từ trái cây tươi để tăng sức đề kháng và đẩy nhanh quá trình phục hồi vết thương.
  • Ăn nhiều trứng, cá và sữa để tăng cường hàm lượng canxi cho răng.
Trồng răng sứ cố định là gì? Đối tượng nào nên trồng răng sứ cố định? 5
Bạn nên sử dụng chỉ nha khoa để vệ sinh răng 

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã nắm được những phương pháp trồng răng sứ cố định, cũng như những ưu và nhược điểm của các biện pháp này. Nếu bị mất răng, bạn hãy đến thăm khám tại các cơ sở nha khoa uy tín để được tư vấn chính xác về tình trạng sức khỏe răng miệng của mình nhé! 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin