Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Vắc xin Boostrix (Bỉ) phòng Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà

Ngày 10/06/2024
Kích thước chữ

Boostrix là một vắc xin kết hợp được sử dụng để tiêm chủng phòng ngừa 3 bệnh: Ho gà, bạch hầu và uốn ván, giúp cho cơ thể mọi đối tượng có nguy cơ được bảo vệ an toàn trước các loại vi khuẩn gây bệnh tương ứng. Hãy cùng nhau tìm hiểu về vắc xin Boostrix qua bài viết dưới đây nhé!

Ho gà, bạch hầu và uốn ván là những căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao. Để ngăn chặn sự lan truyền của những bệnh này và giảm thiểu các biến chứng nặng, việc tiêm chủng vắc xin Boostrix 3 trong 1 là giải pháp hiệu quả và an toàn nhất.

Thông tin vắc xin Boostrix

Boostrix là một loại vắc xin kết hợp được sử dụng để tiêm chủng phòng ngừa 3 bệnh trong 1 mũi tiêm bao gồm ho gà, bạch hầu và uốn ván.

Thông tin vắc xin Boostrix
Vắc xin Boostrix 3 trong 1 bao gồm ho gà, bạch hầu và uốn ván

Nguồn gốc

Vắc xin Boostrix được nghiên cứu và phát triển bởi Glaxosmithkline (GSK) - một trong những tập đoàn dược phẩm và chế phẩm sinh học hàng đầu trên toàn cầu, có trụ sở tại Bỉ.

Đường tiêm

Vắc xin Boostrix được chỉ định tiêm bắp với liều lượng là 0.5ml. Không nên tiêm dưới da hoặc tĩnh mạch. Trong trường hợp trẻ lớn và người lớn, thường tiêm vào cơ delta, còn đối với trẻ nhỏ, thường tiêm vào mặt ngoài trước bên phần trên của đùi.

Đường tiêm Vắc xin Boostrix (Bỉ) 2
Vắc xin Boostrix dùng tiêm bắp

Chống chỉ định

Vắc xin Boostrix không được sử dụng cho các trường hợp sau đây:

  • Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin.
  • Có biểu hiện bệnh não không rõ nguyên nhân trong vòng 7 ngày sau khi tiêm chủng vắc xin chứa thành phần của vắc xin ho gà trước đó.
  • Có tiền sử giảm tiểu cầu thoáng qua sau khi tiêm vắc xin phòng bạch hầu - uốn ván hoặc uốn ván.
  • Có các biến chứng về hệ thần kinh sau khi chủng ngừa bạch hầu và/hoặc uốn ván trước đó, bao gồm co giật hoặc cơn giảm trương lực - giảm đáp ứng.

Thận trọng khi sử dụng

Việc sử dụng vắc xin Boostrix đòi hỏi sự thận trọng đặc biệt trong một số trường hợp để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa.

Bệnh nhân có suy giảm miễn dịch hoặc đang trong quá trình điều trị ức chế miễn dịch, đặc biệt là khi có vết thương cần phòng ngừa uốn ván, nên ưu tiên sử dụng vắc xin uốn ván đơn.

Cần chú ý đặc biệt trong các trường hợp sau:

  • Nếu nhiệt độ cơ thể ≥ 40°C trong vòng 48 giờ sau tiêm chủng mà không phát hiện nguyên nhân khác.
  • Quấy khóc kéo dài ≥ 3 giờ, xuất hiện trong vòng 48 giờ sau tiêm chủng.
  • Các biểu hiện của các rối loạn thần kinh tiến triển, bao gồm các triệu chứng co giật ở trẻ sơ sinh, động kinh không kiểm soát hoặc tiến triển bệnh não. Trong trường hợp này, nên hoãn việc tiêm vắc xin ho gà (vô bào hoặc toàn tế bào) cho đến khi tình trạng bệnh khỏi hoặc ổn định. Cần cân nhắc kỹ lưỡng về rủi ro và lợi ích, và thực hiện hội chẩn để quyết định có tiêm vắc xin ho gà hay không.
  • Bệnh nhân có giảm tiểu cầu hoặc rối loạn chảy máu có thể gặp hiện tượng chảy máu sau khi tiêm bắp, nên xem xét tiêm vắc xin dưới da cho nhóm đối tượng này. Cần nén (đè chặt) vị trí tiêm ít nhất trong 2 phút để tránh chảy máu.
  • Đáp ứng miễn dịch có thể không đạt được sau khi tiêm chủng cho bệnh nhân có suy giảm miễn dịch.

Khả năng sinh sản, phụ nữ có thai và cho con bú 

Đối với phụ nữ mang thai, vắc xin Boostrix có thể được tiêm trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.

Đối với phụ nữ đang cho con bú, hiện chưa có đánh giá về sự an toàn của vắc xin Boostrix trong quá trình này. Tuy nhiên, nếu những lợi ích mang lại bằng hoặc lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn, Boostrix có thể được sử dụng trong quá trình cho con bú.

Xem thêm: Nên tiêm uốn ván cho bà bầu ở tuần bao nhiêu?

Tương tác thuốc

Vắc xin Boostrix có thể được tiêm đồng thời với các vắc xin hoặc globulin miễn dịch ở các vị trí khác nhau.

Tác dụng phụ

Ở trẻ em từ 4 đến 9 tuổi, có thể xuất hiện các tác dụng không mong muốn bao gồm chán ăn, ngủ gà ngủ gật, cảm giác nhạy cảm tại vị trí tiêm, sốt, nôn và tiêu chảy.

Ở người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em từ 10 tuổi trở lên, các tác dụng không mong muốn có thể bao gồm đau đầu, cảm giác nhạy cảm tại vị trí tiêm, mệt mỏi, cảm giác khó chịu và chóng mặt, cùng với buồn nôn và rối loạn tiêu hóa.

Xem thêm: Chích ngừa uốn ván có tác dụng phụ không?

Bảo quản

Vắc xin Boostrix được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 80C, nhiệt độ lý tưởng để duy trì sự ổn định và tính hiệu quả của vắc xin.

Đối tượng

Vắc xin Boostrix là một loại vắc xin kết hợp 3 trong 1, được chỉ định để tiêm chủng nhắc lại cho trẻ từ 4 tuổi trở lên, nhằm tạo ra miễn dịch đặc hiệu chống lại 3 căn bệnh: Ho gà, bạch hầu và uốn ván. Đặc biệt, vắc xin Boostrix cũng được chỉ định để tiêm chủng cho phụ nữ mang thai trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ để phòng ngừa bệnh uốn ván sơ sinh, đồng thời chủ động phòng ngừa bệnh ho gà (kháng thể chống ho gà từ mẹ truyền qua) khi trẻ chưa đủ tuổi tối thiểu để tiêm ngừa vắc xin ho gà sau sinh (ít nhất đủ 6 tuần tuổi). Theo thống kê của các bệnh viện Nhi Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây, lứa tuổi này đã có thể nhiễm bệnh ho gà. 

Xem thêm: Những trường hợp không được tiêm uốn ván

Đối tượng tiêm Vắc xin Boostrix (Bỉ) 3
Vắc xin Boostrix cho trẻ từ 4 tuổi trở lên

Phác đồ, lịch tiêm

Lịch tiêm vắc xin Boostrix cho nhóm đối tượng chưa tiêm đủ lịch cơ bản phòng ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Tiêm 01 tháng sau mũi 1.
  • Mũi 3: Tiêm 06 tháng sau mũi 2.
  • Mũi 4: Tiêm 10 năm sau mũi 3.

Lịch tiêm vắc xin Boostrix cho nhóm đối tượng tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu, ho gà và uốn ván:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Tiêm 10 năm sau mũi 1.

Xem thêm: Vắc xin uốn ván tiêm mấy mũi phòng bệnh hiệu quả nhất?

Phản ứng sau tiêm chủng vắc xin Boostrix

Sau khi tiêm vắc xin Boostrix cơ thể có những phản ứng nhẹ, không kéo dài và không cần điều trị đặc biệt.

Đối với trẻ em từ 4 đến 9 tuổi, các biểu hiện có thể gặp bao gồm chán ăn, ngủ gà gật, cảm giác nhạy cảm tại vị trí tiêm (đau, nổi ban đỏ hoặc sưng nhẹ - những triệu chứng này thường biến mất sau 72 giờ), cáu kỉnh, nôn, tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa; cũng có thể xuất hiện sốt với nhiệt độ cơ thể từ ≥ 37.5°C đến > 39°C

Đối với người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em từ 10 tuổi trở lên, các phản ứng phổ biến có thể bao gồm đau đầu, cảm giác nhạy cảm tại vị trí tiêm (đau, nổi ban đỏ hoặc sưng nhẹ - những triệu chứng này thường biến mất sau 72 giờ), mệt mỏi, cảm giác khó chịu và chóng mặt, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa; và cũng có thể có sốt với nhiệt độ cơ thể ≥ 37.5°C, hiếm khi sốt > 39°C. 

Xem thêm: Triệu chứng sau khi tiêm phòng uốn ván và cách cải thiện

Tình trạng vắc xin Boostrix

Hiện tại, tất cả các Trung tâm Tiêm chủng Long Châu trên toàn quốc đều cung cấp đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa bệnh cho cả trẻ em và người lớn, bao gồm vắc xin Boostrix ngừa bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván với giá từ 685.000đ (có thể thay đổi tùy theo thời điểm). Tất cả các loại vắc xin tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đều được nhập khẩu chính hãng và bảo quản trong hệ thống lưu trữ đạt chuẩn GSP, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Việc chủ động tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa và hạn chế những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Tình trạng vắc xin Boostrix
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tiêm nhẹ, ít đau

Một số câu hỏi thường gặp

Phụ nữ mang thai có sử dụng được vắc xin Boostrix hay không?

Vắc xin Boostrix có thể được tiêm cho phụ nữ có thai trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Đối với phụ nữ có thai, cần đến cơ sở tiêm chủng để được khám sàng lọc và xác định phác đồ tiêm phù hợp với lịch sử tiêm chủng vắc xin của bạn.

Có thể sử dụng vắc xin Boostrix là mũi nhắc của vắc xin DTaP trong lịch tiêm không?

Vắc xin Boostrix có thể chọn là mũi nhắc của vắc xin DTaP ở trẻ từ 04 tuổi trở lên. Lịch tiêm nên tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Sau khi tiêm đủ phác đồ vắc xin Boostrix thì có cần tiêm nhắc lại không?

Sau khi tiêm đủ phác đồ vắc xin Boostrix, vẫn cần tiêm nhắc sau 10 năm theo các khuyến cáo chính thức để tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể bạn trước các bệnh nguy hiểm bạch hầu, uốn ván, ho gà.

Sau khi tiêm đủ phác đồ vắc xin Boostrix thì có cần tiêm nhắc lại không?
Sau khi tiêm đủ phác đồ vắc xin Boostrix nên tiêm nhắc sau 10 năm theo khuyến cáo của CDC

Trên đây là bài viết tổng hợp thông tin về nguồn gốc, lịch tiêm và những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin 3 trong 1 Boostrix để phòng ngừa ho gà, bạch hầu và uốn ván. Hy vọng bài viết này cung cấp những thông tin hữu ích, giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh.

Xem thêm: Thông tin về vắc xin Tetraxim (Pháp): Công dụng và lịch tiêm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Anh Tuấn

Đã kiểm duyệt nội dung

Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Tiêm chủng