Nước ối là thành phần vô cùng quan trọng bên cạnh nhau thai, dây rốn và tử cung trong công cuộc nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. Tuy nhiên, nếu nước ối bên trong tử cung xảy ra những bất thường sẽ gây ra những biến chứng xấu ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
Nước ối là gì và vai trò của nước ối đối với sức khỏe của thai nhi
Vai trò của nước ối đối với sức khỏe của thai nhi
Nước ối là là một chất dịch loãng màu vàng nhạt hoặc trắng trong xuất hiện từ ngày thứ 12 sau khi thụ thai và bao quanh thai nhi. Nước ối được tạo thành bởi máu của người mẹ, thai nhi và màng ối đồng thời chứa các thành phần quan trọng như chất dinh dưỡng nuôi thai nhi, hormone, kháng thể chống nhiễm trùng.
Đây là một dịch luân lưu có khả năng tái tạo, trao đổi do thai nhi bài tiết từ đường tiết niệu và lại được thai nhi hấp thụ lại bằng đường tiêu hóa. Ở mức cao nhất, nước ối trong bụng của người mẹ đo được khoảng khoảng 1 lít, sau đó bắt đầu giảm ở tuần thai thứ 36 để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.
Vai trò của nước ối
Khi thai nhi còn trong bụng mẹ thì em bé nằm trong túi ối, chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ như:
Giúp thai nhi cử động tự do trong bụng mẹ, cho phép bé phát triển toàn diện theo đúng chuẩn cơ thể người. Chất lỏng đệm của nước ối cũng đóng vai trò cách nhiệt, giúp giữ ấm và duy trì nhiệt độ thường xuyên cho thai nhi, tạo môi trường thoải mái nhất cho bé hoạt đồng và sinh trưởng trong suốt thai kỳ cho đến khi được sinh ra.
Từ tuần thứ 34, thai nhi sẽ hấp thụ lượng khoảng 300-500ml nước ối mỗi ngày để thực hành trước việc sử dụng các cơ, đồng thời phát triển cơ bắp và xương nhờ sự dịch chuyển liên tục trong túi ối.
Tại ra một môi trường vô trùng bảo vệ bé khỏi những tác nhân độc hại, tránh được các va chạm, sang chấn không đáng có như bị chèn ép bởi dây rốn.
Không những bảo vệ em bé trong quá trình là bào thai mà nước ối còn giúp bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp các em bé được đưa ra ngoài dễ dàng và khiến cổ tử cung mở to hơn.
Trong quá trình chuyển dạ, nước ối đóng vai trò như một màn chắn để bảo vệ thai nhi khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn hay những sang chấn từ tử cung.
Những màu sắc bất thường của nước ối
Màu sắc của nước ối biểu hiện tình trạng của thai nhi
Màu sắc của nước ối sẽ có sự thay đổi theo sự phát triển của thai nhi. Ở kỳ tam cá nguyệt đầu tiên nước ối sẽ có màu trắng trong, sau đó đục dần vào 3 tháng tiếp theo và ở kỳ tam cá nguyệt cuối cùng thì nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống nước vo gạo, hơi tanh và có cảm giác nhớt. Tuy nhiên mẹ cũng cần nhận biết những màu sắc bất thường của nước ối như:
Nước ối chuyển sang màu xanh thể hiện trẻ bị suy dinh dưỡng do thiếu chất và phát triển chậm hơn so với bình thường.
Nước ối dơ, có màu xanh rêu lẫn phân xu của thai nhi: Báo hiệu tình trạng mẹ bầu bị suy thai cấp, thai nhi đang vô cùng suy yếu khi ở trong bụng mẹ và có thể dẫn đến nguy cơ dọa sảy thai. Khi nước ối chuyển sang màu xanh rêu mà không được điều trị kịp thời sẽ khiến em bé sinh ra bị rối loạn về thần kinh, gặp vấn đề về ngôn ngữ hoặc chậm phát triển,…
Nước ối có màu xanh đục như lẫn mủ, có mùi hôi là biểu hiện thai nhi đang bị nhiễm trùng ối. Lúc này màng ối đã bị thủng, nước ối rò rỉ ra môi trường bên ngoài nên các vi khuẩn xâm nhập vào bên trong túi ối nơi thai nhi đang phát triển. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng ối, làm tăng nguy cơ sinh non hoặc sảy thai, thai chết lưu trong bụng mẹ.
Nước ối có màu đỏ nâu chảy ra từ âm đạo kèm theo các dấu hiệu như đau bụng dữ dội, chóng mặt thì đây có thể là nguy cơ của việc mẹ bị sảy thai hoặc thai nhi bị chết lưu. Nếu sờ vào bụng thấy thai nhi không còn cử động thì có thể em bé đã không còn sống trong bụng mẹ.
Những vấn đề bất thường khác thường gặp ở nước ối
Những vấn đề bất thường khác thường gặp ở nước ối
Thiếu nước ối
Chỉ số AFI của nước ối dưới 5cm được coi là thiếu ối, thể tích nước ối không đủ có thể khiến cho thai nhi kém phải triển hệ hô hấp, suy thận và bắt buộc vào ngừng thai nghén hoặc sinh non.
Thừa nước ối
Chỉ số AFI của nước ối trên 24cm được xem là đa ối, khiến mẹ sẽ cảm thấy khó chịu, khó thở và tăng nguy cơ nước ối đi vào tuần hoàn máu của mẹ. Với những trường hợp nặng, mẹ thậm chí có thể tử vong do tắc mạch ối hoặc túi ối bị vỡ đe dọa tính mạng của thai nhi. Cũng giống như thiếu nước ối, thừa nước ối khiến thai nhi chậm phát triển, sa dây rốn, bong nhau thai, vàng da sơ sinh.
Tình trạng nước ối ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ và bé vì thế việc khám thai nhi định kỳ là vô cùng quan trọng, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng phát triển và phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường ở thai nhi.
Xuân Trúc
Nguồn: Tổng hợp