Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đa ối và những điều cần biết

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đa ối là tình trạng nước ối có quá nhiều trong thai kỳ của phụ nữ. Đa ối thường hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1% thai kỳ. Lượng nước ối dư thừa có thể gây những biến chứng nguy hiểm tới thai phụ, không chỉ là cho người mẹ khó chịu mà còn có thể đe dọa tới tính mạng của thai nhi. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này và làm thế nào để điều trị hiệu quả? Bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đa ối là gì? 

Nước ối là dịch lỏng bao quanh thai nhi, có chức năng như một lớp đệm để giúp thai nhi tránh khỏi những tác động bên ngoài và còn là môi trường vô khuẩn giúp bảo vệ thai nhi khỏi những nhiễm trùng nhất là ở phổi, dinh dưỡng cho thai nhi, giúp thai nhi có thể ổn định được thân nhiệt thích hợp. 

Nước ối được tạo ra từ thận của thai nhi, sau đó ra tử cung thông qua nước tiểu của thai nhi. Sau đó, thai nhi sẽ nuốt lượng chất lỏng trong tử cung và tái hấp thu trở lại vào trong cơ thể. Quá trình này giúp cân bằng lượng nước ối ở trong bụng thai phụ.

Đa ối là tình trạng nước ối có quá nhiều trong kỳ thai làm cho tử cung thai phụ căng lên và dễ dẫn tới sinh non. Đa ối thường xảy ra khoảng tuần thứ 30 ở thai kỳ. Thông thường, lượng nước ối chỉ nằm trong khoảng 300 – 800ml và có thể tăng khoảng 1000ml ở tuần 37. Sau đó, lượng nước ối sẽ giảm xuống còn 500ml vào tuần 40. Đa ối được chẩn đoán khi lượng nước ối vượt quá 2000 ml, và có thể lên tới 3000ml ở trường hợp nặng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đa ối

Ở những trường hợp đa ối nhẹ, thai phụ thường không có triệu chứng gì. Đối với trường hợp đa ối nghiêm trọng, người mẹ sẽ cảm thấy một vài triệu chứng sau:

  • Khó thở, tím tái;

  • Tim đập nhanh;

  • Ợ nóng, ợ tiêu;

  • Khó đi tiểu, lượng nước tiểu ít;

  • Đau căng bụng, khó cảm nhận được thai nhi khi sờ vào bụng;

  • Phù toàn thân, chân tay hoặc cả cơ thể sưng lên;

  • Tăng cân nhanh;

  • Kích thước bụng của thai phụ lớn nhanh làm cho thai phụ cảm thấy không thoải mái.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh đa ối

Những biến chứng của đa ối sẽ tùy thuộc vào thời gian mang thai cũng như mức độ nghiệm trọng của bệnh. Khi đa ối càng nặng thì biến chứng sẽ càng cao. Một số biến chứng của đa ối là:

  • Vỡ ối sớm, dẫn tới sinh non;

  • Sa dây rốn: Hiện tượng dây rốn trượt ra khỏi tử cung và vào âm đạo trước khi em bé được sinh ra;

  • Băng huyết sau khi sinh;

  • Tăng nguy cơ nhau bong non: Hiện tượng nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi em bé được sinh ra;

  • Gây tử vong cho thai nhi ở trường hợp nặng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đa ối

Nguyên nhân gây đa ối từ thai nhi: 

  • Khả năng nuốt nước ối khó khăn;

  • Tạo ra lượng nước tiểu quá nhiều;

  • Dạ dày bị một vấn đề nào đó;

  • Bị nhiễm trùng;

  • Bị dị tật bẩm sinh, như là tắc nghẽn đường tiêu hóa hay tiết niệu, hoặc là sự phát triển bất thường của tủy sống và não;

  • Một vài vấn đề ảnh hưởng tới cấu tạo gen, phổi hay hệ thần kinh của thai nhi;

  • Bị thiếu máu hay hồng cầu.

Nguyên nhân đa ối từ thai phụ:

  • Bị tiểu đường trước hoặc sau khi có thai.

  • Đa thai: Trường hợp có từ hai thai nhi trở lên trong bụng thai phụ.

Đôi khi, bác sĩ có thể không tìm thấy nguyên nhân gây ra tình trạng đa ối.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) đa ối?

Hầu hết, những thai phụ đều có khả năng bị đa ối. Tuy nhiên, tình trạng này thì hiếm xảy ra trong quá trình mang thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) đa ối

Các yếu tố làm tăng nguy cơ đa ối: 

  • Mang thai đôi hoặc ba;

  • Bị tiểu đường thai kỳ hoặc có tiền sử bị tiểu đường;

  • Thai nhi bị dị tật bẩm sinh trong quá trình chẩn đoán;

  • Có tiền sử con bị dị tật bẩm sinh trước đó.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đa ối

Bác sĩ sẽ chẩn đoán đa ối trước khi em bé được sinh ra ở những lần siêu âm bằng cách sử dụng sóng siêu âm và đo lượng nước ối trong bụng người mẹ và tìm kiếm những bất thường của thai nhi. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một vài xét nghiệm để kiểm tra những vấn đề có thể gây ra đa ối. Những xét nghiệm này bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra xem thai phụ có bị tiểu đường hay nhiễm trùng không.

  • Chọc dò nước ối: Bác sĩ sẽ thu một lượng nước ối trong bụng thai phụ để phân tích gen.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị đa ối hiệu quả

Điều trị đa ối bằng việc giảm lượng nước ối trong bụng thai phụ. Điều này giúp kéo dài thời kỳ mang thai cũng như cải thiện sức khỏe của thai phụ.

Đối với trường hợp đa ối nhẹ, thai phụ chỉ cần thăm khám thường xuyên và có thể được kê đơn thuốc lợi tiểu để giảm bớt lượng nước ối.

Ở trường hợp lượng nước ối quá nhiều, bác sĩ cần phải chọc ối để hút lượng chất lỏng dư thừa trong tử cung.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đa ối

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng;

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa đa ối hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Ăn uống dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển cần thiết cho thai nhi cũng như sức khỏe của thai phụ;

  • Hạn chế ăn rau xanh, trái cây nhiều nước;

  • Ăn nhạt nhất có thể;

  • Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường của thai phụ;

  • Hạn chế ăn ngọt, thực phẩm nhiều tinh bột trong quá trình mang thai;

  • Thăm khám và theo dõi thai nhi trong suốt quá trình mang thai.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/pregnancy/too-much-amniotic-fluid#what-happens-next
  2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/323232#summary
  3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17852-polyhydramnios

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm khuẩn sau sinh

  2. Viêm âm đạo

  3. Chít hẹp cổ tử cung

  4. Nang ống tuyến Skene

  5. Rối loạn kinh nguyệt

  6. Đau bụng kinh

  7. Lạc nội mạc tử cung

  8. Nhiễm trùng ối

  9. Chậm kinh

  10. Bướu sợi tuyến Birads 3