Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vết thương nhiễm trùng mưng mủ là gì và cách xử lý

Ngày 07/07/2022
Kích thước chữ

Vết thương nhiễm trùng mưng mủ để lại hậu quả rất xấu chẳng hạn như kéo dài thời gian lành vết thương, để lại sẹo hoặc nhiễm trùng lan rộng đến các cơ quan khác. Do đó điều trị đúng cách để làm lành vết thương bị nhiễm trùng là vô cùng cần thiết.

Vết thương nhiễm trùng mưng mủ là những dấu hiệu điển hình cho thấy vết thương bị nhiễm trùng nặng dần và có thể hoại tử. Vì vậy, nếu thấy vết thương hở có dấu hiệu này bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ có chuyên môn xử lý an toàn và hiệu quả.

Vết thương chảy mủ là như thế nào?

Khi không bị tổn thương, bề mặt ngoài của da được bảo vệ bởi một lớp axit mỏng do tuyến bã nhờn tiết ra. Lớp màng này điều chỉnh độ pH và nuôi dưỡng các vi sinh vật có lợi trên da. Hệ sinh vật này có khả năng ngăn chặn mọi tác nhân tấn công vào cơ thể.

Cơ thể vốn dĩ là một thể thống nhất và làn da đóng vai trò là tuyến phòng thủ và bảo vệ đầu tiên. Nếu có một vết rách hoặc vết xước, kết cấu da sẽ bị phá vỡ ngay lập tức và rất dễ bị tổn thương. Các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là vi khuẩn xâm nhập và tấn công. Do đó, nếu sơ ý vết thương bị nhiễm trùng, ở mức độ nhẹ là chảy dịch lỏng, trong suốt. Còn nếu tiết dịch màu vàng hoặc xanh thì tình trạng nhiễm trùng đã nặng hơn.

Nguyên nhân vết thương chảy mủ

Nguyên nhân trực tiếp

Sau chấn thương, vết rách da không được vệ sinh đảm bảo nên vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Loại vi khuẩn gây nhiễm trùng, tiết mủ được gọi là tụ cầu. Có thể do dụng cụ điều trị không được khử trùng đúng cách hoặc vật lạ bị sót lại trong quá trình sơ cứu. Nói chung tình trạng vết thương nhiễm trùng mưng mủ là dấu hiệu nhiễm trùng nặng.

Vết thương nhiễm trùng mưng mủ có phải nhiễm trùng đã nặng hơn phải không? 1 Vết thương hở bị mưng mủ là do bị nhiễm trùng vì không được vệ sinh đúng cách

Nguyên nhân gián tiếp

Do cơ địa bệnh nhân dễ bị dị ứng và nhạy cảm với các thiết bị y tế như chỉ khâu, băng gạc hoặc băng phẫu thuật. Tuy nhiên đó chỉ là một nguyên nhân nhỏ, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng này. 

Ngoài ra, hệ thống miễn dịch yếu góp phần làm cho các bệnh nhiễm trùng nặng hơn. Vì vậy, hầu hết người bệnh đều có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến tim, phổi, bệnh tiểu đường,... đặc biệt nhiễm HIV, việc chữa lành vết thương thường khó hơn so với người bình thường.

Những dấu hiệu vết thương nhiễm trùng mưng mủ

Dấu hiệu tại chỗ

Vết thương bình thường sẽ giảm đau dần sau 2 - 3 ngày, ngược lại, sau thời gian này cơn đau tăng dần là dấu hiệu của nhiễm trùng. 

Vết thương sưng đỏ và nóng, đây là phản ứng miễn dịch của cơ thể khi có chất lạ xâm nhập vào vết thương. Vùng da xung quanh vết thương sưng lên và chất lỏng đọng lại dưới miệng vết thương. Vết thương tiết nhiều dịch và chảy mủ. Đây là những dấu hiệu rất rõ ràng của một vết thương bị nhiễm trùng nặng. 

Dấu hiệu toàn thân

Nếu nhiễm trùng nặng, có thể xuất hiện các dấu hiệu toàn thân như sốt và mệt mỏi. Nổi hạch ở gần vết thương chẳng hạn như hạch nách, hạch cổ và hạch bẹn.

Cách xử lý vết thương nhiễm trùng mưng mủ

Loại bỏ vi khuẩn hoặc mô hoại tử

Loại bỏ mủ, vi khuẩn và mô hoại tử nhằm mục đích loại bỏ nguồn lây nhiễm. Điều này ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng. Đây cũng là bước quan trọng nhất trong điều trị, xử lý vết thương bị nhiễm trùng tiết dịch. 

Phương pháp được thực hiện bằng cách phẫu thuật cắt bỏ phần hoại tử và rạch một đường rộng trên vết thương để dẫn lưu mủ. Nếu phần hoại tử quá lớn và sâu, có thể cần đến sự can thiệp của phẫu thuật. Sau đó, bạn có thể phải luồn một ống dẫn lưu để đào thải mủ mới hình thành ra ngoài. 

Rửa sạch vết thương

Nếu vết thương nhiễm trùng mưng mủ, bạn nên vệ sinh vết thương hàng ngày. Tốt nhất là sử dụng các dung dịch sát khuẩn như cồn iot hoặc dung dịch nước muối sinh lý.

Nước oxy già có tính sát khuẩn mạnh. Ngoài việc tiêu diệt vi khuẩn, chúng còn phá hủy các tế bào khỏe mạnh. Vì thế việc sử dụng oxy già cần thận trọng, tránh lạm dụng. Trước khi sử dụng phải hỏi ý kiến ​​bác sĩ. 

Băng bó vết thương để bảo vệ các mô bên dưới da khỏi tác động của môi trường xung quanh. Việc thay băng vết thương hàng ngày là vô cùng quan trọng để vết thương bị nhiễm trùng nhanh chóng lành lại.

Dùng thuốc kháng sinh

Nếu vết thương đã bị nhiễm trùng chảy mủ thì việc dùng kháng sinh là bắt buộc. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh đường uống phù hợp nếu nhiễm trùng nặng có thể phải sử dụng kháng sinh tiêm. Nếu cấy được vi khuẩn để chọn thuốc kháng sinh thì đó là điều tốt nhất.

Vết thương nhiễm trùng mưng mủ có phải nhiễm trùng đã nặng hơn phải không? 2  Vết thương nhiễm trùng mưng mủ chắc chắn phải dùng thuốc kháng sinh chống viêm nhiễm

Các biện pháp khác

Các phương pháp khác như hút chân không, điều trị oxy hyperbaric, đèn plasma lạnh,... Tùy từng trường hợp mà điều trị kết hợp kiểm soát đường huyết, nâng đỡ vật lý và hình thức tiếp xúc với thuốc ức chế miễn dịch, truyền dịch, điều trị tuần hoàn,...

Chế độ ăn uống

Ăn uống đầy đủ và khoa học các chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein và các vitamin để tăng cường sức đề kháng. Điều này thúc đẩy cơ thể hình thành các mô mới, mau lành vết thương. Hạn chế vận động, cử động ở vị trí vết thương.

Những điều tuyệt đối không được làm

Đắp thuốc lá lên vết thương hở

Vết thương đang chảy dịch mà bạn đắp bất kỳ loại bột hoặc lá nào lên sẽ tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Không rõ mức độ hiệu quả của việc sử dụng thuốc bột hoặc thuốc lá như thế nào. Nhưng chắc chắn sẽ dẫn đến nhiễm trùng, đau rát.

Ngâm vết thương vào nước trầu không

Khi vết thương của bạn bị thấm nước, lớp biểu bì của da có xu hướng mềm ra, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dễ dàng hơn. Tốt nhất là bạn nên giữ cho vết thương luôn khô ráo. Không rửa vết thương bằng các loại nước lá dân gian như nước lá trầu không.

Rửa vết thương nhiều lần bằng oxy già

Đây là một sai lầm mà nhiều người mắc phải. Bản chất của oxy già là một chất khử trùng mạnh. Ngoài việc tiêu diệt vi khuẩn, chúng còn phá hủy các tế bào lành xung quanh. Chất này chỉ có thể được sử dụng một lần bởi duy nhất vào ngày vệ sinh đầu tiên.

Những ngày sau, khi sử dụng lại nước oxy già, các mô liên kết mới hình thành sẽ bị phá hủy, vết thương sẽ lâu lành, tốt nhất nên rửa vết thương bằng cồn i-ốt pha loãng hoặc nước muối sinh lý.

Vết thương nhiễm trùng mưng mủ có phải nhiễm trùng đã nặng hơn phải không? 3 Không sử dụng oxy già vệ sinh vết thương mỗi ngày gây tổn thương các mô lành xung quanh

Vết thương nhiễm trùng mưng mủ cần được xử lý ngay vì hậu quả rất khó lường. Nếu vết thương quá đau mà không dám sơ cứu thì nên đến bệnh viện ngay để sát khuẩn và có các biện pháp điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin