Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Vì sao bé mọc răng bỏ ăn? Cách giúp bé ăn ngon miệng

Ngày 27/08/2024
Kích thước chữ

Mọc răng là một giai đoạn phát triển quan trọng của bé nhưng cũng là thời điểm khiến mẹ lo lắng khi bé thường bị sốt hoặc biếng ăn. Vậy nguyên nhân nào khiến bé mọc răng bỏ ăn và mẹ nên làm gì để giúp bé ăn ngon miệng trở lại?

Mọc răng là cột mốc quan trọng trong quá trình lớn lên của bé. Tuy nhiên, có những bé mọc đủ răng xinh mà vẫn ăn ngoan, ngủ ngoan và cũng có nhiều bé lại gặp phải tình trạng biếng ăn, bỏ bú trong giai đoạn này. Vậy điều gì dẫn đến tình trạng bé mọc răng bỏ ăn và làm thế nào để giúp bé vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng?

Bé mọc răng bỏ ăn - Tình trạng phổ biến

Mọc răng là quá trình sinh lý tự nhiên, đánh dấu bước phát triển quan trọng của trẻ nhỏ. Trẻ mấy tháng mọc răng? Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), răng cửa dưới thường là răng đầu tiên nhú lên và điều này thường xảy ra khi trẻ 6-10 tháng tuổi. Thời điểm mọc chiếc răng đầu tiên ở mỗi bé có thể khác nhau, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn mốc thời gian phổ biến này.

Cha mẹ thường nhận thấy một số dấu hiệu trẻ mọc răng sữa như: Bé thường chảy nhiều nước dãi do tuyến nước bọt hoạt động mạnh hơn để làm ẩm nướu. Nướu sưng đỏ và ngứa khiến bé thường xuyên đưa tay lên ngậm hoặc cắn các đồ vật để giảm cảm giác khó chịu. Ngoài ra, bé còn có thể có những biểu hiện khác như quấy khóc, khó chịu nhiều hơn bình thường, sốt nhẹ do cơ thể phản ứng với quá trình viêm nhẹ ở nướu. Một số bé còn gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa như trẻ bị tiêu chảy hoặc táo bón.

Vì sao bé mọc răng bỏ ăn? Cách giúp bé ăn ngon miệng 1
Bé mọc răng bỏ ăn là tình trạng khá thường gặp

Một trong những hiện tượng thường gặp nhất khi trẻ mọc răng là biếng ăn hoặc bỏ bú. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Khi nhận thấy trẻ kém ăn, mẹ cần biết cách để bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho bé.

Nguyên nhân khiến bé mọc răng bỏ ăn

Việc trẻ biếng ăn, thậm chí bỏ bú khi mọc răng là hiện tượng khá phổ biến và dễ hiểu. Quá trình răng sữa nhú lên từ nướu gây ra nhiều thay đổi trong khoang miệng của bé. Đầu tiên, bé sẽ cảm thấy đau nướu khi chiếc răng xinh bắt đầu mọc lên từ lợi và cảm giác đau sẽ tăng lên khi bé nhai hoặc nuốt thức ăn. Điều này làm giảm cảm giác ngon miệng và hứng thú ăn uống nên bé mọc răng bỏ ăn là điều hoàn toàn bình thường.

Sự thay đổi khẩu vị cũng là một nguyên nhân khiến bé bỏ ăn. Nướu sưng đỏ có thể kèm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Vì thế, bé thường tìm kiếm những thức ăn mềm, mát để giảm thiểu cảm giác khó chịu ở nướu. Ngược lại, các loại thức ăn cứng, nóng hoặc có vị chua cay sẽ khiến bé càng cảm thấy đau rát hơn. Nếu mẹ cho trẻ ăn dặm bằng những món ăn không đúng ý, trẻ sẽ từ chối dùng bữa.

Vì sao bé mọc răng bỏ ăn? Cách giúp bé ăn ngon miệng 2
Bé mọc răng bỏ chủ yếu là do đau nướu, thay đổi khẩu vị

Quá trình mọc răng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé nên cũng góp phần làm bé biếng ăn. Đau nướu sẽ khiến bé khó ngủ, quấy khóc vào ban đêm, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, chán ăn vào ngày hôm sau. Ngoài ra, các yếu tố khác như sốt, tiêu chảy hoặc việc mọc nhiều răng cùng một lúc cũng có thể làm tăng thêm sự khó chịu của bé, khiến bé càng lười ăn hơn.

Cách giúp bé ăn ngon miệng, bớt khó chịu

Khi bé mọc răng bỏ ăn, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản dưới đây để giúp bé giảm khó chịu, ăn ngon miệng hơn và phòng ngừa thiếu hụt dinh dưỡng:

  • Đầu tiên, việc chăm sóc răng miệng cho bé sạch sẽ là điều vô cùng quan trọng. Cha mẹ nên dùng khăn ẩm sạch, mát để lau nhẹ nướu cho bé nhằm làm giảm cảm giác ngứa và khó chịu. Ngoài ra, việc cho bé gặm nướu cũng giúp giảm đau và xoa dịu nướu. Chườm lạnh lên nướu cũng có thể làm giảm tình trạng sưng đau đáng kể.
  • Điều chỉnh chế độ ăn cho bé trong giai đoạn mọc răng cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên chọn những loại thức ăn mềm, dễ ăn, dễ nuốt như cháo, súp, trái cây nghiền. Bạn hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để tránh làm bé no quá hoặc quá đói. Việc tăng cường cung cấp chất lỏng cho bé bằng sữa hoặc nước trái cây cũng giúp bổ sung dưỡng chất cho cơ thể của trẻ.
  • Cha mẹ nên cho bé ngồi ăn cùng gia đình, tạo không khí thoải mái và vui vẻ. Khen ngợi khi bé ăn ngoan sẽ giúp bé có động lực hơn.
  • Nếu bé quá khó chịu, bị sưng nướu hoặc sốt, cha mẹ có thể cho bé dùng thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Vì sao bé mọc răng bỏ ăn? Cách giúp bé ăn ngon miệng 3
Bé sẽ hợp tác với việc ăn uống hơn khi cảm thấy thoải mái

Khi nào nên đưa bé đi khám bác sĩ?

Mặc dù việc bé mọc răng bỏ ăn là hiện tượng khá phổ biến nhưng cha mẹ cần lưu ý một số dấu hiệu bất thường dưới đây để kịp thời đưa bé đi khám bác sĩ:

  • Khi bé sốt cao, quấy khóc nhiều, đặc biệt là khi sốt kéo dài và không đáp ứng với các biện pháp hạ sốt thông thường, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay.
  • Nếu bé biếng ăn kéo dài, sụt cân hoặc xuất hiện các dấu hiệu khác như phát ban, nổi hạch, khó thở, trẻ cũng cần được thăm khám kỹ lưỡng.
  • Khi bé bỏ ăn kèm triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón nhiều ngày liên tục cũng cần đi khám để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Khi cha mẹ đưa bé đi khám, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bé, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Bác sĩ đưa ra những lời khuyên hữu ích về cách chăm sóc bé trong giai đoạn mọc răng, giúp bé cảm thấy thoải mái và ăn uống ngon miệng hơn.

Một số bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự như tình trạng mọc răng bao gồm nhiễm trùng tai, viêm họng hoặc các bệnh lý nghiêm trọng hơn. Do đó, cha mẹ nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt để kịp thời điều trị, sức khỏe của bé sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.

Vì sao bé mọc răng bỏ ăn? Cách giúp bé ăn ngon miệng 4
Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám nếu trẻ bỏ ăn kèm các triệu chứng nặng khác

Mọc răng là một giai đoạn phát triển tự nhiên của trẻ nhỏ và việc bé mọc răng bỏ ăn là một hiện tượng khá phổ biến. Với sự kiên nhẫn và những biện pháp chăm sóc phù hợp, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp bé vượt qua giai đoạn khó chịu này. Tuy nhiên, tình trạng biếng ăn thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và sẽ cải thiện khi răng mọc xong. Nếu cha mẹ không chắc chắn về tình trạng của bé, hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin