Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm hạch bạch huyết cấp tính có nguy hiểm không?

Ngày 15/09/2023
Kích thước chữ

Viêm hạch bạch huyết cấp tính có thể là dấu hiệu cảnh báo hệ miễn dịch của cơ thể đang gặp vấn đề trước các tác nhân gây nhiễm trùng. Vậy viêm hạch bạch huyết cấp tính có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều người quan tâm bệnh lý này.

Viêm hạch bạch huyết cấp tính có nguy hiểm không? Người mắc bệnh này cần điều trị ngay vì bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu tất cả thông tin cần biết về bệnh viêm hạch bạch huyết cấp tính.

Hạch bạch huyết là gì ?

Có khoảng 600 hạch bạch huyết, nằm rải rác khắp cơ thể của chúng ta trên đường đi của mạch bạch huyết và thường tập trung thành nhóm:

  • Hạch bạch huyết ở cuối hàm;
  • Hạch bạch huyết ở phía sau tai;
  • Hạch bạch huyết ở nách;
  • Hạch bạch huyết ở cổ;
  • Hạch bạch huyết ở bẹn;
  • Hạch bạch huyết trên xương đòn.

Có những hạch bạch huyết có thể sờ được vì nằm nông dưới da như dưới cằm, dưới hàm, trên cổ, sau tai, vùng gáy, hố nách, quanh háng…). Có những hạch mà mắt thường không thể nhìn thấy và cũng không sờ thấy vì nằm sâu trong lồng ngực, ổ bụng…, chúng ta chỉ có thể thăm khám chẩn đoán hình ảnh để phát hiện.

Bệnh viêm hạch bạch huyết 

Bệnh viêm hạch bạch huyết là gì?

Bệnh viêm hạch bạch huyết hay gọi là sưng hạch bạch huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn là ở phụ nữ.

Viêm hạch huyết là tình trạng sưng, viêm các hạch bạch huyết trong cơ thể. Vai trò của hạch bạch huyết là chống lại nhiễm trùng và bệnh tật trong cơ thể. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, sẽ sản sinh ra nhiều tế bào miễn dịch hơn, khiến các hạch bạch huyết sưng lên. Vậy, nguyên nhân chính khiến hạch bạch huyết bị sưng là do nhiễm trùng và viêm.

Viêm hạch bạch huyết cấp tính có nguy hiểm không? 1
Viêm hạch huyết là tình trạng các hạch bạch huyết trong cơ thể bị sưng viêm

Triệu chứng

Tùy nguyên nhân gây ra bệnh mà chúng ta biết bệnh viêm hạch bạch huyết có nguy hiểm hay không. Thông thường, khi bị viêm hạch bạch huyết, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng phổ biến là sưng và đau ở vị trí hạch bạch huyết sưng. Cụ thể:

  • Đau khi ấn vào tuyến bị sưng;
  • Khu vực sưng nhạy cảm hơn;
  • Các hạch sưng rất lớn.

Nếu viêm hạch bạch huyết là do ung thư phát triển trong các hạch bạch huyết cũng kích thích chúng sưng to. Một số trường hợp, viêm hạch bạch huyết có thể liên quan u lympho hay u lympho không Hodgkin.

Vì vậy, khi thấy các hạch vẫn còn sưng, thậm chí còn có dấu hiệu lan rộng, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán là điều trị, vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo khối u hoặc nguy hiểm hơn là ung thư hạch bạch huyết

Khi xuất hiện các dấu hiệu sau, bạn cần đi khám ngay:

  • Các hạch sưng mềm;
  • Sốt không biến mất;
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm;
  • Cân nặng giảm dù không ăn kiêng;
  • Đau họng;
  • Khó nuốt hoặc thở.

Viêm hạch bạch huyết cấp tính 

Viêm hạch bạch huyết cấp tính là gì?

Trong cơ thể, hệ bạch huyết là một phần của hệ miễn dịch, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khi bị nhiễm trùng. Có đến 600 hạch bạch huyết trên đường mạch bạch huyết rải rác khắp cơ thể. Hạch bạch huyết nằm ở những vùng như gáy, cổ, tai, cằm, hàm, nách, bẹn là vùng nông bên dưới lớp da ... và ở cả những vùng như ổ bụng, lồng ngực sâu bên trong.

Viêm hạch bạch huyết cấp tính là tình trạng nhiễm trùng mạch bạch huyết, cơ thể sẽ tạo ra nhiều tế bào bạch huyết để chống lại nhiễm trùng và làm cho hạch bạch huyết sưng lên trong khoảng thời gian gần một tuần. Nếu bạn thắc mắc rằng viêm hạch bạch huyết cấp tính có nguy hiểm không thì câu trả lời là có. Vì viêm hạch bạch huyết cấp tính là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân gây bệnh

Các tác nhân gây viêm hạch bạch huyết cấp tính là vi khuẩn, virus xâm nhập vào các hạch bạch huyết và mạch bạch huyết. Trong đó, thường gặp nhất là do liên cầu khuẩn và tụ cầu khuẩn.

Viêm hạch bạch huyết cấp tính có nguy hiểm không? 2
Viêm hạch bạch huyết cấp tính là tình trạng mạch bạch huyết bị nhiễm trùng

Ngoài ra, đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch, sử dụng thuốc steroid kéo dài, bị động vật cắn... cũng có thể gây viêm hạch bạch huyết.

Bên cạnh đó, các bệnh lý ung thư cũng có thể kích thích gây viêm hạch bạch huyết như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy, tuyến tiền liệt,  bệnh Crohn, ung thư dạ dày - trực tràng. Tuy nhiên viêm hạch do các bệnh lý ác tính thường ít gây viêm cấp, hạch thường ít khi đau và tăng kích thước chậm.

Triệu chứng của bệnh

Viêm hạch bạch huyết cấp tính có các triệu chứng sau:

  • Các mạch bạch huyết và hạch bạch huyết gần vết thương, ở vị trí bị nhiễm trùng có màu đỏ, sưng đau.
  • Suy nhược cơ thể, thường hay ớn lạnh, đổ mồ hôi vào ban đêm, sốt.
  • Đau đầu, chán ăn.
  • Ho, đau họng, chảy nước mũi...
  • Mạch bạch huyết bị tắc nghẽn có thể khiến chân, háng sưng phù.

Biến chứng của bệnh

Viêm hạch bạch huyết cấp tính có thể gây ra những biến chứng sau:

  • Nhiễm trùng da, áp xe hạch, viêm các mô tế bào.
  • Nhiễm khuẩn, nhiễm trùng máu, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Người bệnh cần đến ngay bệnh viện để tránh bị viêm hạch bạch huyết cấp tính gây biến chứng nghiêm trọng ở da và máu trong trường hợp sau:

  • Hạch bạch huyết sưng to, đỏ ở vị trí nhiễm trùng và đau ngày càng nặng.
  • Chảy dịch mủ ở hạch bạch huyết.
  • Sốt cao kéo dài (trên 38,3 độ C).

Điều trị viêm hạch bạch huyết cấp tính thế nào?

Không chỉ quan tâm viêm hạch bạch huyết cấp tính có nguy hiểm không, người bệnh còn muốn biết cách điều trị bệnh này như thế nào. 

Viêm hạch bạch huyết cấp tính có thể được chẩn đoán bằng thăm khám lâm sàng, nhất là kiểm tra mạch bạch huyết để xác định hạch bạch huyết bị viêm. Trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ định nuôi cấy hoặc sinh thiết để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng đã lan vào máu chưa.

Viêm hạch bạch huyết cấp tính có nguy hiểm không? 3
Người bệnh dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau để điều trị

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh và mục tiêu điều trị là tránh nhiễm trùng lây lan để đưa ra cách điều trị viêm hạch bạch huyết cấp tính. Các loại thuốc điều trị thường được bác sĩ chỉ định bao gồm:

  • Dùng thuốc kháng sinh để chống lại vi khuẩn hoặc nấm gây nhiễm trùng. với một số bệnh nhân có thể đáp ứng tốt với kháng sinh đường uống và tiêm tĩnh mạch kháng sinh, bác sĩ chỉ định phối hợp cả hai cách nếu như áp xe tiếp tục hình thành, đồng thời chích rạch để dẫn lưu áp xe. Riêng trẻ em bị viêm hạch bạch huyết thường được tiêm tĩnh mạch kháng sinh.
  • Dùng thuốc giảm đau hoặc chườm ấm chỗ hạch bạch huyết sưng lên để giảm đau.
  • Dùng thuốc chống viêm.
  • Chỉ định phẫu thuật cắt bỏ mạch bị tắc nghẽn với người viêm hạch bạch huyết cấp tính nghiêm trọng làm tắc nghẽn mạch bạch huyết.

Tóm lại, bài viết trên đã giải đáp cho câu hỏi: "Viêm hạch bạch huyết cấp tính có nguy hiểm không?". Nếu đã biết sự nguy hiểm của bệnh, người bệnh cần được điều trị kịp thời có thể sẽ đáp ứng tốt. Tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng và thể trạng của người bệnh, thời gian phục hồi sẽ khác nhau.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm