Các số liệu thống kê chỉ ra rằng quan hệ tình dục không an toàn chính là nguyên nhân hàng đầu gây lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng có xu hướng tăng lên. Vì vậy mà nhiều người thắc mắc rằng xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ có cao không? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời quý bạn đọc tìm hiểu bài viết sau đây.
HIV là gì?
HIV là một bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch ở người bị nhiễm virus HIV. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus HIV sẽ nhanh chóng nhân lên, tấn công và phá hủy hệ thống miễn dịch của người bệnh thông qua việc phá hủy các đại thực bào và lympho bào. Điều này dẫn tới sự suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, tạo điều kiện có các vi sinh vật cơ hội xâm nhập và gây bệnh.
Người nhiễm HIV là nguồn bệnh duy nhất. Về đường lây nhiễm, HIV lây từ người sang người thông qua 3 con đường chính:
-
Đường máu và các chế phẩm máu: Khi dùng chung các vật dụng như bơm kim tiêm, các dụng cụ y tế dính máu người nhiễm HIV, người tiếp xúc với vết thương hở có máu của người bệnh, ghép tạng… có nguy cơ lây nhiễm HIV.
-
Đường tình dục: Quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục không an toàn, không có các biện pháp phòng ngừa, không sử dụng bao cao su với những người bị nhiễm HIV sẽ có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV. Trong số đó, nguy cơ lây nhiễm cao nhất là khi quan hệ qua đường hậu môn (quan hệ đồng giới nam), tiếp đó tới đường âm đạo và đường miệng.
-
Lây từ mẹ sang con: Những người mẹ bị nhiễm HIV sẽ có tới 30% khả năng lây nhiễm sang con. Trẻ có thể bị lây nhiễm HIV từ người mẹ qua nhau thai trong quá trình mang thai hay qua nước ối, qua dịch âm đạo hay máu của mẹ có chứa virus HIV trong quá trình sinh. Bên cạnh đó, trong sữa mẹ cũng có chứa một hàm lượng virus, có thể gây nhiễm cho trẻ trong lúc cho trẻ bú. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp may mắn trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV nhưng trẻ lại âm tính với virus HIV.
Quan hệ tình dục không an toàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao
Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu?
Khả năng lây nhiễm HIV thông qua con đường tình dục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
-
Tần suất quan hệ nhiều hay ít?
-
Lượng virus phát hiện có đủ ngưỡng gây bệnh không?
-
Khả năng gây trầy xước trong khi quan hệ cao hay thấp.
-
Có sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn hay không.
-
Có đang mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác hay không.
Theo nghiên cứu và các báo cáo được công bố bởi CDC Hoa Kỳ, tỷ lệ lây nhiễm HIV khi quan hệ với người mắc HIV như sau:
-
Xác suất lây nhiễm HIV từ người nam sang nữ là 8/10.000.
-
Xác suất lây nhiễm HIV từ người nữ sang nam là 4/10.000.
Như vậy, xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Từ số liệu thống kê ở trên ta thấy người nam bị nhiễm HIV có nguy cơ lây bệnh cao gấp đôi so với người nữ bị nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục dao động trong khoảng từ 0,03 - 1% sau mỗi lần quan hệ. Tỷ lệ này sẽ tăng lên tỷ lệ thuận với số lần quan hệ, quan hệ càng thường xuyên thì nguy cơ nhiễm bệnh càng tăng lên.
Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ chỉ mang tính chất tham khảo, không đúng hoàn toàn với từng đối tượng cụ thể
Cách phòng tránh lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục
Quan hệ tình dục an toàn sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ bị nhiễm HIV cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác. Theo đó, khả năng lây nhiễm sẽ giảm thiểu tối đa khi 2 người không có sự tiếp xúc với máu, tinh dịch, dịch âm đạo của bạn tình. Các biện pháp tình dục an toàn được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng hiện nay bao gồm:
-
Sử dụng thuốc PrEP: Thuốc PrEP là thuốc có tác dụng dự phòng HIV rất hiệu quả, đặc biệt là đối với cộng đồng LGBT.
-
Sử dụng bao cao su: Bao cao su là một biện pháp an toàn tình dục phổ biến và có hiệu quả được nhiều người sử dụng, không chỉ giúp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn mà còn giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
-
Vợ chồng chung thủy, quan hệ chỉ 1 bạn tình: Bạn chỉ nên quan hệ mà không sử dụng các biện pháp phòng tránh đối với người mà bạn biết rõ rằng họ không bị mắc HIV hay các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác, không có người bạn tình khác ngoài bạn.
-
Trường hợp bạn phát hiện mình đã quan hệ với người bị nhiễm HIV: Trong 72 giờ, bạn cần nhanh chóng tới các trung tâm y tế dự phòng hay trung tâm y tế có chuyên môn gần nhất để được tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc phòng ngừa HIV.
-
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Bạn nên có cho mình thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ khoảng 6 tháng/lần để đảm bảo bạn không mắc các bệnh lây nhiễm hay sức khỏe vẫn ổn định. Điều này giúp bạn phát hiện sớm HIV cũng như các bệnh lý khác, từ đó có biện pháp xử trí sớm và kịp thời.
Sử dụng bao cao su là một biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV hiệu quả
Cần làm gì khi bạn phát hiện mình bị nhiễm HIV?
Nếu không may mắn khi xét nghiệm bạn phát hiện mình bị dương tính với virus HIV, bạn cần hết sức bình tĩnh để lắng nghe tư vấn, lời khuyên, sự hướng dẫn của bác sĩ và các nhân viên y tế. Sau đây là một số điều bạn cần lưu ý khi phát hiện bệnh:
-
Bạn không nên quá lo sợ và hốt hoảng. HIV không phải là một tệ nạn xã hội như bạn vẫn nghĩ, thực tế có rất nhiều người bị HIV vẫn khỏe mạnh, làm việc và sống hạnh phúc nhiều năm thậm chí là hàng chục năm.
-
Bạn cần tới các trung tâm tư vấn HIV để thông báo và nhận lời tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn.
-
Dừng lại việc quan hệ tình dục không an toàn, đồng thời thông báo cho bạn tình của mình biết để có biện pháp xử lý kịp thời.
-
HIV hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, bạn sẽ được các bác sĩ kê đơn thuốc làm chậm sự phát triển của virus HIV. Điều bạn cần làm là tuân thủ việc sử dụng thuốc, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, đúng liều để ngăn chặn tối đa sự phát triển và gây bệnh của virus.
-
Bạn hoàn toàn có thể sống, sinh hoạt và làm việc giống một người bình thường khỏe mạnh. Bạn không nên mặc cảm, tự ti mà chỉ cần sống sao cho tốt, cho có ích cho cuộc đời bạn và cho xã hội.
Khi phát hiện nhiễm HIV, bạn cần bình tĩnh và lắng nghe lời khuyên của bác sĩ chuyên môn
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Cũng như biết cách phòng ngừa và bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh tránh được lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Nhớ kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo sức khỏe của bạn. Chúc bạn nhiều sức khỏe và đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà Thuốc Long Châu nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp