Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xét nghiệm nước tiểu để làm gì?

Ngày 14/11/2022
Kích thước chữ

Trong nhiều trường hợp khi đi khám bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm nước tiểu. Vậy việc xét nghiệm nước tiểu để làm gì?

Sức khoẻ của con người thường có thể được đánh giá nhanh qua màu sắc của làn da, trạng thái tinh thần hay nước tiểu. Khi đến cơ sở y tế để thăm khám, một vài trường hợp bạn sẽ được đề nghị xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra. Vậy xét nghiệm nước tiểu để làm gì? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

Xét nghiệm nước tiểu và những điều cần biết

Xét nghiệm nước tiểu thường được thực hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ. Hoặc nếu bạn gặp các dấu hiệu như đi tiểu ra máu, bị đau bụng khi đi tiểu và các dấu hiệu liên quan đến bệnh tiểu đường hay thận thì cũng sẽ được chỉ định thực hiện phương pháp xét nghiệm này. Một số trường hợp đặc biệt khác cần xét nghiệm nước tiểu phải kể đến như trước khi phẫu thuật, thử thai hay sàng lọc thuốc. 

Giải đáp thắc mắc: Xét nghiệm nước tiểu để làm gì? 1 Xét nghiệm nước tiểu để làm gì là thắc mắc của nhiều người

Hiện nay có 3 phương pháp xét nghiệm nước tiểu chính:

  • Phương pháp trực quan: Đây là cách dễ nhất, bản thân chúng ta có thể tự đánh giá sức khoẻ của mình thông qua màu sắc nước tiểu được quan sát bằng mắt thường. Màu sắc bất thường của nước tiểu có thể liên quan tới các bệnh về đường tiết niệu, thận hay bệnh lây qua đường tình dục.
  • Qua kính hiển vi: Mẫu nước tiểu được kiểm tra, phân tích dưới kính hiển vi để tìm kiếm các mảnh tế bào, phôi tiết niệu, chất nhầy, vi khuẩn hoặc vi trùng. Bên cạnh đó chúng còn kiểm tra được hồng cầu/bạch cầu, nấm men, ký sinh trùng.
  • Bằng que thử: Que tăm thử dùng để kiểm tra một số hoá chất trong mẫu nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu bằng que tăm có thể giúp bác sĩ xét nghiệm được protein trong nước tiểu, kiểm tra nồng độ pH, nồng độ glucose và các chỉ số liên quan khác.

Chi phí làm xét nghiệm nước tiểu không quá cao. Xét nghiệm này thực hiện ở bệnh viện công sẽ có giá rẻ hơn so với các cơ sở tư nhân. Để đảm bảo mẫu nước tiểu đạt chuẩn, thuận lợi cho quá trình chẩn đoán kết quả xét nghiệm thì nước tiểu sẽ được lấy vào buổi sáng trong lần đi vệ sinh đầu tiên. Đặc biệt, trước khi lấy nước tiểu, bệnh nhân không nên ăn các thực phẩm như củ cải đường và các thực phẩm có màu để tránh làm thay đổi màu sắc nước tiểu, không nên uống bất kỳ loại thuốc nào hay uống quá nhiều nước trước khi xét nghiệm.

Xét nghiệm nước tiểu để làm gì?

Xét nghiệm nước tiểu là một phương pháp chẩn đoán bệnh, từ đó giúp bác sĩ đưa ra các hướng theo dõi và điều trị đúng lúc, hiệu quả. Một số bệnh lý có thể phát hiện qua xét nghiệm nước tiểu gồm:

  • Nhiễm trùng đường tiểu: Xét nghiệm nước tiểu sẽ phát hiện ra cơ thể bạn có đang bị nhiễm trùng đường tiểu hay không. Tế bào bạch cầu và Nitrate là hai chỉ số phản ánh rõ nhất dấu hiệu bệnh do vi khuẩn gây ra. 
  • Bệnh lý bàng quang: Bàng quang có thể mắc các bệnh như viêm nhiễm, ung thư. Khi xét nghiệm nước tiểu với sự xuất hiện của máu hay vi khuẩn sẽ giúp các bác sĩ phát hiện ra bệnh.
  • Bệnh thận: Sỏi thận, suy thận, viêm bể thận đều thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm bất thường của nước tiểu. Các chỉ số đó có thể là Protein, chỉ số pH, tế bào hồng cầu. Vậy nên thông qua xét nghiệm bạn có thể phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến thận.
Giải đáp thắc mắc: Xét nghiệm nước tiểu để làm gì? 2 Xét nghiệm nước tiểu có thể nhanh chóng phát hiện bạn bị bệnh thận hay không
  • Bệnh tiểu đường: Xét nghiệm nước tiểu để làm gì thường là câu hỏi không được đặt ra bởi người đã có kinh nghiệm điều trị bệnh lâu dài. Cụ thể những người bị tiểu đường dường như họ đã quá quen với xét nghiệm này. Chỉ số xét nghiệm nước tiểu như độ pH, Xeton sẽ tiết lộ bạn có đang mắc tiểu đường hay không.
  • Bệnh gan: Gan là cơ quan thải độc và tiết hormone quan trọng cho cơ thể sống. Các bệnh lý hay mắc ở gan như viêm gan, xơ gan, viêm túi mật. Chính xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm các chứng bệnh này thông qua chỉ số UBG và BIL.
  • Bệnh về đường tình dục: Xét nghiệm nước tiểu có thể dễ dàng phát hiện các bệnh như giang mai, lậu. Các bệnh này dù đang trong giai đoạn ủ bệnh vẫn có thể phát hiện ra thông qua xét nghiệm nước tiểu.

Cách nhận biết vấn đề sức khỏe qua nước tiểu

Bạn có thể nhận ra sớm các dấu hiệu bất thường của cơ thể thông qua màu sắc nước tiểu của mình. Nếu bản thân nắm được những kiến thức chung về quan sát màu nước tiểu thì sẽ bạn chủ động hơn trong việc đi xét nghiệm và thăm khám bệnh:

Nước tiểu màu vàng đậm

Nếu nước tiểu có màu vàng nhưng quá đậm thì có thể bạn đã ăn quá nhiều thực phẩm chứa Vitamin B2, Beta Carotene. Hoặc do bạn uống thuốc kháng viêm để điều trị bệnh. Nếu không thuộc hai tình trạng trên thì chứng tỏ cơ thể đang thiếu nước trầm trọng. Tốt nhất lúc này bạn nên uống nhiều nước hơn để nước tiểu trở về màu vàng nhạt bình thường. Nhưng nếu tình trạng nước tiểu đậm màu mãi không thuyên giảm thì rất có thể bạn đang gặp bệnh lý về gan, cần đi khám bác sĩ ngay. 

Nước tiểu màu hồng và đỏ

Giải đáp thắc mắc: Xét nghiệm nước tiểu để làm gì? 3 Nếu nước tiểu màu hồng đỏ, rất có khả năng cơ thể bị bệnh lý về thận hay ung thư

Nếu bạn ăn nhiều quả mâm xôi, củ dền thì đôi khi nước tiểu sẽ có màu hồng trong một hai ngày sau ăn, tuy nhiên chúng sẽ nhanh chóng biến mất nếu ngừng ăn. Với những ai đang điều trị nhiễm trùng đường tiểu thì các thuốc kháng sinh đặc trị cũng khiến nước tiểu có màu đỏ hồng. Tuy nhiên nếu không ăn hay uống thuốc như đã đề cập mà nước tiểu vẫn có màu đỏ hồng thì nên nghĩ ngay đến các bệnh lý về thận hay thậm chí là bị ung thư. Lúc này cần đến cơ sở y tế để thăm khám.

Nước tiểu có màu nâu

Với những ai bị bệnh gan thì nước tiểu hay có màu nâu. Đặc biệt nếu cơ thể kèm theo các triệu chứng như đau bụng, phát ban thì nên đi xét nghiệm nước tiểu ngay. Bởi màu nâu ở nước tiểu có thể do máu đã phân huỷ bởi các khối u bất thường xuất hiện. 

Trên đây là những giải đáp xoay quanh thắc mắc xét nghiệm nước tiểu để làm gì. Hy vọng sau khi đọc bài viết bạn có thể hiểu hơn về loại xét nghiệm này và chủ động tìm hiểu sức khỏe của bản thân để kịp thời điều trị bệnh. 

Bảo Thanh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin