Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xét nghiệm ure là gì? Nguyên nhân dẫn tới biến đổi chỉ số ure?

Ngày 29/09/2022
Kích thước chữ

Ure là sản phẩm cuối cùng trong chuỗi chuyển hóa protein trong cơ thể, diễn ra tại gan. Ure rất dễ hòa tan trong nước nên được thải bỏ ra khỏi cơ thể hoàn toàn qua chức năng lọc của thận ra nước tiểu. Vậy xét nghiệm ure là gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Ure với công thức hóa học là (NH2)2CO được chuyển hóa tại gan và thải bỏ tại thận qua nước tiểu. Chỉ số ure sẽ giúp bác sĩ đánh giá và chẩn đoán sơ bộ chức năng thải độc của gan và thận. Nồng độ ure huyết bình thường trong khoảng 0,2 - 0,4 g/lít, khi nồng độ ure biến đổi ngoài mức bình thường có thể là dấu hiệu bệnh lý gan hoặc thận. Vậy xét nghiệm ure là gì? Nguyên nhân bệnh lý và sinh lý nào gây biến đổi chỉ số ure?

Ure là gì?

Ure (công thức là CON2H4 hay (NH2)2CO) là hợp chất cuối cùng của chu trình urea, chặng cuối của quá trình chuyển hóa protein (chất đạm) trong cơ thể. Ure thường được đào thải khỏi cơ thể bằng con đường nước tiểu qua quá trình lọc máu của thận. Chính ure tạo ra mùi khai đặc trưng của nước tiểu.

Đầu tiên, protein được cung cấp qua thực phẩm sẽ được enzyme protease của hệ tiêu hóa chuyển thành các axit amin. Axit amin được chuyển hóa thành các sản phẩm tiếp theo, trong đó có CO2 và NH3. NH3 tham gia chu trình urea tại gan, tạo thành sản phẩm cuối cùng là ure và một số chất độc. Cuối cùng, NH3 và các chất độc được thải bỏ ra khỏi cơ thể nhờ hệ tiết niệu, một phần nhỏ được bài tiết qua tuyến mồ hôi.

Chỉ số ure bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số ure được sử dụng để đo lượng ure tồn tại trong máu, qua đó đánh giá chức năng lọc máu của thận và chức năng hoạt động của gan. Chỉ số ure huyết bình thường ở khoảng 0,2 - 0,4 g/lít ( tức 2,5 - 7,5 mmol/l).

Nếu định lượng ure huyết biến đổi có thể phản ánh chức năng gan hoặc chức năng thận hoạt động không hiệu quả hoặc bị rối loạn do bệnh lý. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì chỉ số ure chưa đủ để đánh giá và chẩn đoán bệnh, nên bác sĩ sẽ cần chỉ định thêm một số xét nghiệm khác để đưa ra kết luận chính xác nhất.

Xét nghiệm ure là gì? Nguyên nhân dẫn tới biến đổi chỉ số ure là gì? 1 Chỉ số ure là gì là câu hỏi được nhiều bệnh nhân quan tâm

Nguyên nhân gây biến đổi chỉ số ure

Thay đổi sinh lý

Nếu mức ure trong máu thay đổi ngoài hạn mức bình thường có thể do phản ứng sinh lý, một số nguyên nhân thường gặp như:

  • Chế độ ăn nhiều protein (chất đạm) hoặc nghèo protein gây suy dinh dưỡng.
  • Biến đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai.
  • Ăn kiêng.
  • Uống ít nước khiến cơ thể trong trạng thái thiếu nước.
  • Căng thẳng, áp lực kéo dài.
Xét nghiệm ure là gì? Nguyên nhân dẫn tới biến đổi chỉ số ure là gì? 2 Chế độ ăn nhiều protein làm tăng nồng độ ure huyết sinh lý

Tăng ure huyết bệnh lý

Có rất nhiều nguyên nhân gây tăng ure huyết, một số bệnh lý có thể gặp bao gồm:

  • Suy thận cấp hoặc mãn tính.
  • Nhiễm trùng nặng.
  • Xuất huyết tiêu hóa.
  • Ngộ độc thủy ngân.
  • Lạm dụng một số loại thuốc điều trị như thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi niệu, thuốc cản quang…
Xét nghiệm ure là gì? Nguyên nhân dẫn tới biến đổi chỉ số ure là gì? 3 Suy thận là nguyên nhân phổ biến gây tăng ure huyết

Giảm ure huyết bệnh lý

Nguyên nhân gây giảm ure huyết có thể kể đến:

  • Suy giảm chức năng gan do xơ gan, viêm gan…
  • Hội chứng tiết ADH (vasopressin) không phù hợp.
  • Hội chứng giảm hấp thu.
  • Hội chứng thận hư.

Để chẩn đoán đúng nguyên nhân gây biến đổi định lượng ure trong máu, người bệnh cần kết hợp xét nghiệm ure huyết cùng các xét nghiệm khác, đồng thời tầm soát và phát hiện bệnh sớm, tránh biến chứng nặng.

Cách giúp ổn định nồng độ ure

Nếu nồng độ ure tăng hoặc giảm do phản ứng sinh lý, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh ổn định bằng các phương pháp áp dụng tại nhà.

Tuy nhiên, nếu xét nghiệm ure huyết ngoài giới hạn bình thường, đồng thời xuất hiện triệu chứng bệnh đáng lo ngại như tiểu nhiều, suy nhược cơ thể, sốt cao… Bạn cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, từ đó phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt

Đầu tiên, xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng không chỉ giúp ổn định nồng độ ure trong máu mà chúng còn giúp nâng cao toàn trạng cơ thể. Chế độ ăn uống hợp lý cung cấp đủ bốn nhóm thực phẩm thiết yếu, bao gồm:

  • Nhóm tinh bột.
  • Nhóm đạm.
  • Nhóm chất béo
  • Nhóm vitamin, khoáng chất và chất xơ.

Tăng cường cung cấp các loại rau xanh, hoa quả tươi đa dạng theo mùa. Đảm bảo tiêu thụ tối thiểu mỗi ngày là 400 gam rau quả tươi, màu sắc rau quả ăn đủ theo nguyên tắc bảy sắc cầu vồng.

Không nên ăn món ăn có quá nhiều muối hoặc đường, đặc biệt ở đối tượng có bệnh lý về tim mạch hoặc suy thận. Muối chỉ nên tiêu thụ tối đa một thìa cà phê tương đương 5 gam/ngày. Đường thì bạn chỉ nên sử dụng tối đa 12 thìa cà phê hay 50 gam/ngày.

Ngoài ra, hạn chế ăn các món chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn. Tránh các loại đồ uống, đồ ăn, chế phẩm chứa chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, rượu…

Thứ hai, quan trọng không kém là giấc ngủ. Giấc ngủ là nhu cầu thiết yếu dù người khỏe mạnh hay là bệnh nhân. Khi bạn có một giấc ngủ ngon từ 6 tới 8 tiếng mỗi đêm, hệ miễn dịch được tăng cường, đồng thời hệ nội tiết trong cơ thể cũng được điều hòa ổn định. 

Xét nghiệm ure là gì? Nguyên nhân dẫn tới biến đổi chỉ số ure là gì? 4 Chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh giúp ổn định nồng độ ure

Cuối cùng, tình trạng căng thẳng lâu ngày có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng nồng độ ure trong máu. Hạn chế làm việc quá sức, bạn có thể đan xen khoảng thời gian nhỏ để giải lao, thư giãn và làm những việc mình thích. Giảm bớt công việc khi về cuối ngày để vui chơi, trò chuyện cùng bạn bè, người thân và con cái sẽ giúp giải tỏa áp lực vô cùng hiệu quả.

Khám và điều trị bệnh lý

Nếu chỉ số ure huyết tăng cao do các bệnh lý mãn tính, bệnh lý gan hay thận, người bệnh cần tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bệnh. Bệnh nhân cần được thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng bởi bác sĩ, làm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác kết hợp với kết quả chỉ số ure. Từ đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp dựa vào tình trạng sức khỏe cũng như mức độ bệnh lý.

Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về câu hỏi “Chỉ số ure là gì?”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này.

Xét nghiệm ure là một xét nghiệm cận lâm sàng thường quy được thực hiện trên nhiều bệnh viện. Xét nghiệm ure kết hợp cùng một số xét nghiệm khác sẽ giúp bác sĩ đánh giá và chẩn đoán bệnh lý nếu có. Xét nghiệm ure huyết đặc biệt có ích trong việc phản ánh chức năng thải độc của hệ tiết niệu và gan. Nồng độ ure huyết biến đổi có thể do phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý cần được điều trị.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm