Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xước măng rô: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 13/02/2023
Kích thước chữ

Xước măng rô còn gọi là xước móng rô, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân gây ra. Bạn xem bài viết này để biết nguyên nhân và các mẹo chữa xước măng rô hiệu quả nhất.

Xước măng rô là tình trạng phần da quanh móng tay hoặc móng chân bị bong thành từng sợi. Nó gây mất thẩm mỹ và mang đến cảm giác đau rát, chảy máu thậm chí nhiễm khuẩn nếu không được chăm sóc đúng cách. Hiểu đúng được nguyên nhân gây xước móng rô, bạn sẽ tìm được cách điều trị triệt để.

Nguyên nhân xước măng rô

Tình trạng xước móng rô có thể gặp ở bất cứ ai, kể cả trẻ em dưới 1 tuổi. Khi bị xước móng rô, nhiều người cho rằng cơ thể đang bị thiếu chất. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hiện tượng này. Theo phân tích của các bác sĩ, xước móng rô có những nguyên nhân phổ biến dưới đây.

Thiếu vitamin C

Vitamin C là dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Tùy theo từng độ tuổi, giới tính mà nhu cầu vitamin C hàng ngày dành cho mỗi người từ 15mg đến 90mg. Thiếu hụt vitamin C sẽ làm đứt gãy quá trình sản sinh collagen, cản trở tái tạo mô. Biểu hiện ở da là xước móng rô, bong tróc da chân hoặc da tay. Các triệu chứng khác của thiếu vitamin C là chảy máu chân răng, dễ bị bầm tím dưới da.

xước măng rô 1
Thiếu vitamin C là nguyên nhân phổ biến nhất gây xước măng rô

Thiếu canxi và axit folic

Ít ai biết rằng thiếu canxi và axit folic cũng là nguyên nhân gây xước móng rô. Khi nồng độ canxi trong máu thấp hoặc cơ thể thiếu canxi, da sẽ khô và bong tróc bao gồm cả phần ở quanh móng tay, móng chân. Axit folic còn gọi là vitamin B9 có vai trò quan trọng để cơ thể sản xuất tế bào mới. Thiếu axit folic cũng làm da bị sần sùi, kém đàn hồi và xước móng rô.

Xước móng rô do tiếp xúc hóa chất

Trong quá trình làm việc, bàn tay và bàn chân có thể tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa như: Nước rửa bát, nước lau sàn, nước vệ sinh công nghiệp, nước tẩy sơn móng tay… Chúng làm mất độ ẩm của da, dẫn đến da nhanh lão hóa, khô ráp và xước móng rô.

Do bệnh lý về da

Các bệnh lý Eczema, nấm da, viêm da ở tay và chân cũng là nguyên nhân gây xước móng rô. Vi khuẩn, nấm làm tổn thương vùng da quanh móng chân, móng tay và bong thành từng sợi. Thậm chí chúng còn làm tổn thương cả móng.

Ngoài ra, xước móng rô còn có thể do thói quen cắn móng tay làm trầy xước da. Một số chị em phụ nữ cũng bị xước móng rô vào ngày kinh nguyệt. Đó là do nội tiết tố ở buồng trứng tăng cao làm giãn mao mạch ở đầu ngón tay.

Xước móng rô là hiện tượng thông thường và lành tính. Nó chủ yếu gây khó chịu, đau và chảy máu. Tuy nhiên, nếu không can thiệp hoặc chăm sóc cẩn thận, những vết xước có thể bị mưng mủ, nhiễm trùng.

xước măng rô 2
Xước móng rô gây đau rát hoặc chảy máu nếu bị nặng

Các cách chữa xước móng rô hiệu quả

Trước hết, bạn cần loại bỏ các sợi da bị xước và có biện pháp để chữa lành tổn thương trên da. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết chữa xước móng rô.

Cách xử lý khi bị xước móng rô

Loại bỏ xước móng rô bằng cách dùng kéo hoặc bấm móng tay. Lưu ý vệ sinh sạch sẽ dụng cụ trước khi làm và cắt bỏ tận chân của sợi da xước. Tuyệt đối không dùng tay để dứt ra. Nó có thể làm vết xước sâu hơn, chảy máu và đau đớn. Sau khi cắt da xước, bạn giữ gìn vệ sinh cho đầu ngón tay để tránh nhiễm khuẩn. Thực hiện tương tự nếu bị xước móng rô ở chân.

Sử dụng thuốc chữa xước măng rô

Thị trường có bán các loại kem dưỡng ẩm và chữa lành vết thương khi bị xước móng rô, đứt tay, trầy xước da. Bạn có thể đặt mua online hoặc đến các hiệu thuốc, cơ sở y tế để hỏi mua. Ưu điểm của thuốc là giảm đau rát ở vết xước, giúp da nhanh liền, không để lại sẹo. Thuốc cũng duy trì độ ẩm, tăng đàn hồi, chống viêm và ngăn ngừa nhiễm khuẩn ở vùng da bị trầy xước.

Mẹo chữa xước măng rô bằng vitamin E

Vitamin E có tác dụng làm giảm kích ứng, dưỡng ẩm để điều trị tình trạng khô da, lột da. Vitamin E cũng hỗ trợ sản sinh collagen, thúc đẩy làm liền vùng da bị xước móng rô. Khả năng chống oxy hóa của vitamin E còn tạo lớp bảo vệ để chống viêm, kháng khuẩn cho da. Để chữa xước móng rô, bạn cắt viên tinh dầu vitamin E và bôi một ít vào đầu ngón tay, ngón chân bị xước.

xước măng rô 3
Bôi vitamin E vào vết xước móng rô giúp giảm đau rát và nhanh lành da

Các cách phòng tránh xước móng rô

Xước móng rô sẽ tái đi tái lại nhiều lần nếu bạn không biết chăm sóc phần da ở đầu ngón tay. Để tránh bị xước móng rô, bạn áp dụng các biện pháp dưới đây.

Ngừng cắn móng tay

Hãy loại bỏ ngay lập tức thói quen cắn móng tay. Đây không chỉ là nguyên nhân gây xước móng rô mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, giun. Bởi đầu ngón tay là nơi có rất nhiều vi khuẩn, chất bẩn tích tụ.

Giảm tiếp xúc hóa chất

Nếu công việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa, bạn nên đeo găng tay bảo hộ hoặc ủng cao su. Tiếp xúc nhiều với hóa chất không chỉ gây xước móng rô. Chúng còn ăn mòn da, gây bong tróc hoặc ngứa ngáy, kích ứng và nổi mụn.

Bổ sung vitamin C, canxi và folic

Để phòng ngừa thiếu chất gây xước móng rô, bạn tăng cường bổ sung vitamin C, canxi hoặc folic. Thông qua ăn uống hàng ngày có các loại thực phẩm:

  • Giàu vitamin C: Súp lơ xanh, ớt chuông, măng tây, cải xoăn kale, kiwi, đu đủ, ổi, cam…
  • Giàu canxi: Sữa chua, phô phai, hạt hạnh nhân, tôm, cua, cá hồi, rau cải bina, giá đỗ…
  • Giàu axit folic: Cải xoăn, súp lơ xanh, các loại đậu, măng tây, cải bó xôi…

Bạn thể bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua thực phẩm chức năng. Thị trường có rất nhiều sản phẩm bổ sung canxi, vitamin C, axit folic dạng viên uống, dung dịch hoặc viên sủi.

xước măng rô 4
Viên uống bổ sung vitamin C Blackmores chiết xuất từ thiên nhiên

Ngoài ra, bạn nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ phần đầu ngón tay, ngón chân. Phòng tránh da bong tróc, xước móng rô bằng cách thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm. Lưu ý chọn kem dưỡng ẩm chiết xuất thiên nhiên dịu nhẹ cho da.

Áp dụng theo các cách được chia sẻ ở trên, hiện tượng xước măng rô sẽ được khắc phục hoàn toàn. Bạn có thể đến Nhà Thuốc Long Châu để tìm mua thực phẩm bổ sung vitamin C, canxi, folic hoặc sản phẩm dưỡng ẩm tay, chân nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.