Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Loạn sản cổ tử cung là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Loạn sản cổ tử cung là khi trên bề mặt cổ tử cung của bạn xuất hiện các tế bào bất thường. Nếu không được điều trị, loạn sản cổ tử cung có thể tiến triển dẫn đến ung thư cổ tử cung. Phát hiện và điều trị sớm loạn sản cổ tử cung, bạn có thể ngăn chặn những tế bào bất thường này trở thành ung thư.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Loạn sản cổ tử cung là gì?

Loạn sản cổ tử cung là dấu hiệu tiền ung thư trong đó trên bề mặt cổ tử cung của bạn xuất hiện các tế bào bất thường. Cổ tử cung là lỗ mở của tử cung và nằm ở cuối âm đạo. Loạn sản cổ tử cung còn được gọi là là tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN - Cervical Intraepithelial Neoplasia). “Trong biểu mô” có nghĩa là các tế bào bất thường hiện diện trên bề mặt biểu mô cổ tử cung và chưa xâm lấn qua lớp bề mặt đó. Từ “tân sinh” dùng để chỉ sự phát triển của các tế bào bất thường.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của loạn sản cổ tử cung

Loạn sản cổ tử cung thường không gây ra triệu chứng. Bác sĩ có thể chẩn đoán bạn mắc chứng loạn sản cổ tử cung sau khi phát hiện các tế bào bất thường trong quá trình phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) khi thăm khám định kỳ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám nếu bạn từ 21 tuổi trở lên và bạn chưa bao giờ được kiểm tra vùng chậu và làm xét nghiệm Pap.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến loạn sản cổ tử cung

Loạn sản cổ tử cung là dấu hiệu tiền ung thư của ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân là do sự nhiễm trùng dai dẳng HPV (Human Papillomavirus) ở biểu mô cổ tử cung. Loại phổ biến nhất là HPV 16, loại này chiếm 50% trường hợp ung thư cổ tử cung. HPV 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66 và 68 là các loại HPV gây ung thư khác. 

HPV là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và thường khỏi trong vòng 8 đến 24 tháng sau khi tiếp xúc. Nhiễm trùng dai dẳng dẫn đến chứng loạn sản, nếu không được điều trị có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Quá trình này thường diễn ra chậm và diễn ra trong vài năm. Do sự tiến triển chậm của bệnh nhiễm trùng có thể xác định và điều trị được nên có thể thực hiện sàng lọc định kỳ bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung và/hoặc xét nghiệm HPV tùy thuộc vào độ tuổi và tiền căn của người bệnh.

Loạn sản cổ tử cung là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa loạn sản cổ tử cung 4.png
Human Papillomavirus là nguyên nhân gây loạn sản cổ tử cung

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải loạn sản cổ tử cung?

Khoảng 250.000 đến 1 triệu phụ nữ chuyển giới ở Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc chứng loạn sản cổ tử cung mỗi năm. Bệnh lý này xảy ra thường xuyên nhất ở phụ nữ trẻ từ 18 - 30 tuổi, với tỷ lệ lưu hành giảm mạnh sau 30 tuổi. Hoạt động dị sản lớn nhất của cổ tử cung là ở tuổi dậy thì và lần mang thai đầu tiên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải loạn sản cổ tử cung

Nhiễm HPV dai dẳng là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ra bệnh loạn sản cổ tử cung, đặc biệt là loạn sản cổ tử cung từ trung bình đến nặng.

Ở phụ nữ, nguy cơ nhiễm HPV dai dẳng tăng lên có liên quan đến:

  • Bắt đầu hoạt động tình dục sớm;
  • Có nhiều bạn tình;
  • Có một bạn tình đã từng có nhiều bạn tình;
  • Quan hệ tình dục với một người đàn ông không cắt bao quy đầu.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm loạn sản cổ tử cung

Bởi vì việc khám vùng chậu thường là bình thường ở phụ nữ mắc chứng loạn sản cổ tử cung nên thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung là cần thiết để chẩn đoán tình trạng này.

Mặc dù chỉ xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung có thể xác định loạn sản cổ tử cung nhẹ, trung bình hoặc nặng, nhưng các xét nghiệm sâu hơn thường được yêu cầu để xác định việc theo dõi và điều trị thích hợp. Bao gồm:

  • Lặp lại xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung.
  • Soi cổ tử cung.
  • Nạo kênh cổ tử cung.
  • Sinh thiết chóp cổ tử cung hoặc khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP), được thực hiện để loại trừ ung thư xâm lấn. Trong quá trình sinh thiết chóp, bác sĩ sẽ lấy một mảnh mô để kiểm tra trong phòng xét nghiệm. Trong LEEP, bác sĩ sẽ cắt bỏ các mô bất thường bằng một vòng điện mỏng, điện áp thấp.
  • Xét nghiệm HPV DNA, có thể xác định các chủng HPV được biết là gây ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra, các bác sĩ sẽ chẩn đoán phân biệt loạn sản cổ tử cung với:

  • Viêm cổ tử cung;
  • Ung thư nội mạc tử cung;
  • Bệnh viêm vùng chậu;
  • Viêm âm đạo.
Loạn sản cổ tử cung là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa loạn sản cổ tử cung 5.png
Phết tế bào cổ tử cung giúp chẩn đoán loạn sản cổ tử cung

Điều trị loạn sản cổ tử cung

Có nhiều mức độ loạn sản cổ tử cung khác nhau. Dựa trên thuật ngữ biểu mô vảy hậu môn sinh dục dưới (Lower Anogenital Squamous Terminology - LAST), các nhà nghiên cứu bệnh học phân loại gọi tên tổn thương biểu mô vảy mức độ thấp (Low-grade squamous intraepithelial lesion - LSIL) hoặc tổn thương biểu mô vảy mức độ cao (High-grade squamous intraepithelial lesion - HSIL).

LSIL, thường được gọi là CIN1 hoặc loạn sản cổ tử cung nhẹ, không cần điều trị và cần được theo dõi thận trọng. Người bệnh mắc LSIL nên quay lại sau một năm để được kiểm tra lại. Điều này bao gồm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung lặp lại và xét nghiệm phân tử HPV vì phần lớn các tổn thương sẽ tự thoái triển.

HSIL, thường được gọi là CIN2, CIN3 hoặc CIS, thường được đề nghị phẫu thuật cắt bỏ để điều trị. Phần lớn các bác sĩ lâm sàng thực hiện các phương pháp cắt bỏ nhằm lấy mẫu mô để đánh giá. Các thủ thuật cắt bỏ nhằm đảm bảo xác định chẩn đoán bệnh ung thư tiềm ẩn và cung cấp phương pháp điều trị thích hợp.

Có thể thực hiện khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) để loại bỏ mô bất thường tại phòng khám. Khoét chóp cổ tử cung bằng dao lạnh (CKC) thường được thực hiện trong phòng phẫu thuật, sử dụng dao để cắt bỏ một phần mô hình nón của cổ tử cung.

Sau khi cắt bỏ hoàn toàn và kết quả âm tính, người bệnh cần được theo dõi hàng năm bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. Nếu phát hiện ra bệnh ung thư tiềm ẩn, kế hoạch điều trị sẽ được mở rộng và bác sĩ chuyên khoa Ung bướu sẽ tư vấn. Nếu thủ thuật cắt bỏ mang lại kết quả dương tính về biên LEEP, thì quyết định cắt bỏ lại hoặc theo dõi bảo tồn sẽ dựa trên tuổi và tình trạng sinh sản của người bệnh.

Loạn sản cổ tử cung là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa loạn sản cổ tử cung 6.png
Người bệnh loạn sản cổ tử cung nhẹ được tái khám và theo dõi định kỳ

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của loạn sản cổ tử cung

Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng cho người bị loạn sản cổ tử cung có thể giúp hỗ trợ quá trình điều trị và tăng cường sức khỏe tổng thể. Dưới đây là một số gợi ý:

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục: Thực hiện chế độ tập thể dục đều đặn. Đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc tham gia vào hoạt động vận động khác có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ quá trình điều trị.
  • Kiểm tra định kỳ: Điều quan trọng là tuân thủ lịch kiểm tra định kỳ và theo dõi sự phát triển của loạn sản cổ tử cung.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Dinh dưỡng cân bằng: Tập trung vào việc ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và cân bằng, bao gồm nhiều rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ và các nguồn protein chất lượng như thịt gà, cá, đậu, hạt và các sản phẩm từ sữa. Hạn chế tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh và thức ăn chứa nhiều đường.
  • Vitamin và khoáng chất: Đảm bảo cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các nguồn vitamin C, vitamin E, beta-carotene và axit folic có thể hỗ trợ sức khỏe tổng thể và hệ thống miễn dịch. Hãy cân nhắc sử dụng thực phẩm giàu vitamin như cam, dứa, cà chua, cà rốt, hạt chia và các nguồn thực phẩm giàu axit folic như rau xanh lá, đậu, lúa mạch, và các loại hạt.
  • Hạn chế hút thuốc lá và cồn: Ngừng hút thuốc lá và hạn chế tiêu thụ cồn. Thuốc lá và cồn có thể tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng đến quá trình điều trị của loạn sản cổ tử cung.

Lưu ý rằng đây chỉ là lời khuyên tổng quát và tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và chỉ định của từng người. Hãy tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên cá nhân hóa và phù hợp với trường hợp của bạn.

Phòng ngừa loạn sản cổ tử cung

Bạn nên hỏi bác sĩ về việc tiêm ngừa vắc xin HPV. Những người phụ nữ được tiêm vắc xin này trước khi hoạt động tình dục làm giảm khả năng bị ung thư cổ tử cung.

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc loạn sản cổ tử cung bằng cách thực hiện các bước sau:

  • Tiêm vắc xin HPV trong độ tuổi từ 9 đến 45.
  • Không hút thuốc lá. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc loạn sản cổ tử cung và ung thư nghiêm trọng hơn.
  • Không quan hệ tình dục cho đến khi bạn từ 18 tuổi trở lên.
  • Quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su).
  • Thực hiện chế độ một vợ một chồng.
Loạn sản cổ tử cung là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa loạn sản cổ tử cung 7.png
Tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa loạn sản cổ tử cung

Các câu hỏi thường gặp về loạn sản cổ tử cung

Tôi được chẩn đoán loạn sản cổ tử cung, nó là gì?

Được chẩn đoán mắc chứng loạn sản cổ tử cung có nghĩa là bạn có các tế bào bất thường trên cổ tử cung và có thể trở thành ung thư cổ tử cung. Các bước xử trí tiếp theo tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, sức khỏe của bạn và các yếu tố khác. Bác sĩ điều trị chính của bạn sẽ cung cấp thông tin cụ thể cho bạn.

Tôi có thể nhận thấy mình mắc loạn sản cổ tử cung không?

Không. Loạn sản cổ tử cung không gây ra triệu chứng. Các tế bào bất thường được tìm thấy trong quá trình xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, thường là dấu hiệu đầu tiên của tình trạng này.

Loạn sản cổ tử cung nghiêm trọng đến mức nào?

Nghe thấy từ “tiền ung thư” có thể đáng sợ nhưng điều quan trọng cần nhớ là hầu hết những người mắc chứng loạn sản cổ tử cung đều không bị ung thư. Nhận được chẩn đoán loạn sản cổ tử cung có nghĩa là bạn có thể, chứ không phải là bạn sẽ mắc ung thư cổ tử cung nếu bạn không có các phương pháp điều trị được khuyến nghị. Nếu ung thư hình thành, phải mất nhiều năm để phát triển, giúp bác sĩ của bạn có thời gian theo dõi, tìm và loại bỏ các mô có vấn đề.

Các phân loại của loạn sản cổ tử cung là gì?

Loạn sản cổ tử cung từng được phân loại là nhẹ, trung bình hoặc nặng, dựa trên nguy cơ các tế bào bất thường sẽ trở thành ung thư. Tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN) được phân loại theo thang điểm từ một đến ba.

  • CIN1: Các tế bào bất thường ảnh hưởng đến khoảng 1/3 độ dày của biểu mô.
  • CIN2: Các tế bào bất thường ảnh hưởng từ khoảng 1/3 đến 2/3 độ dày của biểu mô.
  • CIN3: Các tế bào bất thường ảnh hưởng đến hơn 2/3 độ dày của biểu mô.

Loạn sản cổ tử cung CIN1 hiếm khi trở thành ung thư và thường tự khỏi. CIN2 và 3 có nhiều khả năng, cần được điều trị để ngăn ngừa ung thư.

Loạn sản cổ tử cung có thể chữa khỏi được không?

Có thể. Loại bỏ hoặc tiêu diệt các tế bào bất thường sẽ chữa khỏi chứng loạn sản cổ tử cung trong khoảng 90% trường hợp. Chứng loạn sản cổ tử cung hiếm khi tiến triển thành ung thư. Khi nó tiến triển, nó diễn ra rất chậm, cho phép bác sĩ điều trị của bạn có thời gian can thiệp.

Nguồn tham khảo
  1. Cervical Dysplasia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430859/
  2. Treatment for Low to High-Grade Cervical Dysplasia: https://www.verywellhealth.com/cervical-dysplasia-7547993
  3. Cervical Dysplasia: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15678-cervical-intraepithelial-neoplasia-cin
  4. Cervical Dysplasia: https://www.webmd.com/cancer/cervical-cancer/cervical-dysplasia-symptoms-causes-treatments
  5. Cervical dysplasia: https://medlineplus.gov/ency/article/001491.htm

Các bệnh liên quan

  1. Sùi mào gà

  2. Tinh hoàn lạc chỗ

  3. Viêm tinh hoàn

  4. Sa sinh dục

  5. Không có tinh trùng

  6. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính

  7. Đau tinh hoàn

  8. Giang mai

  9. U tinh hoàn

  10. Vô kinh