Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sa tử cung khi mang thai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sa tử cung khi mang thai rất hiếm gặp, với tỷ lệ ước tính là 1/10.000 đến 15.000 trường hợp mang thai. Thông thường, dây chằng và cơ sàn chậu sẽ giữ tử cung ở đúng vị trí trong khung chậu. Khi các cơ, dây chằng này bị suy yếu do tổn thương hoặc bị giãn có thể gây sa tử cung vào âm đạo. Việc điều trị tùy theo mức độ của sa tử cung.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sa tử cung khi mang thai là gì?

Tử cung (dạ con) của người phụ nữ, nơi chứa bào thai, là một bộ phận được hỗ trợ bên trong khung chậu bởi nhiều mô cơ và dây chằng. Một số yếu tố khi mang thai có thể khiến các cơ và dây chằng này yếu đi hoặc giãn ra. Khi thiếu đi sự hỗ trợ của cơ và dây chằng tử cung sẽ rời khỏi vị trí ban đầu và đi xuống âm đạo. Tình trạng bệnh lý này của tử cung được gọi là sa tử cung. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tỷ lệ Sa tử cung khi mang thai là rất hiếm.

Sa tử cung thường có hai loại:

  • Sa tử cung hoàn toàn: Sa tử cung hoàn toàn xảy ra khi tử cung sa xuống đến mức nhô ra ngoài cửa âm đạo.
  • Sa tử cung không hoàn toàn: Sa tử cung không hoàn toàn xảy ra khi tử cung sa xuống một phần vào âm đạo nhưng không đến mức ra ngoài cửa âm đạo.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sa tử cung khi mang thai

Một số triệu chứng của sa tử cung khi mang thai mà bạn có thể gặp, bao gồm:

  • Một khối mềm nhô ra có thể nhìn thấy từ âm đạo;
  • Tăng tiết dịch từ âm đạo (trong tam cá nguyệt thứ hai);
  • Cảm giác căng trướng ở âm đạo;
  • Nặng vùng chậu;
  • Đau lưng;
  • Tiểu không tự chủ, cảm giác tiểu không hết nước tiểu.

Sa tử cung hiếm khi xảy ra trước khi mang thai. Nếu có, nó có thể biến mất khi mang thai nhưng có thể tái phát sau khi sinh.

Biến chứng có thể gặp khi bị sa tử cung khi mang thai

Sa tử cung khi mang thai có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Chuyển dạ sinh non;
  • Khó khăn trong quá trình chuyển dạ và sinh nở;
  • Khó chịu ở cổ tử cung;
  • Cổ tử cung khô và loét;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu;
  • Bí tiểu cấp tính;
  • Nhiễm trùng sơ sinh;
  • Băng huyết sau sinh.

Những trường hợp sa tử cung phức tạp có thể gây sẩy thai. Các biến chứng có thể xảy ra ngay cả sau khi sinh con. Nhưng đừng quá lo lắng vì các triệu chứng của sa tử cung hiếm khi bị bỏ qua và bạn có thể cảm nhận được nó trước khi bệnh trở nên nặng hơn.

Sa TC khi mang thai 4.jpeg
Sa tử cung khi mang thai có thể gây biến chứng chuyển dạ sinh non

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các triệu chứng của sa tử cung thường dễ thấy nhất trong tam cá nguyệt thứ ba. Hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ ngay khi bạn phát hiện hoặc cảm thấy các triệu chứng này. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sa tử cung khi mang thai

Nguyên nhân gây sa tử cung khi mang thai cũng giống như những nguyên nhân xảy ra trong cuộc sống hàng ngày mà có thể gây yếu cơ vùng chậu:

  • Chấn thương cơ vùng chậu: Cơ có thể bị căng và yếu đi khi sinh qua đường âm đạo (sinh thường). Nó làm tăng nguy cơ sa tử cung ở những lần mang thai tiếp theo.
  • Mang thai nhiều lần và/hoặc sinh con/mang thai tiếp theo trong khoảng thời gian ngắn.
  • Sinh con to bằng phương pháp sinh thường.
  • Rối loạn mô liên kết bẩm sinh: Những bệnh này có thể khiến cơ và dây chằng vùng chậu yếu, làm tăng nguy cơ sa tử cung.
  • Thay đổi sinh lý của tử cung, dây chằng và cơ của cơ thể khi mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể khiến dây chằng giãn ra và có thể làm tăng nguy cơ sa tử cung.
  • Tăng áp lực trong ổ bụng mạn tính: Điều này có thể là do tăng áp lực ổ bụng kéo dài khi đi đại tiện hoặc khiêng vác vật nặng.
Sa TC khi mang thai 2.jpeg
Sinh con to bằng phương pháp sinh thường là nguyên nhân gây sa tử cung 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sa tử cung khi mang thai?

Có khá ít tài liệu khoa học về sa tử cung khi mang thai vì nó hiếm khi xảy ra. Có thể khó nói tại sao một số phụ nữ mang thai lại mắc phải tình trạng này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sa tử cung khi mang thai

Các yếu tố như tuổi mẹ khi mang thai cao, chỉ số BMI cao, tăng áp lực trong ổ bụng, tiền sử yếu cơ vùng chậu bẩm sinh có thể khiến một số phụ nữ mang thai có nguy cơ bị sa tử cung cao hơn.

Ngoài ra, một phụ nữ có tiền căn bị chấn thương vùng chậu khi sinh khó hoặc chuyển dạ kéo dài trong lần sinh nở qua đường âm đạo cũng có nguy cơ cao hơn.

Sự thay đổi hormone thai kỳ có thể dẫn đến tăng nồng độ progesterone, cortisol và relaxin trong một số trường hợp, gây ra hiện tượng phì đại cổ tử cung, có thể ảnh hưởng xấu đến các cơ vùng chậu giữ tử cung và gây sa tử cung.

Sa TC khi mang thai 1.jpeg
Tuổi mẹ khi mang thai cao làm tăng nguy cơ mắc phải sa tử cung

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sa tử cung khi mang thai

Bác sĩ có thể chẩn đoán sa tử cung khi khám vùng chậu bằng cách đưa mỏ vịt vào để kiểm tra âm đạo và cổ tử cung. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn rặn xuống như thể đang đi tiêu, làm như vậy có thể giúp bác sĩ đánh giá tử cung đã rơi vào âm đạo bao nhiêu phần. 

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn làm động tác gồng cứng cơ vùng chậu như lúc bạn đang kiểm soát dòng nước tiểu để xác định sức cơ hoặc độ săn chắc của cơ vùng chậu.

Sa TC khi mang thai 5.jpeg
Bác sĩ sử dụng mỏ vịt để thăm khám âm đạo và cổ tử cung

Phương pháp điều trị sa tử cung khi mang thai hiệu quả

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn sa tử cung, tuổi thai và liệu người bệnh có bất kỳ biến chứng nào khác hay không. Bác sĩ có thể đề xuất các biện pháp điều trị và chăm sóc sau đây trong thời kỳ mang thai:

  • Duy trì vệ sinh bộ phận sinh dục có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và các biến chứng khác.
  • Bác sĩ có thể đặt một dụng cụ nhỏ gọi là vòng nâng pessary vào âm đạo để ngăn tử cung tụt xuống. Vòng nâng được giữ nguyên cho đến khi bắt đầu chuyển dạ.
  • Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật bằng nội soi để tử cung được cố định trở lại vị trí ban đầu. Nếu tình trạng sa tử cung vẫn tồn tại ngay cả khi bạn đã đến gần ngày dự sinh, bác sĩ có thể xem xét các biện pháp can thiệp sản khoa như mổ lấy thai để ngăn ngừa biến chứng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sa tử cung khi mang thai

Chế độ sinh hoạt:

Khi bị sa tử cung khi mang thai, việc tuân thủ một số chế độ sinh hoạt có thể hỗ trợ quá trình phục hồi sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, tốt nhất cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để nhận được hướng dẫn cụ thể dựa trên tình trạng cụ thể của bạn. Dưới đây là một số lời khuyên chung:

  • Nghỉ ngơi: Hãy dành thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi. Hạn chế các hoạt động căng thẳng như tập thể dục mạnh, nâng đồ nặng hoặc hoạt động có tác động mạnh lên cơ vùng chậu và ngủ đủ giấc.
  • Tránh tình trạng căng thẳng: Hạn chế các tác động căng thẳng và stress tâm lý. Thực hiện các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền, hoặc các hoạt động giải trí nhẹ nhàng khác.
  • Hỗ trợ tình cảm: Được hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và các nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn khi bị sa tử cung.
  • Theo dõi sức khỏe: Thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tuân thủ lịch hẹn khám của bác sĩ để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra tốt.
Sa TC khi mang thai 6.jpeg
Người bệnh sa tử cung khi mang thai cần được hỗ trợ tâm lý từ người thân và xã hội

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng để hỗ trợ quá trình phục hồi sức khỏe của bạn. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng:

  • Cung cấp đủ chất dinh dưỡng: Hãy đảm bảo cung cấp đủ protein, carbohydrates, chất béo, vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn hàng ngày của bạn. Rau, trái cây, ngũ cốc, thực phẩm giàu chất sắt như thịt, cá, đậu và các loại hạt là những nguồn dinh dưỡng quan trọng.
  • Tăng cường chất chống oxy hóa: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như các loại trái cây và rau xanh. Các chất chống oxy hóa có thể giúp giảm việc tổn thương tế bào và hỗ trợ phục hồi.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo cung cấp đủ lượng nước hàng ngày để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể. Hạn chế uống các đồ uống có cồn và đồ uống có nồng độ cafein cao.
  • Hạn chế thức ăn chế biến sẵn: Tránh thực phẩm chế biến công nghiệp, thức ăn nhanh và thực phẩm có chứa chất bảo quản và phẩm màu nhân tạo. Thay vào đó, tập trung vào thực phẩm tươi và tự nhiên.
  • Hạn chế chất kích thích: Tránh thức ăn có chứa chất kích thích như cafein và đồ ngọt có đường. Chất kích thích có thể gây ra các biến động năng lượng và ảnh hưởng đến cân bằng hormone.
  • Tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng: Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng và nhu cầu cụ thể của bạn.

Luôn lưu ý rằng mỗi trường hợp sa tử cung khi mang thai là khác nhau, vì vậy hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để nhận được hướng dẫn cụ thể và tư vấn chăm sóc tốt nhất cho bạn.

Phương pháp phòng ngừa sa tử cung khi mang thai hiệu quả

Không có cách nào cụ thể để ngăn ngừa sa tử cung. Tuân thủ một số biện pháp phòng ngừa nhất định và thực hiện một số thay đổi trong lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sa tử cung khi mang thai. Sau đây là một số cách bạn có thể chăm sóc sức khỏe của mình:

  • Giảm cân nếu bạn đang thừa cân;
  • Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ và chất lỏng trong chế độ ăn uống của bạn để tránh táo bón;
  • Tránh nâng vác vật nặng;
  • Hãy đến khám bác sĩ trong trường hợp bạn bị ho mạn tính vì nó có thể làm căng các cơ và trong đó có cơ vùng chậu;
  • Trong trường hợp nhẹ, bạn có thể thực hiện các bài tập Kegel để tăng sức cơ sàn chậu. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu trước khi thực hiện bất kỳ bài tập nào trong thai kỳ.
Sa TC khi mang thai 7.jpeg
Thực hiện các bài tập Kegel để giúp tăng cường sức cơ vùng chậu
Nguồn tham khảo
  1. Uterine Prolapse During Pregnancy: Stages And Its Treatment: https://www.momjunction.com/articles/uterine-prolapse-during-pregnancy_00364666/
  2. Causes and Symptoms of Uterine Prolapse in Pregnancy: https://pnsingapore.com/blog/causes-and-symptoms-of-uterine-prolapse-in-pregnancy/
  3. Uterine Prolapse During Pregnancy: https://parenting.firstcry.com/articles/uterine-prolapse-during-pregnancy/
  4. Uterine Prolapse in Pregnancy: Two Cases Report and Literature Review: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC621787/
  5. Management of pelvic organ prolapse during pregnancy: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2214911222000418

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng tiền kinh nguyệt

  2. Thai lưu

  3. Ung thư cổ tử cung

  4. Viêm âm đạo

  5. Polyp tử cung

  6. Nám nội tiết

  7. Nhau bong non

  8. Hội chứng tiền mãn kinh

  9. Đa ối

  10. Nhiễm trùng ối