Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm tuyến vú là gì? Những vấn đề cần biết về viêm tuyến vú

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm tuyến vú gây viêm mô vú và đôi khi xảy ra có liên quan đến nhiễm trùng vú. Đây là một bệnh lý không lây nhiễm. Do phản ứng viêm người bị viêm tuyến vú thường đau vú, căng tức, mẩn đỏ và đôi khi có thể bị sốt hoặc ớn lạnh. Viêm tuyến vú là một tình trạng khá phổ biến, cứ 10 người đang cho con bú ở Hoa Kỳ thì có đến 1 người bị viêm vú khi cho con. Tình trạng này thường xuất hiện trong khoảng 1-3 tháng sau khi em bé chào đời. Viêm tuyến vú ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé đồng thời kiến mẹ thêm bối rối khi chăm sóc trẻ. Bài viết dưới đây cung cấp một số thông tin cơ bản về bệnh lý này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm tuyến vú là gì?

Tuyến vú là một tuyến lớn ở thành ngực, nằm phía trên cơ ngực lớn. Tuyến được xem là thành phần phụ của da có vai trò sản xuất sữa. Vú có dạng hình bán cầu và chóp của hình bán cầu là quần vú và núm vú. Bầu vú được tạo bởi mô tuyến vú và mô mỡ - mô liên kết. Tỷ lệ các thành phần này sẽ thay đổi theo độ tuổi, thai kỳ và cho con bú. Núm vú là nơi đổ ra của ống tuyến vú.

Viêm tuyến vú là tình trạng viêm có thể liên quan đến vi trùng hoặc không, nguyên nhân thường gặp là do ống dẫn sữa bị tắc. Khi sữa mẹ không thể chảy ra khỏi núm vú do sự tắc nghẽn ống tiết sữa và sữa dư thừa sẽ ép vào các mô vú xung quanh gây ra viêm.

Triệu chứng

Những triệu chứng của viêm tuyến vú

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm vú có thể xuất hiện đột ngột hay kéo dài nhiều ngày:

  • Sốt;
  • Đau vú;
  • Ấm nóng khi chạm vào;
  • Sưng vú;
  • Da vú đỏ;
  • Mô vú dày lên hoặc có khối u ở vú;
  • Đau hoặc cảm giác nóng rát liên tục hoặc tăng lên khi cho con bú.
Viêm tuyến vú là gì? Những vấn đề cần biết về viêm tuyến vú 1
Sưng nóng đỏ vùng vú là dấu hiệu viêm tuyến vú

Tác động của viêm tuyến vú đối với sức khỏe

Viêm tuyến vú khi cho con bú có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, gây khó khăn cho việc chăm sóc con. Đôi khi bệnh viêm tuyến vú khiến người mẹ phải cai sữa cho con trước khi trẻ đủ khả năng ngưng bú.

Biến chứng có thể gặp viêm tuyến vú

Viêm tuyến vú không được điều trị thích hợp hoặc do ống dẫn sữa bị tắc có thể gây ra áp xe vú và thường cần phải phẫu thuật dẫn lưu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nghi ngờ mình bị viêm vú, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Có thể khó phân biệt giữa viêm đơn giản và nhiễm trùng do vi khuẩn ở giai đoạn đầu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm tuyến vú

Viêm tuyến vú cấp tính thường gặp nhất là ở những phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú. Trong thời gian cho con bú các hormone trong cơ thể người mẹ được giải phóng để tạo ra dòng sữa. Prolactin khiến tuyến nang lấy protein và đường từ máu và biến chúng thành sữa mẹ. Sau đó, oxytocin được giải phóng khiến các tế bào cơ trơn xung quanh tuyến nang co lại và đẩy sữa mạch sữa và ống dẫn sữa Khi nguồn sữa bị mắc kẹt trong ống dẫn sữa và không thể thoát ra ngoài sẽ gây ra viêm vú.

Viêm vú có nhiễm trùng có thể là do tiết sữa (sau sinh) hoặc không do tiết sữa (ví dụ giãn ống dẫn sữa). Nguyên nhân gây viêm vú không nhiễm trùng bao gồm viêm u hạt vô căn và các tình trạng viêm khác (ví dụ phản ứng với vật thể lạ).

Các nguyên nhân khác gây viêm vú:

  • Một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn: Trong thời gian cho con bú, vi khuẩn từ da người mẹ và miệng của bé có thể xâm nhập vào ống dẫn sữa qua lỗ hở hoặc da núm vú bị nứt. Sữa ứ đọng ở vú trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn. Ngoài thời kỳ cho con bú thì vi khuẩn có thể xâm nhập qua các tổn thương sẵn có ở da núm vú (như chàm) gây viêm tuyến vú cấp tính. Các tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là Staphylococcus aureus. Nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể xảy ra ở những người không cho con bú, đặc biệt là sau khi mãn kinh. Các ống dẫn bên dưới núm vú có thể bị viêm hoặc bị tắc do tế bào da chết do thay đổi nội tiết tố.
  • Tổn thương núm vú: Nếu núm vú bị nứt hoặc tổn thương sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại xâm nhập vào vú và gây viêm vú truyền nhiễm.
Viêm tuyến vú là gì? Những vấn đề cần biết về viêm tuyến vú 2
Staphylococcus aureus là nguyên nhân phổ biến gây viêm tuyến vú

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tuyến vú?

Viêm vú là một tình trạng phổ biến chiếm ưu thế trong thời kỳ hậu sản. Vì thế phụ nữ đang cho con bú là đối tượng dễ mắc viêm tuyến vú.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm tuyến vú

Các yếu tố nguy cơ gây viêm tuyến vú bao gồm:

  • Bị viêm vú trước đó.
  • Núm vú bị đau hoặc nứt.
  • Mặc áo ngực bó sát.
  • Kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh vú không đúng.
  • Bệnh tiểu đường hoặc các bệnh tự miễn.
  • Quá mệt mỏi hoặc căng thẳng.
  • Dinh dưỡng kém.
  • Hút thuốc.
  • Cấy ghép vú hoặc xỏ khuyên ở núm vú.
  • Tình trạng da như bệnh chàm.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tuyến vú

Để chẩn đoán bệnh viêm vú các bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bạn gặp phải, tiến hành thăm khám vú. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ không cần thêm xét nghiệm để chẩn đoán viêm tuyến vú. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp phức tạp một số cận lâm sàng sau có thể cần thực hiện:

  • Nuôi cấy sữa mẹ: Bác sĩ sẽ lấy mẫu sữa của mẹ để xác định loại vi khuẩn gây bệnh từ đo chọn loại kháng sinh tốt nhất để điều trị. Cận lâm sàng này có thể được thực hiện nếu nhiễm trùng nặng, xảy ra trong bệnh viện hoặc không đáp ứng với kháng sinh trước đó.
  • Siêu âm vú: Cận lâm sàng hình ảnh không xâm lấn này cho phép bác sĩ hình dung yếu tố gây tắc nghẽn bên trong vú và liệu đó có phải là áp xe vú hay không. Bạn có thể cần siêu âm vú nếu bệnh viêm vú có liên quan đến việc cho con bú bằng sữa mẹ và tình trạng bệnh không thuyên giảm sau khi điều trị 48 đến 72 giờ.
  • Nuôi cấy máu: Cận lâm sàng này sẽ được thực hiện nếu vết đỏ ở ngực tiếp tục lan rộng hoặc các dấu hiệu sinh tồn (huyết áp, nhịp thở, tần số tim, SpO2, nhiệt độ) bạn trở nên không ổn định gợi ý tình trạng nhiễm trùng huyết.

Phương pháp điều trị viêm tuyến vú

Thuốc

Nếu các triệu chứng không nghiêm trọng hoặc kéo dài và không có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân (kết quả cấy âm tính) thì bệnh nhân không cần điều trị thêm. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài việc điều trị là cần thiết. Điều trị viêm vú thường bao gồm thuốc kháng sinh và các thuốc kháng viêm, giảm đau để giảm bớt các triệu chứng.

Nếu các triệu chứng nặng, kéo dài hoặc có dấu hiệu bệnh toàn thân, bệnh nhân nên được điều trị bằng kháng sinh tùy theo kết quả nuôi cấy và độ nhạy cảm với kháng sinh. Trong một số trường hợp bệnh nhân cũng có thể cần điều trị bằng thuốc chống nấm (mẹ và trẻ sơ sinh) đối với bệnh nấm candida ở núm vú.

Tetracycline, ciprofloxacin và cloramphenicol là những thuốc kháng sinh không thích hợp để điều trị nhiễm trùng vú khi cho con bú vì những thuốc này có thể xâm nhập vào sữa mẹ và gây hại cho em bé. Các bác sĩ thường sẽ đề nghị điều trị bằng kháng sinh như dicloxacillin, erythromycin hoặc clindamycin. Để điều trị hiệu quả bạn hãy đảm bảo uống hết thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để giảm nguy cơ bị viêm vú tái phát.

Đôi khi thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) hoặc thuốc giảm đau cũng được khuyên dùng để giảm triệu chứng sưng đau.

Dẫn lưu

Nếu bạn bị áp xe vú do nhiễm trùng vú nặng người mắc bệnh có thể cần phải rạch và dẫn lưu dịch ra khỏi vú.

Tiếp tục cho con bú

Viêm vú khi cho con bú có thể là việc khó khăn và gây đau đớn cho mẹ nhưng tiếp tục cho con bú là cần thiết để duy trì sức khỏe của bạn và con bạn. Đặc biệt bạn nên đến khám bác sĩ để được điều trị và hướng dẫn chăm sóc bé và bản thân tốt hơn.

Các biện pháp khác

Trong quá trình sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau để giúp giảm bớt sự khó chịu do viêm vú khi cho con bú bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Chườm lạnh lên ngực sau khi cho con bú, không nên chườm lạnh trước khi bú vì độ lạnh có thể làm chậm quá trình sản xuất sữa.
  • Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
  • Mặc áo ngực phù hợp tránh áp lực lên ngực.
  • Nếu được điều trị thích hợp bệnh viêm tuyến vú thường bắt đầu khỏi sau vài ngày.
Viêm tuyến vú là gì? Những vấn đề cần biết về viêm tuyến vú 3
Chườm lạnh giúp giảm triệu chứng viêm ở vú

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tuyến vú

Để hạn chế diễn tiến viêm tuyến vú bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Vệ sinh vú đúng cách.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng và chườm lạnh.
  • Cho trẻ bú thường xuyên hơn tránh để căng nặng vú.
  • Đến khám bác sĩ sớm và tuân thủ điều trị.

Phương pháp phòng ngừa viêm tuyến vú hiệu quả

Để giảm thiểu nguy cơ bị viêm vú bạn có thể thực hiện theo những lời khuyên sau:

  • Gặp bác sĩ để được tư vấn các vấn đề thường gặp trong lúc nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Cho con bú thường xuyên theo nhu cầu của trẻ.
  • Hút hết sữa ra khỏi ngực khi trẻ bú không hết và ngực của bạn còn cảm giác căng tức.
  • Cho phép bé bú hết một bên vú trước khi chuyển sang bên kia trong khi bú.
  • Thay đổi tư thế cho con bú từ lần bú này sang lần bú tiếp theo.
  • Hãy chắc chắn rằng trẻ ngậm đúng cách trong khi bú để tránh tổn thương vú của bạn.
  • Ngừng hút thuốc lá.
Viêm tuyến vú là gì? Những vấn đề cần biết về viêm tuyến vú 4
Hãy chắc chắn rằng trẻ ngậm đúng cách trong khi bú để tránh tổn thương vú của bạn
Nguồn tham khảo
  1. Mastitis: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mastitis/symptoms-causes/syc-20374829
  2. Mastitis: https://www.nhs.uk/conditions/mastitis/
  3. What Is a Breast Infection?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/324016
  4. What Is a Breast Infection?: https://www.healthline.com/health/breast-infection
  5. Breast Infection: A Review of Diagnosis and Management Practices: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6092150/

Các bệnh liên quan

  1. U cơ trơn tử cung

  2. Ung thư nội mạc tử cung

  3. Ứ dịch vòi trứng

  4. Phô dâm

  5. Hội chứng tiền kinh nguyệt

  6. Bệnh lùn tuyến yên

  7. Xuất tinh muộn

  8. Đau bụng kinh

  9. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

  10. U tinh hoàn