Long Châu

Thế nào là viễn thị? Cần làm gì khi bị viễn thị?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của mỗi người. Mọi vấn đề về mắt đều gây bất tiện đến cuộc sống chúng ta, thậm chí là gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Viễn thị là một trong các tật khúc xạ của mắt làm người bệnh nhìn những thứ ở xa tốt hơn là nhìn gần. Khi cảm thấy các bất thường về thị lực, cần đi khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viễn thị là gì? 

Viễn thị là một tật khúc xạ của mắt, khi đó người bệnh không nhìn rõ những gì ở gần nhưng lại nhìn tốt các vật ở xa.

Viễn thị thường có khả năng di truyền.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viễn thị

Khi bị viễn thị, bệnh nhân thường có các triệu chứng sau:

  • Nhìn mờ những thứ ở gần.

  • Cần phải nheo mắt, điều tiết mắt nhiều để nhìn rõ.

  • Mỏi mắt, rát mắt, đau nhức mắt hoặc xung quanh mắt.

  • Mắt bị khó chịu hoặc đau đầu khi đọc, viết, nhìn màn hình máy tính trong 1 thời gian hoặc khi tập trung nhìn vào vật ở gần.

  • Mắt dễ bị nhạy cảm với ánh sáng mạnh.

Tác động của Viễn thị đối với sức khỏe 

Gây khó chịu ở mắt khi phải điều tiết quá mức để nhìn gần.

Ở trẻ em, khi chưa phát hiện và điều trị kịp thời, viễn thị có thể gây lác mắt ở các trường hợp nặng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viễn thị

Người lớn thường không bị biến chứng do viễn thị nhưng bệnh này lại có thể dẫn đến 1 số vấn đề ở trẻ em nếu không phát hiện kịp thời như:

  • Giảm thị lực.

  • Lác mắt.

  • Chậm phát triển.

  • Ảnh hưởng đến việc học tập.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viễn thị

Khi giác mạc quá dẹt hoặc trục nhãn cầu quá ngắn hoặc cả 2 trường hợp trên, dẫn đến ánh sáng hội tụ ở phía sau võng mạc thay vì tập trung ở võng mạc, làm mọi thứ trở nên mờ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viễn thị?

Viễn thị có thể di truyền, do đó những người có tiền sử gia đình bị viễn thị khả năng cao cũng mắc phải bệnh này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viễn thị

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viễn thị, bao gồm:

  • Di truyền.

  • Tuổi tác: Thủy tinh thể của người cao tuổi bị lão hóa, giảm độ đàn hồi, không phồng lên được.

  • Người đang mắc các bệnh mạn tính (đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch…) hoặc các bệnh về mắt khác (khối u ở mắt, bệnh lý võng mạc).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viễn thị

Khám mắt theo quy trình cơ bản với bác sĩ có chuyên môn. Bác sĩ sẽ kiểm tra thị lực bằng cách cho bệnh nhân đọc các chữ/ký tự trên bảng đo thị lực ở các khoảng cách khác nhau. 

Tùy thuộc vào kết quả, bác sĩ có thể đề nghị nhỏ thuốc giãn đồng tử để soi đáy mắt.

Theo Viện nhãn khoa Hoa Kỳ, người trưởng thành không có vấn đề về thị lực nên đi khám mắt ở tuổi 40. Từ 40 – 54 tuổi, kiểm tra mắt 2 – 4 năm/lần. Từ 55 – 64 tuổi, kiểm tra mắt 1 – 3 năm/lần. Từ 65 tuổi trở đi, kiểm tra mắt 1 – 2 năm/lần. Ở bệnh nhân đái tháo đường, cao huyết áp, tiền sử gia đình có các bệnh về mắt, nên đi khám mắt thường xuyên hơn khuyến cáo.

Kiểm tra mắt ở trẻ sơ sinh từ 6 tháng – 1 tuổi. Cần kiểm tra mắt ở trẻ từ 3 – 3,5 tuổi, trước khi bắt đầu đi học và định kỳ 1 – 2 năm.

Phương pháp điều trị viễn thị hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

  • Đeo kính hoặc kính áp tròng có độ viễn thị phù hợp.

  • Phẫu thuật điều chỉnh thị lực (LASIK).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viễn thị

Chế độ sinh hoạt:

  • Khám mắt định kỳ để sớm phát hiện ra vấn đề (nếu có), kiểm tra mắt thường xuyên hơn nếu đang mắc các bệnh mạn tính có khả năng gây ảnh hưởng đến thị lực (đái tháo đường, cao huyết áp…).

  • Sử dụng kính có độ phù hợp và dùng kính áp tròng có chất lượng tốt, phù hợp.

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ nếu bạn đang bị các bệnh về mắt khác (tăng nhãn áp…)

  • Gặp bác sĩ ngay nếu bị đau mắt, đỏ mắt, mỏi mắt, chảy dịch từ mắt hoặc có những thay đổi về thị lực khác.

  • Cần cho mắt nghỉ ngơi 20 giây sau mỗi 20 phút sử dụng mắt liên tục hoặc khi nhìn vào màn hình máy tính bằng cách nhìn ra khoảng cách xa chừng 6m. Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng cho mắt sau khi điều tiết mắt quá nhiều.

  • Tránh làm việc, đọc sách… ở những nơi không đủ ánh sáng.

  • Ngủ đủ giấc, cho mắt có thời gian nghỉ ngơi.

  • Rửa mắt bằng nước muối sinh lý, nhất là khi ở nơi có nhiều bụi bẩn.

Chế độ dinh dưỡng:

Cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho mắt từ các thực phẩm bổ sung hàng ngày như:

  • Vitamin A: Trứng, sữa, gan động vật…

  • Vitamin C: Ổi, cam, chanh, cà chua…

  • Vitamin E: Các loại hạt, ngũ cốc, dầu thực vật.

  • β – caroten: Rau củ màu vàng cam (cà rốt, bí đỏ…), rau màu xanh đậm (bông cải xanh…), khoai lang…

  • Selenium: Thịt, trứng, hải sản, cật, gan…

  • Lutein: Cải bó xôi, bắp…

  • Omega – 3, DHA, EPA.

Phương pháp phòng ngừa viễn thị hiệu quả

Không thể phòng ngừa viễn thị, nhưng bạn có thể chăm sóc tốt đôi mắt của mình, đi khám mắt định kỳ cũng như khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào về mắt xuất hiện.

Nguồn tham khảo
  1. Webmd: https://www.webmd.com/
  2. Mayoclinic: https://www.mayoclinic.org/
  3. Healthline: https://www.healthline.com/
  4. MSD manuals: https://www.msdmanuals.com/
  5. https://www.matsaigon.com/

Các bệnh liên quan

  1. Tật không nhãn cầu

  2. Hắc võng mạc trung tâm

  3. Xuất huyết võng mạc

  4. Viêm màng bồ đào

  5. Cận thị

  6. Hội chứng Sjogren

  7. Bong võng mạc

  8. Màng trước võng mạc

  9. Loét giác mạc

  10. Viêm bờ mi trên mắt