Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược chất/
  3. Fenoldopam

Fenoldopam - Trị tăng huyết áp trong trường hợp khẩn cấp

09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Fenoldopam (fenoldopam mesylate)

Loại thuốc

Thuốc giãn mạch trực tiếp dẫn xuất benzazepine

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch đậm đặc để truyền tĩnh mạch 10 mg/ml (fenoldopam), ống 1 ml, 2 ml

Chỉ định

Tăng huyết áp (THA):

  • Được sử dụng trong thời gian ngắn hạn (đến 48 giờ), điều trị tại bệnh viện đối với THA nghiêm trọng ở người lớn khi có chỉ định cấp cứu hạ huyết áp (HA) nhanh chóng nhưng có thể hồi phục nhanh chóng (như THA ác tính với suy giảm chức năng cơ quan nội tạng, cấp cứu tăng huyết áp). Có thể bắt đầu chuyển sang điều trị bằng đường uống với một thuốc hạ huyết áp khác bất cứ lúc nào sau khi HA ổn định trong khi truyền fenoldopam.
  • Được sử dụng trong thời gian ngắn (lên đến 4 giờ), điều trị cao huyết áp tại bệnh viện ở bệnh nhân nhi. Fenoldopam có thể được sử dụng để điều trị tăng huyết áp nghiêm trọng cấp tính ở bệnh nhi không có các triệu chứng đe dọa tính mạng mà liệu pháp uống không thích hợp.
  • Hiệu quả hạ huyết áp tương tự như natri nitroprusside ở người lớn bị tăng huyết áp nghiêm trọng.
  • Có thể có tác dụng có lợi trên chức năng thận; đặc biệt hữu ích ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp nghiêm trọng liên quan đến tổn thương cơ quan đích ở thận hoặc quá tải thể tích (như CHF, suy thận mãn tính).

Dược lực học

Fenoldopam là thuốc giãn mạch tác dụng nhanh. Fenoldopam là chất chủ vận thụ thể dopamine giống D1 và liên kết với ái lực trung bình với thụ thể adrenergic α2.

Nó không có ái lực đáng kể với các thụ thể giống D2, thụ thể adrenergic α1 và β, thụ thể 5HT1 và 5HT2, hoặc thụ thể muscarinic. Fenoldopam là một hỗn hợp racemic với đồng phân R chịu trách nhiệm cho hoạt tính sinh học.

Đồng phân R có ái lực với thụ thể giống D1 cao hơn khoảng 250 lần so với đồng phân S. Fenoldopam không có tác dụng chủ vận trên thụ thể dopamine giống D2 tiền synap, hoặc thụ thể adrenergic α hoặc β, cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của enzym chuyển đổi angiotensin. Fenoldopam có thể làm tăng nồng độ norepinephrine trong huyết tương.

Tác dụng giãn mạch đã được chứng minh ở các tiểu động mạch đi và đến ở thận.

Ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp nặng, fenoldopam làm giảm nhanh HATT và HATTr và tăng nhịp tim liên quan đến liều lượng, có thể có tác dụng có lợi trên chức năng thận; tăng tiết nước tiểu, bài tiết natri và ổn định độ thanh thải creatinin, kể cả người suy thận.

Động lực học

Hấp thu

Thời gian khởi phát

Người lớn:

Bắt đầu đáp ứng nhanh, hầu hết tác dụng hạ huyết áp đạt được sau 15 phút.

Bệnh nhi:

Tác dụng lên HA và nhịp tim rõ rệt trong vòng 5 phút sau khi bắt đầu truyền. Hiệu quả tăng dần theo thời gian trong 15 - 25 phút; tác dụng vẫn được quan sát thấy ở 4 giờ sau khi bắt đầu truyền.

Thời gian tác dụng

Người lớn:

Tác dụng đáng kể kéo dài qua 48 giờ truyền liên tục. Sau khi ngừng truyền fenoldopam, HA dần trở về giá trị trước điều trị mà không có bằng chứng về tăng huyết áp dội ngược.

Bệnh nhân nhi:

HA và nhịp tim đạt đến giá trị nền trong 30 phút sau khi ngừng truyền fenoldopam.

Phân bố

Phân bố vào sữa ở chuột; không biết có được phân bố vào sữa mẹ hay không. Chỉ một lượng tối thiểu (≤ 0,005%) vượt qua hàng rào máu não ở chuột. Liên kết protein huyết tương khoảng 85 - 90%.

Chuyển hóa

Chuyển hóa chủ yếu bằng cách liên hợp (methyl hóa, glucuronid hóa, sulfat hóa) thành các chất chuyển hóa không hoạt tính. Không bị chuyển hóa bởi các enzym cytochrom P450.

Thải trừ

Thải trừ qua nước tiểu (90%) chủ yếu dưới dạng chất chuyển hóa không hoạt tính và qua phân (10%). Khoảng 4% liều dùng được bài tiết dưới dạng không đổi.

Thời gian bán thải ở người lớn khoảng 5 - 10 phút, ở bệnh nhi (1 tháng đến 12 tuổi) khoảng 3 - 5 phút.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Fenoldopam phối hợp với thuốc chẹn β-Adrenergic có thể gây hạ huyết áp thứ phát do ức chế phản xạ giao cảm của thuốc chẹn β đối với fenoldopam

Tương kỵ thuốc

Dung dịch fenoldopam không tương thích với aminophylline, amphotericin B, ampicillin natri, bumetanide, cefoxitin natri, dexamethasone natri phosphat, diazepam, fosphenytoin natri, furosemide, ketorolac tromethamine, methohexital natri, methylprednisolone natri succinat, pentobarbital natri, phenytoin natri, prochlorperazine edisylate, natri bicacbonat.

Chống chỉ định

Thuốc chống chỉ định ở những bệnh nhân có nguy cơ tăng áp suất nội nhãn (IOP) (bệnh tăng nhãn áp) hoặc áp lực nội sọ và những người bị dị ứng với sulfit.

Liều lượng & cách dùng

Liều lượng

Chọn liều lượng ban đầu dựa trên mức độ và tốc độ mong muốn giảm HA đối với tình trạng lâm sàng nhất định.

Người lớn

Liều ban đầu thông thường: 0,01–0,3 mcg/kg mỗi phút. Để đạt được hiệu quả điều trị mong muốn, có thể chuẩn độ liều lượng tăng dần 0,05–0,1 mcg/kg mỗi phút không thường xuyên hơn 15 phút một lần cho đến khi đạt được HA mục tiêu.

Liều ban đầu thấp hơn (< 0,1 mcg/kg mỗi phút) được chuẩn độ tăng liều chậm ít xảy ra nhịp tim nhanh phản xạ hơn.

Trẻ em

Giảm HA tại bệnh viện, ngắn hạn (≤ 4 giờ): ban đầu 0,2 mcg/kg mỗi phút bằng cách truyền tĩnh mạch theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Có thể tăng liều sau 20 - 30 phút lên đến 0,3 -0,5 mcg/kg mỗi phút đến liều lượng tối đa là 0,8 mcg/kg mỗi phút.

Tăng huyết áp nghiêm trọng cấp tính mà không có các triệu chứng đe dọa tính mạng: liều 0,2 - 0,5 mcg/kg mỗi phút bằng cách truyền tĩnh mạch, có thể được điều chỉnh lên đến 0,8 mcg/kg mỗi phút nếu cần thiết. Giảm HA ở những bệnh nhân này ≤ 25% mức giảm dự kiến ​​trong 8 giờ đầu tiên, phần còn lại giảm trong 12–24 giờ tiếp theo.

Liều > 0,8 mcg/kg mỗi phút làm tăng nhịp tim nhanh mà không làm giảm thêm áp lực động mạch trung bình. Thời gian điều trị không quá 4 giờ.

Tác dụng hạ huyết áp của fenoldopam được đánh giá ở bệnh nhi (< 1 tháng tuổi [≥ 2 kg hoặc đủ tháng] đến 12 tuổi) cần giảm HA.

Ảnh hưởng lâu dài của fenoldopam đối với sự tăng trưởng và phát triển ở bệnh nhi chưa được nghiên cứu.

Đối tượng khác

Suy gan:

Không có khuyến cáo về liều lượng cụ thể.

Suy thận:

Không có khuyến cáo về liều lượng cụ thể.

Bệnh nhân lão khoa

Lựa chọn liều lượng một cách thận trọng vì sự suy giảm chức năng gan, thận và/hoặc tim liên quan đến tuổi, bệnh kèm và thuốc điều trị.

Không đủ kinh nghiệm ở các bệnh nhân ≥ 65 tuổi để xác định xem bệnh nhân có phản ứng khác với người trẻ tuổi hay không; lựa chọn liều lượng một cách thận trọng.

Cách dùng

Sử dụng bằng cách truyền tĩnh mạch liên tục.

Điều chỉnh liều lượng theo HA cho đến khi đạt HA mục tiêu.

Có thể ngừng truyền fenoldopam đột ngột hoặc giảm dần trước khi ngừng điều trị.

Có thể dùng thuốc hạ huyết áp đường uống trong khi truyền fenoldopam hoặc sau khi ngừng truyền.

Pha loãng

Trước khi dùng, pha loãng thuốc tiêm fenoldopam đậm đặc trong thuốc tiêm natri clorid 0,9% hoặc thuốc tiêm dextrose 5%.

Nồng độ fenoldopam cuối cùng được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em là 60 mcg/mL, cho người lớn là 40 mcg/mL.

  • Dung dịch tiêm truyền cho bệnh nhi: Thêm 3, 1,5 hoặc 0,6 mL (30, 15, hoặc 6 mg) dung dịch tiêm fenoldopam tương ứng vào 500, 250 hoặc 100 mL dung dịch pha loãng tương ứng để đạt được dung dịch tiêm truyền có nồng độ fenoldopam cuối cùng 60 mcg/mL.
  • Dung dịch tiêm truyền cho người lớn: Thêm 4, 2, hoặc 1 mL (40, 20, hoặc 10 mg) nồng độ thuốc tiêm fenoldopam vào 1000, 500 hoặc 250 mL tương ứng để đạt được dung dịch tiêm truyền có nồng độ fenoldopam cuối cùng là 40 mcg/mL.

Tốc độ truyền

Người lớn và bệnh nhi: Cá nhân hóa tốc độ truyền theo trọng lượng cơ thể, tốc độ và mức độ tác dụng dược lực học mong muốn.

Tác dụng phụ

Thường gặp

  • Nhức đầu, giãn da (đỏ bừng), buồn nôn, nôn mửa, hạ huyết áp;
  • Phản ứng tại chỗ tiêm;
  • Đảo ngược sóng T.

Ít gặp

Không có thông tin.

Hiếm gặp

Không có thông tin.

Không xác định tần suất

  • Chóng mặt, đau bụng, chướng bụng;
  • Ngoại tâm thu, đánh trống ngực, suy tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, nhịp tim nhanh;
  • Đau ngực, sốt, nóng, tăng lactate dehydrogenase;
  • Hạ kali máu, tăng đường huyết;
  • Kích động/lo lắng, mất ngủ;
  • Tăng urê máu, creatinin máu, transaminase;
  • Tăng tiết mồ hôi, thiểu niệu, co thắt cơ ;
  • Tăng áp suất nội nhãn.

Lưu ý

Lưu ý chung

Thuốc có chứa sulfit, có thể gây ra các phản ứng kiểu dị ứng (bao gồm phản vệ và các cơn hen đe dọa tính mạng hoặc ít nghiêm trọng hơn) ở một số người nhạy cảm.

Nhịp tim nhanh ở người lớn được truyền với tốc độ truyền > 0,1 mcg/kg mỗi phút và ở bệnh nhi được truyền với tốc độ truyền > 0,8 mcg/kg mỗi phút. Ở người lớn, nhịp tim nhanh có thể giảm dần theo thời gian khi tiếp tục điều trị ở liều fenoldopam < 0,1 mcg/kg mỗi phút. Fenoldopam có thể gây đảo ngược song T điện tâm đồ, ngoại tâm thu, đánh trống ngực, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và cơn đau thắt ngực.

Giảm kali huyết thanh sau khi truyền fenoldopam < 6 giờ, theo dõi nồng độ kali huyết thanh.

Tăng IOP phụ thuộc vào liều lượng, có thể đảo ngược ở những bệnh nhân bị bệnh tăng nhãn áp hoặc tăng huyết áp ở mắt.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Phân loại B.

Tác hại của fenoldopam đối với bào thai không được quan sát thấy trong các nghiên cứu sinh sản ở động vật; còn thiếu các nghiên cứu về sinh sản ở người. Chỉ sử dụng trong thời kỳ mang thai nếu thật cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Phân bố vào sữa ở chuột; không biết có được phân bố vào sữa mẹ hay không. Ngừng cho con bú hoặc ngưng thuốc.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Thuốc có tác dụng phụ gây nhức đầu, chóng mặt nên thận trọng khi sử dụng cho người lái xe và vận hành máy móc

Quá liều

Quên liều và xử trí

Fenoldopam được sử dụng dưới dạng truyền liên tục trong trường hợp khẩn cấp ở bệnh viện, nên không có khả năng quên liều.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Fenoldopam được sử dụng bởi nhân viên y tế trong cơ sở y tế, nên khó có thể xảy ra quá liều. Quá liều Fenoldopam có chủ ý chưa được báo cáo. Phản ứng dễ xảy ra nhất là hạ huyết áp quá mức.

Cách xử lý khi quá liều

Điều trị bằng ngừng thuốc và các biện pháp hỗ trợ thích hợp.

Nguồn tham khảo